Ngành GD&ĐT: Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông

Trong công tác giáo dục-đào tạo, ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là nhiệm vụ rất quan trọng, trang bị nhiều “kỹ năng mềm”, đặc biệt là kỹ năng sống (KNS) nhằm tạo nên giá trị sống, lối sống cho mỗi HS khi vào đời.

Vai trò giáo dục KNS trong nhà trường rất cần thiết với HS, được hình thành qua quá trình trải nghiệm hoặc qua giáo dục, học tập, rèn luyện giúp các em hoàn thiện nhân cách, kỹ năng giao tiếp tốt để hòa nhập cuộc sống. Đây là mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường được Bộ GD&ĐT chỉ thị trong năm học 2015-2016 tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, KNS cho HS.

Thực tế ở các trường phổ thông hiện nay, giáo dục KNS chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều lý do khác nhau (chương trình học, điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu, nhân lực chuyên trách, phụ huynh, HS chưa quan tâm...). Những thông tin trên các phương tiện truyền thông về bạo lực học đường, tình bạn, tình yêu... trong giới trẻ hiện nay đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Những thông tin trên nói ra một điều, nhiều HS ngày nay không có hoặc thiếu KNS. 


Hội thi làm thiệp chúc mừng của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi

Như vậy, giáo dục KNS cho HS trở thành một nhu cầu bức thiết, gắn giáo dục với thực tiễn cuộc sống, xã hội, giúp HS chủ động, linh hoạt, nhạy bén trong cuộc sống.

Tổ chức giáo dục KNS được phân theo 5 nhóm: Nhóm kỹ năng tự nhận thức: Kỹ năng xác định giá trị bản thân, kỹ năng tự tin, kỹ năng tự trọng; Nhóm kỹ năng giao tiếp: Kỹ năng phản hồi, lắng nghe, kỹ năng trình bày suy nghĩ, ý tưởng, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, kỹ năng thể hiện sự cảm thông; Nhóm kỹ năng suy nghĩ sáng tạo: Kỹ năng nêu vấn đề, kỹ năng bình luận, kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, kỹ năng phân tích đối chiếu; Nhóm kỹ năng ra quyết định: Kỹ năng xác định/tìm kiếm các lựa chọn, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng phó, kỹ năng thương lượng; Nhóm kỹ năng làm chủ bản thân: Kỹ năng đặt mục tiêu, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng đảm nhận trách nhiệm, kỹ năng kiểm soát cảm xúc.

Tùy ở mỗi lứa tuổi khác nhau, giáo dục KNS phải phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của từng cấp học: Cấp tiểu học tập trung giáo dục các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán và các kỹ năng xã hội, kỹ năng tư duy; cấp THCS hình thành các năng lực cơ bản như thích nghi, hành động, ứng xử, tự học; cấp THPT hình thành củng cố năng lực hành động có hiệu quả, thích ứng, giao tiếp, ứng xử, tự khẳng định và tự đánh giá, phê phán...

Phương thức tổ chức giáo dục KNS trong nhà trường hiện nay không bố trí thành một môn học riêng, bởi KNS phải được giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi khi có điều kiện, cơ hội phù hợp. Do đó, giáo dục KNS được tổ chức thông qua các chủ đề chuyên biệt về KNS dưới hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc tiến hành trong tiết sinh hoạt lớp; tích hợp vào các môn học trong chương trình Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Toán...; thông qua các trải nghiệm thực tế, tham quan, thực địa; tham vấn trực tiếp đối với cá nhân và nhóm HS.

Để giáo dục KNS trong nhà trường đạt kết quả tốt, trước hết phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các lực lượng giáo dục về KNS cho HS như: đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; giáo viên; các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; phụ huynh HS. Tập trung đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn; phát huy tốt vai trò của tổ chức Đội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong nhà trường; tổ chức phối hợp chặt chẽ với cha mẹ HS trong giáo dục KNS cho HS. Ngoài ra, mỗi thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh, từng người lớn phải là những tấm gương để các em học tập. Xã hội phải cùng giáo dục HS bằng những ứng xử tốt đẹp giữa con người và con người, bằng sự tuân thủ nghiêm pháp luật của tất cả mọi người, bằng việc coi trọng các giá trị truyền thống…giúp HS tin để thực hành những điều học trong nhà trường và ứng dụng trong cuộc sống.

Đức Lý


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 252
  • Trong tuần: 824
  • Tất cả: 690497