CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP (IIP) THÁNG 9 VÀ 9 THÁNG NĂM 2022
Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, toàn xã hội trở lại trạng thái bình thường tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp dần phục hồi. Chỉ số sản xuất Công nghiệp (IIP) quý III/2022 tăng 13,20%, cao nhất trong ba quý (quý I tăng 5,25%; quý II tăng 6,25%). Tính chung 9 tháng, chỉ số IIP tăng 8,06% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất và phân phối điện chỉ tăng 6,0%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay.

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 8,06% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 32,6%). Trong đó, chỉ số ngành sản xuất điện có mức tăng ước chỉ đạt 6,02%, tốc độ tăng thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay là yếu tố ảnh hưởng quyết định chỉ số tăng trưởng sản xuất chung toàn ngành tăng thấp so với cùng kỳ 2021; ngành chế biến, chế tạo vươn lên, đạt mức tăng 17,99%, cao nhất trong các năm 2017-2022; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%; ngành khai khoáng giảm 12,94%, chủ yếu do thời tiết nhiều mưa làm giảm muối biển khai thác và các công trình xây dựng sử dụng vật liệu đá xây dựng giảm.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: ngành khai khoáng khác giảm 12,94% (trong đó, khai thác muối biển giảm 26,59%); dệt (sản xuất sợi, khăn bông) ước tính giảm 2,65%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 1,75%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,02%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 6,85%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất trang phục tăng 31,81%; sản xuất đồ uống (chủ yếu bia đóng lon các loại) tăng 29,52%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 23,26%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,49%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,31%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ: tinh bột mì giảm 31,8% vào đầu năm thị trường tiêu thụ chủ yếu (Trung Quốc) giảm nhập khẩu do dịch bệnh, nguồn nguyên liệu thiếu, kết thúc vụ sớm vào ngày 10/4/2022); muối biển giảm 26,6% (do thời tiết không thuận lợi, mưa trái mùa những tháng đầu năm); đường RS giảm 17,2% (do thiếu nguyên liệu sản xuất); một số sản phẩm xây dựng giảm (đá xây dựng giảm 26,7%, xi măng giảm 27,3%, đá granite giảm 35,7%), nguyên nhân chủ yếu là các công trình điện năng lượng tái tạo đã hoàn thành xây dựng; hạt điều khô tăng 8,5%; điện sản xuất tăng 6,7%, (trong đó, điện gió tăng 59,7%; điện mặt trời giảm 1,53% cùng kỳ), sự điều tiết giảm nguồn phát, cùng với các dự án điện mới chưa thực hiện là nguyên nhân chủ yếu làm tăng trưởng sản phẩm chủ lực này chậm lại. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm nay tăng cao so với năm trước: Tôm đông lạnh là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong giá trị ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thị trường xuất khẩu có nhiều hợp đồng mới, sản lượng chế biến tăng 39,7% so cùng kỳ. Bia các loại là sản phẩm có tỷ trọng đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và toàn ngành công nghiệp, ước tăng 17,34%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 giảm 58,67% so với tháng trước và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 29,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 266,27%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 44,97%; sản xuất đồ uống tăng 36,08%; sản xuất trang phục tăng 30,36%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 10,99%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 29,88%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 5,94%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,07%; dệt giảm 0,19%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2022 giảm 12,21% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 62,18%; sản xuất trang phục giảm 13,33%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 11,97%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: sản xuất đồ uống tăng 61,56%; Dệt tăng 111,95%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2022 tăng 0,99% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 17,79% so với cùng thời điểm năm trước.

*Đính kèm file: “Sốliệu chỉ số IIP tháng 9 năm 2022

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)









Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 972
  • Trong tuần: 5579
  • Tất cả: 950451

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn