Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1 Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/11/2023, cả tỉnh gieo cấy được 13,4 nghìn ha lúa mùa, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước; 11,8 nghìn ha ngô, tăng 6,6%; 0,2 nghìn ha khoai lang, tăng 0,8%; 0,6 nghìn ha lạc, tăng 4,3%; 11,7 nghìn ha rau, đậu các loại, giảm 1%.

Ước tính cuối tháng Mười Một, tổng số trâu của cả tỉnh giảm 0,5% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số bò tăng 0,4%; tổng số heo tăng 4,2%; tổng số dê, cừu giảm 5%; tổng số gia cầm tăng 7,9%.

1.2 Lâm nghiệp

Trong tháng, số diện tích trồng rừng mới tập trung đạt 270 ha, giảm 28% so cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước thực hiện 90 nghìn cây, tăng 12,5%. Sản lượng gỗ khai thác ước được 90 m3, giảm 10%; sản lượng củi khai thác là 2,15 nghìn ste, giảm 24,8%.

Tính chung 11 tháng, diện tích trồng rừng mới tập trung đạt 520 ha, giảm 34,5% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước được 460,5 nghìn cây, tăng 29,3%. Sản lượng khai thác gỗ ước đạt 1.265 m3, tăng 27%; sản lượng khai thác củi đạt 29,9 nghìn ste , tăng 0,5%.

1.3 Thuỷ sản

Sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt 4,9 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 3,7 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 0,5 nghìn tấn, giảm 3%; thủy sản khác đạt 0,7 nghìn tấn, tăng 10,6%.

Lũy kế 11 tháng, sản lượng thủy sản ước đạt 139,6 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 10,4 nghìn tấn, tăng 4,7%; sản lượng khai thác đạt 129,2 nghìn tấn, tăng 3,5%.

            2. Sản xuất công nghiệp

   Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 11/2023 ước tăng 9,27% so với tháng trước và tăng 26,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất và phân phối điện tăng 33,20%; chế biến, chế tạo tăng 15,98%; khai khoáng tăng 2,30%.

   Tính chung 11 tháng, IIP toàn ngành ước tính tăng 12,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chủ lực sản xuất và phân phối điện tăng 14,35% là động lực tăng trưởng toàn ngành; ngành khai khoáng tăng 50,74%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,29%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: sản xuất đường tăng 71,9%; hạt điều khô tăng 39,7%; muối biển tăng 32%; muối chế biến tăng 27,9%; điện sản xuất tăng 12,7% (trong đó, điện mặt trời tăng 8,8%); quần áo các loại tăng 12,1%; tôm đông lạnh tăng 8%; thạch nha đam tăng 6,2%; phân vi sinh tăng 5,4%. Một số sản phẩm giảm: tinh bột mỳ giảm 49,2%; bia đóng lon giảm 16,7%; một số sản phẩm xây dựng giảm (trong đó, khai thác đá xây dựng giảm 5,5%; xi măng giảm 37,2%; gạch giảm 57,1%).

            3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Lũy kế 11 tháng đầu năm, có 392 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 5.615,8 tỷ đồng, giảm 16,8% số doanh nghiệp và giảm 60,2% số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2022. Có 126 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6%; 92 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 16,5%; 215 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 8,6%.

            4. Đầu tư

Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười Một ước đạt 345,1 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 270,5 tỷ đồng, tăng 11,2% và tăng 15,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 70 tỷ đồng, giảm 17,8% và giảm 32,9%.

Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.546,8 tỷ đồng, đạt 77,6% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh: 1.708,4 tỷ đồng, tăng 16,6%; vốn NS Nhà nước cấp huyện: 811,2 tỷ đồng, giảm 4,4%.

            5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 11 tháng năm 2023 ước đạt 3.353,8 tỷ đồng, bằng 91,7% dự toán năm. Trong đó: thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 3.315 tỷ đồng, bằng 94,5% dự toán năm; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 38,8 tỷ đồng, bằng 25,9%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước (không tính chi từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ) ước đạt 6.642,7 tỷ đồng, đạt 88,1% dự toán năm.

            6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

6.1 Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước tính đạt 3.251,4 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

   Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 34.712,1 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 36,6%).

Xét theo ngành hoạt động 11 tháng đầu năm nay: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 26.369,1 tỷ đồng, chiếm 76,0% tổng mức và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 28,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 26%; may mặc tăng 21,5%; lương thực, thực phẩm tăng 8,9%; phương tiện đi lại tăng 6,7%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 5.412,7 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng mức và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 14 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 114,3%. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 2.916,3 tỷ đồng, chiếm 8,4% và tăng 19,6%.

6.2 Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

   Trong mức tăng 0,64% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 so với tháng trước có 6/11 nhóm có CPI tăng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,86% chủ yếu do giá lương thực tăng mạnh 7,68% và giá thực phẩm tăng 1,69%. Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,57% do thời tiết giao mùa, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng giữ ấm như áo len, áo gió tăng. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%. 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ CPI giảm, gồm: nhóm giao thông giảm 1,09% chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước làm cho giá xăng giảm 3,47%; giá dầu diezel giảm mạnh 7,10%. Ngoài ra, giá vé tàu giảm 1,23% là nguyên nhân làm cho chỉ số giá ở nhóm này giảm so với tháng trước. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,60% do các nguyên nhân sau: Điện sinh hoạt giảm 2,64% do thời tiết hiện đang mát dịu, nhu cầu dùng máy lạnh các hộ gia đình giảm; Nước sinh hoạt giảm 0,5% do trong tháng mưa nhiều, nhu cầu dùng nước sinh hoạt và tưới hoa, cây cảnh giảm; Dầu hỏa giảm 5,55% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 1,83%. 3/11 nhóm ổn định: nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính, viễn thông; và nhóm giáo dục.

   CPI tháng 11/2023 tăng 3,88% so với tháng 12/2022 và tăng 4,20% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 4,58% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

6.3 Vận tải hành khách và hàng hóa

   Vận tải hành khách tháng Mười Một ước đạt 1,5 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 9,5% so với tháng trước và luân chuyển 122,7 triệu lượt hành khách.km, giảm 9,4%. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, vận tải hành khách đạt 12,5 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 1.009,5 triệu lượt hành khách.km, tăng 56,1%. Toàn bộ là hoạt động vận tải đường bộ trong nước.

   Vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 1,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,7% so với tháng trước và luân chuyển 95,9 triệu tấn.km, tăng 2,4%. Lũy kế 11 tháng, vận tải hàng hóa đạt 12,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 962,5 triệu tấn.km, tăng 29%. Toàn bộ là hoạt động vận tải  đường bộ trong nước.

            7. Một số vấn đề xã hội

7.1 Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

   Công tác tư vấn giới thiệu việc làm tiếp tục được đổi mới, mở rộng hướng tiếp cận của người lao động. Từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm mới 18.084 lao động, đạt 113,04% kế hoạch năm, giảm 4% so với năm 2022. Trong đó: Lao động trong tỉnh là 9.070 lao động, chiếm 50,16%; lao động ngoài tỉnh là 8.843 lao động, chiếm 48,90%; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 171 lao động, đạt 118% so với chỉ tiêu giao, tăng 11% so với năm 2022.

7.2 Lao động, việc làm

Trong tháng Mười Một, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách Người có công với cách mạng, các hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người cao tuổi,... được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm. Đời sống dân cư tiếp tục ổn định.

7.3 Giáo dục

Tính đến tháng 11/2023, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 148 trường, trong đó: trường phổ thông là 123/207 trường (Tiểu học 80 trường, THCS 34 trường, THPT 09 trường) đạt tỷ lệ 59,4%; số trường mầm non đạt chuẩn là 25/88 trường đạt tỷ lệ 28,4%.

7.4 Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 02/11/2023, toàn tỉnh ghi nhận 239 trường hợp mắc Covid-19, giảm 91,8% so với cùng kỳ năm 2022. Không có tử vong.

Tính đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh ghi nhận 518 ca mắc Sốt xuất huyết, giảm 65,9% so với cùng kỳ năm trước; 523 ca mắc Tay chân miệng, tăng 12,6 lần; 88 ca Thủy đậu, tăng 82 ca; 84 ca bệnh Lỵ, tăng 15 ca; 08 ca Sốt rét, tăng 04 ca; 02 ca Thương hàn, tăng 01 ca.

7.5 Văn hóa, thể thao

Tổ chức thành công Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ. Triển khai công tác tuyên truyền các ngày kỷ niệm lớn.

Tổ chức thành công Giải Bóng chuyền tỉnh Ninh Thuận năm 2023 và giải Golf Ninh Thuận - Bình Thuận mở rộng năm 2023.

7.6 Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/10/2023 đến 14/11/2023), xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông, làm 07 người chết, 21 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 11,1% (giảm 03 vụ); số người chết không tăng không giảm; số người bị thương giảm 41,7% (giảm 15 người). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 20% (tăng 04 vụ); số người chết tăng 250% (tăng 05 người); số người bị thương giảm 19,2% (giảm 05 người).

Tính chung 11 tháng, cả tỉnh đã xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm 48 người chết, 150 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 13,4% (tăng 18 vụ); số người chết tăng 11,6% (tăng 05 người); số người bị thương tăng 7,1% (tăng 10 người). Bình quân 2,2 ngày xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông (cùng kỳ năm 2022 là 2,5 ngày).

7.7 Tình hình cháy, nổ

Lũy kế 11 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy; làm 01 chiến sĩ tham gia chữa cháy bị thương; tài sản thiệt hại 3.387,3 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy tăng 42,9% (tăng 03 vụ); tăng 03 người chết; số người bị thương không tăng không giảm; thiệt hại về tài sản tăng hơn 2.685,3 triệu đồng.

7.8 Thiệt hại do thiên tai

Lũy kế 11 tháng, xảy ra 06 vụ thiên tai, làm chết 02 người, bị thương 02 người; thiệt hại về tài sản 2,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ thiên tai tăng 04 vụ, số người chết tăng 02 người, số người bị thương tăng 02 người; thiệt hại về tài sản tăng 1,9 tỷ đồng./.

 

*Đính kèm file: “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hộitháng 11 và 11th năm 2023”

Nguyễn Hồng Thiện
 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 457
  • Trong tuần: 6051
  • Tất cả: 972705

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn