CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG (CPI) QUÝ I NĂM 2022
Quý I/2022, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh. Trong nước, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa trong nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng tăng lên.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I năm 2022 tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2021, CPI quý I/2022 tăng chủ yếu ở một số nguyên nhân sau

(1) Trong 3 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 07 đợt (06 đợt tăng giá và 01 đợt giảm giá), làm cho giá xăng A95 tăng 6.020 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.890 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.130 đồng/lít. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 45,96% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,54 điểm phần trăm;

(2) Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình quý I năm 2022 tăng 2,83% so với cùng kỳ do một số mặt hàng thực phẩm tăng, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm;

(3) Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân quý I năm 2022 giá gas tăng thêm 50.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 12/2021, tăng 20,78% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm;

(4) Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý I năm 2022 tăng 10,84% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá cước vận tải tăng, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm;

(5) Dịch vu giao thông công cộng  quý I năm 2022 tăng 9,86% so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu tăng cao, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.



Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI quý I năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như sau: (1)Giá các mặt hàng lương thực quý I năm 2022 giảm 9,65% do giá lúa giảm, góp phần làm CPI giảm 0,47 điểm phần trăm; (2)Giá các mặt hàng thực phẩm quý I năm 2022 giảm 2,46%, làm CPI giảm 0,60 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,06%, mỡ ăn giảm 19,61%, nội tạng động vật giảm 14,7%; theo đó giá thịt chế biến giảm 6,13%; Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra trong bối cảnh cả nước vẫn còn những ca mắc Covid-19, biến chủng Omicron và đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, do vậy tình hình thị trường, nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cũng có một số thay đổi hơn so với những năm trước; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 6012/KH-UBND ngày 03/11/2021 về việc bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc. Tạm ứng 20 tỷ đồng, với lãi suất 0% để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị vay dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết cũng góp phần hạn chế mức tăng CPI trong quý I năm 2022./.

Nguyễn Thị Hà








Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 516
  • Trong tuần: 4908
  • Tất cả: 967170

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn