Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 32
  • Trong tuần: 374
  • Tất cả: 145188
Đăng nhập
Giải pháp phát triển về chất cho học sinh giỏi Văn


Cô Trần Chinh Dương - Giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) - cho rằng: Trong ôn luyện đội tuyển HSG môn Ngữ văn, ngoài chú trọng bồi đắp năng lực văn chương, cần chú ý phát triển năng lực văn hóa cho học trò.

Đối với học sinh giỏi văn, nếu năng lực văn chương có vai trò nền tảng thì năng lực văn hóa có vai trò cốt lõi.

Học sinh trong nhà trường phổ thông đều được trang bị các kiến thức văn hóa nhưng có kiến thức văn hóa chưa hẳn đã có năng lực văn hóa bởi năng lực văn hóa là một sự phát triển mới về chất so với những kiến thức nền tảng.

Cô Chinh Dương chia sẻ: Ở mỗi bài văn của học sinh giỏi, qua năng lực văn chương, giáo viên có thể soi thấy một tầng khác, đó là năng lực văn hóa.

Nếu năng lực văn chương là hình, thì năng lực văn hóa chính là bóng, là ảnh. Bóng sẽ làm lộ hình. Và như thế, chúng tuy hai mà một, không thể tách rời. Đọc một bài văn hay, người đọc sẽ có thêm những trải nghiệm văn hóa thú vị.

Hiểu thế nào về năng lực văn hóa? Cô Dương cho biết: Nếu văn hóa là những giá trị kết tinh ở tầm nhân loại, được nhân loại thừa nhận thì năng lực văn hóa nhất định phải là một hệ thống giá trị được kết tinh ở một cá thể, được cá thể theo đuổi.

Cô Trần Chính Dương 

Tất nhiên hệ thống giá trị này phải có cơ sở chung, phải là sự kế thừa những giá trị chung đã được biết đến, nhưng nó được mài sắc, trở thành quan điểm chi phối cái nhìn của cá thể về các phương diện của thế giới.

Đối với học sinh ở độ tuổi 17-18, về cơ bản nhân cách đã hình thành, thì có thể đo năng lực văn hóa ở hai cấp độ sau. Thứ nhất, năng lực văn hóa thể hiện ở những hiểu biết văn hóa được vận dụng một cách nhuần nhuyễn trong các bài viết văn (văn hóa tri thức).

Thứ hai, cao hơn, năng lực văn hóa thể hiện ở những ứng xử của học sinh trước những tình huống văn chương và tình huống đời sống, hiện lên thành quan điểm sắc nét trong các bài viết văn (văn hóa ứng xử). Ở hai cấp độ trên, tri thức văn hóa là nền tảng, ứng xử văn hóa là cốt lõi để phân định trình độ, năng lực của học trò.

Theo cô Chinh Dương, để bồi dưỡng năng lực văn hóa, ngoài việc không ngừng nâng cao kiến thức văn hóa (việc mà tất cả các nhà trường đều đang làm), cần chú trọng đến việc bồi dưỡng ứng xử văn hóa.

Cô cho rằng, năng lực ứng xử văn hóa của HSG văn được thể hiện rõ khi học sinh đứng trước những tình huống văn chương và tình huống đời sống, năng lực đó sẽ hiện lên thành quan điểm sắc nét trong các bài viết văn.

Ứng xử trước tình huống văn chương

Tình huống văn chương, đó là tình huống nghệ thuật, đòi hỏi học sinh vừa phải sử dụng kiến văn, vừa phải huy động năng lực cảm thụ, thậm chí là năng lực sống của mình để giải quyết.

Có thể thấy, các tình huống nghệ thuật cũng tồn tại hết sức đa dạng trong các tác phẩm văn chương, phụ thuộc vào từng thể loại, từng tác giả, tác phẩm… thậm chí chứa những mâu thuẫn, những điểm đặc biệt, độc đáo.

Và cách lý giải, ứng xử của học sinh trước các tình huống nghệ thuật đó sẽ nói trên trình độ văn hóa, năng lực ứng xử văn hóa của cá nhân.

Minh họa: Nhìn từ góc độ thể loại, ở Việt Nam, trong các loại tự sự, trữ tình, kịch… có thể thấy thơ ca trữ tình là một thể loại nảy sinh và phát triển từ rất sớm, và những giai đoạn đỉnh cao của văn học dân tộc thường kết tinh ở thơ ca trữ tình.

Khi tìm hiểu, học sinh nên sử dụng hiểu biết văn hóa để lý giải điểm độc đáo thú vị này, trong đó có tri thức về tính cách và tâm hồn người Việt, một dân tộc yêu chuộng thơ ca, sống nghiêng về chữ tình (duy tình).

Ứng xử trước tình huống đời sống

Tình huống đời sống thường được gửi gắm trong các đề nghị luận xã hội. Đề nghị luận xã hội thường đặt học sinh trong hai mối quan hệ cơ bản: với thế giới xung quanh và với chính mình. Thông qua bài viết, có thể đánh giá được con người năng lực của học sinh, thể hiện ở sự lên tiếng con người cá nhân của các em trước các câu hỏi về đời sống.

Muốn bồi dưỡng năng lực ứng xử của học sinh trước các tình huống đời sống, giáo viên cần chú ý hai bước cơ bản sau.

Bước một, phải chọn được tình huống đời sống có vấn đề. Mỗi tình huống được gửi ở một đề nghị luận xã hội mà giáo viên xây dựng.

Các tình huống giáo viên chọn nên có sự gắn bó mật thiết với các em, là thế giới đang tồn tại thật trong thế giới học trò, hoặc phải là thế giới các em đã được quan sát, trải nghiệm.

Minh họa về một số tình huống có vấn đề như sau: Tình huống 1 -Bạn đang làm gì với cuộc đời mình, thụ động hay sáng tạo?

Tình huống 2 - Thế giới mà chúng ta đang sống, có những chuyện thật như đùa. Bạn hãy chọn kể một chuyện như thế và bày tỏ suy nghĩ của mình?

Tình huống 3 - Phải chăng, đánh mất mình là đánh mất đau đớn nhất đối với một đời người?

Tình huống 4: Tất cả tính nhân văn là ở sự đam mê; không có đam mê, tôn giáo, lịch sử, tiểu thuyết, nghệ thuật đều là vô ích (Balzac).

Suy nghĩ của bạn về câu nói trên? Sau khi các em đã quen, các em có thể tự lựa chọn tình huống và xây dựng chuyên đề nhỏ.

Bước hai, hướng dẫn học sinh lối tư duy, hướng dẫn học sinh nghiên cứu đề một cách kĩ lưỡng để đi đúng hướng, đồng thời xác định độ mở của đề.

Một số điều mà giáo viên ôn luyện và học sinh cần luôn ghi nhớ:

1. Đề không đưa ra chân lý, đề chỉ đưa ra một tình huống; khả năng đào sâu, nhìn nhận vấn đề phong phú sáng tạo sẽ nói lên năng lực của học sinh.

2. Bất cứ một câu chuyện, một tình huống, một con người nào cũng là một tồn tại đa diện, phong phú, bí ẩn nhưng là sự phong phú, bí ẩn có thể lí giải được. Trước một vấn đề, câu hỏi lớn nhất cần phải đi tìm câu trả lời là: Tại sao?

3. Mọi vấn đề cần được đặt vào bối cảnh cụ thể, từ đó vấn đề sẽ có cơ hội được bộc lộ đúng bản chất, giá trị.


Cô Trần Chinh Dương

Hải Bình (ghi)

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại