20-03-2023
Ninh Phước xây dựng sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP
Nhằm nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng nông
sản, huyện Ninh Phước đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu và phát
triển sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP, đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu
dùng.
Ninh Phước là vùng trọng điểm trồng lúa lớn nhất
tỉnh, với diện tích sản xuất khoảng 15.000 ha. Thời gian qua, để nâng cao năng
suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo, huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa
phương vận động nông dân trên địa bàn gieo sạ đúng khung lịch thời vụ; khuyến
cáo nông dân chọn các giống xác nhận, giống có năng suất, chống chịu được sâu
bệnh, như: Đài Thơm 8, ML202, TH6, TH41...; vận động nông dân thay đổi phương
thức sản xuất theo hướng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu
quả kinh tế. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các ngành chức năng triển khai
trồng thử nghiệm thành công các giống lúa mới cho năng suất cao như: ĐV108, Q5,
TĐ25. Hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; triển
khai xây dựng 11 cánh đồng lớn sản xuất lúa, với diện tích khoảng 2.400 ha.
Cùng với đó, huyện thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nông nghiệp, giúp các
hợp tác xã (HTX) và nông dân có điều kiện sản xuất lúa theo quy mô hàng hóa.
Năm 2022, toàn huyện gieo trồng khoảng 12.824 ha
lúa, năng suất lúa bình quân đạt 6,5 tấn/ha, sản lượng đạt 83.222 tấn. Ngoài
việc đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện, mỗi năm còn cung cấp hàng
trăm tấn gạo hàng hóa cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Thành Anh,
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ, xã Phước Hậu, cho biết: Những năm
qua, nhờ gieo trồng đúng khung lịch thời vụ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào
sản xuất nên năng suất lúa đạt khá cao từ 6,5-7 tạ/ha.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện
Ninh Phước cho biết: Hướng tới xây dựng sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP, huyện
khuyến khích các HTX và nông dân trên địa bàn tích cực tham gia mô hình cánh
đồng lớn sản xuất lúa, trên cơ sở đó triển khai cho các HTX đăng ký tham gia
chương trình OCOP. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng khảo sát một số vùng
sản xuất lúa ở các xã, thị trấn để xây dựng vùng sản xuất gạo đạt tiêu chuẩn
OCOP. Trước mắt, chọn xã Phước Thái để triển khai thí điểm với diện tích khoảng
10-20 ha. Huyện đã chỉ đạo xã Phước Thái khảo sát khu vực sản xuất, hỗ trợ các
HTX và nông dân tham gia mô hình; phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập
huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa sạch cho các HTX và nông dân trên địa
bàn; kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với các HTX tiêu thị sản phẩm cho nông
dân. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các HTX và nông dân tham gia chương trình
OCOP.
Cao
Thị Thủy ( CCTK KV Ninh Phước -Thuận Nam)
(Nguồn: Báo Ninh Thuận)