Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 tỉnh Ninh Thuận

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2022 thuận lợi do có nguồn nước tưới dồi dào, dịch bệnh nghiêm trọng không xảy ra. Diện tích gieo trồng vụ Đông xuân 2022 tăng; đàn heo tiếp tục đà hồi phục. Sản xuất lâm nghiệp ổn định, tập trung vào chăm sóc rừng. Sản xuất thủy sản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

a/ Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/3/2021, cả tỉnh gieo trồng được 31.002,7 ha vụ Đông xuân 2022, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 1,5% so Đông xuân 2021. Trong đó, diện tích lúa đạt 17.875,6 ha, đạt 101,8% kế hoạch, tăng 2,8% so cùng kỳ do nước tưới đảm bảo nên hộ dân mở rộng diện tích lúa trên chân ruộng cũ. Nguồn nước tưới dồi dào, sâu bệnh rải rác, không đáng kể. Huyện Ninh Phước vẫn là địa phương có diện tích lúa Đông xuân lớn nhất với 5.403,9 ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích lúa tăng nhiều là: huyện Thuận Nam tăng 196 ha; huyện Bác Ái tăng 144,7 ha; huyện Ninh Phước tăng 112,7 ha, huyện Ninh Sơn tăng 90,3 ha. Các địa phương có diện tích lúa giảm là thành phố Phan Rang-Tháp Chàm giảm 38,8 ha; huyện Thuận Bắc giảm 18 ha.

Tính đến giữa tháng Ba, cả tỉnh đã gieo trồng được 2.764,3 ha ngô, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước; 89,8 ha khoai lang, tăng 45,8%; 292 ha lạc, tăng 8,8%; 3.759,7 ha rau, đậu các loại, giảm 7,1%.

Trong quý I/2022, cây lâu năm tình hình sâu bệnh không đáng kể, thời tiết không hạn hán nên năng suất cây cho sản phẩm bình thường. Sản lượng thu hoạch trong quý năm nay tăng do thêm diện tích vào thu hoạch là chính, riêng năng suất ổn định, không biến động lớn.

Chăn nuôi trong quý nhìn chung ổn định. So với quí I năm trước, giá cả sản phẩm thịt hơi và sản phẩm không qua giết thịt đều giảm; chỉ có sản phẩm trứng gà ta tăng nhẹ 0,28 đồng/kg. Ước tính đến cuối tháng 3/2022, đàn trâu cả tỉnh giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò giảm 1,5%. Ước tính quý I, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 69 tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.635 tấn, tăng 20,9%.

Chăn nuôi heo tiếp tục xu hướng tăng trở lại. Ước tính tổng đàn heo đến cuối tháng Ba tăng 4% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2022 đạt 7.365,1 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi dê, cừu tiếp tục xu hướng giảm do thu hẹp đồng cỏ tự nhiên dành cho các dự án năng lượng sạch. Ước tính đàn dê, cừu giảm 2,7% (đàn dê giảm 1,2%; đàn cừu giảm 4,3%); sản lượng thịt dê, cừu hơi xuất chuồng đạt 352,2 tấn, giảm 66,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển do các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô. Ước tính tổng đàn gia cầm của cả nước đến cuối tháng Ba tăng 10,1% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2022 đạt 2.647 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gia cầm đạt 23,7 triệu quả, giảm 10,4%.

b/ Lâm nghiệp

Tình hình lâm nghiệp của tỉnh trong quý I/2022 chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc rừng trồng do chưa vào mùa trồng rừng. Trong tháng Ba, diện tích rừng trồng mới tập trung cả tỉnh không phát sinh, không tăng không giảm so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán cũng không phát sinh, giảm 4,2 nghìn cây so cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 183,8 m3, giảm 47,5%; sản lượng củi khai thác đạt 2.240 ste, giảm 1,5%. Ước tính q I/2022, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả tỉnh không phát sinh, ngang bằng cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,6 nghìn cây, tăng 55,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 514 m3, giảm 48,6%; sản lượng củi khai thác đạt 6.400 ste, giảm 1,5%.

Diện tích rừng bị thiệt hại do chặt phá trong tháng Ba là 0,44 ha; nâng lũy kế diện tích rừng bị thiệt hại quý I/2022 là 3 ha, giảm 54,9% so với cùng kỳ năm trước.

c/ Thuỷ sản

Sản lượng thủy sản tháng Ba ước tính đạt 7,9 nghìn tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 7 nghìn tấn, giảm 1,5%; tôm đạt 0,4 nghìn tấn, giảm 1,5%; thủy sản khác đạt 0,5 nghìn tấn, tăng 0,2%.

Tính chung quý I/2022, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 23,7 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 22,2 nghìn tấn, tăng 0,5% (chủ yếu là khai thác biển).

Sản xuất giống thủy sản quý I/2022 ước đạt 10,88 tỷ con (chủ yếu là tôm giống), tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước do vào vụ sản xuất tôm giống chính trong năm, phục vụ nhu cầu thả nuôi tôm thịt tại các tỉnh miền Nam. Nhìn chung, hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống trong quí I năm nay khá thuận lợi, thời tiết tốt, nhu cầu tôm giống tăng, nên sản lượng tôm giống tăng so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) quý I/2022 đạt mức tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong các năm 2020-2022. Các ngành mặc dù có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,25%; khai khoáng tăng 10,73%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 8,59%; nhưng do ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện có mức tăng ước chỉ đạt 3,07% (mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay) là yếu tố ảnh hưởng quyết định tăng trưởng chỉ số sản xuất chung toàn ngành đạt thấp so với cùng kỳ 2021.

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp quý I/2022 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành Sản xuất và phân phối điện có quyền số giá trị tăng thêm hiện chiếm 71% tỷ trọng quyền số sản xuất công nghiệp toàn ngành, chỉ số sản xuất ước tính quý I tăng 3,07% (đóng góp tăng 2,2 điểm % chỉ số chung); trong đó, sản lượng điện sản xuất các loại chỉ tăng 0,8%, riêng điện mặt trời giảm 4% so cùng kỳ. Ngành Chế biến, chế tạo tăng 11,25%, đóng góp tăng 2,37 điểm phần trăm vào chỉ số toàn ngành công nghiệp. Ngành Khai khoáng tăng 10,73% so cùng kỳ, trong đó khai thác muối biển ước tăng nhẹ 0,85% so cùng kỳ năm trước, nguyên nhân thời tiết thuận lợi, lượng muối tồn kho đến cuối tháng 02/2022 còn hơn 100 ngàn tấn, giảm 60% so cùng kỳ.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất đồ uống tăng 36,11%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 35,71%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,8%; khai khoáng khác tăng 10,73%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: In, sao chép bản ghi các loại giảm 14,12%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 12,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 2,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 1,02%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,01%; sản xuất trang phục tăng 2,08%; dệt tăng 7,17%.

Tình hình một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước: Tôm đông lạnh tăng 51,2%, là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thị trường xuất khẩu có nhiều hợp đồng mới, sản lượng chế biến vẫn giữ ổn định, sản xuất quý I ước đạt 1.743 tấn. Bia đóng lon tăng 44,6%, dự kiến sản xuất trong quý đạt gần 14,3 triệu lít, đây là sản phẩm đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và toàn ngành công nghiệp. Sản xuất tinh bột mỳ giảm 27,2%, dự kiến sản xuất 5.140 tấn, giảm 27,2% so cùng kỳ, do thị trường tiêu thụ chủ yếu (Trung Quốc) giảm nhập do dịch bệnh (nguồn nguyên liệu cung cấp để sản xuất vẫn đáp ứng đủ cho yêu cầu sản xuất). Xi măng các loại ước đạt 46,7 ngàn tấn, giảm 15,6% so cùng kỳ, các công trình điện năng lượng tái tạo đã hoàn thành xây dựng là một trong những nguyên nhân giảm nhu cầu sử dụng tại địa phương. Hạt điều khô giảm 5,9%, do tác động bởi tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các thị trường tiêu thụ chính (Trung Quốc), dự kiến sản xuất trong quý ước chỉ đạt 752 tấn, giảm 6% so cùng kỳ. Sản xuất đ­ường ước đạt 6.942 tấn, giảm 5,2%, do nguồn nguyên liệu mía cây không đáp ứng đủ theo nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Muối biển tăng nhẹ 0,8%, những tháng đầu năm 2022 thời tiết thuận lợi, sản lượng thu hoạch ước quý I đạt hơn 78,3 nghìn tấn; giá tiêu thụ muối tăng gần 60% so cùng kỳ (giá bình quân quý I/2022 gần 1.000 đồng/kg) là động lực tăng lượng sản xuất trong những tháng tiếp theo của vụ muối 2022. Điện sản xuất trong quý ước đạt 1.747 triệu kwh, so cùng kỳ tăng 0,8%; trong đó, điện năng lượng tái tạo đã cung cấp sản lượng ước đạt 1.429 triệu kwh, cụ thể: điện gió 359 triệu kwh (tăng 28,7%); điện mặt trời 1.070 triệu kwh (giảm 4% cùng kỳ); hiện nay toàn tỉnh3.654 cơ sở lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 394 MW; sản lượng điện phát lên lưới ước quý I đạt 100 triệu kwh.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Hoạt động kinh doanh doanh nghiệp trong quý I/2022 với các chỉ số thể hiện tín hiệu lạc quan. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 55,8% với số vốn đăng ký gấp 11,3 lần so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 1,17 lần so cùng kỳ; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện giảm 4,8% và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm 8,6%.

Tính đến ngày 15/3/2022 đã 120 doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn đăng ký 9.736 tỷ đồng, tăng 55,8% số doanh nghiệp (120/77 DN) tăng 10,3 lần số vốn đăng ký so cùng kỳ.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 1,17 lần so cùng kỳ (76/35 DN); có 20 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, giảm 4,8% và có 85 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 8,6% so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động cộng dồn đến ngày 15/3/2022, có 3.882 doanh nghiệp.

4. Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 ước đạt 2.619,4 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là do nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư cho các dự án ngành năng lượng tái tạo có xu hướng giảm, tăng chậm lại. Đây là vấn đề cần quan tâm của các cơ quan Nhà nước trong thời gian tới về thu hút nguồn vốn vào phát triển kinh tế-xã hội.

Vốn đầu tư phát triển thực hiện quý I năm 2022 của tỉnh ước đạt 2.619,4 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nguồn vốn nhà nước 513,5 tỷ đồng, tăng 54,8%; vốn ngoài nhà nước 1.168,5 tỷ đồng, giảm 51,9%; vốn đầu tư nước ngoài 937,4 tỷ đồng, tăng 563,3%. Nguyên nhân giảm chủ yếu do đầu tư của khu vực ngoài nhà nước giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2022 ước tính đạt 513,5 tỷ đồng, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước, gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 19,2 tỷ đồng, giảm 74,5%; vốn địa phương quản lý đạt 428,6 tỷ đồng, bằng 17,2% KH năm và tăng 105,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 257,6 tỷ đồng, bằng 15% và tăng 73,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 171 tỷ đồng, bằng 22,4% và tăng 189,5%.

5. Tài chính, Ngân hàng

a/ Tài chính

Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm mạnh làm tổng thu ngân sách tỉnh giảm theo. Tính chung quý I/2022, tổng thu ngân sách tỉnh chỉ đạt 26,9% dự toán HĐND tỉnh giao và giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý Nhà nước.

Tổng thu ngân sách tỉnh (ước đến ngày 31/3/2022) đạt 939 tỷ đồng và đạt 26,9% dự toán HĐND tỉnh giao (dự toán giao 3.490 tỷ) và giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa 928 tỷ đồng, đạt 31% (dự toán giao 2.990 tỷ) và tăng 6%; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 11 tỷ đồng, đạt 2,2% (dự toán giao 500 tỷ) và giảm 95,4%.

Tổng chi ngân sách tỉnh quý I/2022 ước đạt 1.839,8 tỷ đồng, đạt 28,6% dự toán HĐND tỉnh giao.

b/ Ngân hàng

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong quý I/2022 nhìn chung ổn định và an toàn. Huy động vốn và dư nợ tín dụng tiếp tục có sự tăng trưởng so với cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 3/2022: Nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 18.800 tỷ đồng, tăng 0,9% (tăng 163 tỷ đồng) so với cuối năm 2021, bằng 90,1% kế hoạch năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 33.700 tỷ đồng, tăng 1,1% (tăng 364 tỷ đồng) so với cuối năm 2021, bằng 87,9% kế hoạch năm 2022. Dư nợ xấu trên địa bàn là 230 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,68% so với tổng dư nợ, tăng 0,05% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 (số tuyệt đối tăng 20,7 tỷ đồng).

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

a/ Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng nhờ áp dụng các chính sách phát triển kinh tế đưa cuộc sống về trạng thái “bình thường mới”. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 tăng 3,2% so với tháng trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,5%) và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 17,3%) cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại. Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,4%, cao hơn mức tăng 12,5% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 2.434,9 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.982,2 tỷ đồng, tăng 5% và tăng 18,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 268,9 tỷ đồng, giảm 6,5% và tăng 11,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,1 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 183,8 tỷ đồng, giảm 0,1% và tăng 19,1%.

Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 7.359,2 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước đạt 5.969,7 tỷ đồng, chiếm 81,1% tổng mức và tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: xăng, dầu các loại tăng 59,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 12,1%; lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; hàng may mặc giảm 10,6%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 838,5 tỷ đồng, chiếm 11,4% và tăng 3,4%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,3 tỷ đồng, chiếm 0,004% và giảm 37%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 550,7 tỷ đồng, chiếm 7,5% và tăng 8,3%.

b/ Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Giá xăng, dầu tăng liên tục trong tháng Ba do ảnh hưởng cuộc xung đột giữa Nga và U-cờ-rai-na là nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước, mức tăng cao nhất giai đoạn 2018-2022, và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất các năm 2019-2022. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2022 tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng của quý I/2021 là 2,41%).

Trong mức tăng 0,05% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 so với tháng trước có tới 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: nhóm Giao thông tăng cao nhất với 4,97%, chủ yếu do giá xăng, dầu tăng 13,03% so với tháng trước đã làm CPI chung tăng 0,44 điểm phần trăm do ảnh hưởng của đợt tăng giá vào ngày 01/3/2022, 11/3/2022 và ngày 21/3/2022; nhóm May mặc, mũ nón và giày dép tăng 3,06%; nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,61% do giá thuê nhà ở, một số mặt hàng vật liệu xây dựng tăng, giá gas và giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng trong tháng; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,82% do giá đồ trang sức bằng vàng tăng vì chịu ảnh hưởng của giá vàng tăng trong tháng, giá dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,53%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,15% do chi phí đầu vào và vận chuyển tăng; nhóm Bưu chính viễn thông tăng 0,05%; nhóm Văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,01%. Nhóm duy nhất giảm là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh 2,35% chủ yếu do giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trở lại bình thường sau khi đã tăng cao trong tháng 2/2022 vì nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó lương thực giảm 0,06%; thực phẩm giảm mạnh 2,06% làm CPI chung giảm 0,50 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình giảm 3,87% làm CPI chung giảm 0,48 điểm phần trăm. Nhóm còn lại không thay đổi.

CPI bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 2,47%; CPI tháng 3/2022 tăng 1,18% so với tháng 12/2021 và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm 2021. CPI quý I/2022 tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu: (i) Trong 3 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 07 đợt (06 đợt tăng giá và 01 đợt giảm giá), làm cho giá xăng dầu bình quân quý I/2022 tăng 45,96% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,54 điểm phần trăm; (ii) Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình quý I năm 2022 tăng 2,83% so với cùng kỳ do một số mặt hàng thực phẩm tăng, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm; (iii) Giá gas bình quân quý I tăng thêm 50.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 12/2021, tăng 20,78% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm; (iv) Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý I tăng 10,84% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá cước vận tải tăng, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm; (v) Dịch vụ giao thông công cộng quý I tăng 9,86% so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu tăng cao, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI quý I/2022, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI: (i) Giá các mặt hàng lương thực quý I năm 2022 giảm 9,65% do giá lúa giảm, góp phần làm CPI giảm 0,47 điểm phần trăm; (ii) Giá các mặt hàng thực phẩm quý I giảm 2,46%, làm CPI giảm 0,60 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,06%, mỡ ăn giảm 19,61%, nội tạng động vật giảm 14,7%; theo đó giá thịt chế biến giảm 6,13%.

Do ảnh hưởng chung của giá vàng, đô la Mỹ trong nước và thế giới, so với bình quân cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá vàng quý I/2022 giảm nhẹ 0,68%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,32%. Giá vàng 9999 hiện ở mức 5.480.000 đồng/chỉ; giá đô la Mỹ ở mức 23.470 đồng/USD.

c/ Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải tháng 3/2022 tiếp tục đà phục hồi với vận tải hành khách tăng 11,1% và luân chuyển tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 24,4% và luân chuyển tăng 22,5%. Tính chung quý I/2022, vận chuyển hành khách tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 36,3% và vận chuyển hàng hóa tăng 13,4%, luân chuyển hàng hóa tăng 12%.

Tháng Ba là tháng sau Tết Nguyên đán nên hoạt động vận tải hành khách giảm so với tháng Hai. Vận tải hành khách tháng Ba ước tính đạt 0,2 triệu lượt khách, giảm 58,3% so với tháng trước và luân chuyển 18,6 triệu lượt khách.km, giảm 59,1%. Tính chung quý I/2022, vận tải hành khách đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 108,4 triệu lượt khách.km, tăng 36,3%.

Vận tải hàng hóa trong tháng ước tính đạt 0,6 triệu tấn, tăng 30,7% so với tháng trước và luân chuyển 46,4 triệu tấn.km, tăng 28%. Nguyên nhân tăng là do vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh tăng, nhất là vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu xây dựng nhà của người dân sau dịp Tết Nguyên Đán. Tính chung quý I/2022, vận tải hàng hóa ước tính đạt 1,8 triệu tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 138,5 triệu tấn.km, tăng 12%.

d/ Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới do các chính sách phòng chống dịch từ phía đối tác. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 19,3 triệu USD, giảm mạnh 83,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 62,8 triệu USD, giảm 68,6%; trong đó xuất khẩu đạt 19,4 triệu USD, giảm 16,5%; nhập khẩu đạt 43,4 triệu USD, giảm 75,4%. Nhập siêu quý I năm nay đạt 24 triệu USD, giảm 84,4% .

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2022 ước đạt 6 triệu USD, giảm 45,2% so cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Thủy sản ước đạt 3 triệu USD, giảm 51,3%; nhân hạt điều ước đạt 1 triệu USD, giảm 58,2%; mặt hàng khác (chủ yếu hàng dệt may) ước đạt 2 triệu USD, giảm 16,7%.

Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 19,4 triệu USD, giảm 16,5% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu gồm: Thủy sản ước đạt 11,6 triệu USD, tăng 1,8% do thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và một số nước Châu Âu không bị đóng cửa biên giới; nhân điều ước đạt 2,1 triệu USD, giảm 63,7%; hàng hóa khác (chủ yếu hàng dệt may) ước đạt 5,7 triệu USD, giảm 5,6%. Nguyên nhân các mặt hàng xuất khẩu giảm là do trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các cửa khẩu biên giới tại Lạng Sơn và Quảng Ninh hàng hóa ách tắc do phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Nhập khẩu hàng hóa

Quý I/2022 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 43,4 triệu USD, giảm 75,4% so cùng kỳ. Nguyên nhân là do các dự án Điện giảm nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Về phía nguyên liệu sản xuất là thủy sản lại tăng lên 36,6%, trong khi các doanh nghiệp chưa tiến hành nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nhân điều trong quý I.

7. Một số vấn đề xã hội

a/ Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

Tình hình đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong quý I năm nay có phần khó khăn hơn cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giá xăng, dầu tăng cao. Tuy vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước và các thành phần trong xã hội, thêm tình hình sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực đạt kết quả tích cực làm cho cuộc sống người dân nhìn chung ổn định. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm và triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

Tỉnh thực hiện tốt việc cấp 1.508,8 tấn gạo hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ cho 25.284 hộ/100.588 khẩu nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022. Tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các gia đình thuộc diện chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào sinh sống tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo, người gặp khó khăn do đại dịch COVID–19, với tổng gần 123 ngàn suất/31,7 tỷ đồng. Tổng 12 chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có đến ngày 15/3/2022 là 85.081 lượt lao động với kinh phí 121,4 tỷ đồng.

b/ Giáo dục

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dạy và học trực tiếp. Đối với bậc Mầm non, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp là hơn 85%; bậc Tiểu học, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp hơn 96%; bậc Trung học cơ sở, tỷ lệ đi học trực tiếp hơn 91%; bậc Trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp hơn 95%.

Tính đến tháng 3/2022, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 142 trường, trong đó: trường phổ thông là 120/217 trường (Tiểu học 80 trường, THCS 32 trường, THPT 08 trường) đạt tỷ lệ 55,29%; trường mầm non 22/87 trường đạt tỷ lệ 25,28%Số học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày (30 tiết/tuần trở lên) có 42.000 hs/62.743 hs  đạt tỷ lệ 66,94%.

Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2021-2022 tại tỉnh Ninh Thuận, thời gian từ ngày 03/3/2022 đến ngày 05/3/2022; gồm 53 học sinh tham gia với 9 môn thi (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh).

c/ Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trong tháng Ba (từ ngày 21/02/2022 đến 20/03/2022) có 931 người mắc COVID-19, tăng 105,1% (tăng 477 người) so với tháng trước; số người được điều trị khỏi xuất viện 609 người, tăng 16,7%. Tính chung đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 20/3/2022), phát hiện 7.969 người mắc bệnh; có 7.540 người được điều trị khỏi xuất viện; 59 người tử vong; số người đang điều trị là 370.

Tính đến ngày 20/3/2022, toàn tỉnh đã tiêm 1.261.582 mũi vắc xin phòng COVID-19; trong đó số người đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 458.570 người; số người đã tiêm mũi 2 là 431.117 người; số người đã tiêm mũi 3 là 301.460 người. Số người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 141.870 người; 134.582 người tiêm mũi 2 và 98.678 người tiêm mũi 3. Số người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 42.711 người; 40.022 người tiêm mũi 2 và 26.362 người tiêm mũi 3. Số người từ 12-17 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 53.404 người và 48.253 người tiêm mũi 2.

Ước tính trong quý I/2022, có 50 trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết, giảm 55,7% so với cùng kỳ (giảm 113 trường hợp); 04 trường hợp mắc sốt rét, tăng 100% (tăng 02 trường hợp). Bệnh nhân Lao thu dung 140 trường hợp, tăng 4,1%;  phát hiện 126 bệnh nhân lao mới, tăng 9,6%; tổng số bệnh nhân quản lý điều trị 404 trường hợp, giảm 22,8%. Số bệnh nhân Phong đang quản lý là 177 trường hợp, giảm 02 trường hợp; số lượt bệnh nhân được chăm sóc tàn tật 26, giảm 21,2% so với cùng kỳ.

d/ Văn hóa, thể thao

Công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022), gắn với kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2022) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) đang gấp rút hoàn thành. Theo kế hoạch, ngoài việc tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh, sẽ có nhiều hoạt động, sự kiện trọng tâm được triển khai như: Tổ chức trưng bày, triển lãm thành tựu kinh tế- xã hội “Ninh Thuận- 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển”; Hội chợ thương mại; Khánh thành các công trình chào mừng và tôn vinh các sản phẩm đặc thù của tỉnh; lễ đón nhận bằng công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy; tổ chức tháng Thanh niên, các hoạt động về nguồn;…   

đ/ Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/02/2022 đến 14/3/2022), xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông (gồm 05 vụ đường bộ và 01 vụ đường sắt), làm 02 người chết, 05 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 25% (giảm 02 vụ); số người chết giảm 33,3% (giảm 01 người) và số người bị thương giảm 28,6% (giảm 02 người). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 50% (giảm 06 vụ); số người chết giảm 33,3% (giảm 01 người) và số người bị thương giảm 58,3% (giảm 07 người).

Tính chung quý I/2022, trên địa bàn cả tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông (gồm 29 vụ đường bộ và 01 vụ đường sắt), làm 12 người chết, 29 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 38,8% (giảm 19 vụ); số người chết giảm 40% (giảm 08 người) và số người bị thương giảm 39,6% (giảm 19 người). Bình quân 3 ngày trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

e/ Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Trong tháng Ba trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ. So với tháng trước, số vụ cháy giảm 01 vụ; thiệt hại về người không tăng/giảm; thiệt hại về tài sản giảm 96 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 01 vụ; thiệt hại về người không tăng/ giảm; thiệt hại về tài sản giảm 30 triệu đồng.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 xảy ra 01 vụ cháy, không thiệt hại về người; tài sản thiệt hại 96 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy giảm 01 vụ; thiệt hại về người không tăng/giảm; thiệt hại về tài sản giảm 07 triệu đồng.

Vụ nổ không xảy ra.

Trong tháng 03/2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không phát sinh vụ vi phạm môi trường, không tăng/giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Lũy kế 03 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ vi phạm môi trường, không tăng/ giảm so với cùng kỳ năm trước.

g/ Thiệt hại do thiên tai

            Trong tháng Ba không xảy ra thiên tai, không tăng/giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Lũy kế 03 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ thiên tai, tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm trước; không  thiệt hại về người, không tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước; tài sản thiệt hại 65 triệu đồng, tăng 65 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước./.

*Đính kèm file: “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I năm 2022”

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)
 
 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 1067
  • Trong tuần: 5674
  • Tất cả: 950546

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn