Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2022 tỉnh Ninh Thuận

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

   Tính đến trung tuần tháng 5/2022 vụ Đông xuân thu hoạch gần như dứt điểm. Dịch bệnh được kiểm soát nên chăn nuôi heo và gia cầm tái đàn tăng. Sản xuất lâm nghiệp hiện chưa có kế hoạch trồng rừng, tiếp tục công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Khai thác hải sản trong tháng gặp cá nổi, ước tính sản lượng tăng hơn cùng kỳ.

a/ Nông nghiệp

            Tính đến ngày 15/5/2022, cả tỉnh gieo đạt 17.875,6 ha lúa Đông xuân, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Lúa Đông xuân thu hoạch gần như đã dứt điểm, còn số ít gieo trồng muộn đang thu hoạch rải rác. Dự ước năng suất lúa Đông xuân năm nay đạt 67,5 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; ước sản lượng lúa 120,7 nghìn tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm do Đông xuân năm trước thuận lợi hơn về thời tiết và đất trồng...

  Cùng với thu hoạch lúa Đông xuân, đến trung tuần tháng Năm, ước tính các huyện thu hoạch đạt 16,3 nghìn tấn ngô, tăng 11,3% so cùng kỳ; 60 nghìn tấn rau các loại, giảm 10,9%; 0,5 nghìn tấn đậu các loại, giảm 7,9%. Cả tỉnh đã xuống giống được 2.764,3 ha ngô, tăng 1,1% so cùng kỳ; 89,8 ha khoai lang, tăng 45,8%; 292 ha lạc (đậu phộng), tăng 8,8%; 3.759,7 ha ra, đậu các loại, giảm 7,1%;...

Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong tháng được kiểm soát tốt; thị trường và giá tiêu thụ đối với gia súc đang khôi phục và ổn định trở lại. Đàn trâu giảm nhẹ 0,4% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng ước đạt 10,6 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Đàn bò giảm 1,3%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 474,1 tấn, tăng 0,9%. Đàn dê, cừu ngang bằng; sản lượng xuất chuồng ước đạt 340 tấn, tăng 2,3%. Đàn heo tăng 10,3%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 2.036,7 tấn, tăng 34,5%. Đàn gia cầm tăng 5,2%; sản lượng xuất chuồng ước đạt 553,2 tấn, tăng 3,3%.

b/ Lâm nghiệp

Tình hình lâm nghiệp của tỉnh tháng Năm chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Khai thác gỗ trong tháng chủ yếu thuộc hộ cá thể ước đạt 115,6 m3, giảm 2,3% so cùng kỳ; củi khai thác và thu nhặt ước đạt 1.042,5 ster, tăng 4,3%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả tỉnh không phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,6 nghìn cây, tăng 55,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 745,2 m3, giảm 39,7%; sản lượng củi khai thác đạt 8.485 ste, giảm 0,2%.

Công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Trong tháng Năm cả tỉnh có 2,4 ha rừng bị thiệt hại, gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ là diện tích bị chặt phá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng bị thiệt hại là 5,8 ha, giảm 31,1% so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ là diện tích bị chặt phá.

c/ Thuỷ sản

Trong tháng Năm, sản lượng thủy sản cả tỉnh ước đạt 10.417,7 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 8.909,7 tấn, tăng 6,6%; tôm đạt 770,4 tấn, giảm 6,9%; thủy sản khác đạt 737,6 tấn, tăng 15,2%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 43.607,7 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 3.405,5 tấn, tăng 0,5%; sản lượng khai thác đạt 40.202,2 tấn, tăng 6% (chủ yếu là sản lượng thủy sản khai thác biển).

Sản l­ượng giống thủy sản sản xuất tháng Năm ước đạt 3.260 triệu con, giảm 4,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó tôm giống ước đạt 3.250 triệu con, giảm 4,4%. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng giống sản xuất 18.430 triệu con, tăng 3,9%; trong đó tôm giống ước đạt 18.300 triệu con, tăng 3,4%.

2. Sản xuất công nghiệp

   Sản xuất công nghiệp tháng 5/2022 tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng sau giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19, ước tính tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%.

   Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Năm ước tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 4,86%; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,58%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,05%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,60%.

   Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,41%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,30%; riêng ngành khai khoáng giảm 14,91%.

   Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước: Tôm đông lạnh tăng 87%; nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 56%; thạch nha đam tăng 48,9%; điện gió tăng 47,5%; bia đóng lon tăng 14,3%; thủy điện tăng 12,8%. Một số sản phẩm giảm: các loại đá lót lề đường giảm 52,9%; muối biển giảm 32,2%; hạt điều khô giảm 31,8%; tinh bột sắn giảm 31,8%, dự kiến trong tháng ngừng sản xuất vì hết nguyên liệu; sản xuất đường giảm 17,2%, hiện đã ngừng sản xuất do hết mía nguyên liệu; xi măng giảm 15,8%; điện mặt trời giảm 3,3%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

   Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi sau giai đoạn suy giảm vì dịch COVID-19. Trong 5 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 65,4% và số doanh nghiệp thông báo giải thể giảm 32,5%. Riêng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Năm có 27 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 577 tỷ đồng, tăng 28,6% số doanh nghiệp và số vốn đăng ký tăng gần 3,6 lần so cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng năm 2022, có 236 doanh nghiệp thành lập mới/11.094,2 tỷ đồng, tăng 38% số doanh nghiệp và số vốn đăng ký tăng 6,1 lần so cùng kỳ. Có 86 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 65,4% so cùng kỳ; có 27 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, giảm 32,5% và có 120 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 18,4%.

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 18/5/2022, có 3.991 doanh nghiệp/90.537 tỷ đồng.

4. Đầu tư

   Trong tháng Năm, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2022 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 29,3% kế hoạch năm và tăng 72,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất các năm 2015-2022.

Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Năm ước tính đạt 155,9 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 97,1 tỷ đồng, ng 5,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 58,7 tỷ đồng, tăng 100,1%.

      Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 728,7 tỷ đồng, tăng 72,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 435,5 tỷ đồng, tăng 40%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 293,2 tỷ đồng, tăng 166%.

5. Tài chính, Ngân hàng

a/ Tài chính

   Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu trang thiết bị phục vụ các dự án năng lượng tái tạo giảm là nguyên nhân chính làm giảm sâu chỉ tiêu thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu, kéo Tổng thu ngân sách Nhà nước giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý Nhà nước.

   Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 1.644 tỷ đồng, đạt 47,1% dự toán năm và giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 1.628,3 tỷ đồng, đạt 54% và tăng 11,6%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 15,7 tỷ đồng, đạt 3,15% và giảm 96,75%.

   Tổng chi ngân sách Nhà nước (không tính chi từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ) ước tính đạt 2.715,5 tỷ đồng, đạt 42% dự toán năm.

b/ Ngân hàng

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong tháng Năm tiếp tục ổn định và an toàn. Huy động vốn và dư nợ tín dụng tiếp tục có sự tăng trưởng so với tháng trước và cuối năm 2021. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng trọng điểm. Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 5/2022: Nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 20.100 tỷ đồng, tăng 0,01% (tăng 162,2 tỷ đồng) so với tháng trước; tăng 0,08% (tăng 1.463 tỷ đồng) so với cuối năm 2021; bằng 96,3% kế hoạch năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 0,01% (tăng 365,9 tỷ đồng) so với tháng trước; tăng 0,02% (tăng 664 tỷ đồng) so với cuối năm 2021; bằng 88,7% kế hoạch năm 2022. Dư nợ xấu trên địa bàn là 230 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,68% so với tổng dư nợ, tăng 0,02% so với tỷ lệ nợ xấu cuối tháng trước (số tuyệt đối tăng 4,8 tỷ đồng) và tăng 0,1% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 (số tuyệt đối tăng 20,7 tỷ đồng).

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

a/ Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát ổn định và các ngày nghỉ lễ trong tháng tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm tăng 4% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính đạt 2.759,5 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.246,4 tỷ đồng, tăng 3,6% và tăng 24,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 323,9 tỷ đồng, tăng 6,5% và tăng 28% do dịch bệnh COVID-19 trong tỉnh được kiểm soát tốt, nhu cầu du lịch của người dân vào dịp lễ 30/4 và 01/5 tăng hơn cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,3 tỷ đồng, tăng 24,3% và giảm 10,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 188,9 tỷ đồng, tăng 4,4% và tăng 36,1%.

   Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12.794,6 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo ngành hoạt động 5 tháng đầu năm nay: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 10.416,6 tỷ đồng, chiếm 81,4% tổng mức và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; may mặc giảm 5,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 18,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 3,3%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 1.462,4 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng mứctăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 0,9 tỷ đồng, chiếm 0,01% giảm 35,2%. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 914,7 tỷ đồng, chiếm 7,1% tăng 13,1%.

b/ Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

   Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 1,73% so với tháng 12/2021 và tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,59% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2017[1].

   Trong mức tăng 0,62% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 so với tháng trước có 9/11 nhóm có chỉ số giá tăng, là: mhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,01% (làm CPI chung tăng 0,28 điểm phần trăm) do nh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 04/5/2022, 11/5/2022  và 23/5/2022 đã làm cho giá xăng tăng 5,92%; dầu diezen tăng 4,0%; giá xe máy tăng 1,72%; phụ tùng xe tăng 1,16%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 3,26%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,87% chủ yếu là giá bia tăng cao do giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất bia tăng cao, cộng với thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng, cụ thể: giá bia chai tăng 9,89%, bia lon tăng 10,95%; nước uống tăng lực đóng chai tăng 0,33% so với tháng trước. Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 1,05% do giá xăng dầu và chi phí sản xuất tăng, trong đó giá vải các loại tăng 2,93% so với tháng trước; quần áo may sẵn tăng 1,11%; mũ nón tăng 0,73%; giày dép tăng 0,68%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,83% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,82% do giá thép tăng; giá dầu hỏa tăng 4,79% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 04/5/2022 và 11/5/2022; giá điện và nước sinh hoạt tháng 5/2022 tăng theo nhu cầu sử dụng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: bàn là điện tăng 1,87% so với tháng trước, ổ cắm điện tăng 2,79%; ấm, phích điện tăng 4,41%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,59% do chi phí vận chuyển và sản xuất tăng. Nhóm giáo dục tăng 0,12%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,02% do giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 1,03% so với tháng trước; bánh mì tăng 4,78%; bột mì tăng 1,22%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,23%. Nhóm duy nhất có chỉ số giá giảm là thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,04%. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông không thay đổi.

   CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2021; CPI tháng 5/2022 tăng 1,73% so với tháng 12/2021 và tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vàng biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tháng 5/2022 giảm 0,99% so với tháng trước và tăng 5,02% so cùng kỳ năm trước; giá vàng 9999 hiện ở mức 5.430.000 đồng/chỉ. Giá đô la Mỹ tăng 1,54% so với tháng trước và tăng 0,81% so cùng kỳ năm trước; giá đô la Mỹ hiện ở mức 23.950 đồng/USD.

c/ Vận tải hành khách và hàng hóa

Tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt đã thúc đẩy hoạt động vận tải trong tháng Năm tăng mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, nhất là vận tải hành khách cho nhu cầu tham quan, du lịch vào dịp lễ.

   Vận tải hành khách tháng Năm ước đạt 0,5 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 24,1% so với tháng trước và luân chuyển 34 triệu lượt hành khách.km, tăng 22,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vận tải hành khách đạt 2,3 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 170,1 triệu lượt hành khách.km, tăng 26,9%. Toàn bộ là hoạt động vận tải  đường bộ trong nước.

   Vận tải hàng hóa tháng Năm ước đạt 0,7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 9,1% so với tháng trước và luân chuyển 50,9 triệu tấn.km, tăng 8,5%. Lũy kế 5 tháng, vận tải hàng hóa đạt 3,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 236,1 triệu tấn.km, tăng 14%. Toàn bộ là hoạt động vận tải  đường bộ trong nước.

7. Một số vấn đề xã hội

a/ Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

Trong tháng Năm, giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng Người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội thực hiện được đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm. Đời sống dân cư nhìn chung ổn định.

Trong tháng, tiếp nhận và thực hiện giải quyết 96 hồ sơ, trong đó: giải quyết chế độ, chính sách 75 hồ sơ; xác lập và thực hiện thủ tục 21 hồ sơ. Khảo sát nhà ở cho 08 hộ gia đình người có công huyện Bác Ái; thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhân Lễ Phật Đản năm 2022.

Tổ chức 5 lớp tập huấn truyền thông cung cấp kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em năm 2022 tại 5 huyện (Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn và Thuận Bắc) cho 200 em học sinh/huyện. Khảo sát xây dựng 10 căn nhà tình thương cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn tài trợ ngân hàng Vietcombank.

b/ lao động, việc làm

Trong tháng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.482 lượt người, nâng tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm là  8.093/15.000 lượt người đạt tỷ lệ 53,95%; trong tháng kết nối việc làm được 48 người, nâng tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm đến tháng 5/2022 đạt 22,7% (227/1.000 người). Số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 391 hồ sơ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng 376 hồ sơ với kinh phí chi trả 7,2 tỷ đồng, nâng tổng số hồ sơ có Quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp 5 tháng đầu năm lên 1.774 người với số tiền chi 30,4 tỷ đồng.

c/ Giáo dục

            Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tổng thể về thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy học an toàn, chất lượng và hoàn thành chương trình kế hoạch năm học 2021-2022 các cấp học theo Khung kế hoạch thời gian năm học; hướng dẫn công tác thi, tuyển sinh đầu cấp và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các kỳ thi năm 2022; triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 7-8/7/2022. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, đúng quy chế đang được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD &ĐT) tích cực triển khai thực hiện: tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến, triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022; tập huấn kỹ thuật máy tính cho cán bộ các trường. Bên cạnh đó, các trường cũng khẩn trương triển khai công tác đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ; xây dựng kế hoạch triển khai công tác dạy học, ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức; tổ chức các đợt thi thử; phổ biến, hướng dẫn, tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh tự tin tham gia và đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 sắp tới.

d/ Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trong tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh không phát sinh người mắc mới COVID-19 được cấp mã số, không có trường hợp tử vong do COVID-19. Tính từ đầu năm 2022 đến 18/5/2022, toàn tỉnh có 2.934 người mắc COVID-19, 06 trường hợp tử vong.

Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tiếp tục triển khai tại các điểm tiêm trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 18/5/2022, tổng số vắc xin tỉnh nhận được là 1.316.900 liều; đã tiêm 1.281.974 mũi tiêm, đạt tỷ lệ 97,3%.

Công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm lưu hành được duy trì thường xuyên tại các tuyến. Tính đến ngày 18/5/2022: toàn tỉnh có 60 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, giảm 59,7% so với cùng kỳ (60/149); 10 trường hợp mắc Tay chân miệng, giảm 81,5% so với cùng kỳ năm 2021 (02/54); các bệnh dịch truyền nhiễm khác chỉ mắc tản phát.

d/ Văn hóa, thể thao

   Tiếp tục tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận, gắn với 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với các hoạt động Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, như: Cuộc thi xếp sách nghệ thuật với 08 mô hình, thu hút gần 2.000 lượt bạn đọc tham quan, bình chọn các mô hình; thi viết với chủ đề “Đọc sách để thay đổi” có 1.159 thí sinh dự thi đến từ 25 trường học các cấp trên địa bàn tỉnh tham gia; thi vẽ tranh với chủ đề “Ước mơ tuổi thơ về một Ninh Thuận đẹp giàu” thu hút 13.630 thí sinh dự thi đến từ 50 trường Tiểu học và Trung học cơ sở.

Tổ chức các giải thi đấu trong năm 2022: Giải Cờ vua học sinh các cấp, Giải đua Xe đạp phong trào tỉnh Ninh Thuận năm 2022 - Cúp Trung Nam Group và Giải các Câu lạc bộ Vovinam. Ban hành Điều lệ tổ chức các Giải thể thao: Taekwondo, Karate các Câu lạc bộ tỉnh Ninh Thuận năm 2022.

Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 với trên 200 đại biểu các tỉnh, thành tham dự. Tham gia Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022.

đ/ Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/4 đến ngày 14/5/2022), xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 02 người chết, 09 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 06 vụ (giảm 37,5%); số người chết giảm 05 người (giảm 71,4%); số người bị thương giảm 06 người (giảm 40%). So với cùng kỳ năm trước, Số vụ giảm 01 vụ (giảm 9,1%); số người chết giảm 01 người (giảm 33,3%); số người bị thương tăng 01 người (tăng 12,5%).

            Tính chung 5 tháng năm 2022, cả tỉnh đã xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông, làm 21 người chết, 53 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 15 vụ (giảm 21,1%); số người chết giảm 09 người (giảm 30%); số người bị thương giảm 15 người (giảm 22,1%). Bình quân 2,8 ngày xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông (cùng kỳ năm 2021 là 2,1 ngày/vụ).

e/ Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

  Trong tháng Năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ. So với tháng trước, số vụ cháy giảm 01 vụ; không thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản giảm 56 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy không tăng/giảm.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, cả tỉnh xảy ra 02 vụ cháy; không thiệt hại về người; tài sản thiệt hại 152 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 01 vụ; không thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản giảm 46,6 triệu đồng.

            Vụ nổ không xảy ra.

g/ Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không xảy ra vụ thiên tai, không tăng/giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ thiên tai, tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm trước; không thiệt hại về người, không tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước; tài sản thiệt hại 65 triệu đồng, tăng 65 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước./.

*Đính kèm file: “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 năm 2022” 

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)



Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 1139
  • Trong tuần: 5746
  • Tất cả: 950618

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn