NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ
MỘT SỐ KHÁI NIỆM
TRONG TỔNG ĐIỀU TRA
NÔNG THÔN, NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN NĂM 2011

1. Nội dung Tổng điều tra

(1) Thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp;

(2) Thông tin về nông thôn và cư dân nông thôn;

(3) Thông tin phục vụ nghiên cứu về giới trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

2. Đối tượng, đơn vị điều tra

- Các hộ ở nông thôn, bao gồm cả các hộ nằm trong khu vực quốc phòng quản lý, các công trình của Nhà nước (trừ những người độc thân sống tập thể tại các trường học, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, nông, lâm trường, nhà chung, nhà chùa…);

- Các hộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ở thành thị;

- Các trang trại theo tiêu chí qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Các Ủy ban nhân dân xã.

3. Phạm vi

- Điều tra toàn bộ các đơn vị điều tra có trên địa bàn tại thời điểm 01/7/2011 đối với các nội dung: Thông tin cơ bản của hộ ở nông thôn và hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ở thành thị; Thông tin về kinh tế trang trại; Thông tin về kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ở nông thôn ở UBND các xã.

- Điều tra chọn mẫu các hộ ở nông thôn đối với nội dung: Tích luỹ và khả năng huy động vốn của hộ ở nông thôn; hoạt động hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tác động của sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tới môi trường…

4. Thời điểm và thời kỳ Tổng điều tra

- Các thông tin thời điểm: Lấy số liệu thực tế tại thời điểm 01/7/2011.

- Các thông tin thời kỳ: Tùy theo chỉ tiêu và đơn vị điều tra, các thông tin thời kỳ là số phát sinh trong 12 tháng trước thời điểm điều tra hoặc số chính thức năm 2010.

- Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn đối với các đơn vị điều tra toàn bộ là 15 ngày, từ 01 - 15/7/2011.

- Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn đối với các đơn vị điều tra mẫu là 30 ngày từ 01 - 30/7/2011.

5. Khái niệm hộ

Hộ là một người ăn ở riêng hoặc một nhóm người ở chung và ăn chung. Đối với hộ có từ 2 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai.

Hộ thường trú: Là những hộ thường xuyên sống trên địa bàn từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng qua, có thể có hoặc không có hộ khẩu tại nơi cư trú.

6. Nhân khẩu của hộ

Là những người có quan hệ hôn nhân hoặc ruột thịt, nuôi dưỡng cùng ăn chung, ở chung một chỗ trong khoảng thời gian nhất định ít nhất là 6 tháng trong 12 tháng qua (tính đến 01/7/2011), không phân biệt họ đã hay chưa được đăng ký hộ khẩu thường trú.

7. Số người trong độ tuổi lao động

Là số nhân khẩu của hộ có độ tuổi từ 15 đến dưới 60 tuổi đối với nam và từ 15 đến dưới 55 tuổi đối với nữ tính theo năm dương lịch. Như vậy, số người trong độ tuổi lao động bao gồm những người sinh từ năm 1952 đến năm 1996 đối với nam và những người sinh từ năm 1957 đến năm 1996 đối với nữ.

8. Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động

Là những người trong độ tuổi lao động có đủ sức khoẻ để tham gia lao động sản xuất; không kể những người bị tàn tật, mất sức lao động không tham gia sản xuất kinh doanh và học sinh, sinh viên còn đang đi học.

9. Hoạt động chính

Là công việc/hoạt động kinh tế (được Pháp luật thừa nhận) mà lao động đó đầu tư thời gian nhiều nhất trong 12 tháng qua (từ 1 tháng trở lên). Trong trường hợp 1 người đầu tư thời gian lao động như nhau cho từ 2 ngành trở lên thì qui ước ghi cho ngành có thu nhập cao hơn.

10. Ngành sản xuất chính của hộ

Là ngành sản xuất kinh doanh thu hút toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ. Nếu hộ có thể tham gia nhiểu hoạt động kinh tế khác nhau thì ngành sản xuất chính là ngành có số lao động tham gia nhiều nhất. Trong trường hợp những hộ có số lao động tham gia bằng nhau cho từ 2 ngành trở lên thì ngành sản xuất chính là ngành tạo ra thu nhập lớn nhất.

Cụ thể:

- Hộ Nông nghiệp: Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ tham gia sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp).

- Hộ Lâm nghiệp: Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ tham gia sản xuất lâm nghiệp (trồng rừng, nuôi dưỡng, chăm sóc rừng, khai thác gỗ, lâm sản và các dịch vụ lâm nghiệp).

- Hộ Thủy sản: Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các dịch vụ thuỷ sản.

- Hộ Diêm nghiệp: Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ tham gia hoạt động sản xuất muối.

- Hộ Công nghiệp (không bao gồm hộ Diêm nghiệp): Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ tham gia sản xuất công nghiệp như: Sản xuất cơ khí, dệt vải, dệt chiếu, may mặc, khai thác muối, làm gạch, chế biến gỗ, xay xát, chế biến nông sản, chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (phơi, sấy khô, hun khói, ngâm, nhúng muối ướp lạnh) sản xuất đồ uống, sản xuất đường, sản xuất gốm sứ thuỷ tinh, hàng thủ công mỹ nghệ, làm muối,.. hoặc tham gia các hoạt động khai khoáng; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, hơi nước; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải.

- Hộ Xây dựng: Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ tham gia hoạt động thuộc ngành xây dựng như thợ nề, thợ quét vôi, trang trí nội thất, lắp đặt thiết bị máy móc, chủ thầu xây dựng,...

- Hộ Thương nghiệp: Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ tham gia các hoạt động bán buôn, bán lẻ và đóng gói các loại hàng hoá, các hoạt động sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.

- Hộ Vận tải: Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động thường xuyên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động vận tải, bốc dỡ hàng hoá, các hoạt động tổ chức và hỗ trợ du lịch, các hoạt động bưu chính và chuyển phát.

- Hộ dịch vụ khác: Là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ thường xuyên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các ngành dịch vụ khác (trừ thương nghiệp và vận tải đã tính ở trên) như dịch vụ lưu trú, ăn uống (phục vụ đám cưới, hội họp, tiệc,…); dịch vụ hỗ trợ (cho thuê bàn ghế, đồ dùng, máy móc không kèm người điều khiển,…); y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, hoạt động đảng, đoàn thể, hiệp hội, các hoạt động tài chính, tín dụng, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn,...

- Hộ khác: Là những hộ chưa được xếp vào một trong 9 loại hộ trên. Loại hộ này bao gồm các hộ không tham gia các hoạt động kinh tế như hộ già cả neo đơn, hộ cán bộ CNVC về hưu, nguồn sống chính của các thành viên trong hộ dựa vào trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm của Nhà nước hoặc các nguồn khác từ gia đình hoặc cộng đồng.

11. Diện tích đất nông, lâm nghiệp và thủy sản hộ đang sử dụng

Bao gồm toàn bộ diện tích các loại đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp, diện tích nuôi trồng thuỷ sản, diện tích đất làm muối của hộ có tại thời điểm 01/7/2011 mà hộ thực tế có sử dụng trong 12 tháng qua gồm: Diện tích đất được giao sử dụng lâu dài, diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất nhận khoán, nhận đấu thầu, diện tích đất nhận chuyển nhượng, diện tích đất mượn, thuê, diện tích đất làm rẽ, diện tích đất thừa kế, diện tích đất mới khai hoang đưa vào sản xuất nông, lâm nghiệp (bao gồm cả trong và ngoài tỉnh). Không tính diện tích đất của hộ hiện đang cho thuê, cho mượn hoặc bỏ hóa trong 12 tháng qua. Những trường hợp bỏ hóa 1 vụ trong 12 tháng qua, kể cả vụ gần đây nhất vẫn tính là đất có sử dụng.

Các loại đất:

(a) Đất trồng cây hàng năm

Là đất chuyên trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch sản phẩm không quá 1 năm, kể cả đất cỏ tự nhiên có cải tạo sử dụng vào mục đích chăn nuôi; bao gồm đất trồng lúa, đất cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác.

(b) Đất trồng cây lâu năm

Đất trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng trên một năm từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch, kể cả cây có thời gian sinh trưởng như cây hàng năm nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm như chuối, dứa,... bao gồm đất trồng cây công nghiệp lâu năm, đất trồng cây ăn quả lâu năm và đất trồng cây lâu năm khác.

(c) Đất lâm nghiệp

Là đất sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về lâm nghiệp và mục đích bảo vệ, phát triển rừng.

(d) Diện tích nuôi trồng thủy sản

Là đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi trồng các loại thủy sản và nuôi giống thuỷ sản. Được tính cả phần diện tích bờ bao, kênh dẫn nước vào, ra, các ao lắng, lọc. Không tính diện tích đất lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất đồng muối, đất hồ đập thủy lợi, sông ngòi có kết hợp nuôi trồng thủy sản và nuôi trồng thủy sản trên biển.

(e) Đất làm muối:

Là đất sử dụng vào mục đích sản xuất muối. Đây là những những diện tích đất ven biển, có thể lấy nước biển vào thuận lợi, được san phẳng, ngăn thành ô để đưa nước biển vào sản xuất muối.

12. Diện tích mặt nước nuôi trồng trong 12 tháng trong 12 tháng qua

Là diện tích mặt nước thực rế để nuôi trồng thủy sản trong 12 tháng qua, kể cả hồ, đập thủy lợi được khoanh nuôi, bảo vệ để thu hoạch nguồn lợi thuỷ sản, diện tích quây ở sông, hồ lớn, ven biển để nuôi trồng thuỷ sản. Tính cả diện tích hộ đã nuôi rồng thủy sản trong 12 tháng qua nhưng không còn quản lý, sử dụng tại thời điểm điều tra.

13. Chăn nuôi của hộ

Ghi số lượng gia súc, gia cầm, chăn nuôi khác của hộ tại thời điểm 01/7/2011. Trường hợp nhiều hộ nuôi chung 1 con, chỉ ghi vào phiếu của hộ đang chăn dắt, nuôi dưỡng lúc đến điều tra. Không tính số con hộ đang nuôi thuê cho các hộ khác ở nông thôn và hộ nông, lâm, thủy sản ở thành thị (số con này đã được điều tra và tính cho các hộ đó).

14. Máy móc, thiết bị chủ yếu

Là những máy còn sử dụng đư&hy;ợc thuộc quyền sở hữu của hộ, kể cả số máy của hộ cho thuê, cho mư&hy;ợn. Không tính số máy mà hộ thuê hoặc m&hy;ượn của hộ khác. Nếu nhiều hộ sử dụng chung 1 loại máy thì quy ước ghi cho hộ có đầu tư nhiều nhất hoặc ghi cho hộ hiện đang quản lý, sử dụng.

15. Trang trại nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:

Là hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt tiêu chí qui định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau:

a) Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp đồng thời phải đạt cả 2 tiêu chuẩn qui định (*) và (**):

(*)Có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu:

- 3,1 ha đối với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long;

- 2,1 ha đối với vùng còn lại

(**)Giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm

b) Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/ năm trở lên.

c) Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.