Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu Lao động-việc làm Quý IV năm 2021 và Chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016-2020
Sáng ngày 06/01/2022, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố tình hình Lao động- việc làm quý IV, cả năm 2021 và Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) chủ trì buổi họp báo. Tham dự có đại diện các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí. Buổi họp báo được kết nối trực tuyến tại các điểm cầu Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Cục Thống kê Ninh Thuận, thành phần tham dự gồm có lãnh đạo phòng Thống kê Tổng hợp, lãnh đạo và công chức phòng Thống kê Xã hội.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Tống kê Dân số và Lao động báo cáo tổng quan về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2021. Tiếp đến, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động báo cáo Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Theo báo cáo Lao động – việc làm, trong quý IV năm 2021, cả nước có hơn 24,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do tác động tiêu cục của đại dịch Covid-19. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV năm 2021 là 50,7 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 là 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2021 là 67,7% thấp hơn 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước nhưng cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với quý trước. Tính chung năm 2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 1,82 triệu người so với quý trước. Năm 2021, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới. Số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn là 31,2 triệu người, giảm 1,5 triệu người và ở nam giới là 26,2 triệu người, giảm 729,5 nghìn người so với năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý IV năm 2021 là 3,56%, giảm 0,42 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,93 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý IV năm 2021 là 3,37%, giảm 1,09 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,55 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV năm 2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so với quý trước và giảm 624 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020.

Cũng trong buổi Họp báo, TCTK đã công bố Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa TCTK với các Bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Báo cáo đã thu thập thông tin đầu vào để biên soạn các chỉ tiêu tổng hợp HDI của cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương những năm 2016-2020. Báo cáo Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cho thấy:

(1) Trong giai đoạn 2016-2020, HDI của cả nước và hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng qua các năm. HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020.

(2) Với mức độ đóng góp khác nhau, tăng trưởng HDI giai đoạn 2016-2020 của cả nước và 63 địa phương có sự đóng góp của cả 3 Chỉ số thành phần (Chỉ số sức khỏe, chỉ số giáo dục, chỉ số thu nhập) do các Chỉ số này cũng đạt được mức tăng và tốc độ tăng.

(3) Năm 2020, tuy không địa phương nào có HDI được xếp vào Nhóm 1, nhóm đạt mức rất cao; nhưng cũng không có địa phương nào thuộc Nhóm 4, Nhóm thấp nhất theo tiêu chuẩn phân chia nhóm của UNDP. Các địa phương đều thuộc Nhóm 3, Nhóm có HDI ở mức trung bình và Nhóm 2, Nhóm có HDI đạt mức cao. Đáng chú ý là, Nhóm đạt mức cao đã tăng từ 13 địa phương năm 2016 lên 24 địa phương năm 2020.

(4) Nhiều địa phương có HDI thấp nhưng đạt tốc độ tăng nhanh hơn địa phương có HDI cao, khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần.

Báo cáo HDI cũng đã nêu một số vấn đề đáng quan ngại trong phát triển con người của Việt Nam.

Cuối buổi Họp báo, đại diện TCTK đã dành thời gian giải đáp các câu hỏi của phóng viên và đại biểu về những vấn đề liên quan đến tình hình lao động việc làm quý IV, năm 2021 và Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020./.

Nguyễn Thu Trang (06/01/2022)




Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 1140
  • Trong tuần: 5747
  • Tất cả: 950619

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn