Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 221
  • Trong tuần: 284
  • Tất cả: 151740
Trọng tâm của đổi mới giáo dục chính là con người
Là một trong số ít đại biểu HĐND TPHCM (nhiệm kỳ 2011 - 2016) công tác trong ngành Giáo dục, nhà giáo Nguyễn Thị Việt Tú - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh - luôn lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các thầy, cô giáo, phụ huynh, học sinh, của những cử tri khác để làm cầu nối đến với các cơ quan có thẩm quyền, với lãnh đạo TPHCM. 

Báo GD&TĐ vừa có cuộc trao đổi với cô, về những tâm tư đối với phát triển GD&ĐT và sự kỳ vọng vào lãnh đạo mới của ngành.

Đáp lại sự mong mỏi, kỳ vọng của các cử tri

Cô Việt Tú chia sẻ: “Giáo dục TP vẫn còn rất nhiều vấn đề nhưng điều quan tâm hàng đầu của tôi vẫn là chế độ đãi ngộ, chính sách đối với nhà giáo, đối với những người công tác, làm việc trong các cơ sở giáo dục. Họ cần được hỗ trợ hơn nữa về mọi mặt để toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề”.

Những lời tâm huyết ấy của cô bắt nguồn từ những tâm tư, nguyện vọng, trăn trở của bản thân cũng như của đồng nghiệp trong quá trình công tác khi còn là giáo viên ở Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, rồi được tín nhiệm lên các chức danh quản lý như Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng và nay là Phó phòng GD&ĐT quận.

Cô cho biết: Tôi may mắn được đi nhiều, lắng nghe nhiều, quan sát nhiều nên hiểu được tâm tư của giáo viên, của cả nhà lãnh đạo các trường mong muốn. Có lần khi mới được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, cầm trên tay bảng lương của các nhân viên trong trường mà tôi cứ trăn trở mãi rằng, nhân viên phục vụ, nhân viên bảo vệ, cô bảo mẫu nhận lương ở mức tối thiểu, thậm chí thấp hơn vì làm theo dạng hợp đồng theo năm học, liệu đời sống của họ có đảm bảo, họ sẽ toàn tâm toàn ý cho công việc? Đó là chưa kể, nhận được rất nhiều thư tay của các giáo viên, bảo mẫu ở trường mầm non chia sẻ về khó khăn, về mong muốn của họ…

Từ đó, cùng với những đại biểu khác, nhiều lần cô đã đề xuất với các cấp lãnh đạo nghiên cứu thêm những chính sách phát triển giáo dục; chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành Giáo dục và HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Đề xuất xây dựng thêm nhiều chương trình giáo dục đạo đức, nâng cao kỹ năng sống cho HS. Đồng thời, tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đối tượng thanh thiếu niên… Thật may, những ý kiến đề xuất này đã được ghi nhận và giải quyết.

Chẳng hạn như vài năm trở lại đây, UBND TPHCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non như bổ sung biên chế, hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc cho cán bộ, nhân viên, giáo viên MN hay hỗ trợ giáo viên MN ngoài công lập kinh phí bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tuyển dụng GV có KT3… Hỗ trợ về quỹ đất xây trường MN, kinh phí và nhiều đề án dạy và học hiệu quả.

Mặc dù vậy, trong quá trình 5 năm đại diện cho biết bao cử tri tham gia vào HĐND TPHCM, cô vẫn còn nhiều trăn trở với vấn đề chưa tìm ra được câu trả lời xác đáng, vẫn cứ nghĩ suy với những dòng thư chứa đầy tâm tư, nguyện vọng, những cuộc nói chuyện đầy tâm huyết với cử tri, về những lời hứa mà chưa thực hiện được… Có lẽ vì thế mà khi được giới thiệu tái cử vào đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2016 - 2021, cô càng trân trọng hơn bao giờ hết vì được thêm cơ hội để đáp lại sự mong mỏi, kỳ vọng của các cử tri.

Những tâm tư gửi đến tư lệnh ngành

“Cũng như mọi người, tôi kỳ vọng, tin tưởng vào tân Bộ trưởng sẽ thổi luồng gió mới vào ngành GD, đưa GD của chúng ta phát triển ở tầm vóc mới. Tuy nhiên, thiết nghĩ bản thân mỗi nhà giáo, mỗi nhà quản lý, mỗi bậc phụ huynh học sinh cũng phải có sự chuyển động. Chúng ta phải chung tay vào hành động từ những việc nhỏ nhất để tiếp sức, để đồng hành cùng Bộ trưởng trong suốt chặng đường tiếp theo. Nếu như chúng ta không làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta không góp sức cho ngành GD thì với một hay hai bộ trưởng cũng không thể làm thay đổi được diện mạo GD”, cô Việt Tú cho biết.

Cô cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm “trọng tâm của đổi mới GD chính là con người” mà tân Bộ trưởng đã nên ra. Theo cô, chúng ta có công cụ, có phương tiện, có SGK, có mọi thứ hỗ trợ cho GD, nhưng bản thân con người, bản thân mỗi giáo viên những người trực tiếp đứng lớp không đổi mới, không sẵn sàng tiếp nhận cái mới, không làm quen với cái mới từ trong nhận thức đến hành động thì lấy gì để phát triển GD? Cô chỉ rõ: Một lần nữa đặt ra yêu cầu cho các trường sư phạm, chủ động đổi mới trong tuyển sinh và đào tạo giáo viên.

Để có được một đội ngũ chất lượng làm GD, cô Việt Tú đặt kỳ vọng tân Bộ trưởng sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ, về chế độ, về tiền lương cho giáo viên. “Đó là đòn bẩy để chúng ta giữ chân những nhà giáo giỏi, những người tâm huyết tận tụy. Bởi nghề giáo là nghề rất đặc thù, có thể gọi là nghề của mọi nghề, nhưng hiện nay chế độ tiền lương lại chưa tương xứng. Vì thu nhập không đảm bảo được cuộc sống, nên qua quá trình làm việc ở ngành, tôi đã gặp không ít trường hợp giáo viên bỏ nghề ra làm công việc khác thu nhập cao hơn”, cô Việt Tú nói.

Theo nhà giáo Nguyễn Thị Việt Tú, tâm tư thì rất nhiều, gửi gắm thì rất nhiều ví dụ như mong muốn được cải thiện về cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học. Bởi ở một điều kiện CSVC tốt thì GD sẽ đạt hiệu quả tối đa hay như tăng cường hơn nữa về giáo dục kỹ năng, đạo đức cho HSSV ở giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp bách…

“Theo tôi, điều quan trọng nữa là bản thân chúng ta không thể đòi hỏi, không thể yêu cầu rằng, hôm nay chúng ta có tân Bộ trưởng, ngày mai GD của chúng ta thay đổi. Bởi GD-ĐT là quá trình liên tục, lâu dài, cần sự chung tay của cả xã hội. Vì vậy, bên cạnh cùng tiếp sức, chung sức với lãnh đạo ngành, chúng ta phải có niềm tin ở họ và biết chờ đợi về sự đổi thay, đột phá trong GD-ĐT dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng”, cô Việt Tú nhấn mạnh.

Nga Phan (ghi)

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image