Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2021 tỉnh Ninh Thuận

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

   Sản xuất nông nghiệp trong tháng Mười Một tập trung vào chăm sóc cây trồng vụ mùa. Các đợt mưa lũ trong tháng cung cấp lượng nước tưới dồi dào. Chăn nuôi gia súc chăn thả có chiều hướng giảm do đồng cỏ tự nhiên giảm; chăn nuôi lợn tăng do kiểm soát dịch bệnh tốt; chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục công tác trồng rừng tập trung của năm. Sản lượng thủy sản giảm do ảnh hưởng của mùa mưa bão và dịch Covid-19 làm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm.

a/ Nông nghiệp

   Tính đến 15/11/2021, cả tỉnh gieo trồng được 12.181 ha, chiếm 50,7% diện tích gieo cấy và tăng 27,3% so cùng kỳ năm trước do các đợt mưa lũ trong tháng cung cấp lượng nước tưới dồi dào, trong đó diện tích lúa huyện Ninh Phước đạt cao nhất 3.058,5 ha, chiếm 25,1% diện tích gieo cấy toàn tỉnh và tăng 88,5% so cùng kỳ. Tháng còn lại cuối năm thời tiết diễn biến khó lường, dự ước năng suất lúa vụ mùa 2021 khoảng 54,6 tạ/ ha, tăng 0,9 tạ/ ha so vụ mùa 2020, sản lượng ước đạt 66,5 nghìn tấn, tăng  29,3% do diện tích gieo cấy tăng.

   Về một số cây hoa màu, cả tỉnh gieo trồng được 11,4 nghìn ha ngô, tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước; 0,2 nghìn ha khoai lang, tăng 23,9%; 0,77 nghìn ha lạc, giảm 10%; 12,4 nghìn ha rau các loại, tăng 4,8%. Các loại cây trồng khác ước tính năng suất không cao hơn nhiều so cùng kỳ do mùa mưa lũ năm nay chưa chấm dứt, sinh vật gây hại trên cây trồng còn xuất hiện vào mùa mưa. Dự ước năng suất ngô đạt 39,5 tạ/ha, giảm 2,7tạ/ha, sản lượng ngô ước đạt 21,3 nghìn tấn, tăng 5,9% so vụ mùa 2020 do tăng diện tích trồng; rau các loại năng suất chung 167,1 tạ/ha, giảm 22,1 tạ/ha, sản lượng ước đạt 44,9 nghìn tấn, giảm 14,2% so cùng kỳ, do cơ cấu các loại rau có năng suất cao (nha đam, măng tây, hành lá, bí xanh,...) giảm nhiều trong vụ, sâu bệnh gây hại trên rau ăn lá... làm giảm năng suất chung của rau các loại; năng suất đậu các loại ước đạt 8tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt 973,9 tấn giảm 12% so cùng kỳ.

            Tình hình chăn nuôi trong tháng Mười Một khá thuận lợi do thời tiết mưa nhiều, đồng cỏ tự nhiên phát triển cho gia súc chăn thả phục hồi, đàn heo và gia cầm tăng mạnh để kịp xuất bán dịp Tết. Sản phẩm gia súc, gia cầm trong tháng tiêu thụ ít hơn cùng kỳ, giá vật nuôi có xu hướng giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19 lan rộng. Ước tính trong tháng, tổng số trâu của cả tỉnh giảm 0,5% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số bò giảm 1,4%; tổng số heo tăng 15,2%; tổng số dê, cừu giảm 5,9%; tổng số gia cầm tăng 12,6%. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra ca mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Dịch tả lợn châu Phi, LMLM, cúm gia cầm, heo tai xanh. Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lũy kế đến đầu tháng đã có 4.762 con bệnh; trong đó chết tiêu hủy 344 con, khỏi bệnh 3.732 con, hiện dịch đang được kiểm soát.

b/ Lâm nghiệp

Tình hình lâm nghiệp của tỉnh trong tháng Mười Một tiếp tục trồng rừng tập trung. Dự kiến trong tháng này sẽ trồng hết 89,6 ha cây lâm nghiệp còn lại, bằng 50,5% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 129,7 nghìn cây, bằng 29,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 54 m3, bằng 180%; sản lượng củi khai thác đạt 0,8 nghìn ste, bằng 104,8%.

   Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 298,6 ha cây lâm nghiệp, bằng 44,5% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 331 nghìn cây, bằng 33,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.014 m3, bằng 185,1%; sản lượng củi khai thác đạt 17,2 nghìn ste, bằng 107,3%.

   Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng Mười Một là 0,1 ha, bằng 1,7% cùng kỳ năm trước, toàn bộ là diện tích rừng bị chặt, phá. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 28,2 ha, bằng 180,8% cùng kỳ năm trước, toàn bộ là diện tích rừng bị chặt, phá.

c/ Thuỷ sản

   Trong tháng Mười Một, mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, và tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt 3.345,6 tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 2.047,6 tấn, giảm 0,1%; tôm đạt 845,9 tấn, giảm 8,7%; thủy sản khác đạt 452,1 tấn, giảm 2,7%.

Lũy kế 11 tháng năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 130.376,3 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 8.778,3 tấn, giảm 5,2%; sản lượng khai thác đạt 121.598 tấn, tăng 5%. Khai thác biển vẫn là ngành thủy sản chủ lực của tỉnh với tỷ trọng 93,2% tổng sản lượng thủy sản.

            Sản l­ượng giống thủy sản trong tháng Mười Một ước đạt 2,9 tỷ con, giảm 2% so cùng kỳ năm 2020, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid làm thị trường miền Tây Nam Bộ nhu cầu tôm giống giảm. Lũy kế 11 tháng năm 2021 số lượng giống thủy sản sản xuất ước đạt 36,7 tỷ con, giảm 4,1% so với cùng kỳ 2020.

2. Sản xuất công nghiệp

   Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp hơn tháng trước, làm một số doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, giảm thời gian sản xuất hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng-tiêu thụ. Vì thế, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 của các ngành khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo và cung cấp nước đều giảm so với tháng trước, trừ ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện. Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 27,03%.

   Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tăng 8,90% so với tháng trước và tăng 6,05% so với cùng kỳ năm trước, đà tăng trưởng giảm dần trong 3 năm gần đây, trong đó sản xuất và phân phối điện tăng 9,22%; chế biến, chế tạo tăng 1,97%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,55%; ngành khai khoáng giảm 38,62%.

   Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 27,03% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 41,11% của cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 47,71%, là yếu tố chủ yếu làm tăng chỉ số chung toàn ngành; chế biến, chế tạo tăng 1,52%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,12%; riêng ngành khai khoáng giảm 31,14%.

   Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: đường RS tăng 68,7%; điện sản xuất tăng 42,2% (trong đó: điện mặt trời tăng 52,9%; điện gió tăng 62,4%) tiếp tục là nhân tố chủ lực tăng trưởng ngành Công nghiệp; tôm đông lạnh tăng 26,8%; thạch nha đam tăng 13,3%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: muối biển khai thác giảm 45,9% do mưa nhiều; Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc giảm 24,5%; hạt điều khô giảm 15,8%; xi măng Portland đen giảm 12,3%; bia đóng lon giảm 4,1%; tinh bột sắn giảm 3,5%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

   Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2021 do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Tính đến ngày 15/11/2021, cả tỉnh có 337 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký mới cũng giảm 42,7%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 56,6%. Điểm sáng là có 88 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,5% so cùng kỳ năm trước.

Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 15/11/2021, có 337 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2.714 tỷ đồng, giảm 44,5% số doanh nghiệp (337/607 DN) và số vốn đăng ký giảm 42,7% so cùng kỳ; trong đó một số lĩnh vực giảm, như: sản xuất điện, giảm 96,5% (6/173 DN); dịch vụ tư vấn, thiết kế, giảm 53,5% (20/43 DN); xây dựng, giảm 42,2% (67/116 DN); dịch vụ lưu trú và ăn uống, giảm 34,8% (15/23 DN); nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, giảm 22,9% (57/74 DN). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 15/11/2021, có 3.801 doanh nghiệp/74.747 tỷ đồng.

Lũy kế 11 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,5% so cùng kỳ (88/69 DN); có 69 doanh nghiệp giải thể, giảm 9,2% so cùng kỳ (69/76 DN); có 166 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 56,6% so cùng kỳ (166/106 DN).

4. Đầu tư

   Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh không đạt mức cao. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười Một tăng 4,5% so với tháng trước, nhưng giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sau hai năm tăng liên tiếp. Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 81,5% kế hoạch năm và giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất giai đoạn 2019-2021.

      Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười Một ước đạt 230,3 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 145,7 tỷ đồng, giảm 25,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 84,6 tỷ đồng, tăng 150,1%.

      Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.535,3 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh: 1.058,3 tỷ đồng, giảm 17%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện: 475,1 tỷ đồng, tăng 12,6%.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

   Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhưng đang dần được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, và việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm góp phần làm tình hình thu ngân sách Nhà nước 11 tháng của tỉnh nhìn chung khả quan. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý Nhà nước.

   Thu ngân sách Nhà nước tháng Mười Một ước đạt 184,4 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa 175 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 9,4 tỷ đồng. Nâng tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2021 đạt 3.732 tỷ đồng, bằng 95,7% dự toán năm, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

   Tổng chi ngân sách Nhà nước (không tính chi từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ) đạt 6.110 tỷ đồng, đạt 109% dự toán năm.

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

a/ Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

   Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Mười Một tiếp tục xu hướng tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2021 tăng 7,1% so với tháng trước, mức tăng trưởng cao nhất trong các năm 2017-2021; và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất trong các năm 2017-2021. Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 0,6%, mức tăng trưởng thấp nhất trong các năm 2017-2021.

   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước đạt 2.213,6 tỷ đồng, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.812,7 tỷ đồng, tăng 4,9% và tăng 9,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 246,1 tỷ đồng, tăng 23,2% và giảm 16,3%; doanh thu du lịch lữ hành không phát sinh; doanh thu dịch vụ khác đạt 154,8 tỷ đồng, tăng 11,7% và giảm 14%.

   Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 21.821,7 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

b/ Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

   Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá thế giới; ảnh hưởng của việc áp dụng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 làm giá cả các mặt hàng may mặc, vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình tăng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 2,43% so cùng kỳ năm trước và tăng 1,88% so tháng 12 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 2,85% so cùng kỳ năm trước.

   Trong mức tăng 1,04% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ CPI tăng: nhóm giao thông tăng 3,08% do ảnh hưởng của đợt tăng giá bán lẻ xăng, dầu (vào ngày 10/11/2021); nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 2,62% do chi phí sản xuất tăng cộng với chi phí vận chuyển tăng; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,12% do ảnh hưởng của giá gas tăng 3,75%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,03% do thực phẩm tăng 1,58% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,55%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,55%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,15%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhẹ 0,02%. 3/11 nhóm có CPI không thay đổi: thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính, viễn thông; giáo dục.

   CPI tháng 11/2021 tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 2,85% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tăng 1,83% so với tháng trước nhưng giảm 2,60% so cùng kỳ năm trước; giá vàng 9999 hiện ở mức 5.270.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,95% so với tháng trước và tăng 0,78% so cùng kỳ năm trước; giá đô la Mỹ hiện ở mức 23.300 đồng/USD.

c/ Vận tải hành khách và hàng hóa

Việc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường bộ của tỉnh, nhất là vận tải hành khách. Tính chung 11 tháng năm 2021, khối lượng vận chuyển hành khách giảm 47,2% và vận chuyển hàng hóa giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

   Khối lượng hành khách vận chuyển trong tháng ước đạt 0,04 triệu lượt hành khách, tăng 8,6% so với tháng trước và luân chuyển 2,7 triệu lượt hành khách.km tăng 8,7%. Tính chung 11 tháng, vận tải hành khách đạt 2,4 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 178,9 triệu lượt hành khách.km, giảm 48,7%. Toàn bộ là hoạt động vận tải đường bộ trong nước.

   Vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 0,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 7,9% so với tháng trước và luân chuyển 53,8 triệu tấn.km, tăng 8,7%. Lũy kế 11 tháng, vận tải hàng hóa đạt 6,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 461,2 triệu tấn.km, giảm 5,9%. Toàn bộ là hoạt động vận tải  đường bộ trong nước.

7. Một số vấn đề xã hội

a/ Lao động, việc làm

Trong tháng Mười Một, ước giải quyết việc làm mới khoảng 1.500 lao động; nâng tổng số người được giải quyết việc làm mới trong 11 tháng năm 2021 khoảng 8.500 lao động, đạt 53% kế hoạch giao. Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN 11 tháng là 2.844 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong đó, đã ban hành 2.847 Quyết định ởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi hơn  42 tỷ đồng. Thẩm định và cấp giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh cho 136 trường hợp. Tuyển mới đào tạo nghề cho 4.232 /9.000 người, đạt 47,02% kế hoạch năm.

b/ Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 03/7/2021 đến nay làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn chưa tăng 2 năm qua. Bên cạnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động không thuận lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm giảm việc làm, giảm thu nhập của người lao động hưởng tiền lương, tiền công. Đời sống nông dân tương tự cũng ảnh hưởng dịch bệnh nên giá cả nhiều loại nông sản bị giảm, hàng hóa khó lưu thông, khó tiêu thụ.

   Trong tháng, tỉnh đã kịp thời tham mưu giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng Người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội thực hiện được đầy đủ, đúng đối tượng.

c/ Giáo dục

Trong tháng Mười Một, tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp và trực tuyến (phần lớn) cho học sinh. Chuẩn bị công tác kiểm tra chất lượng giữa học kỳ I năm học 2020-2021, nhằm đánh giá chất lượng học sinh. Đa số trường tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021 trên nền tảng trực tuyến do ảnh hưởng dịch bệnh.

d/ Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, liên tục có các ca bệnh trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm đến 18h00 ngày 20/11/2021, toàn tỉnh có 3.322 người mắc bệnh Covid-19, tăng cao so với năm 2020 (năm 2020 có 03 người mắc bệnh). Riêng đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 03/7/2021, phát hiện 3.313 người mắc bệnh; có 2.328 người được điều trị khỏi xuất viện; 44 người tử vong. Toàn tỉnh đã tiêm 639.061 mũi vắc xin, trong đó số người đã tiêm mũi 1 là 420.563; số người đã tiêm mũi 2 là 218.498.

Đã phát hiện 235 trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết, giảm 51,4% so với năm 2020; bệnh Tay chân miệng phát hiện 85 trường hợp, giảm 67,7%. Chưa có trường hợp tử vong. Các bệnh truyền nhiễm khác mắc tản phát như bệnh lỵ (trực tràng, Amibe) 140 trường hợp, tiêu chảy 1.118 trường hợp, thủy đậu 50 trường hợp, thương hàn 05 trường hợp, quai bị 08 trường hợp, cúm 4.776 trường hợp, tất cả đều giảm so với năm 2020. Không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tả, viêm não, các loại cúm A, bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

đ/ Văn hóa, thể thao

   Tổ chức Lễ trao bằng xếp hãng di tích quốc gia Vịnh Vĩnh Hy. Triển khai hưởng ứng hoạt động «Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021». Tiếp tục hoàn thiện sồ sơ lý lịch di tích Miếu Thuận Khánh trình UBND tỉnh xem xét xếp hạng. Cập nhật bổ sung hồ sơ di sản «Nghệ thuật làm gốm của người Chăm».

   Theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh để kịp thời triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh Ninh Thuận. Tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên các đội thể thao thành tích cao năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát.

Triển khai kế hoạch tích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch. Hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất để mở cửa đón khách du lịch khi có chủ trương của tỉnh.

e/ Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/10 đến 14/11/2021), xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, làm 03 người chết, có 14 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tăng 02 vụ (+20%); số người chết giảm 01 người (-25%); số người bị thương tăng 04 người (+40%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 03 vụ (+33,3%); số người chết giảm 02 người (-40%); số người bị thương tăng 06 người (+60%).

Tính chung 11 tháng, tai nạn giao thông giảm đều cả ba phương diện: xảy ra 126 vụ tai nạn giao thông (toàn bộ thuộc đường bộ), bao gồm 50 vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên và 76 vụ va chạm giao thông, làm 49 người chết và 117 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 09 vụ (-6,7%); số người chết giảm 06 người (-10,9%) và số người bị thương giảm 13 người (-10%).

g/ Tình hình cháy, nổ

Trong tháng Mười Một không xảy ra cháy, nổ. Lũy kế 11 tháng xảy ra 05 vụ cháy, giảm 09 vụ (-64,3%) so cùng kỳ năm trước; không thiệt hại về người, bằng cùng kỳ; thiệt hại tài sản 401,6 triệu đồng, giảm 96,2%.

h/ Thiệt hại do thiên tai

            Trong tháng Mười Một không xảy ra thiên tai. Lũy kế 11 tháng năm 2021, cả tỉnh xảy ra 10 vụ lũ lụt, lốc, sét, mưa đá, làm chết 02 người; 21 căn nhà bị sập, cuối trôi; 378 ngôi nhà bị hư hại; 1.652 ha lúa và 140 ha hoa màu bị thiệt hại; 01 gia súc và 1.250 gia cầm bị chết, cuốn trôi; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính gần 48,6 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do lũ, lụt là gần 47,8 tỷ đồng (chiếm 98,3% tổng giá trị thiệt hại). So với cùng kỳ năm 2020, số vụ thiên tai tăng 03 vụ (+42,9%), nhưng số người chết giảm 04 người (-66,7%), tổng giá trị thiệt hại về tài sản giảm gần 82,2 tỷ đồng (-62,8%)./.

*Đính kèm file: “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021” 

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)



Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 240
  • Trong tuần: 5589
  • Tất cả: 971503

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn