THÔNG CÁO BÁO CHÍ Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022

BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

            Trong tháng 6/2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được dự báo xấu đi so với các dự báo đưa ra trước đó, phần lớn là do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na và việc thực hiện các biện pháp phong tỏa thường xuyên và trên phạm vi rộng ở Trung Quốc có thể gây ra những tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2022. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sẽ chậm lại và chỉ đạt mức 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2021. Theo Liên hợp quốc, nền kinh tế toàn cầu hiện được dự báo chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022, đánh dấu mức điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo được công bố vào tháng 01/2022.

            Trong nước, theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022, cao hơn so với dự kiến tăng trưởng của Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan. Trong báo cáo tháng 4/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 đạt mức 6%. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt 6,5% khi nền kinh tế dần phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ.

            Trong tỉnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời tiết và nguồn nước thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; nhưng khó khăn nổi lên là cơ chế chính sách giá điện gió, điện mặt trời chưa được ban hành, nguồn lực đầu tư công tiếp tục khó khăn, giá xăng dầu và chi phí đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất doanh nghiệp và đời sống Nhân dân. Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh như sau:

   I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

   1. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận đà tăng chậm lại của ngành trọng điểm Sản xuất và phân phối điện và sự tụt giảm của ngành Xây dựng, làm cho tốc độ tăng chỉ đạt 3,09% (GDP quý I/2022 tăng 3,71%; II/2022 ước tính tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước).

   Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 1,3% vào mức tăng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,57% (đóng góp giảm 0,21%), trong đó công nghiệp trọng điểm sản xuất và phân phối điện chỉ tăng 6,58%; khu vực dịch vụ tăng 8,08% (đóng góp 2,46%), thay thế khu vực công nghiệp và xây dựng để trở thành đầu tàu mới của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 14,06%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,08%.

   Về cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2022: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,7%; khu vực dịch vụ chiếm 28,8%; thuế sản phẩm chiếm 5,0%; (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là: 27,2%; 39,4%; 27,8%; 5,6%).

            2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá. Chăn nuôi heo và chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, tổng đàn heo và gia cầm thời điểm cuối tháng Sáu ước tăng lần lượt 8,5% và 7,1% so với cùng thời điểm năm trước. Sản xuất lâm nghiệp ổn định. Sản xuất thủy sản tăng so cùng kỳ.

a) Nông nghiệp

            Kết thúc vụ Đông xuân 2022, cả tỉnh diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 31.033,4 ha cây hàng năm, bằng 100,3% kế hoạch, tăng 1,6% so Đông xuân 2021. Trong đó, diện tích lúa Đông xuân đạt 17.875,6 ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Huyện Ninh Phước vẫn là địa phương có diện tích lúa Đông xuân lớn nhất với 5.403,9 ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Năng suất lúa đạt bình quân 66,3 tạ/ha, giảm 1,8 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa giảm do Đông xuân năm trước thuận lợi hơn về thời tiết và đất trồng.

            Tính đến trung tuần tháng 6, các địa phương của tỉnh đã xuống giống được 7.500 ha lúa Hè thu, tăng 2,1 lần so cùng kỳ năm trước do lượng nước tưới dồi dào hơn cùng kỳ. Ngoải ra, các địa phương cũng gieo trồng được 4.618,3 ha ngô, giảm 3,8% so cùng kỳ năm trước; 136,8 ha khoai lang, tăng 23,7%; 542 ha lạc, giảm 0,3%; 6.786,4 ha rau, đậu các loại, giảm 4,6%.

            Tổng diện tích cây lâu năm hiện có 12.371,8 ha, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước: cây Nho đạt 17.475,7 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ; cây Xoài 5.253,4 tấn, tăng 9,8%; cây Táo 20.277,6 tấn, tăng 10,9%; cây Bưởi 1.441 tấn, tăng 14,9%; cây Điều 1.323,1 tấn, tăng 6,4%.

   Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022, đàn trâu giảm 0,4% so với cùng thời điểm năm 2021; đàn bò giảm nhẹ 0,1%; đàn dê, cừu tăng 2,1%; đàn lợn tăng 8,5%; tổng số gia cầm tăng 7,1%. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 78,2 tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 3.121,1 tấn, tăng 0,8%; sản lượng thịt dê, cừu hơi xuất chuồng đạt 2.048 tấn, giảm 0,1%; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 11.122,8 tấn, tăng 23,6%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 3.555,8 tấn, tăng 10,7%; sản lượng trứng gia cầm đạt 35 nghìn quả, tăng 10,5%.

b) Lâm nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung vẫn chưa phát sinh, sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc rừng trồng. Ước tính số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 26,6 nghìn cây, tăng 9,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 870 m3, giảm 35,8%; sản lượng củi khai thác đạt 9,7 nghìn ste, tăng 2,1%.

   Diện tích rừng bị thiệt hại trong 6 tháng đầu năm 2022 là 6,6 ha, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ là diện tích rừng bị chặt, phá.

c) Thủy sản

   Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 61,7 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2022 đạt 37,6 nghìn tấn, tăng 5,2%), bao gồm cá đạt 54,7 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 2,5 nghìn tấn, giảm 11,1%; thủy sản khác đạt 4,5 nghìn tấn, tăng 34,2%.

   Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 4,6 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2022 đạt 3,1 nghìn tấn, giảm 0,7%), trong đó tôm đạt 2,4 nghìn tấn, giảm 9,9%; thủy sản khác đạt 1,7 nghìn tấn, tăng 16,2%. Sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 2,3 nghìn tấn, giảm 9,9%; tôm sú chưa thu hoạch.

   Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 57,1 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 34,5 nghìn tấn, tăng 5,8%), trong đó cá đạt 54,1 nghìn tấn, tăng 2,9%.

            Sản xuất giống thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 thuận lợi, thị trường khu vực miền Tây hiện giảm nhu cầu về giống tôm thẻ, nhưng tăng về giống tôm sú. Tôm giống Ninh Thuận hiện là thị trường lựa chọn hàng đầu, chiếm thị phần lớn tại các tỉnh nuôi tôm. Ước sản xuất giống thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 20,8 tỷ con, tăng 2,4%, trong đó tôm sú giống đạt 4,1 tỷ con, tăng 19,2%; tôm thẻ giống ước đạt 16,6 tỷ con, giảm 1,6%.

            3. Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm 2022 đạt độ tăng không cao, kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng thấp. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP toàn ngành tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành chủ lực sản xuất và phân phối điện chỉ tăng 4,50%, mức tăng thấp nhất từ năm 2018 đến nay.

            Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 dự tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện chỉ tăng 4,5% so cùng kỳ, đóng góp tăng 2,65 điểm % chỉ số chung (điện sản xuất đạt trần công suất, ảnh hưởng của thời tiết có mưa, sự điều tiết giảm nguồn phát cùng với các dự án điện mới chưa thực hiện là những nguyên nhân chủ yếu làm tăng trưởng sản phẩm chủ lực này chậm lại); ngành chế biến, chế tạo tăng 12,36% so cùng kỳ, đóng góp tăng 3,75 điểm %; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,47%; ngành khai khoáng giảm 11,08%, chủ yếu do ngành khai thác muối biển và khai thác đá xây dựng giảm.

   Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ: Các loại đá lót, đá lót lề đường giảm 73,8%; Tinh bột sắn giảm 31,8%, nguyên nhân thị trường tiêu thụ chủ yếu (Trung Quốc) giảm nhập khẩu do dịch bệnh (nguồn nguyên liệu để sản xuất vẫn đáp ứng đủ cho yêu cầu sản xuất); Muối biển giảm 29,2%; Đá xây dựng khác giảm 23,4%; Hạt điều khô giảm 20,4%, do tác động bởi tình hình dịch bệnh tại thị trường tiêu thụ chính (Trung Quốc); Đường RS giảm 17,2%, nguồn nguyên liệu mía cây không đáp ứng đủ theo nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp (quý II tạm ngưng); Xi măng giảm 16,7%; Điện sản xuất tăng 4,8% (trong đó, điện mặt trời giảm 3,2%); Gạch xây dựng giảm 1,9%. Một số sản phẩm tăng cao so với năm trước: Tôm đông lạnh tăng 70,7%, là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong giá trị ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thị trường xuất khẩu có nhiều hợp đồng mới, sản lượng chế biến tăng lên; Thạch Nha đam tăng 27,2%; Bia đóng lon tăng 14,3%.

   4. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sau giai đoạn suy giảm vì dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 54,2% và số doanh nghiệp thông báo giải thể giảm 6,8%. Riêng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng 32,1%.

            Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 269 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 11.515,9 tỷ đồng, tăng 34,5% số doanh nghiệp và số vốn đăng ký tăng 6,4 lần so cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 54,2% so cùng kỳ; có 137 doanh nghiệp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có 41 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 6,8% và có 144 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 32,1% so cùng kỳ.

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 15/6/2022 là 3.873 doanh nghiệp với số vốn 90.935,8 tỷ đồng.

5. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh tiếp tục sôi động, nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu tiêu dùng, du lịch, dịch vụ… phục hồi mạnh mẽ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021; vận chuyển hành khách tăng 31,7% và vận chuyển hàng hóa tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

            Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 15.736,9 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý II/2022 đạt 8.355,4 tỷ đồng, tăng 13,2% so với quý trước và tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 12.806,7 tỷ đồng, chiếm 81,4% tổng mức và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 16,8%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.822,2 tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 18% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,8%); doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,6 tỷ đồng, chiếm chỉ 0,01% tổng mức và tăng 22,6%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.106,4 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức và tăng 19,6%.

   Trong 6 tháng đầu năm, vận tải hành khách đạt 2,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,4%) và luân chuyển 204,5 triệu lượt khách.km, tăng 28,6% (cùng kỳ năm trước tăng 6,8%), trong đó quý II đạt 1,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 96,2 triệu lượt khách.km, tăng 21%. Vận tải hàng hóa đạt 4,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 15,7%) và luân chuyển 306,2 triệu tấn.km, tăng 15,2% (cùng kỳ năm trước tăng 15,4%), trong đó quý II đạt 2,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 168 triệu tấn.km, tăng 18,2%.

            Doanh thu hoạt động viễn thông 6 tháng đầu năm ước đạt 381,5 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thuê bao điện thoại tại thời điểm tháng Sáu trên toàn tỉnh là 680.470 thuê bao, tăng 0,7% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thuê bao di động đạt 126,9 triệu thuê bao, tăng 0,9%. Số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định đạt 328.934 thuê bao, tăng 7,7% so với cùng thời điểm năm trước.

6. Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2022 ổn định và an toàn. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng so với cuối năm 2021 (huy động vốn ước tăng 8,9%, dư nợ cho vay ước tăng 3,5%). Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng. Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 6/2022: Nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 8,9% (tăng 1.663 tỷ đồng) so với cuối năm 2021, bằng 97,3% kế hoạch năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 3,5% (tăng 1.164 tỷ đồng) so với cuối năm 2021, bằng 89,99% kế hoạch. Dư nợ xấu trên địa bàn là 227 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,66% so với tổng dư nợ, tăng 0,03% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 (số tuyệt đối tăng 17,7 tỷ đồng).

   7. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 10.036,4 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này phản ánh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm dòng vốn khu vực ngoài Nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, các dự án năng lượng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước làm cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm.

Vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 10.036,4 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 5.171,7 tỷ đồng, giảm 60,3%), bao gồm: nguồn vốn nhà nước 1.098,4 tỷ đồng, tăng 7,1%; vốn ngoài nhà nước 8.785,5 tỷ đồng, giảm 36,8%; vốn đầu tư nước ngoài 152,5 tỷ đồng, giảm 84,8%.

8. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm mạnh kéo thu ngân sách tỉnh giảm theo. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách tỉnh đạt 58,2% dự toán HĐND tỉnh giao và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý Nhà nước.

Thu ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 2.030 tỷ đồng, đạt 58,2% dự toán HĐND tỉnh giao và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa 2.010 tỷ đồng, đạt 67,2% và tăng 16,7%; Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 20 tỷ đồng, đạt 4% và giảm 96,5%.

Chi ngân sách tỉnh ước đạt 3.468 tỷ đồng, đạt 54% dự toán HĐND tỉnh giao. Nhìn chung, công tác chi ngân sách của tỉnh đảm bảo kế hoạch đề ra và cơ bản đáp ứng việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

   9. Các hiệp định thương mại kinh tế với các nước phát triển trên thế giới làm cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, nhất là mặt hàng thủy sản đông lạnh; trong khi giá trị nhập khẩu giảm mạnh do giảm nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án năng lượng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 96,2 triệu USD, giảm 67,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 61,1 triệu USD, tăng 9,3%; nhập khẩu đạt 35,1 triệu USD, giảm 85,5%. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2022 ước tính xuất siêu đạt 26 triệu USD (cùng kỳ 2021 nhập siêu 187 triệu USD) .

            Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 61,1 triệu USD, tăng 9,3% so cùng kỳđạt 50,9% so kế hoạch năm (120 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Thủy sản ước đạt 45,7 triệu USD, tăng 57% so cùng kỳ; nhân điều ước đạt 3,7 triệu USD, giảm 72,9%; mặt hàng khác ước đạt 11,6 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

            6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 35,1 triệu USD, giảm 85,5% so cùng kỳ năm 2021 (do năm nay các dự án năng lượng phần lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án không còn) và đạt 17,55% so kế hoạch (200 triệu USD). Số lượng thủy sản nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng 58% so với năm ngoái, tuy nhiên số lượng điều nhập khẩu giảm 81,9%.

            10. Giá xăng, dầu tăng theo giá thế giới kéo theo giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,95% so với tháng trước, tăng 2,70% so với tháng 12/2021 và tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,83% so với cùng kỳ năm trước.

   a) Chỉ số giá tiêu dùng

   Trong mức tăng của CPI tháng 6/2022 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,88% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng vào ngày 01/6/2022, 13/6/2022 và ngày 21/6/2022. CPI quý II/2022 tăng 3,19% so với cùng kỳ năm 2021. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

   b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

            Do ảnh hưởng chung của giá vàng, đô la Mỹ trong nước và thế giới; so với bình quân cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá vàng 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,28%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng nhẹ 0,19%.

   II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI

            1. Công tác giải quyết việc làm mới tiếp tục được quan tâm triển khai đồng bộ và gắn liền với phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong tỉnh và công tác đưa người lao động đi xuất khẩu lao động.

            Đã giải quyết việc làm mới 10.707 lao động/16.000 lao động, đạt 60,9% kế hoạch giao, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Lao động trong tỉnh: 4.215 lao động; lao động ngoài tỉnh: 6.443 lao động; xuất khẩu lao động: 49 lao động/150 lao động, đạt 32,7% kế hoạch giao.

   Quý II/2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả tỉnh ước tính là 330,7 nghìn người, giảm 3,9 nghìn người so với quý trước và tăng 14,9 người so với cùng kỳ năm trước; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính 325,2 nghìn người. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 332,6 nghìn người, tăng 15,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 325,6 nghìn người.

            2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 vẫn là dịch bệnh nguy hiểm; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tỉnh tổ chức cấp phát 1.508,8 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ cho 25.284 hộ/100.588 nhân khẩu; tổ chức tặng quà cho các đối tượng người có công với Cách mạng, các đơn vị với tổng số 16.035 suất/ 5,7 tỷ đồng. Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng 3.194 đối tượng/6,2 tỷ đồng; quyết định điều dưỡng người có công với Cách mạng năm 2022 cho 835 người/1,7 tỷ đồng; huy động 67 tập thể, cá nhân ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh năm 2021 với số tiền 442,7 triệu đồng, đạt 73,8% so với kế hoạch.

   3. Nỗ lực vượt qua đợt dịch Covid-19 lần thứ Tư, ngành giáo dục chủ động, kịp thời chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa hoàn thành năm học 2021-2022.

   Năm học 2021-2022, cả tỉnh có 27,2 nghìn trẻ em đi học mầm non, mẫu giáo, giảm 1,7% so với năm học trước; 118,3 nghìn học sinh phổ thông, tăng 1,7%, bao gồm: 62,7 nghìn học sinh tiểu học, tăng 4,3%; 38 nghìn học sinh trung học cơ sở, giảm 2,1% và 17,6 nghìn học sinh trung học phổ thông, tăng 1,2%.

            Tính đến tháng 6/2022, tổng số trường đạt chuẩn là 142 trường, trong đó: trường phổ thông là 120/216 trường (Tiểu học 80 trường, THCS 32 trường, THPT 08 trường) đạt tỷ lệ 55,56%; trường mầm non 22/87 trường đạt tỷ lệ 25,28%. Số học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày (30 tiết/tuần trở lên) có 42 nghìn học sinh/62,7 nghìn hs, đạt tỷ lệ 66,9%.

            4. Dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt tại Ninh Thuận. Trong 10 ngày đầu tháng 6/2022 không phát sinh người mắc mới Covid-19 được cấp mã số.

Tính từ ngày 01/01/2022 đến 10/6/2022, toàn tỉnh có 2.936 người mắc Covid-19, 07 trường hợp tử vong, chủ yếu trong 03 tháng đầu năm 2022; từ ngày 01/4/2022 dịch bệnh đã được kiểm soát.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận các các bệnh truyền nhiễm khác như sau: 86 ca mắc số xuất huyết, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước; 39 ca mắc tay chân miệng, giảm 27,8%; thủy đậu 04 ca, giảm 90%; tiêu chảy 412 ca, giảm 32,7%; bệnh lỵ 35 ca, giảm 46,9%; cúm 2.168 ca, giảm 14,7%. Chưa có trường hợp tử vong do các bệnh trên.

   5. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa luôn được quan tâm; thể thao phong trào được duy trì, thể thao thành tích cao có những bước tiến đáng ghi nhận.

   Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được các địa phương quan tâm, đầu tư, nhằm phát huy được giá trị di sản, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tham dự 06 giải thể thao (01 Giải Vô địch Đông Nam Á; 03 giải thể thao quốc gia và 02 giải thể thao khu vực mở rộng); đạt 23 huy chương các loại, trong đó có 5 Huy chương Vàng.

   6. Tai nạn giao thông tháng Sáu năm 2022 chưa giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Sáu (từ ngày 15/5/2022 đến ngày 14/6/2022), xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 04 người chết, 08 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông không tăng không giảm; số người chết tăng 100% (tăng 02 người) và số người bị thương giảm 11,1% (giảm 01 người). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 42,9% (tăng 03 vụ); số người chết giảm 20% (giảm 01 người) và số người bị thương tăng 60% (tăng 03 người).

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả tỉnh xảy ra 66 vụ tai nạn giao thông (gồm 65 vụ đường bộ và 01 vụ đường sắt), làm 25 người chết, 61 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 15,4% (giảm 12 vụ); số người chết giảm 28,6% (giảm 10 người) và số người bị thương giảm 16,4% (giảm 12 người). Bình quân 2,8 ngày trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

   7. Thiên tai và cháy, nổ không ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân.

            6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ thiên tai, bằng cùng kỳ năm trước; không thiệt hại về người, không tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước; tài sản thiệt hại 65 triệu đồng. Xảy ra 02 vụ cháy, nổ, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại 152 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 01 vụ; thiệt hại về người không tăng/giảm; thiệt hại về tài sản giảm 46,6 triệu đồng.

CỤC THỐNG KÊ NINH THUẬN
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 583
  • Trong tuần: 5373
  • Tất cả: 966497

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn