Hội thảo công bố kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021
Sáng ngày 08/12/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo công bố kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (gọi tắt là Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021) bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương và bà Rana Flowers Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự trực tiếp Hội thảo tại Hà Nội có Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến, đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc Tổng cục; đại diện các Bộ, ngành, đại sứ quán tại Việt Nam; các viện nghiên cứu, các hội, tổ chức người khuyết tật; các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế; các chuyên gia trong nước cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí. Cùng tham dự Hội thảo qua hình thức trực tuyến có bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện các trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế.

Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 là cuộc điều tra của Việt Nam nằm trong chương trình điều tra toàn cầu đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS), nhằm cung cấp các dữ liệu thống kê và có thể so sánh quốc tế cho 35 chỉ tiêu phát triển bền vững thuộc khung hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững Việt Nam (VSDG).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương khẳng định, kết quả Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 là sự nỗ lực của công chức Ngành thống kê, với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên gia UNICEF, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) trong suốt hai năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhận được sự góp ý và tham vấn của các chuyên gia đến từ các bộ, ngành. Kết quả cuộc điều tra là một bức tranh tổng thể, phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ Việt Nam với nhiều chỉ tiêu tổng hợp, cung cấp thông tin về 38 chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 35 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; cập nhật số liệu đảm bảo độ tin cậy và so sánh quốc tế. Đồng thời, kết quả điều tra là bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định xây dựng các chính sách và chương trình, phục vụ đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam và cam kết toàn cầu về trẻ em và phụ nữ.


Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc Hội thảo

Thay mặt UNICEF và UNFPA, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, kết quả Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 là một tham vọng lớn nhất trong các cuộc điều tra đã được thực hiện từ trước tới nay. Đây là nguồn dữ liệu phong phú về các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ cũng như bổ sung thêm những nội dung mới trong nghiên cứu. Kết quả điều tra đồng thời mang lại góc nhìn về sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến quyền phụ nữ và trẻ em, và là dữ liệu quan trọng để biết được đâu là đối tượng đang bị bỏ lại phía sau. Có 5 vấn đề cần phải lưu ý từ kết quả điều tra này, đó là: Phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc H’Mông và Khmer, là nhóm đối tượng yếu thế hơn cả xét về các yếu tố phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Trẻ em và phụ nữ Việt Nam thiếu tiếp cận về internet và thiếu kỹ năng công nghệ thông tin; Tỷ lệ trẻ em hoàn thành bậc học trung học phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp, khoảng 60%; Kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực vẫn còn phổ biến trong các gia đình Việt Nam; Tồn tại khủng hoảng nước sạch, thể hiện ở 50% người dân sử dụng và uống nước mà không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước. Những vấn đề trên đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp tình thế, cũng như có sự đầu tư dài hạn vào những lĩnh vực còn nhiều khoảng trống, để đảm bảo việc tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội, từ đó đảm bảo phát triển bền vững.


Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh các video về quá trình thực hiện điều tra và các kết quả chính của điều tra, các đại biểu được nghe đại diện TCTK trình bày báo cáo kết quả Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021, tập trung vào 5 nội dung chính: Chăm sóc trẻ em; Bảo vệ trẻ em; Sức khỏe sinh sản của phụ nữ; Thanh thiếu niên Việt Nam; Điều kiện vệ sinh môi trường. Đáng chú ý, điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 có một số nội dung mới là: Kiểm tra chất lượng nước về nồng độ E.coli và Arsen trong nước uống; Phát triển trẻ thơ SDG 2030; Phiếu hỏi dành cho nam giới từ 15-49 tuổi về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn; Phá thai và sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Tại buổi Hội thảo cũng đã diễn ra Tọa đàm “Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ thông qua các phát hiệu của Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021: Hàm ý chính sách” với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương, bà Rana Flowers Trưởng đại diện UNICEF, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và các khách mời là các chuyên gia trong nước. Nội dung Tọa đàm tập trung vào các vấn đề xoay quanh kết quả điều tra SDGCW 2020-2021 như: Những vấn đề nổi bật nhất, lĩnh vực nào Việt Nam cần chú ý trong tiến trình đạt được cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”; Các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ thực hiện chính sách và đại diện các tổ chức xã hội cần làm gì để hướng tới các mục tiêu SDGs và để phát triển nguồn lực con người; những kế hoạch của Tổng cục Thống kê trong tương lai để tiếp tục lấp đầy các khoảng trống về số liệu làm bằng chứng giúp quá trình giám sát, đánh giá mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam…


Các khách mời tham dự Tọa đàm

Huỳnh Thế Nhiệm
(Nguồn: Tạp chí Con số &Sự kiện)








Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 820
  • Trong tuần: 5427
  • Tất cả: 950299

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn