BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 4 NĂM 2020

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Đến ngày 15/4 diện tích lúa đông xuân các huyện, thành phố đã thu hoạch khoảng 5.150 ha/ 11.974,2 ha, đạt 43% diện tích lúa gieo cấy; năng suất trên diện tích thu hoạch đạt cao 68,2tạ/ ha, tăng 3tạ/ ha so đông xuân trước. Năng suất lúa cao do các địa phương thực hiện gieo cấy đồng loạt, sản xuất tập trung theo cánh đồng lớn đã tránh sâu bệnh phát sinh, thăm đồng thường xuyên theo dõi sâu bệnh gây hại để phòng trừ, kỹ thuật chăm sóc và giống lúa được cải thiện.

Diện tích ngô ước thu hoạch 1.707 ha / 2.371,4 ha, đạt 72% diện tích gieo cấy, dự ước năng suất đạt 56,6tạ/ ha, giảm 2,6tạ/ha so cùng kỳ, sản lượng ngô ước đạt 13,4 nghìn tấn, giảm 15,7%; do diện tích giảm 11,7% (- 314 ha) so cùng kỳ và thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài nên một số diện tích thiếu nước tưới. Thu hoạch một số rau đậu các loại ước đạt 3.787 ha / 3.856,4 ha, đạt 98,2% diện tích gieo trồng. Năng suất rau các loại nhìn chung thấp, ước đạt 178,2tạ/ ha, bằng 89% so cùng kỳ, do thời tiết ngày nắng nóng, hạn do thiếu nước, đêm nhiều sương nên nhiều diện tích rau bị cháy đầu lá trên cây hành, tỏi, cải các loại...và các bệnh như sâu xanh, ruồi vàng đục quả ngay thời điểm cho hoa đậu trái trên cây cà chua, dưa chuột, bí đỏ, bí xanh..., ảnh hưởng đến năng suất sản lượng cây trồng; Tuy nhiên nhiều loại cây vẫn có năng suất cao mặc dù thời tiết nắng nóng như năng suất dưa hấu ước đạt 291,9 tạ/ha, tăng 2,9% so cùng kỳ, cà rốt ước đạt 185 tạ/ha, tăng 11,7%; hành tây uớc đạt 169,2 tạ/ha, tăng 1,8% ...

Cây sắn thu hoạch, năng suất ước đạt 191,9tạ/ha, bằng 96,6% so năm trước, ước sản lượng sắn cả vụ 99,6 nghìn tấn, tăng 12,1% so cùng kỳ, do tăng diện tích gieo trồng.

Nhìn chung, vụ đông xuân năm nay năng suất lúa đạt cao do một số diện tích không gieo trồng vụ Hè thu nên bỏ ải và một số cánh đồng lớn, sâu bệnh không xảy ra, cây lúa phát triển tốt. Đối với các loại cây trồng khác năng suất giảm do tình hình hạn, thiếu nước, một số bệnh rầy nâu, vàng lá; hiện tượng ruồi vàng không những trên diện tích cây lâu năm mà cây hằng năm cũng bị ảnh hưởng nặng nề ngay thời điểm ra hoa và quả non, gây thiệt hại đáng kể đến năng suất và sản lượng trên nhiều diện tích.

Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật qua tỉnh, kiểm soát giết mổ gia súc và tuyên truyền phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm vẫn được các địa phương quan tâm thực hiện. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.  

Giá cả các loại sản phẩm chăn nuôi trong tháng nhìn chung giảm nhẹ so tháng trước do cách ly xã hội, nhu cầu đi lại và ăn uống ngoài hạn chế nên sức mua giảm.

Đàn trâu hiện có 3.994 con, tăng 0,3% so cùng kỳ; Đàn bò 118.326 con, tăng 0,5% so cùng kỳ; Đàn heo 91.830 con, giảm 9% so cùng kỳ, do hộ ngừng hoặc chưa thả nuôi chờ hết dịch COVID-19; Tổng đàn dê, cừu hiện có 273.603 con, giảm 9,2% so cùng kỳ, trong đó: đàn dê 140.160 con, giảm 2,9%; đàn cừu đạt 133.443 con, giảm 15%; Tổng đàn gia cầm:1.703 nghìn con, tăng 4,5% so cùng kỳ, trong đó: đàn gà 1.164,1 nghìn con, tăng 6% so cùng kỳ. Hiện nay tại các sông, hồ, ao, đập trong tỉnh mực nước xuống thấp, nhiều nơi ngừng dòng chảy, cộng thêm đất dành cho điện năng hóa nhiều nên nước uống và thức ăn tự nhiên cho đàn gia súc chăn thả càng khó hơn, nhất là đàn dê, cừu đang có hướng giảm đàn nhiều.

  b. Lâm nghiệp


Tình hình
lâm nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc, nuôi và bảo vệ rừng trên diện tích 675,28 ha (năm 2 có 401,5 ha, năm 3 trở lên 273,78 ha) tăng 5,4% so cùng kỳ.

Vi phạm lâm luật phát hiện bắt giữ 8 vụ, giảm 14 vụ so cùng kỳ;
trong đó: phá rừng trái phép 0 vụ, giảm 8 vụ, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép 1 vụ, giảm 1 vụ; tịch thu 1 ô tô,  1 xe máy và 2,08 m3 gỗ các loại với tổng số tiền phạt hơn 5,7 triệu đồng.

Khai thác gỗ chủ yếu thuộc hộ cá thể ước đạt 132 m3, tăng 1,4% so cùng kỳ; củi khai thác 840 ster, tăng 0,8%, chủ yếu thu nhặt và khai thác từ cây chết rừng tự nhiên.

c. Thủy sản

Sản lượng thuỷ sản tháng 4 năm 2020 ước đạt 9.927,4 tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 đạt 31.184,2 tấn, giảm 5,1% so cùng kỳ.

Sản lượng khai thác trong tháng đạt 9534,8 tấn, tăng 12,1% so cùng kỳ, đạt thời tiết khá thuận lợi trên các vùng biển, hầu hết tàu thuyền có công suất lớn ra khơi đánh bắt nhiều hơn tháng trước. Ngư trường chủ yếu từ Ninh Thuận đến đảo Phú Quốc-Kiên Giang xuất hiện cá nổi (cá cơm, cá nục), với mật độ dày, nên trong khoảng thời gian này đa số tàu cá hành nghề pha xúc, lưới vây, mành,… khai thác và đạt hiệu quả cao. Nâng tổng số 4 tháng đầu năm 2020 đạt 29.674,5 tấn, giảm 5% so cùng kỳ; nguyên nhân là do sản lượng khai thác 3 tháng đầu năm 2020 giảm đàn cá xuất hiện chưa nhiều, tàu thuyền nằm bờ để cải hoán tàu thuyền chuẩn bị cho vụ cá Nam.

Sản lượng nuôi trồng tháng 4 ước đạt 392,6 tấn, giảm 18,9% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.509,7 tấn, giảm 7% so cùng kỳ.

Sản lượng giống thủy sản trong tháng 4 ước đạt 6.117 triệu con, tăng 11,6% so cùng kỳ; nâng sản lượng giống thủy sản tôm thẻ và tôm sú qua 4 tháng đầu năm 2020 đạt 16.255 triệu con, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống trong tháng có nhiều tích cực. Ươm nuôi ấu trùng khá hiệu quả, sản lượng tôm giống trong tháng đạt khá cao, kết hợp vào vụ nuôi tôm thương phẩm chính tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên nhu cầu tôm giống tăng, giá bán ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao..

2. Sản xuất công nghiệp

Thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh Covid-19, các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chịu tác động ảnh hưởng đến sản xuất chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 4/2020 dự tính chỉ tăng 26,74% so cùng kỳ 2019 (chỉ số tháng 3 tăng 49,46%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất, có chỉ số dự tính giảm 37%; ngành công nghiệp khai khoáng giảm nhẹ 2,75% so cùng kỳ; đặc biệt ngành sản xuất điện (điện gió, điện mặt trời cung cấp lên lưới quốc gia) vẫn giữ chỉ số tăng cao 250% cùng kỳ đã tác động chỉ số sản xuất chung toàn ngành tăng trưởng đạt cao so với cùng kỳ 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 4 tháng đầu năm ước tăng 52,2% so cùng kỳ.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp phân theo ngành kinh tế:

+ Công nghiệp khai khoáng: chỉ số ngành công nghiệp khai khoáng tháng 4 ước giảm 2,75% so cùng kỳ; trong đó, chủ yếu do hoạt động khai thác đá giảm so cùng kỳ 21,6%; ngành khai thác muối biển tăng 5,34%.

+ Công nghiệp chế biến, chế tạo: chiếm tỷ trọng 59,32% (cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành), chỉ số sản xuất ước tháng 4 bằng 62,97% tháng cùng kỳ, tác động giảm 22 điểm % chỉ số toàn ngành công nghiệp. Trong đó:

- Sản xuất chế biến thực phẩm, dự ước đạt 57,14% cùng kỳ, bao gồm các ngành: chế biến thủy sản (tôm đông lạnh) giảm 42%; chế biến rau quả (nhân điều) giảm 38%; sản xuất tinh bột (tinh bột sắn) giảm 77%; sản xuất đường (rs) ngừng hoạt động; chế biến muối thực phẩm tăng 8%.

- Sản xuất đồ uống (chủ yếu bia đóng lon các loại), giảm 54,3% so cùng kỳ.

- Ngành dệt (SX sợi, khăn bông) ước tính giảm 18,5% .

- Ngành sản xuất trang phục giảm 31,7% so cùng kỳ.

- Sản xuất vật liệu xây dựng giảm 8,3% so cùng kỳ, trong đó: sản xuất gạch đất nung giảm 12,8%; sản xuất xi măng tăng 0,5%.

+ Công nghiệp sản xuất và phân phối điện... : Chỉ số sản xuất (chiếm tỷ trọng 19,6%) ước tính tháng 4 tăng 250%, đóng góp tăng 49 điểm % vào chỉ số chung toàn ngành. Trong đó, sản lượng điện sản xuất các loại ước tăng 84%; cụ thể: điện mặt trời tăng 18,4 lần, điện gió tăng 84%, thủy điện giảm 38% so cùng kỳ.

+ Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác ...: chỉ số sản xuất dự tính tăng 1,8% so cùng kỳ; trong đó hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước chỉ tăng 1%; xử lý thu gom rác thải tăng 4,5% so cùng kỳ.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp:

+ Chỉ số sử dụng lao động đến cuối tháng 4/2020 của các doanh nghiệp công nghiệp ước giảm 6,62% so với tháng 3/2020 và giảm 3,79% so với tháng cùng kỳ năm 2019; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm lao động giảm nhiều nhất, giảm 9% so tháng trước và giảm 8,75% so tháng cùng kỳ. Ngành sản xuất và phân phối điện bị tác động không đáng kể, chỉ số lao động giảm nhẹ 0,2% so tháng trước, nhưng vẫn tăng 33,06% so cùng kỳ (do các dự án mới đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2019).

+ Lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước bị tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giảm nhiều nhất, giảm 9,8% so tháng trước và giảm 5,75% so tháng cùng kỳ. Lao động trong khu vực nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng ổn định hoặc bị tác động không đáng kể.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2020 vẫn đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước, do tăng trưởng từ ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện mang lại. Tuy nhiên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng quyền số cao) có chỉ số tăng trưởng giảm nhiều (-37%) do không có năng lực mới tăng thêm và chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình hình dịch bệnh những tháng đầu năm.  

            3. Đầu tư

Ước vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trên địa bàn tỉnh trong tháng 4 năm 2020 đạt 95,1 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020 đạt 315,2 tỷ đồng, giảm 23,4%, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 204,5 tỷ đồng, giảm 30,7%, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 110,7 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư tháng 4 năm 2020 thuộc nguồn ngân sách tỉnh chủ yếu thực hiện các dự án : Khu neo đậu tránh bão cửa Sông Cái (cảng cá Đông Hải); Đập dâng hạ lưu Sông Dinh (Chi cục Thủy Lợi); Hệ thống kênh cấp 2,3 hồ chứa nước Lanh Ra, xã Phước Vinh huyện Ninh Phước; Dự án bố trí dân cư vùng sạt lỡ ven biển Cà Ná huyện Thuận Nam; Dự án đầu tư xây dựng vườn quốc gia Núi Chúa giai đoạn 2016-2020; Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai-Ninh Thuận WB;Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn (cơ sở 2); Đường từ xã Ma Nới đến thôn Tà Nôi (Huyện Ninh Sơn); Trụ sở làm việc công an phường Kinh Dinh; Nâng cấp đoạn đường từ cầu Ma Ram đến UBND xã Phước Hữu, Trường tiểu học Mỹ Đông (cơ sở 2); Đường D3 Thị trấn Tân sơn (từ đường Hà Huy Tập đến N3).

4. Tài chính, ngân hàng

a. Tài chính

  Tổng số thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2020 đạt 901 tỷ đồng, đạt 26% (901 tỷ/3.500 tỷ đồng) dự toán được Hội đồng Nhân dân tỉnh giao, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 741 tỷ đồng, đạt 27,4% (741/2.700 tỷ đồng) dự toán; Thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 160/800 tỷ, đạt 20% dự toán. Riêng thu ngân sách tháng 4/2020 bắt đầu giảm sút do ảnh hưởng của tình hình thực hiện các giải pháp cách ly xã hội phòng chống dịch COVID-19 (một số nguồn thu lớn: Nhà máy bia Sài Gòn - Ninh thuận, thu ngoài quốc doanh, thu tiền thuê đất).

Tổng chi ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.894 tỷ đồng, đạt  29% (1.687/6.495 tỷ đồng) dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao tăng 9,4% so với cùng kỳ, Trong khi đó, nhu cầu chi cho các Hoạt động phòng chống dịch, chống hạn, chi trợ cấp xã hội tăng cao; Ước sơ bộ các khoản chi cho chống dịch đến cuối tháng 4/2020 khoản 140 tỷ, chi chống hạn 37 tỷ, các nguồn đảm bảo chi từ dự phòng ngân sách,kết dư ngân sách 2019, Quỹ dự trữ tài chính của địa phương rất nhỏ, cần phải có đề xuất xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương ngoài cơ chế chung. Đồng thời đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên theo kế hoạch được giao, giải quyết các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm kinh phí chi phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng của địa phương. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi hành chính và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác. Trong mua sắm tuân thủ đúng quy định của nhà nước, quy định của cơ quan bảo đảm thiết thực - tiết kiệm - hiệu quả.

b. Ngân hàng

Theo báo cáo của Chi nhánh ngân hàng nhà nước tỉnh, ước tính đến cuối tháng 4 năm 2020 tổng nguồn vốn huy động đạt 15.400 tỷ đồng, tăng 0,71% so với tháng trước, giảm 1,58% so với cuối năm 2019, bằng 87,8% kế hoạch năm 2020.

Ước đến cuối tháng 4/2020 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 1,27% so với tháng trước, tăng 4,29% so với cuối năm 2019, bằng 88,4% kế hoạch.

Ước đến cuối tháng 4/2020, dư nợ xấu trên địa bàn là 180 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,7% so với tổng dư nợ, tăng 0,03% so với tỷ lệ nợ xấu cuối tháng trước, tăng 0,04% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019.  

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong tháng 4/2020 ổn định và an toàn. Các chủ trương, chính sách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Ngành và của tỉnh liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng được quán triệt đầy đủ, triển khai kịp thời và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân và dân cư có sự sụt giảm so với cuối năm 2019, một phần do tác động bởi dịch covid -19 đã ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận người dân và doanh nghiệp. Ngược lại, dư nợ tín dụng tiếp tục có sự tăng trưởng so với cuối năm 2019 (tăng 4,29%), cho thấy nỗ lực của ngành ngân hàng trong cung ứng vốn tín dụng giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh,... tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch covid -19 vẫn còn tiếp diễn. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của Ngành và của Tỉnh. Tín dụng chính sách được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các TCTD chấp hành nghiêm các quy định về tỷ giá và hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng; tăng cường thực hiện các biện pháp mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ; công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng hoạt động ngân hàng và nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương trên địa bàn của NHNN tỉnh được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót, sự cố. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động ngân hàng Ninh Thuận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: về chất lượng tín dụng, nợ xấu tuy trong tầm kiểm soát nhưng tiềm ẩn rủi ro phát sinh cao, nhất là trong tình hình sản xuất kinh doanh của một bộ phận khách hàng còn tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Nợ nhóm 4, nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn (trên 75%) do hoạt động một số doanh nghiệp có dư nợ lớn gặp khó khăn, chậm phục hồi, thậm chí phá sản; công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chậm,...

5. Thương mại, giá cả và dịch vụ

Do tác động của dịch bệnh và tình hình diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp COVID-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo thời điểm kết thúc chính xác; dịch bệnh đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và tỉnh nói riêng, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch và vận tải…, Tác động của dịch bệnh làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh diễn ra kém sôi động. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 năm 2020 đạt 1.422,8 tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 7.190,1 tỷ đồng giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.

a. Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4 đạt 1.273,4 tỷ đồng, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2019; Lũy kế doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 đạt 5.857 tỷ đồng, chiếm 81,46% và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên người dân hạn chế đi lại; bên cạnh đó nhiều cửa hàng hoạt động trong lĩnh vực không phải mặt hàng thiết yếu đã đóng cửa không kinh doanh từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020 đã làm cho doanh thu nhóm này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trong cao, tăng nhẹ 0,1%; nhóm gỗ, vật liệu xây dựng tăng, xăng dầu, nhiên liệu khác tăng nhẹ so với cùng kỳ do ít ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn các nhóm mặt hàng còn lại đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

b. Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 4 đạt 86,3 tỷ đồng, giảm 49,9% so với tháng trước và giảm 69,7% so với cùng kỳ năm trước; Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020  đạt 835,2 tỷ đồng, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp ngành lưu trú đã triển khai các nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền cho khách lưu trú về việc chủ động phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số khách sạn trên địa bàn đã tạm ngưng nhận khách lưu trú nhằm hưởng ứng chương trình phòng chống dịch Covid 19 từ Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam, đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng. Trong khi đó, hoạt động ăn uống chịu ảnh hưởng kép từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt trong giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và từ dịch bệnh Covid, tiệc cưới, hội nghị được nhiều khách dời đến khi hết dịch nhằm hạn chế tụ tập đông đúc. Các quyết định về tạm dừng hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng và quán bar được triển khai quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế lây lan dịch bệnh.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 4 bằng 0 đồng; Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020 đạt 0,5 tỷ đồng, giảm 77,3%. Hoạt động du lịch là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề từ dịch bệnh do tình hình dịch bệnh đã lan rộng trên 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khách du lịch hủy tour hàng loạt do tâm lý lo sợ dịch bệnh, Chính phủ các nước trên thế giới đã kêu gọi người dân hạn chế đi lại và đóng cửa các địa điểm du lịch. Ngoài ra, từ sau khi có ca nhiễm là nhân viên hướng dẫn du lịch thì các đơn vị lữ hành cũng đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra sức khỏe cho khách du lịch và hạn chế nhận tour.

c. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 04 năm 2020 giảm 0,73% so với tháng trước; tăng 0,95% so với tháng 12 năm trước; tăng 4,75% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,74%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm hàng giảm: may mặc mũ nón giày dép giảm 0,02%; giao thông giảm 12,93%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,83%. Có 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,73%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tương đối ổn định so với tháng trước.

CPI tháng 04 năm 2020 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu, gas giảm mạnh; ảnh hưởng của dịch covid-19 nên một số nhóm hàng giảm giá so với tháng trước.

- Giá gas tháng 4 năm 2020 giảm 20,44% so với tháng trước do giá gas trong nước điều chỉnh giảm 69.000 đồng/bình 12kg tùy loại theo giá gas thế giới làm CPI chung giảm 0,14%;

- Giá xăng dầu điều chỉnh giảm vào ngày 13/04/2020, trong đó: xăng A95 giảm 650 đồng/lít, giá xăng Ron E5 giảm 620 đồng/lít; dầu Diezen giảm 440 đồng/lít so với tháng trước, bình quân giá xăng, dầu tháng 4 năm 2020 giảm 28,55% so với tháng 3 năm 2019, làm CPI chung giảm 1,17%;

- Giá mặt hàng quả tươi, chế biến; mặt hàng rau, củ quả giảm nhiều do ảnh hưởng dịch bệnh nguồn cung các mặt hàng này nhiều trong khi lượng tiêu thụ lại giảm nên giá giảm so với tháng trước;

- Ảnh hưởng của dịch covid-19 nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội và các dịch vụ vui chơi, giải trí giảm so với tháng trước.

Bên cạnh các nguyên nhân làm giảm CPI, có một số nguyên nhân làm tăng  CPI tháng 4 năm 2020:

- Ảnh hưởng của dịch covid -19 một số các mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, riêng mặt hàng gạo giá lại tăng do nguồn cung vụ Đông Xuân chưa nhiều trong khi nhu cầu kho cần lượng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tăng; tình hình xâm nhập mặn của các tỉnh miền tây ảnh hưởng đến năng suất lúa gạo năm nay.

- Khan hàng là một trong những lý do khiến giá heo hơi trên thị trường tự do có dấu hiệu tăng mạnh, làm chỉ số giá thịt heo tăng 3,15% so với tháng trước.

 

d. Vận tải hành khách và hàng hóa

          Doanh thu vận tải và bốc xếp tháng 4 năm 2020 ước đạt 41,7 tỷ đồng, giảm 23,3% so với tháng trước và giảm 61,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung tổng doanh thu 4 tháng đầu năm năm 2020 ước đạt 277,4 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.

4 tháng đầu năm 2020 vận chuyển hành khách đạt 702,6 nghìn hành khách, giảm 67,7% so với cùng kỳ năm 2019 ; hành khách luân chuyển đạt 54.666,5  nghìn hành khách.km, giảm 84,3%  so với cùng kỳ năm 2019.

 Vận chuyển hàng hóa 4 tháng năm 2020 đạt 1,99 triệu tấn hàng hóa, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2019 ; hàng hóa luân chuyển đạt 149,91 triệu tấn.km, giảm 17,4%  so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn chung tình hình giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh tháng 4 năm 2020 không ổn định.. Đặc biệt hoạt động vận tải  lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, chủ yếu vận tải hành khách tuyến liên tỉnh và tuyến xe công cộng (taxi) giảm do thực hiện Chỉ thị số 09/ CT-UBND tỉnh Ninh Thuận ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng , chống dịch COVID 19 trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 16/4/2020  cụ thể  không bố trí các phương tiện vận chuyển hành khách đến các tỉnh, TP thuộc nhóm nguy cơ cao và phương tiện taxi cũng tạm dừng đến hết ngày 22/4/2020 nên doanh thu vận tải tháng 4 năm 2020 giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Về công tác tuần tra, thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông , công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cũng được các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng thực hiện duy trì thường xuyên, không để hiện tượng chở quá tải, chở các hàng hóa, chất dễ cháy nổ trên xe.

6. Một số vấn đề xã hội

a. Đời sống, chính sách xã hội

Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ và hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo, bảo trợ xã hội và trẻ em trên địa bàn tỉnh đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục thực hiện công tác chăm lo các đối tượng người có công với cách mạng. Tổ chức thăm tặng, quà nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2020) và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020). Công tác bình đẳng giới, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và phòng chống tệ nạn ở trẻ em tiếp tục quan tâm thực hiện theo kế hoạch; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch đề ra không để xảy ra tình trạng thiếu đói trong nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Rà soát thành viên hộ gia đình có nguy cơ thiếu đói do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh đối với đối tượng bảo trợ xã hội để xây dựng phương án và tham mưu đề xuất tổ chức cứu đói kịp thời. Công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội tiếp tục được tập trung, thực hiện.

b. Hoạt động văn hóa-thể thao

Tuyên tuyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2020) giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), trong đó tập trung quan tâm tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” và thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì các hoạt động truyền thanh, duy trì các chuyên mục, chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh.Tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tạm dừng hoạt động các hoạt động tụ tập đông người nhằm phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Hướng dẫn các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con tín đồ, chức sắc đồng bào Chăm theo Hồi giáo trong tỉnh tổ chức Tết Ramưwan đảm bảo lành mạnh, an toàn và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp và thực hiện tổ chức kiểm tra các hoạt động thể dục thể thao về việc thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thông báo tạm lùi thời gian tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Ninh Thuận năm 2020. Các đội thể thao ngừng tập luyện và thi đấu, tạm hoãn tổ chức các giải thể thao theo kế hoạch trong mùa dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 c. Giáo dục

        Cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu tháng 2 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh không ngừng đẩy mạnh triển khai công tác dạy học trực tuyến qua mạng Internet, dạy học trên truyền hình giúp học sinh học tập, củng cố kiến thức tại nhà trong thời gian tạm nghỉ vì dịch Covid-19. Để hoạt động này diễn ra hiệu quả, bên cạnh việc phối hợp với VNPT Ninh Thuận triển khai phần mềm dạy học trực tuyến VNPT E-Learning, thông báo cho học sinh theo dõi các bài giảng của giáo viên trên Đài phát thanh và truyền hình Ninh Thuận, các trường còn khuyến khích giáo viên linh hoạt sử dụng Zalo, Facebook hay phần mềm Zoom,… để hướng dẫn học sinh học tập trực tuyến tại nhà. Đây là giải pháp phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần giúp học sinh, nhất là những học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2020 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021.

              d. Tình hình y tế, dịch bệnh

Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các biện pháp tổng thể phòng chống dịch bệnh Covid-19, ban hành các văn bản triển khai kế hoạch, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giao Tỉnh ủy, Bộ Y tế và các Bộ, Ngành Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các ngành chức năng và các địa phương thường xuyên theo dõi danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam trở về từ các nước có dịch đến tỉnh Ninh Thuận để thực hiện việc cách ly hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.

 Tính đến 15 giờ ngày 22/4/2020 chưa phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh (ngoài 02 trường hợp BN61, BN67).

- Tổng số người được cách ly từ đầu vụ dịch đến nay: 155.

- Số người đã hoàn thành cách ly: 151.

- Số người còn tiếp tục cách ly: 04.

+ Tại Cơ sở 2 Bệnh viện Y dược cổ truyền: 02 người.

+ Tại Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh: 02 người.

- Tổng số mẫu được xét nghiệm từ trước đến nay: 288 mẫu (bao gồm lấy mẫu lần 2, lần 3. Riêng BN 61 và BN 67 lấy mẫu lần 4, âm tính), đã có kết quả xét nghiệm 286 mẫu. Khu dân cư thôn Văn Lâm 3 đã kết thúc thời gian cách ly y tế vào lúc 20h00 ngày 14/4/2020. Tình hình khu dân cư đến nay ổn định

Đến 15 giờ ngày 22/4/2020, toàn tỉnh đã có 605.197 người đã khai báo trên hệ thống quản lý thông tin Covid-19 của Tỉnh.

   7. Tình hình cháy, nổ

   Trong tháng 04 xảy ra 01 vụ cháy xe container trên địa bàn huyện Thuận Bắc, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Chưa rõ nguyên nhân gây cháy. Lũy kế 4 tháng  đầu năm 2020 xảy ra 05 vụ cháy bằng cùng kỳ; không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại khoảng 958 triệu đồng.

   8. An toàn giao thông (Số liệu tính từ ngày 15 tháng 3 năm 2020 đến ngày 14 tháng 4 năm 2020)

   - TNGT đường bộ: Xảy ra 02 vụ (nghiêm trọng 02 vụ); làm chết 02 người; bị thương 01 người; thiệt hại tài sản khoảng 30,5 triệu đồng.

- TNGT đường sắt: Xảy ra 01 vụ; làm chết 01 người; thiệt hại tài sản 02 triệu đồng.

- VCGT đường bộ: Xảy ra 07 vụ; làm bị thương nhẹ 10 người; thiệt hại tài sản 11 triệu đồng.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 (từ ngày15/12/2019 đến ngày 14/4/2020) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người, bị thương 51 người. So với cùng kỳ năm trước: số vụ tăng 01 vụ, số người chết tăng 04 người, số người bị thương giảm 03 người.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 808
  • Trong tuần: 5180
  • Tất cả: 969174

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn