Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 205
  • Trong tuần: 485
  • Tất cả: 151949
Kỹ năng ra quyết định
Chẳng ai có quyết định đúng đắn ở tất cả mọi lúc. Nhưng nếu bạn có các kỹ năng ra quyết định và biết cách phát triển các kỹ năng đó, bạn có thể làm cho cơ hội thành công trong cuộc sống của bạn tăng lên. Vậy kỹ năng ra quyết định là gì? Các bước để thực hiện quyết định của bạn như thế nào? Trang này, chúng ta sẽ cùng nhau đề cập về vấn đề này.

Kỹ năng ra quyết định là gì?
Kỹ năng ra quyết định là một loạt các kết luận và hoạt động của bản thân để đưa ra một quyết định đảm bảo đạt được một kết quả nào đó theo mong muốn của bản thân. Những người thành công thích cảm giác tự tin do biết cách lựa chọn khôn ngoan thích hợp. Cùng với việc rèn luyện, bạn có thể cải thiện khả năng đưa ra những quyết định tốt cho mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống - riêng tư, tài chính và nghề nghiệp - vì cuộc sống bao gồm rất nhiều quyết định và những lựa chọn tốt nhất là chìa khoá cho sự thành công của bạn.
Khả năng đưa ra quyết định tốt có thể giúp bạn:
_ Đạt được mục đích ở nơi làm việc và trong cuộc sống riêng tư.
_  Tránh được những sai lầm có thể để lại hậu quả không tốt cho bạn.
Với vị thành niên, đưa ra một quyết định chín chắn là rất có lợi và đó là một trong những dấu hiệu bạn đã trở thành người lớn. Cho dù bạn đang học, đang làm việc, kiếm tiền hay đang đi chơi cùng bạn bè thì điều quan trọng là vẫn phải nghĩ về những hậu quả trước khi bạn đưa ra một quyết định. Sau đây là một ví dụ:
Hãy tưởng tượng bạn đang đi chơi cùng bạn bè, một người bạn mời bạn một điếu thuốc lá, bạn sẽ từ chối hay nhận lời mời? Hoặc vào một ngày nghỉ cuối tuần, một nhóm bạn bè đến rủ bạn đi uống rượu, bạn sẽ từ chối? nhận lời? Hay bạn phải nghĩ đến một giải pháp nào đó?
Cuộc sống là vậy đó! Chúng ta luôn phải đưa ra quyết định và phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Quyết định là quá trình lựa chọn bạn phải làm gì bằng việc xem xét các hậu quả của những lựa chọn khác nhau mà có thể xảy ra.
Các bước để đưa ra một quyết định
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên phải đưa ra các quyết định của bản thân. Quyết định có thể sẽ rất đơn giản, chỉ cần một "tích tắc" là chúng ta đã có thể cho "ra đời" một quyết định đúng. Ví dụ như: sẽ quyết định hôm nay mình phải mặc bộ quần áo nào đến trường? Nhưng cũng có những quyết định rất phức tạp đời hỏi chúng ta phải suy nghĩ, có thể hàng ngày hàng giờ và đôi khi còn cần phải tham khảo các ý kiến từ những người khác. Vậy với những quyết định phức tạp thì bạn sẽ làm gì để đưa ra một quyết định chín chắn cho mình? Trong trường hợp này, bạn hãy tham khảo và làm theo những "nấc bước" sau đây:
 



Bước 1: Hiểu vấn đề
Bạn phải quyết định điều gì?
Đảm bảo là bạn phải tập trung chính xác vào vấn đề mà gây ra sự rắc rối.
Bước 2: Nhận định các giải pháp
Những lựa chọn của bạn là gì?
Nghĩ đến các cách mà bạn có thể giải quyết được vấn đề.
Tham khảo ý kiến từ những người khác, có thể là bố mẹ, thầy cô, bạn bè hoặc những người mà bạn cảm thấy tin tưởng. 
Lắng nghe những ý kiến góp ý và phân tích trên cơ sở thực tế của bản thân.
Bước 3: Đưa ra các lý lẽ tán thành và phản đối của mỗi lựa chọn
Lựa chọn một số giải pháp thực thi.
Suy nghĩ và so sánh đến ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp.
Xác định hậu quả tiềm tàng và các kết quả có thể đạt được cho mỗi lựa chọn và ảnh hưởng của nó đối với người khác.
Bước 4: Quyết định đâu là giải pháp tốt nhất, sau đó làm theo giải pháp đó
Kết hợp tất cả các thông tin để quyết định đâu là sự lựa chọn tốt nhất.
Quyết định và thực hiện.
Chịu trách nhiệm về quyết định và hành động của mình.
Một số quyết định làm và không làm:
Trung thực trong việc xác định và đánh giá vấn đề
Chấp nhận trách nhiệm cho các quyết định trong cuộc sống của mình
Sử dụng thời gian một cách khôn ngoan khi bạn quyết định – Sử dụng tối đa thời gian mà bạn cần để không tạo thêm vấn đề mới
Có sự tự tin trong khả năng đưa ra quyết định của mình – và khả năng học hỏi từ những sai lầm của bạn nữa.
Không làm:
Có những mong muốn không thực tế cho bản thân bạn – chắc chắn sớm hay muộn bạn cũng sẽ có quyết định sai
Có quyết định “trong chốc lát” trừ khi thật cần thiết. Thay vào đó hãy tuân thủ theo 4 bước khi đưa ra quyết định
Hành động không cần thiết khi phương hướng hành động tốt nhất là không làm gì cả
Lừa gạt bản thân mình bằng cách chọn những giải pháp dễ dàng và thuận lợi – nhưng không giải quyết được vấn đề
Đưa ra quyết định thì dễ – Nhưng để đưa ra quyết định đúng yêu cầu phải có kiến thức và kỹ năng.
Một số câu hỏi và trả lời:
Thế nào là Tôi đưa ra quyết định sai?
Lỗi lầm có thể là những bậc thầy tốt nhất – Hãy tận dụng chúng cho bạn! Tìm xem cái gì sai, và tập hợp các thông tin này lại để sử dụng cho các quyết định trong tương lai của bạn sau này.
Thế nào là Tôi phải quyết định “trong chốc lát”?
Tất nhiên là không phải lúc nào cũng có thời gian để sử dụng 4 bước. Nhưng sử dụng chúng khi có thể bạn cũng sẽ xây dựng được năng lực đưa ra quyết định “trong chốc lát”.
Tại sao lại liều lĩnh đưa ra quyết định mạnh bạo?
Né tránh các quyết định dường như lúc nào cũng dễ dàng hơn. Nhưng tự đưa ra quyết định cho riêng mình là cách duy nhất mà bạn phải chịu trách nhiệm với cuộc sống và thành công của bạn. Hãy nhớ là: chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình là tính cách cơ bản của người lớn!
Mời bạn hãy đọc kĩ tình huống sau để hiểu rõ hơn về kĩ năng ra quyết định:
Lan là một học sinh cấp 3, năm nay Lan đã 18 tuổi. Thời gian gần đây Lan có quen một người bạn trai và hai người cũng đã có thời gian để gặp gỡ và tìm hiểu nhau. Đến một hôm, anh bạn trai có hỏi Lan rằng: “em có yêu anh không”? Lan đã trả lời là “có” và Lan cũng hỏi lại người bạn trai ấy như vậy. Anh ta lại hỏi Lan rằng: “em có dám làm chuyện đó với anh không”? Lan đã trả lời là “không”. Và anh ta nói: “vậy em có yêu anh thật lòng không? Đến khi nào em dám làm chuyện đó với anh thì mới chứng tỏ được tình yêu của em” và khi đó anh cũng sẽ yêu em thật lòng”....!!!
Với những lời nói của bạn trai đã khiến Lan phải suy nghĩ rất nhiều. Vì Lan cũng thích anh ấy, nên Lan rất băn khoăn về quyết định của mình. Không biết có nên làm “chuyện đó” với anh ấy để chứng tỏ tình yêu của mình không? Một mặt Lan muốn chứng tỏ tình yêu của mình, nhưng mặt khác Lan lại không muốn làm “chuyện đó”.
Lan nghĩ rằng: Nếu làm chuyện đó thì mình sẽ chứng tỏ được tình cảm của mình và sẽ có được tình yêu của anh ấy - người mà mình rất thích. Nhưng nếu làm “chuyện đó” thì chưa thực sự sẵn sàng vì còn đang học và nếu có quan hệ tình dục sớm - trước hôn nhân thì có thể sẽ gây ra những hậu quả như: Mang thai sớm, có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thể sẽ phải bỏ học....Nếu không làm “chuyện đó” thì mình sẽ không có được tình yêu của anh ấy nhưng mình lại không gặp phải các hậu quả không tốt.
Mặc dù đã suy nghĩ rất nhiều nhưng Lan vẫn cảm thấy bối rối, không biết nên quyết định như thế nào, những suy nghĩ cứ mâu thuẫn, đan xen...Và Lan đã quyết định tâm sự những băn khoăn của mình với người chị gái họ - người mà Lan rất tin tưởng và hay tâm sự. Người chị của Lan đã nói với Lan rằng: “không nên có quan hệ tình dục trước hôn nhân vì có thể mang đến những hậu quả như: mang thai sớm, có thể bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục...nếu gia đình, bố mẹ và bạn bè mà biết chuyện đó thì sao? Hơn nữa làm sao em có thể tin rằng, anh ta yêu em thật lòng? Không thể coi chuyện quan hệ tình dục nam nữ là bằng chứng của tình yêu được em ạ. Mà tình yêu thật sự phải là tình cảm yêu thương trân thành mà một người đó dành cho em. Trong đó còn chứa đựng cả sự tin yêu, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau tiến bộ và điều quan trọng nữa là phải biết gìn giữ cho người mình yêu. Đó mới là một tình yêu”.
Sau khi nhận được lời khuyên như vậy Lan đã quyết định sẽ không làm chuyện đó với anh ấy cho dù không có được tình cảm của anh ấy đi chăng nữa. Và Lan cũng cảm thấy thật thoải mái và tự tin hơn khi đã nói KHÔNG với quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Sau đây là câu hỏi dành cho bạn:
Hãy thử đặt bạn vào tình huống của Lan, bạn sẽ làm gì?
Bạn có cân nhắc kĩ trước khi đi đến quyết định của mình không?
Bạn có nghĩ đến các cách mà bạn sẽ giải quyết không?
Với mỗi phương án giải quyết bạn có cân nhắc và lường trước các kết quả và hậu quả của nó không?
Khi cảm thấy mình chưa tự tin trong quyết định của mình, bạn có cảm thấy thoải mái và tự tin khi tham khảo ý kiến từ những người khác không?
Nếu những câu hỏi trên trả lời là có thì bạn có thể yên tâm trong các quyết định của mình.

Nguồn: Sách các ký năng thay đổi cuộc sống