CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2021
Trong tháng 9 năm 2021, giá gạo giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng thương lái thu mua lúa vận chuyển tỉnh ngoài giảm; Giá thịt heo, thịt gia cầm, giá thủy sản tươi sống, giá trứng và rau các loại giảm do nguồn cung dồi dào là những nguyên nhân làm cho CPI tháng này  giảm 0,66% so với tháng trước (khu vực thành thị giảm 0,79%, khu vực nông thôn giảm 0,54%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm 2021 tăng 3,03% so bình quân cùng kỳ năm trước, CPI 9 tháng đầu năm 2021 tăng chủ yếu ở một số nguyên nhân sau:

(1) Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong dịp tết Nguyên đán năm 2021 đã làm cho giá gạo 9 tháng đầu năm 2021 tăng 14,11% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm;

(2) Tình hình tình hình dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh phía Nam và trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh. Trong 9 tháng đầu năm, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất nhiều mặt hàng tăng; Tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương… nhiều công ty phải tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động nhưng phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đã làm cho nguồn cung một số mặt hàng bị hạn chế. Trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm có thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn đã làm cho giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: thịt chế biến tăng 5,33%, trứng các loại tăng 4,99%, dầu ăn và chất béo tăng 6,14%, thủy sản khô chế biến tăng 5,93%, các loại đậu và hạt tăng 4,33%, đường mật tăng 8,86%, bánh kẹo tăng 2,23%... đã góp phần làm CPI bình quân tăng so với cùng kỳ năm trước;

(3)  Đồ uống và thuốc lá tăng 3,88% theo nguyên vật liệu đầu vào tăng, góp phần làm CPI chung tăng thêm 0,19 điểm phần trăm;

(4)  Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, trong 9 tháng đầu năm giá gas tăng 7 lần với tổng mức tăng là 109.000đ/bình 12kg, 2 lần giảm với mức giảm 39.000đ/bình 12kg; Tính bình quân 9 tháng đầu năm 2021 giá gas tăng thêm 70.000đ/bình 12kg (tăng 14,72%) so với cùng kỳ năm trước;

(5)  Giá vật liệu xây dựng tăng cao 8,55%; trong 9 tháng đầu năm, giá hầu hết các vật liệu xây dựng đều tăng, đặc biệt là giá sắt, thép, cát tăng cao theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào;

(6)  Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 16 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 5.470 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.200 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.210 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng tăng 23,27%, làm CPI chung tăng 0,70 điểm phần trăm.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG NĂM 2021 VỚI CÙNG KỲ NĂM 2020 (%)


Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như sau: Giá thịt gia súc giảm 5,46%, thịt gia cầm giảm 3,69% do nguồn cung đảm bảo, giá heo hơi giảm đã làm cho giá thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo giảm so với cùng kỳ năm trước; Giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm, giá các loại hoa và cây cảnh giảm do tình hình dịch Covid-19 trong nước bùng phát trở lại cũng góp phần kiềm chế mức tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2021./.

Nguyễn Thị Hà












Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 907
  • Trong tuần: 5514
  • Tất cả: 950386

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn