Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của Trường TH Phước Bình A, huyện Bác Ái.
HĐGD NGLL do Hiệu
trưởng nhà trường tổ chức và quản lý, nó được tiến hành tiếp nối hoặc xen kẽ
giữa hoạt động dạy – học trong nhà trường hoặc trong phạm vi cộng đồng. diễn ra
trong suốt năm học và cả thời gian nghỉ hè để khép kín quá trình giáo dục, làm
cho quá trình đó có thể thực hiện được mọi nơi, mọi lúc.
Nội dung HĐGD NGLL
rất đa dạng và phong phú, thể hiện tập trung ở các loại hình: hoạt động chính
trị - xã hội và nhân văn; hoạt động văn hoá nghệ thuật; hoạt động thể dục thể
thao; hoạt động lao động, khoa học, kỹ thuật và hướng nghiệp; hoạt động vui
chơi và giải trí… Để từ đó, củng cố mở rộng kiến thức đã học trên lớp, có ý
thức lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân; phát huy chức năng văn hoá, khoa học
giúp HS phát triển các hành vi, thói quen tốt trong học tập, lao động và công
tác xã hội, nâng cao hiểu biết về các giá trị truyền thống của dân tộc, biết
tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại góp phần hình thành tình cảm, đạo
đức nhân cách ở HS.
Để tổ chức tốt
HĐGD NGLL, trước hết Hiệu trưởng cần xác định mục tiêu yêu cầu từng học kỳ,
từng chủ điểm hoạt động, cho cả năm học; xây dựng kế hoạch định ra cách thức tổ
chức chỉ đạo, nội dung, phương tiện, kinh phí và quy mô hoạt động. Xây dựng
tiêu chí cụ thể đối với từng hoạt động, thường xuyên kiểm tra đánh giá là công
cụ giúp hiệu trưởng quản lý tốt HĐGD NGLL, nâng cao chất lượng và hiệu quả của
hoạt động này trong nhà trường phổ thông.
HĐGD NGLL được rải
đều ra các tháng trong năm học và mỗi tháng đều có những hoạt động đặc thù gắn
với việc kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện về chính trị, xã hội ở địa
phương, trong nước và quốc tế, hưởng ứng và tham gia các hoạt động lễ hội, hoạt
động văn hoá, truyền thống ở địa phương. Nhà trường tổ chức hội giảng và các
tiết HĐGD NGLL theo chương trình, tổ chức thi đố vui để học, bóng đá, văn nghệ;
hội thi: cắm hoa, làm thiệp, nét đẹp tuổi học trò, học sinh thanh lịch, hoa học
trò; sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như thơ ca, múa hát, kể chuyện, âm nhạc. . .
Tổ chức các trò chơi hỏi đáp tìm hiểu về lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự
nhiên trong các môn học chính khóa ở trên lớp; tham quan các trường Đại học,
các công ty, nhà máy để giúp HS định hướng nghề nghiệp. Vận động HS tham gia
câu lạc bộ các bộ môn văn hóa; giáo viên Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân
phối hợp tổ chức ngoại khóa tuyên truyền về biển đảo là chủ quyền của Việt Nam với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tổ chức giao lưu với các trường, các lớp, đơn
vị lực lượng vũ trang, gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử bồi dưỡng lý tưởng
cách mạng cho HS về lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước.
Hiện nay, trong
nhiều trường phổ thông, việc tổ chức HĐGD NGLL cho học sinh đã được quan tâm,
góp phần thúc đẩy các hoạt động dạy và học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục
đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường còn xem nhẹ vai trò của hoạt động
này, tổ chức HĐGD NGLL còn mang tính hình thức, đối phó, nội dung đơn điệu,
thiếu chất lượng, giáo viên thiếu kỹ năng sinh hoạt tập thể nên gặp khó khăn
khi tổ chức các hoạt động ở lớp, chưa lôi cuốn được học sinh tham gia. Công tác
sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong giảng dạy và quản lý sau mỗi
hoạt động để từ đó có định hướng cải tiến cho các hoạt động sau được tốt hơn
chưa thực sự chú ý.
Để khắc phục tình
trạng này, lãnh đạo nhà trường phải nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng cũng
như lợi ích của HĐGD NGLL trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng
giáo dục toàn diện. Thường xuyên đổi mới đa dạng các hình thức phương pháp và
hình thức tổ chức hoạt động phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, mỗi hoạt động đều
phải có tính thi đua cao lôi cuốn nhiều HS tham gia, biểu dương khen thưởng kịp
thời sẽ động viên được phong trào. Hiện nay, ngành giáo dục tỉnh ta có 516 cán
bộ quản lý 253 trường phổ thông, hy vọng rằng với lực lượng đội ngũ quản lý
giáo dục như vậy sẽ tạo bước đột phá trong việc triển khai thực hiện tốt Nghị
Quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đức Lý