Nhìn lại 75 năm xây dựng và phát triển ngành Thống kê Việt Nam và định hướng trong thời gian tới

Trải qua gần 75 năm hình thành và phát triển, ngành Thống kê Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đã khẳng định được vai trò, vị trí, uy tín đối với Đảng, Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, người dùng tin trong nước và quốc tế. Quá trình hình thành và phát triển của ngành Thống kê gắn liền với các giai đoạn lịch sử phát triển và định hướng phát triển của đất nước trong tương lai.


Ngành Thống kê thời kỳ kháng chiến và những năm đầu thống nhất đất nước (1946-1986)

Ngày 06/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc dân kinh tế. Ngày 18/5/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế ban hành Nghị định số 102/BQDKT về việc quy định nhiệm vụ và tổ chức của Nha Thống kê Việt Nam. Nhiệm vụ của Nha Thống kê trong thời kỳ đầu là sưu tầm, thu thập những tài liệu và những con số về kinh tế - xã hội, xây dựng phương sách thống kê, kiểm soát công việc của các ty bảo hiểm Việt Nam và nước ngoài. Nhìn chung, nhiệm vụ thống kê những ngày đầu còn đơn giản, sơ khai.

Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bãi bỏ Nha Thống kê Việt Nam và thành lập Phòng Thống kê trong Văn phòng Thủ tướng phủ. Phòng Thống kê bắt đầu thực hiện một số cuộc điều tra thống kê nhỏ, trong đó có cuộc điều tra Nông thôn 1951-1952 với một số chỉ tiêu thống kê tổng hợp trong nhiều lĩnh vực, lần đầu thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ. Các thông tin thống kê chủ yếu tập trung vào thống kê đất đai, tình hình sử dụng đất, một số kết quả sản xuất nông nghiệp, thống kê tiểu công nghệ và kỹ nghệ, hoạt động thương nghiệp giữa vùng tự do và vùng tạm chiến, các chỉ tiêu về dân sinh và tổng hợp khác. Sản phẩm thống kê cũng bắt đầu được định hình, như: niên giám thống kê, các báo cáo phân tích tình hình kinh tế - xã hội, các báo cáo chuyên đề...

Năm 1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Điều lệ số 695-TTg quy định hệ thống tổ chức của ngành Thống kê, trong đó quy định Cục Thống kê Trung ương gồm nhiều phòng trực thuộc và các ban thống kê ở cấp liên khu, cấp tỉnh, các phòng thanh tra thống kê ở cấp huyện và có cán bộ phụ trách thống kê ở cấp xã. Cục Thống kê Trung ương trực thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Để đánh giá đúng vai trò của công tác thống kê, lần đầu tiên Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 10/CT-TW, ngày 18/3/1957 về việc tăng cường công tác thống kê. Năm 1961, Chính phủ đã có Nghị định số 131-CP, ngày 29/9/1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của ngành Thống kê. Đến năm 1974, Hội đồng Chính phủ có Nghị định số 72-CP, ngày 05/4/1974 quy định Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Chính phủ, có các vụ trực thuộc, các chi cục thống kê cấp tỉnh, phòng thống kê cấp huyện. Đây là giai đoạn đánh dấu ngành Thống kê được tổ chức theo hệ thống "ngành dọc" thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện.

Trong giai đoạn 1955-1975, công tác điều tra thống kê và chế độ báo cáo thống kê bắt đầu đi vào quy củ ở miền Bắc, phục vụ kịp thời công tác điều hành của Chính phủ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ngay trong năm 1955, nhiều cuộc điều tra thống kê đã được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực, phục vụ số liệu cần thiết cho giai đoạn khôi phục kinh tế 1955-1957. Từ năm 1958, số liệu thống kê bắt đầu phục vụ nhiệm vụ kiểm tra thực hiện kế hoạch.

Năm 1960, nhiều chỉ tiêu thống kê tổng hợp, như: Tổng sản phẩm xã hội, Tổng thu nhập quốc dân đã bắt đầu được tính toán, làm cơ sở cho các cân đối trong nền kinh tế quốc dân. Ngành Thống kê đã cải tiến các báo cáo nhanh 10 ngày, 15 ngày, 20 ngày phục vụ kịp thời công tác điều hành của Chính phủ. Cũng trong năm này, ngành Thống kê đã thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra đầu tiên - Tổng điều tra dân số toàn miền Bắc. Kết quả số liệu được công bố và sử dụng đã thể hiện một bước phát triển mới của ngành Thống kê. Tập số liệu 25 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhiều tập số liệu khác là những dấu ấn có giá trị lịch sử. Công tác tuyên truyền cho thống kê cũng được chú trọng, Tập san Thống kê đã được Thủ tướng Chính phủ cấp phép vào năm 1962.

Năm 1964, ngành Thống kê chính thức được Hội đồng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổ chức xét duyệt hoàn thành kế hoạch nhà nước, xây dựng báo cáo hoàn thành kế hoạch hàng năm của các ngành, các địa phương và các đơn vị kinh tế trọng điểm của Nhà nước tại Quyết định số 112-CP, ngày 20/7/1964.

Năm 1970 đánh dấu sự hoàn thiện của Ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho các ngành kinh tế quốc dân tại Quyết định số 168-TTg, ngày 17/9/1970. Công tác ứng dụng cơ khí hóa trong tính toán các chỉ tiêu thống kê đã được áp dụng. Hợp tác quốc tế trong thống kê cũng được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn 1966-1975, ngành Thống kê đã phân tích, đánh giá và phản ánh được quá trình củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thực hiện cuộc vận động "3 xây, 3 chống", cải tiến quản lý hợp tác xã, đề xuất kiến nghị về cải tiến quản lý các xí nghiệp nói riêng và quản lý kinh tế nói chung. Số liệu thống kê giai đoạn này là cơ sở pháp lý và là cơ sở thực tiễn để Trung ương Đảng, Chính phủ đưa ra các quyết sách quan trọng, vừa bảo đảm vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa phục vụ chắc chắn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công tác thống kê trong giai đoạn 1975-1986 bước đầu vẫn thực hiện theo các quy định đã được ban hành trước khi đất nước thống nhất. Chế độ báo cáo nhanh đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 29/CP, ngày 12/02/1976. Hệ thống chỉ tiêu đã dần được hoàn thiện, số liệu được tổng hợp từ các địa phương trên cả nước. Công tác điều tra thống kê cũng được coi trọng, đặc biệt, ngay sau khi giải phóng miền Nam, ngành Thống kê đã chịu trách nhiệm kiểm kê tài sản trong các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan nhà nước quản lý vào 0 giờ ngày 01/4/1976, điều tra tình hình cơ bản đất đai năm 1978, Tổng điều tra và kiểm kê đất trên phạm vi cả nước năm 1977, tổ chức Tổng điều tra dân số trên phạm vi toàn quốc vào năm 1979... Hệ thống các bảng danh mục cũng từng bước được hoàn thiện, phục vụ công tác điều tra và báo cáo thống kê. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, công tác thống kê gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Những thành tựu chủ yếu trong công tác thống kê thời kỳ đổi mới (1987-2007)

Giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới (1987-1993)

Trong giai đoạn này, các yêu cầu đổi mới đã trở thành định hướng và kim chỉ nam cho công tác thống kê phát triển nhằm đảm bảo thông tin thống kê phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN và các đối tượng dùng tin khác. Các yêu cầu đổi mới đó cũng đòi hỏi hợp tác quốc tế về thống kê được đẩy mạnh, các thông lệ, phương pháp thống kê chuẩn mực quốc tế bắt đầu được áp dụng đồng thời hoặc thay thế các phương pháp thống kê được các nước XHCN sử dụng trước đó, đặc biệt là các chỉ tiêu thống kê tổng hợp. Các khuyến nghị của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đã được ngành Thống kê sử dụng có hiệu quả. Pháp lệnh Kế toán và Thống kê được ban hành năm 1988 bước đầu tạo tiền đề pháp lý quan trọng cho ngành Thống kê thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, về mặt tổ chức, năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 81/HĐBT quy định lại chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ngành Thống kê các cấp. Theo đó, bộ máy ngành thống kê địa phương được chuyển giao từ Tổng cục Thống kê sang UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Đây cũng là giai đoạn gây xáo trộn nhiều trong công tác của ngành Thống kê, số công chức, viên chức và người lao động thống kê ở cấp tỉnh, cấp huyện bị giảm đến mức không còn khả năng thực hiện kế hoạch thông tin theo yêu cầu.

Giai đoạn đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế (1993-2007)

Trước những bất cập trong công tác thống kê khi các cơ quan thống kê địa phương được giao cho UBND địa phương quản lý, năm 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/CP quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê, theo đó, ngành Thống kê cả nước được tổ chức theo hệ thống ngành dọc. Trong năm 1994 và trong những tháng đầu năm 1995, ngành Thống kê đã tổ chức tiếp quản, hoàn thiện hệ thống tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, ban hành các văn bản về tổ chức, hoạt động, làm cơ sở để thực hiện nhiệm vụ chính trị Chính phủ giao.

Với hệ thống tổ chức ngành dọc, ngành Thống kê đã chỉ đạo công tác thống kê nhất quán, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động. Đặc biệt, từ khi Luật Thống kê được Quốc hội thông qua năm 2003, có hiệu lực thi hành năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 305/QĐ-TTg, ngày 24/11/2005 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia thay thế cho Quyết định số 168/TTg từ năm 1970 sau 35 năm sử dụng và đã tạo những cơ sở vững chắc để ngành Thống kê phát triển.

Công tác bảo đảm thông tin thống kê được đổi mới về phương thức thu thập, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố. Các báo cáo thống kê đã chú trọng phân tích tình hình, nhiều chỉ tiêu quan trọng được bổ sung, giúp công tác đánh giá đi vào sát thực, trở thành tài liệu quan trọng cho các cuộc họp của Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp. Tổng cục Thống kê cũng triển khai nhiều cuộc điều tra mới, có tính chất phức tạp nhằm bổ sung chỉ tiêu thống kê. Các cuộc tổng điều tra tiếp tục được thực hiện tốt, là cơ sở vững chắc để Tổng cục Thống kê rà soát, chỉnh lý chuỗi số liệu trong cả giai đoạn, bảo đảm tính thống nhất. Đây cũng là giai đoạn hình thành chính thức 3 cuộc tổng điều tra định kỳ, gồm: Tổng điều tra Dân số và nhà ở (10 năm 1 lần); Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thủy sản và Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (5 năm 1 lần). Cơ sở dữ liệu vi mô của các cuộc điều tra đã bắt đầu được hình thành. Ngành Thống kê đã biên soạn số liệu tình hình kinh tế - xã hội 10 năm 1991-2000, các kỳ 5 năm phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển 10 năm và các kế hoạch phát triển 5 năm phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc các khóa VII, VIII, IX và các khóa Quốc hội cùng thời kỳ. Các cục thống kê cấp tỉnh phục vụ tốt nhiệm vụ do địa phương giao, trong đó có công tác biên soạn số liệu và tham gia xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ đại hội đảng các cấp.

Giai đoạn trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (từ năm 2007 đến nay)

Thực hiện Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 04/01/2007, Tổng cục Thống kê chuyển vào Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sự kiện này đánh dấu ngành Thống kê trở lại mái nhà chung cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư như trước đây thuộc mái nhà chung Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, công tác thống kê đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể:

(1) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về công tác thống kê; Phương pháp chế độ thống kê được đổi mới, hoàn thiện

Đây là thời kỳ nhiều văn bản pháp lý về công tác thống kê được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, làm cơ sở quan trọng cho hoạt động thống kê ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn. Mở đầu là Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 312/QĐ-TTg, ngày 02/3/2010, Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 - Chiến lược phát triển đầu tiên của Ngành - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1803/QĐ-TTg, ngày 18/10/2011, Luật Thống kê năm 2015 là định hướng toàn diện cho sự phát triển của Ngành. Từ đó, hàng loạt các văn bản pháp quy được xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định Chương trình điều tra thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia… đã tạo ra môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho hoạt động thống kê không chỉ của cơ quan thống kê Trung ương (Tổng cục Thống kê), mà của cả hệ thống thống kê bao gồm cả thống kê của các bộ, ngành ở Trung ương và sở, ngành ở địa phương.

(2) Chất lượng số liệu thống kê được bảo đảm, phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng và đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin khác

Trước nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng, ngành Thống kê đã áp dụng nhiều phương pháp thống kê phù hợp, hình thức thu thập thông tin hiệu quả nhằm thu được số liệu chất lượng cao, cung cấp, phổ biến rộng rãi, kịp thời phục vụ sự lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác.

Tổng cục Thống kê liên tục cập nhật, đổi mới và hoàn thiện phương pháp thu thập thông tin để phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, ngành Thống kê đã đa dạng hoá hình thức thu thập thông tin thống kê đầu vào thay cho việc áp dụng chế độ báo cáo thống kê định kỳ trong thu thập dữ liệu thống kê là chủ yếu.

Nhờ nâng cao chất lượng thông tin và đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin nên nhiều sản phẩm thông tin thống kê, như: báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, niên giám thống kê, kết quả các cuộc điều tra và các dãy số liệu thống kê nhiều năm do ngành Thống kê biên soạn và công bố đã trở thành nguồn thông tin quan trọng phục vụ công tác đánh giá thực hiện và xây dựng Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hầu hết các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong nước và quốc tế.

(3) Hệ thống thống kê tập trung trưởng thành về mọi mặt; vai trò, vị trí công tác thống kê trong xã hội được nâng cao

Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngày càng được nâng cao với trên 90% có trình độ đại học trở lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm và tổ chức thường xuyên. Công tác bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ lãnh đạo được thực hiện theo đúng quy định. Lần đầu tiên công chức trong ngành Thống kê được xếp ngạch công chức riêng, được hưởng phụ cấp nghề. Điều này đã thực sự động viên, khích lệ công chức, người lao động đang làm việc và cống hiến cho Ngành, đồng thời, nâng cao sức thu hút của Ngành đối với xã hội.

Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế chung của cả nước, trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Thống kê đã có những bước phát triển vượt bậc. Tổng cục Thống kê Việt Nam đã tích cực, chủ động hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế, từng bước nâng cao năng lực và vị thế Thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê thế giới; từ chỗ chỉ tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của các quốc gia phát triển đến chỗ đã bước đầu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thống kê, chia sẻ tri thức, công nghệ sản xuất, phổ biến thông tin cho thống kê một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt khu vực ASEAN, hoàn thành tốt nghĩa vụ là thành viên của cộng đồng thống kê ASEAN và Thống kê Liên hợp quốc. Tổng cục Thống kê đã chủ trì đăng cai thành công nhiều hội nghị quốc tế quy mô lớn, đặc biệt, năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN về Thống kê, ngành Thống kê đã phát huy vai trò dẫn dắt, điều phối các hoạt động của cộng đồng Thống kê ASEAN, nâng cao vị thế, vai trò với cộng đồng thống kê khu vực và trên thế giới.

Ngành Thống kê tập trung khai thác tốt cơ sở vật chất, máy móc thiết bị công nghệ thông tin để tạo ra hệ thống công nghệ thông tin vận hành hoàn chỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập và xử lý thông tin thống kê ngày càng rộng rãi, mạnh mẽ; đã áp dụng thành công CAPI và Webform trong các cuộc điều tra và tổng điều tra thống kê. Đánh dấu bước chuyển đổi áp dụng cộng nghệ thông tin mạnh mẽ, năm 2019, Tổng cục Thống kê đã được giải thưởng "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”.

Nhận thức được tầm quan trọng mức độ chính xác của số liệu đầu vào đối với chất lượng số liệu thống kê, Tổng cục Thống kê đã chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra thu thập thông tin, thực hiện chế độ báo cáo thống kê; quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành. Công tác thanh tra, kiểm tra thống kê đã được củng cố về cơ sở pháp lý và hoạt động - là công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng thống kê trong thời gian tới.

(4) Công tác thống kê bộ, ngành được chú ý quan tâm phát triển, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu trong tình hình mới

Các bộ, ngành đã từng bước thực hiện tốt công tác bảo đảm thông tin thống kê. Chất lượng số liệu thống kê đã từng bước được cải thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của bộ, ngành và nhiệm vụ chung của Chính phủ. Số lượng chỉ tiêu thống kê mà các bộ, ngành cung cấp cho Chính phủ, cho người dùng tin ngày càng nhiều, phân tổ sâu hơn, chi tiết hơn. Số liệu thống kê bộ, ngành đã từng bước phản ánh sát thực tình hình, trên cơ sở phân tích các số liệu, đã đưa ra nhiều nhận định quan trọng, tham mưu cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Trên cơ sở Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các bộ, ngành đã rà soát, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành. Hầu hết các bộ, ngành đều đã ban hành quyết định hoặc thông tư để quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành. Các bộ, ngành cũng đã ban hành hướng dẫn nội dung, phương pháp tính cho hệ thống chỉ tiêu của bộ, ngành.

Hệ thống tổ chức thống kê bộ, ngành đã được củng cố; đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thống kê được tăng cường. Một số bộ, ngành đã thành lập phòng thống kê. Một số bộ, ngành tuy chưa có bộ phận thống kê độc lập, nhưng đã bố trí nhiều công chức, viên chức thống kê kiêm nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

(5) Ghi nhận và đánh giá của Đảng và Nhà nước đối với ngành Thống kê

Với những thành tích to lớn, quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và trao tặng các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Thống kê nhiều phần thưởng cao quý, trong đó đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1995 và 2011; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2016... Một số cục thống kê cũng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập. Nhiều tập thể, cá nhân trong Ngành đã được tặng nhiều huân chương, bằng khen và phần thưởng cao quý khác.

Những định hướng và giải pháp trong thời gian tới

Trong bối cảnh hội nhập và yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra nhiều yêu cầu đòi hỏi ngành Thống kê tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt. Để định hướng phát triển công tác thống kê, trong đó đề ra mục tiêu phát triển dài hạn đối với Thống kê Việt Nam là: "Thống kê Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở hoàn thiện hệ thống tổ chức, bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng đồng bộ phương pháp thống kê tiên tiến và tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt và hiệu quả với số lượng thông tin ngày càng đầy đủ và chất lượng thông tin ngày càng cao, phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác trong nước và quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 Thống kê Việt Nam nằm trong top 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công tác thống kê”.

Để đạt được mục tiêu đó, ngành Thống kê Việt Nam thống nhất thực hiện đồng bộ hệ thống các nhóm giải pháp sau:

Một là, sửa đổi Luật Thống kê và các văn bản pháp lý có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về công tác thống kê trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Củng cố và tăng cường hệ thống thanh tra thống kê, bảo đảm các hoạt động thống kê được thực thi theo pháp luật; định kỳ đánh giá kết quả triển khai thực hiện Luật Thống kê và các văn bản pháp lý có liên quan; Rà soát, đổi mới các chế độ báo cáo thống kê; Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản tạo cơ sở pháp lý triển khai một số hoạt động dịch vụ thống kê phù hợp với thực tiễn nước ta và thông lệ quốc tế; Xây dựng và ban hành các văn bản quy định cơ chế phối hợp, trao đổi, chia sẻ và kết nối thông tin thống kê giữa ngành Thống kê với các bộ, ngành, góp phần tạo lập hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt và hiệu quả.

Hai là, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phương pháp luận thống kê và các quy trình thống kê tiên tiến, hiện đại; Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thu thập thông tin thống kê; Kết hợp chặt chẽ và hiệu quả các hình thức thu thập thông tin thống kê; Đổi mới và hoàn thiện hoạt động xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê; Đẩy mạnh hoạt động phân tích và dự báo thống kê.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê và hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia theo hướng tin học hóa.

Bốn là, củng cố và đổi mới tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; thực hiện tốt Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm là, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác thống kê; tiếp cận, khai thác, sử dụng hiệu quả tri thức, nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng của các sản phẩm thống kê bảo đảm so sánh, hợp tác quốc tế./.

Huỳnh Thế Nhiệm
(Nguồn:TS. Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)



















Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 84
  • Trong tuần: 4649
  • Tất cả: 969288

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn