Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh Ninh Thuận

1. Tăng trưởng kinh tế

GRDP (tính theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao 14/63 tỉnh/TP cả nước và thứ 3/14 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó: khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,71%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng 12,15%, đóng góp 4,10 điểm phần trăm; khu vực Dịch vụ tăng 7,30%, đóng góp 2,56 điểm phần trăm; Thuế sản phẩm tăng 3,31%, đóng góp tăng 0,15 điểm phần trăm. 

Về cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2024: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 25,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,2%; khu vực dịch vụ chiếm 30,6%; thuế sản phẩm chiếm 4,1% (Cơ cấu tương ứng cùng kỳ năm 2023 là: 26,7%; 38,3%; 30,6%; 4,4%).

            2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1 Nông nghiệp

Vụ đông xuân 2023-2024, diện tích lúa cả tỉnh gieo trồng đạt 17,3 nghìn ha, đạt 99% so kế hoạch, tăng 0,6% (tăng 0,1 nghìn ha). Năng suất lúa đạt bình quân gần 66,5 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha, do nắng hạn thiếu nước cục bộ nên một số diện tích lúa thu hoạch cuối bị sâu ống gây lép hạt, giảm năng suất. Sản lượng lúa đạt gần 115,2 nghìn tấn, tăng 0,3% (tăng 0,3 nghìn tấn).

Tính đến đầu tháng Sáu, các địa phương đã gieo trồng 3,9 nghìn ha ngô, giảm 16,6% so cùng kỳ năm trước; 0,1 nghìn ha khoai lang, giảm 5,1%; 0,3 nghìn ha lạc, giảm 30,1%; gần 5,6 nghìn ha rau, đậu các loại, giảm 12,8%.

            Ước tính diện tích cây lâu năm toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 hiện có 12,7 nghìn ha, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước. Tình hình một số cây lâu năm chủ yếu của tỉnh như sau: cây nho hiện có 0,98 nghìn ha, giảm 7,3% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 6 tháng ước đạt 14,7 nghìn tấn, giảm 8,6%. Cây táo hiện có 1,1 nghìn ha, tăng 6,8%; sản lượng ước đạt gần 25,3 nghìn tấn, tăng 8,3%. Cây xoài hiện có 0,7 nghìn ha, tăng 6%; sản lượng ước đạt 5,6 nghìn tấn, tăng 6,2%. Cây điều: diện tích cho sản phẩm 3,8 nghìn ha, tăng 7,9%; sản lượng điều ước đạt 1,6 nghìn tấn, tăng 6,1%.

            Ước tính cuối tháng Sáu, số lượng trâu giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 88,1 tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng bò giảm 0,5%; sản lượng thịt bò ước đạt 3.069,4 tấn, tăng 4,7%. Số lượng heo tăng 17,7%; sản lượng thịt heo hơi ước đạt 14.473,5 tấn, tăng mạnh 30,8%. Số lượng dê, cừu giảm 7,6%; sản lượng bán giết thịt 2.164,3 tấn, tăng 2,7%. Số lượng gia cầm giảm 11,6%; sản lượng thịt gia cầm đạt 4.179,1 tấn, giảm 7,7%. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 35,9 triệu quả, tăng 19,4%.

2.2 Lâm nghiệp

Trong quý II/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung và số cây lâm nghiệp trồng phân tán không phát sinh; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.100 m3, tăng 1,9%; sản lượng củi khai thác đạt 7,1 nghìn ste, tăng 0,7%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung không phát sinh, không tăng không giảm so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 100 nghìn cây, giảm 72,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.075 m3, tăng 0,7%; sản lượng củi khai thác đạt 12,3 nghìn ste, giảm 6,4%.

2.3 Thuỷ sản

Sản lượng thủy sản quý II/2024 ước tính đạt 36,4 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 32,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 1,1 nghìn tấn, giảm 5,4%; thủy sản khác đạt 2,9 nghìn tấn, giảm 4,5%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 63,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 56,8 nghìn tấn, tăng 4,1%; tôm đạt 1,7 nghìn tấn, giảm 3,3%; thủy sản khác đạt 4,6 nghìn tấn, giảm 6%.

            3. Sản xuất công nghiệp

            Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 dự tính tăng 13,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chủ lực sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất với mức 14,09% so với cùng kỳ (trong đó, sản lượng điện sản xuất các loại ước tăng 8,0%; phân phối điện thương phẩm tăng 18,7%); ngành chế biến, chế tạo tăng 13,51%, do nhu cầu thị trường tăng, nguyên vật liệu dồi dào; ngành khai khoáng tăng nhẹ 2,04%.

Tình hình một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước: Quần áo các loại tăng 147,8%; Tinh bột mỳ tăng 119,3%; Muối biển tăng 82,3%; Nước uống từ yến tăng 43,1%; Phân vi sinh tăng 27,1%; Thạch nha đam tăng 26,6%; sản xuất Đường tăng 18,2%; Hạt điều khô tăng 15,5%; Sản phẩm thuốc lá điếu tăng 14%; Điện sản xuất tăng 8% (trong đó, điện mặt trời tăng 19,6%); Bia đóng lon giảm 1,5%; Muối chế biến giảm 17,7%; Tôm đông lạnh giảm 22,1%; một số sản phẩm xây dựng giảm (khai thác đá xây dựng giảm 42%; xi măng giảm 20%).

            4. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

            Lũy kế 6 tháng đầu năm, có 190 doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn đăng ký 1.688 tỷ đồng, giảm 6,4% số doanh nghiệp và giảm 7,5% số vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước.

            Có 69 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 17,9%; 37 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9,8%; Và 172 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 11,7%.

            5. Đầu tư

Vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 7.535,4 tỷ đồng giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước, chia ra: nguồn vốn nhà nước 3.034,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,3% tổng nguồn vốn và tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước 4.265,2 tỷ đồng, chiếm 56,6% và giảm 23,7%; vốn đầu tư nước ngoài 236,1 tỷ đồng, chiếm 3,1% và tăng 99,9%.

            6. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 2.411,2 tỷ đồng, đạt 60,3% dự toán năm và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 2.363,9 tỷ đồng, đạt 59,9% và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 34 tỷ đồng, đạt 64,2% và tăng 87%.

Tổng chi ngân sách địa phương 3.650,35 tỷ đồng (không tính chi từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ), đạt 45,4% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

            7. Thương mại, giá cả, dịch vụ

7.1 Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2024 ước tính đạt 11.113,9 tỷ đồng, tăng 7,9% so với quý trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 21.413,1 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

7.2 Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,86% so với bình quân cùng kỳ năm 2023 do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

(1) Giá gạo tăng mạnh trong những tháng đầu năm, tăng 30,71% so với bình quân cùng kỳ. Nguyên nhân là do nguồn cung gạo toàn cầu giảm vì biến đổi khí hậu, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu tăng làm giá gạo trong nước cũng như giá gạo ở địa phương tăng mạnh, tác động làm CPI mặt hàng lương thực tăng 1,24 điểm phần trăm;

(2) Giá thịt heo tăng 5,15% so bình quân cùng kỳ, do thiếu hụt nguồn cung, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm;

(3) Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 10,14% do nhu cầu sử dụng điện mùa nắng nóng tăng, cùng với đó, ngày 09/11/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, tác động làm CPI chung tăng 0,29 điểm phần trăm;

(4) Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,31%, làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023;

(5) Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước, do trong năm học 2023-2024 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Nghị Quyết tăng mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, góp phần làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm;

(6) Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,36%, góp phần làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm.

7.3 Vận tải hành khách và hàng hóa

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách đạt 6,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 21,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 77,3%) và luân chuyển 510,9 triệu lượt khách.km, tăng 20,7% (cùng kỳ năm trước tăng 82,4%). Vận tải hàng hóa đạt 7,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 54,9%) và luân chuyển 558,7 triệu tấn.km, tăng 12,1% (cùng kỳ năm trước tăng 54,5%).

            8. Một số vấn đề xã hội

8.1 Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

Đời sống dân cư một số khu vực gặp khó khăn do tình hình hạn hán gay gắt cục bộ, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ở một số khu vực. Tỉnh đã đề nghị và được Trung ương cấp hỗ trợ 589,6 tấn gạo để tổ chức cứu đói dịp giáp hạt cho 9.518 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ sản xuất nông nghiệp nhưng không sản xuất được.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh tổ chức thăm, tặng quà cho đối tượng người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền khoảng 40 tỷ đồng. Cấp phát 982 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh và đối tượng sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập; thăm, chúc thọ 45 cụ tròn 100 tuối.

8.2 Lao động, việc làm

Trong 6 tháng đầu năm, số lao động được giải quyết việc làm mới đạt 10.025 lao động, đạt 62,7% kế hoạch giao và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Lao động trong tỉnh: 4.990 lao động; ngoài tỉnh: 4.909 lao động; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 126 lao động, đạt 84% chỉ tiêu được giao.

8.3 Giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao

Tính đến tháng 6/2024, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 164 trường; trong đó: (i) trường phổ thông là 135/208 trường (cấp Tiểu học có 87 trường, cấp THCS 39 trường, cấp THPT 09 trường), đạt tỷ lệ 64,9%; (ii) trường mầm non là 29/88 trường, đạt tỷ lệ 33%.

Ước tính đến ngày 30/6/2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 02 ca mắc Covid-19, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2023; 170 ca mắc Sốt xuất huyết, giảm 61,9%; 91 ca mắc Tay chân miệng, tăng 1,8 lần; Thương hàn 02 ca, bằng với cùng kỳ; Tiêu chảy 843 ca, tăng 7,1%; Thủy đậu 10 ca, giảm 87,8%; bệnh Lỵ 60 ca, tăng 1,7%; Quai bị 04 ca, tăng 02 ca.

Tổ chức thành công Lễ hội Ẩm thực Ninh Thuận - Chào đón năm mới 2024; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ đón Tết Nguyên Đán và kỷ niệm 32 năm Ngày tái lập tỉnh (01/4/1992 - 01/4/2024), 49 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2024) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); Khai trương tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Thành lập các đoàn vận động viên tham dự 04 giải thể thao, trong đó có: 03 Giải thể thao quốc gia; 01 giải thể khu vực mở rộng. Đạt 01 Huy chương vàng, 01 Huy chương bạc; 01 Huy chương đồng.

8.4 Tai nạn giao thông

6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 135 vụ tai nạn giao thông, làm 39 người chết và 146 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 40,6% (tăng 39 vụ); số người chết giảm 27,8% (giảm 15 người) và số người bị thương tăng 105,6% (tăng 75 người). Bình quân 1,3 ngày trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông (cùng kỳ năm 2023 là 1,9 ngày).

8.5 Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ thiên tai, làm chết 01 người, không gây thiệt hại về tài sản. So với cùng kỳ năm trước, số vụ thiên tai giảm 01 vụ, số người chết không tăng không giảm, thiệt hại về tài sản giảm 1 tỷ đồng.

Phát sinh 01 vụ vi phạm môi trường. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm môi trường tăng 01 vụ, số tiền xử phạt tăng 60,5 triệu đồng.

Xảy ra 08 vụ cháy; không thiệt hại về người; tài sản thiệt hại 835 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy tăng 7 lần (tăng 07 vụ); thiệt hại về người không tăng không giảm; thiệt hại về tài sản tăng 7,35 lần (tăng 735 triệu đồng)./.

*Đính kèm file: “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng 2024

Nguyễn Hồng Thiện


Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 279
  • Trong tuần: 11110
  • Tất cả: 1120994

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn