Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023 tỉnh Ninh Thuận

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh

Tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) quý I năm 2023 tăng 7,67% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) tăng 2,88% , đóng góp 0,62 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng 9,95% , đóng góp 3,99 điểm phần trăm; khu vực III  (dịch vụ) tăng 9,24% , đóng góp 3,11 điểm phần trăm; thuế sản phẩm giảm 1,05% , đóng góp giảm 0,05 điểm phần trăm.

Về cơ cấu GRDP quý I năm 2023: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 20,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 47,0%; khu vực dịch vụ chiếm 28,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,3% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là: 21,3%; 45,4%; 28,6%; 4,7%).

            2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Nông nghiệp

            Tính đến ngày 15/3/2023, cả tỉnh gieo trồng được 30.951,3 ha vụ Đông xuân 2023, đạt 100,6% kế hoạch, giảm 0,3% so Đông xuân 2022. Trong đó, diện tích lúa đạt 17.229,2 ha, đạt 99,2% kế hoạch, giảm 3,6% so cùng kỳ do thực hiện chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu. Huyện Ninh Phước vẫn là địa phương có diện tích lúa Đông xuân lớn nhất với 5.463,3 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

   Tính đến giữa tháng Ba, cả tỉnh đã gieo trồng được 3.011,5 ha ngô, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước; 84,5 ha khoai lang, giảm 5,9%; 251,8 ha lạc, giảm 13,8%; 3.727,9 ha rau, đậu các loại, giảm 1,6%.

            Ước tính tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có 12.667 ha, tăng 2,2% so cùng kỳ. Một số cây ăn quả diện tích lớn tăng so cùng kỳ như: xoài 676 ha (tăng 11,3%); chuối 1.408 ha (tăng 6,4%); mít 533 ha (tăng 8%); bưởi 402 ha (tăng 5,3%, đang phát triển nhiều với các giống đạt sản lượng cao); táo 1.055 ha (tăng 3,7%, chủ yếu tăng từ diện tích nho phá gốc chuyển sang). Diện tích nho hiện có 1.061 ha, giảm 6% so cùng kỳ, nhưng tăng 0,7% so cuối năm 2022.

Ước tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số trâu cả tỉnh giảm 1,2% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số bò tăng 1,4%; tổng số heo tăng 18,6%; tổng số dê, cừu giảm 12,7%; tổng số gia cầm giảm 2,2%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I/2023 tăng 4,6%; thịt bò hơi không tăng không giảm; thịt lợn hơi tăng 13,9%; thịt dê, cừu hơi giảm 2,4%; thịt gia cầm hơi tăng 3,5%. Sản lượng trứng gia cầm giảm 0,5%.

2.2. Lâm nghiệp

            Tình hình lâm nghiệp của tỉnh trong quý chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc rừng đã trồng do chưa vào mùa trồng rừng. Lũy kế q I/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả tỉnh không phát sinh, giảm 54,3 ha so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 40 nghìn cây, giảm 17,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 0,3 nghìn m3, giảm 40,5%; sản lượng củi khai thác đạt 11,5 nghìn ste, giảm 7,3%.

   Diện tích rừng bị thiệt hại do chặt phá lũy kế cả quý I là 0,2 ha, giảm 93,7% so với cùng kỳ năm trước.

2.3. Thuỷ sản

   Sản lượng thủy sản tháng Ba ước tính đạt 9,0 nghìn tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 7,7 nghìn tấn, tăng 8,7%; tôm đạt 0,3 nghìn tấn, giảm 13,9%; thủy sản khác đạt 1,0 nghìn tấn, tăng 17,7%.

   Tính chung quý I/2023, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 23,3 nghìn tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2022 tăng 2,4%), trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1,7 nghìn tấn, tăng 9,9%, giữ đà tăng liên tục 5 năm qua 2019-2023 [1]; sản lượng thủy sản khai thác đạt 21,6 nghìn tấn, giảm 4,1% (quý I/2022 tăng 2,3%).

Sản lượng giống thủy sản sản xuất tháng Ba ước đạt 3,23 tỷ con, tăng 15,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó tôm giống ước đạt 3,20 tỷ con, tăng 14,3% do nhu cầu giống tăng. Tính chung 3 tháng đầu năm, lượng giống sản xuất 11,85 tỷ con, tăng 8,9%; trong đó tôm giống ước đạt 11,70 tỷ con, tăng 8,3%.

            3. Sản xuất công nghiệp

   Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp quý I/2023 ước tính tăng 7,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành Sản xuất và phân phối điện có quyền số giá trị tăng thêm chiếm 88% tỷ trọng quyền số sản xuất công nghiệp toàn ngành, chỉ số sản xuất ước tăng 8,21% , đóng góp tăng 6,11 điểm phần trăm vào chỉ số toàn ngành công nghiệp. Ngành Chế biến, chế tạo tăng 3,24%, là nhóm ngành có chỉ số sản xuất thấp nhất trong 4 nhóm ngành cấp 1, đóng góp tăng 0,65 điểm phần trăm. Ngành Khai khoáng tăng 23,58% so cùng kỳ, đóng góp tăng 0,71 điểm phần trăm.

   Tình hình một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đ­ường ước tăng 42,9%, do nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Sản phẩm may mặc ước tăng 30%, do các công ty có nhiều đơn đặt hàng, thêm đơn vị sản xuất mới. Điện sản xuất tăng 8,17%, trong đó sản lượng điện tái tạo tăng 8,5% (riêng điện mặt trời giảm 7,3% do sự điều tiết giảm nguồn phát). Sản xuất tinh bột mỳ tăng 2,9%, nguyên liệu cung cấp để sản xuất đáp ứng đủ cho yêu cầu sản xuất. Tôm đông lạnh không tăng không giảm so cùng kỳ. Muối biển giảm 14,2%. Bia đóng lon giảm 21,6% do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ trong nước giảm, phải sản xuất theo chỉ tiêu Tổng Công ty giao. Hạt điều khô giảm 55,4%, do trong quý số lượng đơn đặt hàng tăng. Một số sản phẩm xây dựng giảm (khai thác đá xây dựng giảm 18,8%; xi măng giảm 39,5%; đá granite giảm 59,2%).

            4. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Quý I năm 2023, có 84 doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn đăng ký 317 tỷ đồng, giảm 30,0% số doanh nghiệp giảm 96,7% số vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Có 48 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 36,8%; 15 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, giảm 25,0%; và 107 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 25,9%.

            5. Đầu tư

            Vốn đầu tư phát triển thực hiện quý I/2023 của tỉnh ước đạt 3.135,0 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nguồn vốn nhà nước 618,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,7% tổng nguồn vốn và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước 2.472,0 tỷ đồng, chiếm 78,9% và giảm 30,3%; vốn đầu tư nước ngoài 44,3 tỷ đồng, chiếm 1,4% và tăng 52,3%.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2023

 

Tổng số

(tỷ đồng)

Cơ cấu     (%)

So với cùng kỳ năm trước (%)

 

TỔNG SỐ

3.135,0

   100,0

77,2

Khu vực Nhà nước

618,7

19,7

127,5

Khu vực ngoài Nhà nước

2.472,0

78,9

69,7

KV có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài                                                     

44,3

1,4

152,3

            6. Tài chính, Ngân hàng

6.1. Tài chính  

            Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh quý I năm 2023 ước đạt 830,3 tỷ đồng, đạt 22,7% dự toán năm được Hội đồng nhân dân tỉnh giao và giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó; thu nội địa 829,3 tỷ đồng, đạt 23,6% và giảm 23,6%; thu xuất nhập khẩu đạt 1 tỷ đổng, đạt 0,7% và giảm 91,5%.

            Tổng chi ngân sách địa phương 2.658,1 tỷ đồng (không tính chi từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ), đạt 35,2% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

6.2. Ngân hàng

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 3/2023: Nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 20.950 tỷ đồng, tăng 2,9% (tăng 592 tỷ đồng) so với cuối năm 2022, bằng 91,9% kế hoạch năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 37.700 tỷ đồng, tăng 1,5% (tăng 568 tỷ đồng) so với cuối năm 2022, bằng 91,5% kế hoạch năm 2023. Dư nợ xấu trên địa bàn là 185 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,49% so với tổng dư nợ, bằng với tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cuối năm 2022.

            7. Thương mại, giá cả, dịch vụ

7.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

   Quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 9.006,1 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước đạt 6.787,0 tỷ đồng, chiếm 75,4% tổng mức và tăng 13,1% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.391,4 tỷ đồng, chiếm 15,4% và tăng 54,9% do nhu cầu du lịch dịp Tết tăng, các hoạt động tổ chức lễ cưới, sự kiện đầu năm tiếp tục tăng lên đã góp phần làm doanh thu hoạt nhà hàng tăng 37,8%; lưu trú tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ 2022. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,6 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 15,7 lần. Doanh thu dịch vụ khác đạt 824,1 tỷ đồng, chiếm 9,2% và tăng 33,8% do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ tăng.

7.2. Vận tải hành khách và hàng hóa

Quý I/2023, vận tải hành khách đạt 3,1 triệu lượt khách, tăng 124,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 251,0 triệu lượt khách.km, tăng 131,8%. Vận tải hàng hóa ước tính đạt 4,7 triệu tấn, tăng 156,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 343,3 triệu tấn.km, tăng 148,4%.

7.3. Dịch vụ bưu chính, viễn thông

       Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh là 689.937 thuê bao, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mật độ 115,1 thuê bao/100 dân. Trong đó, số thuê bao điện thoại di động là 645.437 thuê bao.

       Tổng số thuê bao internet băng rộng trên toàn tỉnh là 337.642 thuê bao, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Mật độ internet trên toàn tỉnh đạt 97,8 thuê bao/100 dân.

7.4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

   Tính chung quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 16,5 triệu USD, giảm 35,6% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Thủy sản ước đạt 8,2 triệu USD, giảm 52,7%; sản phẩm may mặc ước đạt 4,0 triệu USD, giảm 29,2%; nhân hạt điều ước đạt 3,2 triệu USD, tăng 125,0% . Điểm nổi bật trong quý I, xuất khẩu thêm 01 mặt hàng mới là thú nhồi bông sang thị trường Hàn Quốc.

            Quý I/2023 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,5 triệu USD, giảm 74,8% so với cùng kỳ năm trước.

            8. Chỉ số giá

8.1. Chỉ số giá tiêu dùng

   CPI bình quân quý I/2023 so với cùng kỳ năm 2022 tăng 6,22%. CPI tháng 3/2022 tăng 4,92% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 0,48% so với tháng 12/2022, mức tăng trưởng thấp nhất và cũng là năm đầu tiên có mức giảm của giai đoạn 2007-2023, với nguyên nhân chính là chỉ số giá nhóm Giáo dục giảm mạnh . CPI quý I/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân sau: (i) Giá mặt hàng lương thực tăng 7,93%, trong đó gạo tăng mạnh, gạo các loại tăng 8,42% so với bình quân cùng kỳ và tăng 5,49% so với tháng 12 năm 2022. Hiện nay nhiều khách hàng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi, châu Âu… đang tích cực thu mua gạo dự trữ, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước tăng, giá gạo xuất khẩu tăng đẩy giá gạo địa phương tăng, tác động làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm; (ii) Giá nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng mạnh 11,75% so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên vật liệu xây dựng như đất, cát, phôi thép khan hiếm, giá nguyên vật liệu như sắt, thép tăng làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm; (iii) Dịch vụ giao thông công cộng tăng 29,16% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm; (iv) Giáo dục tăng 32,22% góp phần làm CPI chung tăng 1,72 điểm phần trăm, chủ yếu giá dịch vụ giáo dục tăng 35,89% do mức học phí từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 02/2023 áp dụng mức tăng theo Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 06 tháng 05 năm 2022 về việc quy định mức thu học phí trong năm học 2022-2023 và vùng thu học phí từ năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;

8.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

            Do ảnh hưởng chung của giá vàng, đô la Mỹ trong nước và thế giới. So với bình quân cùng kỳ năm 2022, chỉ số giá vàng quý I/2023 giảm nhẹ 0,59%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,64%. Giá vàng 9999 ở mức 5.440.000 đồng/chỉ; giá đô la Mỹ ở mức 23.650 đồng/USD.

            9. Một số vấn đề xã hội

9.1. Lao động, việc làm

Trong quý báo cáo, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 4.631 lao động, đạt 28,9% kế hoạch giao. Trong đó: Lao động trong tỉnh: 2.565 lao động, chiếm 55,4%; lao động ngoài tỉnh: 2.024 lao động, chiếm 43,7%; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 42 lao động, đạt 28,0% kế hoạch giao.

Tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề cho 1.538 người, đạt 16% so với kế hoạch (đào tạo nghề trình độ TC, CĐ đến tháng 9 mới tuyển sinh).

9.2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong quý báo cáo, cả tỉnh không phát sinh thiếu đói, đời sống nhân dân có đôi chút khó khăn do giá cả lạm phát tăng nhưng nhìn chung vẫn ổn định. Tỉnh đã kịp thời giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng Người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội thực hiện được đầy đủ, đúng đối tượng. Công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm.

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và cấp phát gạo hỗ trợ của Chính phủ nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023: Tổng số gạo được phân bổ là 1.183,1 tấn thuộc các đối tượng là thành viên hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng hiện đang sinh sống tại các cơ sở Bảo trợ xã hội. Số lượng gạo được cấp phát kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm chất lượng theo quy định.

9.3. Giáo dục, đào tạo

Tính đến tháng 3/2023, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 148 trường, trong đó: trường phổ thông là 124/211 trường (Tiểu học 80 trường, THCS 34 trường, THPT 10 trường), đạt tỷ lệ 58,8%; trường mầm non 24/88 trường, đạt tỷ lệ 27,3%.

9.4. Y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Tính đến ngày 08/3/2023, toàn tỉnh có 01 người mắc Covid-19, không có trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm 99,9% , tử vong giảm 06 ca.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đến ngày 07/3/2023, tổng số vắc xin nhận được là 1.614.980 liều; đã tiêm 1.601.880 liều, đạt tỷ lệ 99,2%.

Tính đến ngày 08/3/2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 345 trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết, tăng 8,9 lần so với cùng kỳ; bệnh Tay chân miệng 01 trường hợp, tăng 01 trường hợp; Thủy đậu 23 trường hợp, tăng 22 trường hợp; Tiêu chảy 62 trường hợp, giảm 56%; bệnh Lỵ 03 trường hợp, giảm 75%. Chưa có trường hợp tử vong do các bệnh trên.

9.5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong quý I/2023, Tỉnh chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền cổ động trực quan mừng Đảng - mừng Xuân và đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền và Họp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023) và mừng Xuân Quý Mão 2023; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023 – 2025; Tổ chức Chương trình Nghệ thuật - Chào năm mới 2023; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2023; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023); Tổ chức Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2023 và đón nhận Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”; ...

9.6. Tai nạn giao thông

Trong quý I/2023, trên địa bàn cả tỉnh xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, làm 11 người chết, 26 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,3% (giảm 04 vụ); số người chết giảm 8,3% (giảm 01 người) và số người bị thương giảm 10,3% (giảm 03 người). Bình quân 3,4 ngày trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

9.7. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy; không thiệt hại về người; tài sản thiệt hại 100 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy không tăng không giảm; thiệt hại về người không tăng không giảm; thiệt hại về tài sản tăng 04 triệu đồng.

9.8. Thiệt hại thiên tai

Trong quý I, trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiên tai, giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm trước; không thiệt hại về người, không tăng không giảm so với cùng kỳ năm trước; không thiệt hại về tài sản, giảm 65 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước./.

*Đính kèm file: “58_Báo cáo tình hình KT-XH quý I năm 2023” 

Nguyễn Hồng Thiện
Phòng thống kê Tổng hợp
 



[1] Tốc độ tăng Sản lượng nuôi trồng thủy sản quý I năm báo cáo so với cùng kỳ năm trước các năm 2019-2023 lần lượt là: tăng 20,9%; tăng 11,3%; tăng 14,9%; tăng 5,3%; tăng 9,9%.


Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 592
  • Trong tuần: 5157
  • Tất cả: 969796

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn