Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 6 tháng đầu năm 2021
Tình hình thế trong 6 tháng đầu năm 2021 có dấu hiệu tích cực trong bối cảnh tiêm chủng vắc-xin ngừa dịch Covid-19 được triển khai trên diện rộng tại một số nền kinh tế lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB), tăng trưởng toàn cầu năm 2021 dự báo đạt 5,6%, tốc độ tăng mạnh nhất sau suy thoái. Thương mại hàng hóa toàn cầu đang tiếp tục phục hồi trong năm 2021 sau khi giảm mạnh trong quý II/2020.

Trong nước, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng 6,6% trong năm 2021 và tăng 6,5% trong năm 2022. Còn trong báo cáo tháng 4/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu tốt khi tăng trưởng 2,9% vào năm 2020 (một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới) và dự kiến đạt 6,5% năm 2021. Đạt được kết quả trên là nhờ các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh quyết liệt, hiệu quả và hỗ trợ có mục tiêu của chính phủ.

Trong tỉnh, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nguồn lực đầu tư công giảm mạnh, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chính sách giá điện mặt trời chậm ban hành, ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Tỉnh đã đề ra phương châm hành động “Đoàn kết – Sáng tạo – Kỷ cương – Phát triển – Tăng tốc – Hiệu quả”, ban hành kế hoạch triển khai, cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp; chủ động triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; thực hiện các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (Số liệu ước tính theo công văn số 746/TCTK-TKQG ngày 30/5/2021 của TCTK)

Tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 14,57% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao thứ hai của cả nước và đứng đầu khu vực Duyên hải miền Trung, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,44%, đóng góp 2,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 29,92%, đóng góp 9,63 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,41%, đóng góp giảm 2,13 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 11,38%, đóng góp  0,68 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: ngành nông nghiệp tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,51 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp tăng 6,17%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,53%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng; ngành công nghiệp tăng 53,57% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 10,86 điểm phần trăm, trong đó ngành khai khoáng giảm 27,23%, đóng góp giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,69%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt…. vẫn cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 76,67%, đóng góp 10,89 điểm phần trăm. Ngành xây dựng giảm 10,32%, đóng góp giảm 1,23 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ tăng 6,41% so cùng kỳ, trong đó đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 12,62% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,71 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; vận tải kho bãi tăng 12,62%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,57%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động thông tin và truyền thông tăng 0,89%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,25%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; hoạt động giáo dục và đào tạo tăng 5,11%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,33%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm …

Về cơ cấu kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,61 %; khu vực dịch vụ chiếm 28,49%; thuế sản phẩm chiếm 5,71%. (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 28,73%; 34,76%; 30,58%; 5,93%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tương đối thuận lợi do có nguồn nước tưới ổn định, sản xuất vụ Đông Xuân vừa được mùa, vừa được giá, sản lượng, năng suất các loại cây trồng tăng khá, kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, việc tái đàn nhanh. Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất thủy sản tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.

a/ Nông nghiệp

Kết thúc vụ Đông xuân 2021, cả tỉnh gieo trồng đạt 30.556,3 ha cây hàng năm, bằng 99,1% kế hoạch, tăng 20,9% so Đông xuân 2020. Trong đó, diện tích lúa Đông xuân đạt 17.388,7 ha, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm trước. Huyện Ninh Phước vẫn là địa phương có diện tích lúa Đông xuân lớn nhất với 5.291,2 ha, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kết quả điều tra sơ bộ, năng suất lúa đạt bình quân 68,15 tạ/ha, tăng 1,49 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 118,5 nghìn tấn, tăng 48,4%. Năng suất lúa tăng khẳng định việc cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, giống lúa mới chất lượng cao cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống, thuận lợi về nguồn nước tưới, tình hình sâu bệnh giảm, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, mở rộng phát triển vùng sản xuất tập trung.

Cùng với việc thu hoạch vụ Đông xuân, các địa phương của tỉnh đã xuống giống được 2.394 ha lúa Hè thu, tăng 19,1% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do lượng nước tưới dồi dào hơn cùng kỳ năm trước.

Đến giữa tháng Sáu, các địa phương của tỉnh đã gieo trồng được 4.798,3 ha ngô, tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước; 110,6 ha khoai lang, tăng 25%; 543,4 ha lạc, tăng 17%; 7.112,5 ha rau, đậu, tăng 9%.

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính 12.634 ha, tăng 3,5% so cùng kỳ, trong đó Cây nho hiện có 1.209 ha, giảm 4,1% so cùng kỳ, nhưng tăng 1,4% so thời điểm 31/12 cuối năm 2020 do diện tích nho già cỗi đến cuối năm phá bỏ nhiều (40 ha), diện tích trồng mới trong kỳ 23 ha. Diện tích cho sản phẩm 1.140ha, sản lượng nho thu hoạch ước 6 tháng đạt 17,2 nghìn tấn tăng 7,5% so cùng kỳ do nắng, không mưa cây nho ít nấm, sâu bệnh công thêm diện tích mới vào thu hoạch có năng suất cao. Diện tích cây táo hiện có 996 ha, bằng 98,4%; cây điều 4.728 ha, tăng 7,5%.

Chăn nuôi trâu, bò trong 6 tháng đầu năm 2021 nhìn chung ổn định. Đàn trâu không tăng mạnh do hiệu quả kinh tế không cao, chủ yếu dùng cho nhu cầu cúng tế của đồng bào dân tộc Chăm. Đàn bò xu hướng giảm nhẹ số lượng đàn, tăng thể trọng vật nuôi. Ước tính trong tháng Sáu, đàn trâu của cả tỉnh tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2020; đàn bò giảm 0,6%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 78,9 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ; giá hơi 118,8 nghìn đồng/kg tăng 6,2 nghìn đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt bò ước đạt 3.095,2 tấn, tăng 5% so cùng kỳ; giá hơi bình quân 139 nghìn đồng/kg, tăng 16,2 nghìn đồng/kg so cùng kỳ.

Đồng cỏ tự nhiên trong tỉnh ngày thu hẹp do giành đất phát triển các dự án năng lượng mặt trời, cộng thêm tình hình khô hạn thường xảy ra hàng năm nên quy mô đàn dê, cừu hiện nay có xu hướng giảm đàn, xuất chuồng những con đực đúng độ tuổi, con đề kháng kém, suy dinh dưỡng để giảm bớt về nguồn thức ăn. Tổng đàn dê, cừu giảm 17,6% so cùng kỳ (dê giảm 11,2%; cừu giảm 24%); sản lượng bán giết thịt 2.051 tấn/ 75.288 con xuất chuồng, so cùng kỳ tăng 3,6% về sản lượng. Giá dê hơi và cừu hơi tăng mạnh so cùng kỳ (giá thịt dê hơi 142,8 nghìn đồng/kg, tăng 15%; thịt cừu hơi 139 nghìn đồng/kg, tăng 32,4%).

Đàn heo thả nuôi lại bình thường sau lượt xuất bán sau tết Nguyên đán, giá heo hơi vẫn ổn định, hiệu quả kinh tế cao nên tổng đàn tăng 25,2% so cùng kỳ, trong đó: heo thịt chiếm 77% tổng đàn. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 8.600 tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ.

Đàn gia cầm trong 6 tháng đầu năm ổn định, dịch bệnh trên đàn gia cầm được kiểm soát tốt, nhu cầu và giá tiêu thụ tăng khá (trừ gà công nghiệp giá giảm nhẹ). Ước tính tổng số gia cầm của cả tỉnh tháng 6/2021 tăng 14,8% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm giết thịt 6 tháng ước đạt 3.087,4 tấn, tăng 8,1% so cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm đạt 33,9 triệu quả, giảm 1,5%.

b/ Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc rừng trồng trên diện tích 1.072,56 ha (năm 2 có 671,06 ha, năm 3 trở lên 401,5ha), giảm 2,6% so cùng kỳ do diện tích chăm sóc năm 3 trở lên chuyển thành rừng khá nhiều. Diện tích rừng trồng mới chưa phát sinh. Ước tính khối lượng gỗ khai thác trong 6 tháng đạt 1.355 m3, tăng 85,6% so cùng kỳ; củi 9.500 ster, tăng 7,9%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong 6 tháng đầu năm 2021 là 9,7 ha, tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ là diện tích rừng bị chặt, phá. Cháy rừng chỉ ở dưới thảm thực vật với diện tích bị cháy không đáng kể.

c/ Thuỷ sản

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 58.924,4 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 53.204,3 tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 2.533,9 tấn, giảm 3,6%; thủy sản khác đạt 3.186,2 tấn, giảm 1,1%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 3.864,4 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 338,4 tấn, tăng 1,9%;  tôm đạt 2.231 tấn, giảm 1,9%; thủy sản khác đạt 1.295 tấn, giảm 14,1%. Nuôi tôm nội địa trong 6 tháng đầu năm thả nuôi chậm hơn cùng kỳ, dẫn đến sản lượng giảm. Sản lượng tôm thẻ ước tính đạt 2.206 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản khai thác (chủ yếu khai thác biển) ước tính đạt 55.060 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng cá đạt 52.865,9 tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 302,9 tấn, giảm 14,3%; thủy sản khác đạt 1.891,2 tấn, tăng 10,4%. Từ đầu năm đến nay thời tiết biển nhìn chung thuận lợi, lượng cá xuất hiện nhiều, nhất là cá cơm phù hợp với nghề khai thác truyền thống pha xúc và lưới vây của tỉnh. Cùng kỳ 6 tháng năm trước, cá xuất hiện nhiều từ tháng 3 đến đỉnh điểm tháng 6. Ngược lại, kỳ này luồng cá xuất hiện chậm hơn, đến tháng 4 cá mới xuất hiện nhiều đến tháng 6.

Sản xuất giống thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 23.399,7 triệu con, tăng 10,5%, trong đó tôm sú giống đạt 5.801 triệu con, tăng 26,1%; tôm thẻ giống ước đạt 17.442,7 triệu con, tăng 6,3%; Sản xuất giống ốc hương đạt 156 triệu con, tăng 0,6% so cùng kỳ 2020. Thị trường miền Tây tăng nhu cầu về giống nên các cơ sở giống hoạt động liên tục, lượng giống xuất bán ra tăng hơn so cùng kỳ.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 53,37%, trong đó công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 76,67%. Do dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong tỉnh, tạo điều kiện cho các lĩnh vực của nền kinh tế hoạt động bình thường, sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 53,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 76,67%, đóng góp 10,89 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,69%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,1%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 27,33% (do sản lượng khai thác muối biển giảm) làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 dự tính tăng 38,98% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tiếp tục là đầu tàu của toàn ngành với mức tăng 69,43%, đóng góp tăng 39,2 điểm phần trăm vào chỉ số chung toàn ngành; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% so cùng kỳ, đóng góp tăng 1,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,77%; ngành khai khoáng giảm 33,09%, chủ yếu do ngành khai thác muối biển giảm 49,53% so cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ: Muối biển giảm 49,5%; Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc giảm 12,8%; Các loại đá lót, đá lót lề đường và phiến đá lót đường, bằng đá tự nhiên (trừ đá phiến) giảm 7,6%; Tôm đông lạnh giảm 5,7%; Xi măng Portland đen giảm 4,7%; Điện thương phẩm giảm 0,7%; Bia đóng lon tăng 2%. Một số sản phẩm tăng cao so với năm trước: Điện sản xuất tăng 69,7% (trong đó, điện mặt trời tăng cao nhất 79,9%); Đường RS tăng 68,7%; Đá xây dựng khác tăng 30,5%; Thạch nha đam tăng 32,8%; Muối chế biến tăng 24%.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn trong những đầu năm 2021 do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, cả tỉnh có 200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước; đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lên tới 109 doanh nghiệp, tăng 40%. Điểm sáng là có 84 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 82,6% so cùng kỳ.

Tính đến ngày 15/6/2021, đã có 200 doanh nghiệp thành lập mới/1.802 tỷ đồng, giảm 28,3% số doanh nghiệp và số vốn đăng ký giảm 7,3% so cùng kỳ; trong đó một số lĩnh vực giảm, như: sản xuất điện, giảm 96,7% (2/60 DN); dịch vụ tư vấn, thiết kế, giảm 48% (13/25 DN); xây dựng, giảm 26,8% (41/56 DN); dịch vụ lưu trú và ăn uống, giảm 37,5% (10/16 DN);… Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 15/6/2021, có 3.689 doanh nghiệp/73.883 tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng chiếm 39,4%.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 82,6% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 kéo dài, số doanh nghiệp đăng ký giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 44 doanh nghiệp giải thể, tăng 52% và 109 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 40% so cùng kỳ; trong đó, có 41 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động năm 2020, nay tiếp tục đăng ký tạm ngừng trong năm 2021, chiếm 38,8%; còn lại 63 DN khác ở hết các lĩnh vực và chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập…, như: lĩnh vực sản xuất giống thủy sản có 13 DN tạm ngừng (Hầu hết các DN GTS đăng ký tạm ngừng do chưa đáp ứng đủ điều kiện sản xuất giống theo quy định, không ảnh hưởng đến sản lượng tôm giống của tỉnh); xây dựng (15 DN); thương mại, dịch vụ (16 DN); sản xuất điện (07 DN, do chưa được thỏa thuận đầu nối điện), dịch vụ lưu trú (03 DN) và các lĩnh vực khác (14 DN).

5. Hoạt động dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Do ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 toàn quốc lần thứ tư làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Sáu giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, các mức thấp nhất trong giai đoạn 2018-2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 13.053,7 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm nay ước đạt 10.563,5 tỷ đồng, chiếm 80,93% tổng mức và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm, giá một số hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm doanh thu một số ngành tăng cao: giá gas và các loại chất đốt tăng 14%, xăng dầu tăng 14%, giá vàng tăng 19%, vật liệu xây dựng tăng 8%...; Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng, vận chuyển hàng hóa tăng đã làm cho doanh thu một số nhóm hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước: vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 22,47%; vật liệu xây dựng tăng 19,46%; xăng dầu tăng 34,64%, đá quý, kim loại quý tăng 14,76%; hàng hóa khác tăng 17,85%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 25,53%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.556,4 tỷ đồng, chiếm 11,92% tổng mức, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu ăn uống trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cùng với giá cả nhiều mặt hàng tăng trong dịp Tết đã làm cho doanh thu dịch vụ ăn uống 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,97% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, từ khi có văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong diễn biến tình hình mới; các nhà hàng, quán ăn hoạt động kém sôi động hơn, nhiều cơ sở quán nước/quán ăn đường phố, quán cóc vỉa hè không phục vụ tại chỗ đã làm cho doanh thu nhóm này giảm so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,4 tỷ đồng, chiếm chỉ 0,01%, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù, doanh thu dịch vụ này tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, đã làm cho người dân hạn chế du lịch. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 932,3 tỷ đồng, chiếm 7,14% tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.

b. Vận tải hành khách và hàng hóa

Do ảnh hưởng đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nên lượng hành khách vận chuyển trong tháng 6/2021 giảm 6,8% so với tháng trước và giảm 32,7% so với cùng kỳ năm trước; trong khi hoạt động vận tải hàng hóa vẫn thông suốt với khối lượng hàng hóa tăng 39,3% so tháng trước và tăng 7,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách và hàng hóa đều tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 2,6% và 14,7%.

Vận tải hành khách tháng Sáu ước tính đạt 0,34 triệu lượt khách, giảm 6,8% so với tháng trước và luân chuyển 24,96 triệu lượt khách.km, giảm 7,6%. Tính chung 6 tháng, vận tải hành khách đạt 2 triệu lượt khách, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 150,3 triệu lượt khách.km, tăng 0,9%.

Vận tải hàng hóa tháng Sáu ước tính đạt 0,81 triệu tấn, tăng 39,3% so với tháng trước và luân chuyển 58,65 triệu tấn.km, tăng 37,8%. Tính chung 6 tháng, vận tải hàng hóa ước tính đạt 3,55 triệu tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 261 triệu tấn.km, tăng 13,3%.

c. Dịch vụ bưu chính, viễn thông

Hoạt động bưu chính, viễn thông 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng khá về doanh thu mặc dù bị thiệt hại vì dịch bệnh Covid-19.

Sản lượng dịch vụ bưu chính ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2021 là 1.527.094 bưu gửi tăng 15% so với cùng kỳ và 1.709.354 bưu phát tăng 18% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 98,5 tỷ đồng tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ước thực hiện là 57.268 bưu gửi, tăng 4% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 1,1 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ.

Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh là 675.608 thuê bao (trong đó điện thoại cố định 46.000 thuê bao; di động trả sau 42.690 thuê bao và di động trả trước 586.918 thuê bao), đạt mật độ 114,2 thuê bao/100 dân (trong đó mật độ điện thoại cố định và di động trả sau đạt 15 thuê bao/100 dân). Tổng số thuê bao internet băng rộng trên toàn tỉnh là 305.290 thuê bao (trong đó internet cố định băng rộng là 82.529 thuê bao, internet băng rộng di động là 219.876 thuê bao). Mật độ internet trên toàn tỉnh là 92 thuê bao/100 dân. (mật độ thuê bao internet tăng cao là do quy đổi 82.529 thuê bao internet hộ gia đình thành 313.610 người sử dụng). Tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh dịch vụ viễn thông trong toàn ngành 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 372,5 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

II.  KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Ngân hàng

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục ổn định và an toàn. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng so với cuối năm 2020 (Huy động vốn ước tăng 6,09%, dư nợ cho vay ước tăng 4,35%). Tín dụng chính sách được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Huy động vốn: Ước đến 30/6/2021, huy động vốn đạt 17.800 tỷ đồng, tăng 1.022 tỷ đồng (+6,09%) so với cuối năm 2020, bằng 94,7% kế hoạch năm 2021. Hoạt động tín dụng: ước đạt 31.700 tỷ đồng, tăng 1.321 tỷ đồng (+4,35%) so với cuối năm 2020, bằng 90,7% kế hoạch. Chất lượng tín dụng: Ước đến cuối tháng 6/2021, dư nợ xấu trên địa bàn là 210 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,66% so với tổng dư nợ, tăng 0,02% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 (số tuyệt đối tăng 15,2 tỷ đồng).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động ngân hàng Ninh Thuận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: nợ xấu tuy trong tầm kiểm soát nhưng tiềm ẩn rủi ro phát sinh cao, nợ nhóm 4 và nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn (trên 87%).

2. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 dự kiến tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng rất thấp trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư phát triển thực hiện ước đạt 18.930 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nguồn vốn nhà nước 980 tỷ đồng, giảm 20,7%; vốn ngoài nhà nước 15.650 tỷ đồng, giảm 2,2%; vốn đầu tư nước ngoài 2.300 tỷ đồng, tăng 53,5%. Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng chủ yếu do nguồn vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2021

 

Tổng số

(tỷ đồng)

Cơ cấu     (%)

So với cùng kỳ năm trước (%)

 

TỔNG SỐ

18.930

   100,0

 +1,0

Khu vực Nhà nước

  980

  5,18

-20,7

Khu vực ngoài Nhà nước

15.650

82,67

  -2,2

KV có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài                                                     

2.300

   12,15

   +53,5



3. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tình hình thu ngân sách tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả khả quan do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý Nhà nước.

Tổng thu ngân sách tỉnh (ước đến ngày 30/6/2021) đạt 2.238 tỷ đồng và đạt 57,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó: Thu nội địa 1.660 tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán được HĐND tỉnh giao; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 578 tỷ đồng, đạt 48,2%.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân dần trở lại trạng thái bình thường, phát sinh doanh thu và thu nộp ngân sách. Có 12/16 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao, gồm: Thu từ khu vực DNNN địa phương; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực CTN và dịch vụ NQD; thu thuế TNCN; thu thuế SDĐ phi nông nghiệp; thu tiền cho thuê đất; thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu lệ phí trước bạ; thu phí – lệ phí; thu khác ngân sách; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác; thu xổ số kiến thiết. Có 4/16 khoản thu dự kiến chưa đạt tiến độ: Thu từ khu vực DNNN Trung ương; thu tiền sử dụng đất; thuế BVMT và thu hồi vốn, lợi nhuận sau thuế.

Tổng chi ngân sách tỉnh ước đạt 3.096 tỷ đồng, đạt 55% dự toán HĐND tỉnh giao. Nhìn chung, công tác chi ngân sách của tỉnh đảm bảo kế hoạch đề ra và cơ bản đáp ứng việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Hưởng lợi từ các hiệp định thương mại kinh tế với các nước phát triển trên thế giới làm cho kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, nhất là mặt hàng thủy sản đông lạnh, nhân hạt điều. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 đạt 264,7 triệu USD, tăng 52,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 54,9 triệu USD, tăng 24,7%; nhập khẩu đạt 209,8 triệu USD, tăng 62,1%. Nhập siêu đạt 155 triệu USD, tăng 81,3%.

a. Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 54,9 triệu USD, tăng 24,7% so cùng kỳđạt 54,9% so kế hoạch năm (100 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hạt điều nhân ước đạt 10,70 triệu USD, giảm 28,7%; thủy sản ước đạt 25,22 triệu USD, tăng 68,1%; hàng hóa khác (TCMN, dệt may,… ) ước đạt 18,94 triệu USD tăng 35,3%. Thị trường xuất khẩu chủ lực là: Mỹ, Trung Quốc (hạt điều nhân); Nhật, Mỹ (tôm) trong đó Mỹ chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu tôm; Nhật và Đài Loan (khăn bông, hàng TCMN); Nhật, Hàn Quốc (Nha đam)

b. Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 209,8 triệu USD, tăng 62,1% so với cùng kỳ, đạt 60,83% so với kế hoạch (345 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu máy móc thiết bị, phụ tùng phục vụ thi công các công trình, dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh (chiếm 92,66% kim ngạch nhập khẩu).

5. Chỉ số giá :

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2021 tăng 0,17% so với tháng trước, chủ yếu do giá các loại rau tăng cao do thời tiết nắng nóng, sản lượng cung cấp thấp, và giá các loại nhiên liệu, xăng dầu tăng. Đây cũng là những nguyên nhân làm cho CPI tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,17% so với tháng trước. Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng Sáu tăng so với tháng trước, trong đó nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 1,25% do giá tiền thuê nhà ở tăng, một số mặt hàng vật liệu xây dựng tăng cao do chi phí đầu vào tăng, giá gas, giá dầu được điều chỉnh tăng, giá điện tăng do mức tiêu dùng nhiều đã làm cho chỉ số nhóm này tăng cao; nhóm giao thông tăng 1,12% do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 12/6/2021; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,03%. 4/11 nhóm có chỉ số giá giảm: nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,43%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,21%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,19%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,07%. 3 nhóm còn lại không thay đổi.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,14% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 6/2021 tăng 0,79% so với tháng 12/2020 và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Giá gạo trong nước tăng làm cho giá gạo 6 tháng đầu năm 2021 tăng 18,84% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm; (ii) Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,94% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm; (iii) Ăn uống ngoài gia đình tăng 6,14% do nguyên vật liệu đầu vào tăng; (iv) Giá gas tăng thêm 25.500đ/bình 12kg (tăng 15,74%) so với cùng kỳ năm trước; (v) Giá vật liệu xây dựng tăng 7,13%, đặc biệt là giá thép tăng cao; (vi) Giá xăng, dầu, giá nhiên liệu tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước: (i) giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm; (ii) giá các loại hoa và cây cảnh giảm do tình hình dịch Covid-19 trong nước bùng phát trở lại nên cũng góp phần kiềm chế mức tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2021.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Do ảnh hưởng chung của giá vàng, đô la Mỹ trong nước và thế giới; So với bình quân cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá vàng 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17,48%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,80%. Giá vàng 9999 hiện ở mức 5.190.000 đồng/chỉ , giá Đô la Mỹ ở mức 23.200 đồng/USD.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Tình hình lao động, việc làm 6 tháng đầu năm 2021 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Đã giải quyết việc làm mới 6.423 lao động/16.000 lao động đạt 40,15% kế hoạch giao. Trong đó: Lao động trong tỉnh: 2.319 lao động; lao động ngoài tỉnh: 4.089 lao động; xuất khẩu lao động: 15 lao động/150 lao động đạt 10% kế hoạch giao. Đã cho vay vốn tạo việc làm 809 lao động với số tiền giải ngân là 31,588 tỷ đồng.

Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 6/2021 là 9.905/15.000 lượt người đạt tỷ lệ 66,03%; Tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm đến tháng 6/2021 là 315/1.000 người đạt 31,5%. Đến tháng 6/2021 có 1.680 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN; trong đó có 1.422 người có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 21 tỷ đồng.

2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Tình hình đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong 6 tháng đầu năm 2021 chịu nhiều ảnh hưởng, khó khăn do dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân nên nhìn chung đời sống dân cư cơ bản giữ được ổn định, sản xuất ở tất cả các ngành, lĩnh vực đạt kết quả tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, không có doanh nghiệp nợ lương người lao động. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đạt chuẩn, các chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo… đã góp phần giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm và triển khai đầy đủ, kịp thời. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh duy trì 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ người có công. Thẩm định và giải quyết chế độ chính sách cho 356 hồ sơ. Tổ chức thăm tặng quà tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho các đối tượng người có công với cách mạng với tổng số: 15.722 định suất/5.766.100.000 đồng; quyết định điều dưỡng người có công với cách mạng năm 2021 cho 1305 người/2.059.940 ngàn đồng; đã huy động được 82 tập thể, cá nhân ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh năm 2020 với số tiền là 669/600 triệu đồng đạt 111,7% so với Kế hoạch đã đề ra; tham mưu tổ chức 5 Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thực hiện tốt việc cấp 530,205 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ cho 8.913 hộ/35.347khẩu.

Tổng số đối tượng nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 308 đối tượng. Trong đó có 238 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội nhà nước (khuyết tật: 177, Trẻ: 46, người cao tuổi: 15);  70 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội tư nhân (Khuyết tật: 52, người cao tuổi: 18). Trình UBND tỉnh, xin chủ trương hỗ trợ mua 64 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội sống tại các cơ sở Bảo trợ xã hội tư nhân trên địa bàn tỉnh.

3. Giáo dục, đào tạo

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh tổ chức các hoạt động giáo dục như: Tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh giỏi đạt giải quốc gia năm học 2020-2021; tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS, THPT cấp tỉnh năm học 2020-2021 (có 414 học sinh cấp THPT và 303 học sinh cấp THCS  dự thi ở 09 môn thi: Ngữ Văn, Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Sử, Tin học, Tiếng Anh); tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông cấp tỉnh năm học 2020-2021 với số lượng dự án (sản phẩm) tham gia là 34 dự án (cấp THCS 04; cấp THPT 30); Tổ chức Hội thi Giáo viên giỏi cấp học mầm non cấp tỉnh năm học 2020-2021; Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV từ ngày 30/3/2021 đến ngày 08/4/2021 gồm 09 môn thi đấu, công tác tổ chức đảm bảo theo quy định về phòng chống dịch COVID-19; Tổ chức thành công kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022 diễn ra từ ngày 04/6/2021 đến ngày 07/6/2021; Tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sáp nhập Trường CĐSP Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh vào ngày 29/4/2021 tại Trường CĐSP Ninh Thuận; phê duyệt Đề án thành lập Trường THCS, THPT Trần Hưng Đạo trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đi vào hoạt động từ năm học 2021-2022.

4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Phòng chống dịch Covid-19: triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đã lấy 17.293 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 15.957 người, kết quả phát hiện 09 người dương tính là những trường hợp từ Philippin nhập cảnh ngày 07/3/2021. Đến ngày 07/5/2021, kết thúc chiến dịch tiêm đợt 1, tổng số người được tiêm trên địa bàn tỉnh là 4.754 người, trong đó: Tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo kế hoạch của tỉnh: 4.115 người, đạt 121% (4.115/3.400 người); Tiêm cho lực lượng Công an: 346 người; Tiêm cho lực lượng Bộ đội biên phòng: 293 người.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 15/6/2021), trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 09 người mắc Covid-19 (BN2517, BN2518, BN2519, BN2520, BN2521, BN2522, BN2523, BN2533 và BN2570) là những trường hợp được cách ly ngay sau nhập cảnh đã được điều trị ổn định, xuất viện. Tính đến nay, Ninh Thuận vẫn chưa phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Các bệnh truyền nhiễm khác: Trong 6 tháng đầu năm 2021, phát hiện 149 trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết, tăng 46,7% so với năm 2020 (103 trường hợp); phát hiện 54 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng, tăng 2,6 lần so với năm 2020 (21 trường hợp). Chưa có trường hợp tử vong do các bệnh trên. Các bệnh truyền nhiễm khác mắc tản phát như Bệnh lỵ (trực tràng, Amibe) 61 trường hợp, tiêu chảy 517 trường hợp, giảm so với năm 2020; các ca mắc thủy đậu (40 trường hợp), thương hàn (02 trường hợp), quai bị (03 trường hợp), cúm (2122 trường hợp) giảm so với cùng kỳ năm 2020, không có trường hợp mắc do Bạch hầu. Chưa phát hiện trường hợp mắc các loại Cúm A, bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh.

Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng: Trong 6 tháng đầu năm phát hiện 01 bệnh nhân Tâm thần phân liệt (TTPL) mới, giảm 85,7% so với cùng kỳ; số bệnh nhân TTPL đang quản lý 677 trường hợp, trong đó điều trị ổn định đạt 97%. Số bệnh nhân động kinh mới phát hiện là 13, giảm 35%; số bệnh nhân động kinh đang quản lý 856 trường hợp, trong đó điều trị ổn định đạt 97%.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Lĩnh vực Văn hóa: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lập 01 hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh: đang xây dựng kế hoạch lập hồ sơ di tích Miếu Thuận Khánh, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước và lập 01 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mặt khác, tiếp tục thực hiện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về "lễ hội Ăn đầu lúa" của người Raglai trình đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lĩnh vực thể dục, thể thao: Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã triển khai ban hành Quyết định số 87/QĐ-BTC ngày 19/4/2021 về Điều lệ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Ninh Thuận lần thứ VII năm 2021 – 2022 và Quyết định thành lập Ban tổ chức các Giải thể thao tỉnh Ninh Thuận năm 2021 như: Giải Bóng rổ U17, Giải Cờ vua học sinh các cấp, Giải Vovinam, Giải Karate, Giải Taekwondo. Tiến hành đào tạo 13 đội thể thao ở các môn: taekwondo, điền kinh, vovinam, karate, quần vợt, cầu lông, cờ vua; tham dự 03 Giải quốc gia và 03 Giải khu vực mở rộng, đạt 17 huy chương (HC) các loại, trong đó Giải quốc gia: 01HCV, 02 HCB, 02HCĐ, Giải khu vực và mở rộng: 01 HCV, 05 HCB, 06HCĐ; tổ chức 01 Giải thể thao cấp tỉnh, 02 giải phối hợp với các ngành trong tỉnh.

6. Tai nạn giao thông

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn cả tỉnh xảy ra 78 vụ tai nạn giao thông (toàn bộ thuộc đường bộ), bao gồm 35 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 43 vụ va chạm giao thông, làm 35 người chết, 73 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 08 vụ (+11,4%); số người chết tăng 05 người (+17%) và số người bị thương tăng 02 người (+2,8%). Bình quân 2,3 ngày trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

Tính riêng tai nạn giao thông ít nghiêm trọng trở lên, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 35 vụ, làm 35 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 5.645 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tăng 06 vụ (+20,7%); số người chết tăng 07 người (+25%) và số người bị thương tăng 05 người (+50%).

7. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Lũy kế 6 tháng năm 2021 xảy ra 03 vụ cháy, giảm 05 vụ so cùng kỳ 2020; không có người chết và bị thương, bằng cùng kỳ 2020; thiệt hại tài sản 198,6 triệu đồng, giảm 80,1% so cùng kỳ năm 2020.

Vụ nổ không xảy ra.

8. Thiệt hại thiên tai

Vào lúc 14 giờ ngày 02/6/2021 luồng gió lốc kèm theo mưa lớn dọc theo sông Tô Hạp (thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái) làm tốc mái 09 nhà dân, 253 cây ăn trái bị ngã đổ thuộc 14 hộ dân, diện tích thiệt hại 0,7 ha. Mặt trận tỉnh đã hỗ trợ 15 triệu đồng/14 hộ để khắc phục hậu quả, xã huy động các ban ngành đoàn thể lợp lại các nhà dân bị tốc mái.

Khái quát lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nên bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 nói chung cũng như tỉnh Ninh Thuận nói riêng duy trì được ổn định, tăng trưởng dương. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển tốt do có lượng nước tưới đầy đủ. Công nghiệp sản xuất điện tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cung cầu hàng hóa trong tỉnh được bảo đảm, tiêu dùng và xuất khẩu tăng khá. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh cũng làm Ninh Thuận đối mặt với nhiều thách thức, đó là nguồn lực đầu tư công giảm mạnh; doanh nghiệp đăng ký mới đạt thấp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Ninh Thuận trong thời gian tới sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Trước mắt, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết, mục tiêu là “không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng”, ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, có chính sách hỗ trợ các cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp, hộ cá thể) về miễn, giảm thuế; khoanh nợ, dãn nợ ngân hàng; tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tìm việc làm và trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hai là, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm, quy mô lớn...

Ba là, chủ động theo dõi tình hình thời tiết phòng ngừa hạn hán, tích nước cho mùa khô, tích cực tiêm phòng gia súc, gia cầm. Tiếp tục phát triển cánh đồng lớn và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; duy trì các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Đầu tư kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo quy trình kỹ thuật mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng kinh tế miền núi hiệu quả.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ./.

*Đính kèm file: “Phân tích kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021
và “Số liệu thống kê KT-XH 6 tháng đầu năm 2021”.

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 505
  • Trong tuần: 4897
  • Tất cả: 967159

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn