Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận tháng 4 năm 2021
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 4/2021 bước vào giai đoạn thu hoạch đại trà vụ Đông xuân, năng suất nhìn chung đạt tốt hơn cùng kỳ năm trước; chăn nuôi dê, cừu giảm do đồng cỏ tự nhiên ngày càng ít; sản lượng thủy sản trong tháng giảm so với cùng kỳ năm trước do nguồn cá nổi không nhiều.

a/ Nông nghiệp

Trong tháng Tư, sản xuất nông nghiệp tập trung vào thu hoạch cây trồng vụ Đông xuân. Lúa Đông xuân sớm đến ngày 15/4/2021 đã thu hoạch được 8.948 ha/ 17.388,7 ha, chiếm 51,4% diện tích lúa gieo cấy; năng suất thu hoạch sơ bộ đạt 69,6tạ/ ha, tăng 1,4 tạ/ha so Đông xuân năm trước. So cùng kỳ, diện tích lúa thu hoạch sớm tăng 75%, dự tính thu hoạch dứt điểm đầu tháng tới. Năng suất lúa Đông xuân năm nay đạt cao hơn so năm trước do thuận lợi ở khâu xuống giống đồng loạt, sản xuất tập trung với giống chất lượng, nước tưới đầy đủ, tránh sâu rầy phát triền, sâu bệnh giảm,...

Diện tích ngô thu hoạch 2.020/ 2.734,3 ha, chiếm 73,9% diện tích gieo cấy, tăng 18,3% so cùng thời điểm năm trước kỳ, sản lượng ngô đã thu hoạch 10,7 nghìn tấn, tăng 10,8% do diện tích ngô lai năng suất cao trong tháng chưa thu nhiều. Một số diện tích rau, đậu các loại diện tích thu hoạch trong tháng đạt 3.845/ 4.046,6 ha, đạt 95% diện tích gieo trồng.

Tình hình chăn nuôi nhìn chung ổn định. Các bệnh nguy hiểm trên động vật như Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Tai xanh heo, bệnh Dại được kiểm soát tốt nên các hộ nuôi đang thực hiện tái đàn. Ước tính tháng Tư, đàn trâu tăng nhẹ 0,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò tăng 0,2%; đàn heo tăng 5,4% do dịch bệnh ít, lượng tiêu thụ tăng lên; đàn dê, cừu giảm 6,2% do khô hạn hàng năm cộng với đất đai dành cho các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió ngày càng nhiều làm đồng cỏ tự nhiên ít đi, thức ăn và nước uống cho đàn dê, cừu khó khăn; đàn gia cầm tăng 7,2%.

b/ Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trong tháng chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc bảo vệ rừng trên diện tích 1.072,56 ha (năm 2 là 671,06 ha, năm 3 trở lên 401,5 ha), giảm 2,6% so cùng kỳ. Khai thác gỗ trong tháng chủ yếu thuộc hộ cá thể ước đạt 175 m3, tăng 1,7% so cùng kỳ; củi khai thác 890 ster, tăng 0,6% chủ yếu thu nhặt và khai thác từ cây chết rừng tự nhiên. Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra cháy rừng. Diện tích rừng bị chặt, phá trong tháng là 1,3 ha. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả tỉnh có 8 ha rừng bị thiệt hại, gấp 8,8 lần so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ đều là rừng bị chặt, phá. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán lũy kế bốn tháng là 4,26 nghìn cây, gấp 4,8 lần.

c/ Thuỷ sản

Trong tháng , sản lượng thủy sản cả tỉnh ước đạt 10.121,4 tấn, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 9.435,9 tấn, giảm 4,2%; tôm đạt 234,3 tấn, giảm 4%; thủy sản khác đạt 451,2 tấn, tăng 5,6%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 33.560 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.739,4 tấn, tăng 5,5%; sản lượng khai thác đạt 31.820,6 tấn, tăng 5,1% (chủ yếu là sản lượng thủy sản khai thác biển).

Sản l­ượng giống thủy sản sản xuất tháng Tư ước đạt 5.560 triệu con, giảm 9,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó tôm giống ước đạt 5.520 triệu con, giảm 9,5%. Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng giống sản xuất 17.300 triệu con, tăng 6,4%; trong đó tôm giống ước đạt 17.200 triệu con, tăng 6,2%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong tháng Tư tiếp tục đà tăng trường cao do không chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh 46,73% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 48,86% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao trong nhiều năm qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 ước giảm 5,32% so với tháng trước và tăng 43,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 8,47%; ngành chế biến, chế tạo tăng 17,42%; sản xuất và phân phối điện tăng 64,62%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,22%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, IIP ước tính tăng 48,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 15,48%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 79,32%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,01%; riêng ngành khai khoáng giảm 29,26%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột mỳ tăng 166,5%; Điện mặt trời tăng 78,0%; Điện gió tăng 24,62%; Tôm đông lạnh tăng 17,65%; Bia đóng lon tăng 2,0%; Thạch nha đam tăng 1,6%. Một số sản phẩm giảm: Xi măng giảm 21,13%; Muối biển khai thác ước đạt 55,4 ngàn tấn, giảm 16,7%; Hạt điều khô giảm 5,36%. Riêng Sản xuất đường tạm ngừng sản xuất do hết mía nguyên liệu.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong 4 tháng đầu năm 2021, có 133 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020 và 46 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 76,9%. Đáng chú ý là trong bốn tháng có 61 doanh nghiệp thông báo giải thể, tăng 177,3%; có 97 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả tỉnh có 133 DN thành lập mới, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó loại hình DN Công ty trách nhiệm hữu hạn có 117 DN, chiếm 88% số DN thành lập mới, giảm 12,7%. Số vốn đăng ký mới là 1.296 tỷ đồng, tăng 10,1%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 974,5 tỷ đồng, tăng 27,5% so cùng kỳ năm trước. Cả tỉnh có 46 DN hoạt động trở lại, tăng 76,9%; 97 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 67,2%; 61 DN thông báo giải thể, tăng 177,3%.

4. Đầu tư

Tình hình dịch Covid-19 được phòng chống rất tốt trong nước đã thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2021 ước tính đạt 82 tỷ đồng, cao hơn tháng 3/2021 và đạt mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong 3 năm gần đây. Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 16,7% kế hoạch năm, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Tư ước tính đạt 82 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 58 tỷ đồng, ng 5,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 23,9 tỷ đồng, tăng 39,2%.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự kiến thực hiện trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2021: 290,2 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 206,4 tỷ đồng, tăng 5,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 83 tỷ đồng, giảm 11,5%.

5. Tài chính, Ngân hàng

a/ Tài chính

Do trong nước kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên tình hình thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2021 khả quan hơn cùng kỳ năm ngoái. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý Nhà nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 30/4/2021 ước tính đạt 1.391 tỷ đồng, đạt 35,7% dự toán năm. Trong đó: thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 1.051 tỷ đồng, đạt 38,9%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 340 tỷ đồng, đạt 28,3%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước (không tính chi từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ) ước tính đạt 2.215,2 tỷ đồng, đạt 40% dự toán năm. Công tác chi ngân sách được đảm bảo kế hoạch và đáp ứng kịp thời việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi hành chính và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác.

b/ Ngân hàng

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong tháng 4/2021 ổn định và an toàn. Dư nợ tín dụng khởi đầu có sự tăng trưởng so với tháng trước và cuối năm 2020. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của Ngành và của Tỉnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 4/2021:

Nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 17.150 tỷ đồng, tăng 152 tỷ đồng (+0,89%) so với tháng trước, tăng 372 tỷ đồng (+2,22%) so với cuối năm 2020, bằng 91,2% kế hoạch năm 2021.

Tổng dư nợ tín dụng ước  đạt 31.100 tỷ đồng, tăng 307 tỷ đồng (+1%) so với tháng trước, tăng 721 tỷ đồng (+2,37%) so với cuối năm 2020, bằng 89% kế hoạch năm 2021.

Dư nợ xấu trên địa bàn là 210 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,68% so với tổng dư nợ, bằng với tỷ lệ nợ xấu cuối tháng trước (số tuyệt đối tăng 02 tỷ đồng) và tăng 0,04% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 (số tuyệt đối tăng 15,2 tỷ đồng).

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

a/ Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Do nước ta kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phục hồi đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính đạt 2.124,8 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.712,5 tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 33,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 252,4 tỷ đồng, tăng 4,6% và tăng 218,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,5 tỷ đồng, tăng 157,7% so tháng trước và tăng so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 159,3 tỷ đồng, tăng 3,3% và tăng 210,7%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8.614,8 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

b/ Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng chung tháng Tư chỉ tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước, chủ yếu do chỉ số giá các nhóm mặt hàng có độ tăng/giảm thấp. Tuy nhiên, chỉ số giá tháng 4/2021 so cùng kỳ và chỉ số giá bình quân 4 tháng so cùng kỳ đều tăng khá.

Trong mức tăng 0,05% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 so với tháng trước có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng nhẹ, trong đó: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,29% do giá thuốc lá tăng; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31% do giá các vật liệu xây dựng tăng, đặc biệt là giá thép tăng cao do nhu cầu xây dựng tăng, cộng với giá phôi thép tăng mạnh, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng đã làm cho giá thép bán ra tăng; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; giao thông tăng 0,71% do giá xăng dầu bình quân trong tháng tăng 1,69%. 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá không thay đổi: nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính, viễn thông; giáo dục. 3 nhóm còn lại có chỉ số giá giảm là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,29% do giá nhóm lương thực, thực phẩm giảm so tháng trước; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,19%.

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 2,92% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 4/2021 tăng 0,72% so với tháng 12/2020 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng giảm 3,07% so với tháng trước và giảm 4,33% so với tháng 12/2020, nhưng tăng 13,34% so cùng kỳ năm trước; giá vàng 9999 hiện ở mức 5.280.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 1,16% so với tháng trước và tăng 1,49% so cùng kỳ năm trước; giá Đô la Mỹ hiện ở mức 23.700 đồng/USD.

c/ Vận tải hành khách và hàng hóa

Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt đã thúc đẩy hoạt động vận tải trong tháng Tư tăng mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, nhất là vận tải hành khách.

Vận tải hành khách tháng Tư ước đạt 0,4 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 78,2% so với tháng trước và luân chuyển 27,6 triệu lượt hành khách.km, tăng 60%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 1,3 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 97,9 triệu lượt hành khách.km, tăng 10,4%. Toàn bộ là hoạt động vận tải  đường bộ trong nước.

Vận tải hàng hóa tháng Tư ước đạt 0,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,5% so với tháng trước và luân chuyển 40,9 triệu tấn.km, tăng 8%. Lũy kế 4 tháng, vận tải hàng hóa đạt 2,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 159,7 triệu tấn.km, tăng 17,3%. Toàn bộ là hoạt động vận tải  đường bộ trong nước.

7. Một số vấn đề xã hội

a/ Lao động, việc làm

Trong tháng đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.769 lượt người, trong đó kết nối có việc làm cho 55 người nâng tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 4/2021 là 6.209/15.000 lượt người đạt tỷ lệ 41,39%. Tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm đến tháng 4/2021 đạt 4,34% (217/5.000 người); kết nối có việc làm 217/1.000 người đạt 21,7%. Số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 476 hồ sơ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng 293 hồ sơ với kinh phí chi trả là 4,26 tỷ đồng, nâng tổng số hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp 4 tháng đầu năm lên 892 hồ sơ, trong đó có 736 hồ sơ có quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi là 11,27 tỷ đồng.

b/ Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

Trong tháng Tư, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách Người có công với cách mạng, các hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, Người Cao tuổi,... tiếp tục được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đời sống dân cư nhìn chung ổn định.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh, tổng số đối tượng hiện đang quản lý và nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là: 237/81 nữ. Trong đó: Người cao tuổi 15/12 nữ; trẻ mồ côi 48/27 nữ; người tâm thần 174/42 nữ (tâm thần đặc biệt nặng: 68/16 nữ, tâm thần nặng: 72/19 nữ, tâm thần phục hồi/thuyên giảm: 34/07 nữ).

c/ Giáo dục

Triển khai công tác chuẩn bị Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ sáp nhập Trường CĐSP Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh; và công tác bàn giao Trường CĐSP Ninh Thuận cho Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Xây dựng kế hoạch tổng kết công tác triển khai chương trình đổi mới, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với lớp 1 năm học 2020-2021 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Khung chi tiết tài liệu giáo dục địa phương cấp Trung học cơ sở; triển khai công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d/ Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Phòng chống dịch Covid-19: Tính đến 15/4/2021, Ninh Thuận không phát sinh ca nhiễm Covid-19 mới ngoài 11 trường hợp đã khỏi bệnh: BN61, BN67, BN1221, BN2517, BN2518, BN2519, BN2520, BN2521, BN2522, BN2523 và BN2533. Tính đến nay, Ninh Thuận không có ca lây nhiễm Covid-19 cộng đồng.

Các bệnh truyền nhiễm lưu hành: Tính đến ngày 15/4/2021: toàn tỉnh có 123 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020; 48 trường hợp mắc Tay chân miệng, tăng 182,3%; 33 trường hợp mắc Thủy đậu, giảm 50,7%; 02 trường hợp mắc Quai bị, giảm 50%.

đ/ Văn hóa, thể thao, du lịch

Trong tháng, Bảo tàng tỉnh khảo sát điền dã phục vụ lập hồ sơ Di sản văn phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Ăn mừng lúa mới người Raglai. Tiếp nhận và nhập kho 196 hiện vật. Thực hiện trưng bày, triển lãm tại chỗ chuyên đề “Ninh Thuận chiến tranh và hòa bình (1975-2020); triển lãm lưu động tại huyện Bác Ái chuyên đề “Đồng bào Raglai với vùng đất Ninh Thuận”. Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm sưu tầm được 04 nhạc cụ chất liệu đồng, tổ chức 01 cuộc khảo sát về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thuận Nam; phối hợp xây dựng kế hoạch và trưng bày chuyên đề "Di sản Chăm văn hóa Ninh Thuận - Quảng Nam".

Tổ chức thi đấu giải bóng rổ không chuyên tỉnh Ninh Thuận lần thứ III năm 2020-2021; phối hợp tổ chức thành công đón và đưa Giải xe đạp nữ Quốc tế Bình Dương mở rộng lần thứ XI năm 2021 - Cúp Biwase.

Tham mưu Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại thành phố Hồ Chí Minh và tham gia gian hàng Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2021; Hội chợ du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2021.

e/ Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/3 đến ngày 14/4/2021), xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 6 vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên và 5 vụ va chạm giao thông, làm 07 người chết, 22 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông không tăng không giảm; số người chết tăng 04 người (+133,3%); số người bị thương giảm 01 người (-33,33%). So với cùng kỳ năm trước, Số vụ tăng 04 vụ (+200%); số người chết tăng 05 người (+250%); số người bị thương tăng 01 người (+100%).

Tính chung 04 tháng năm 2021, cả tỉnh đã xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm 27 người chết, 70 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 04 tháng tăng 13 vụ (+27,7%); số người chết tăng 08 người (+42,1%); số người bị thương tăng 09 người (+17,6%). Bình quân 02 ngày xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

g/ Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 04 xảy ra 01 vụ cháy tại nhà máy gạch không nung thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Gia thuộc khu công nghiệp Phước Nam, tọa lạc quốc lộ 1A xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, không thiệt hại về người, tài sản ước thiệt hại khoảng 95,6 triệu đồng. Nguyên nhân gây cháy hiện đang tiến hành điều tra làm rõ.

Lũy kế 4 tháng năm 2021 xảy ra 3 vụ cháy, giảm 02 vụ so cùng kỳ 2020; không có người chết và bị thương, bằng cùng kỳ 2020; thiệt hại tài sản 198,6 triệu đồng, giảm 79,3% so cùng kỳ năm 2020.

Vụ nổ không xảy ra.

h/ Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng Tư không xảy ra thiên tai trên địa bàn tỉnh./.

*Đính kèm file: “Phân tích kinh tế-xã hộitháng 4 năm 2021”

“Số liệu thống kê KT-XH tháng 4 năm 2021”.

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 1102
  • Trong tuần: 5709
  • Tất cả: 950581

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn