Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020
Chiều ngày 18/3/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Chương trình tổng thể cải CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, xây dựng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030. Tham dự Hội nghị còn có Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố tham dự tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo cùng tham dự Hội nghị.


Đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
và các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận

Trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 06 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính.

Công tác cải cách thể chế được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo xây dựng các thể chế thuộc phạm vi quản lý, chú trọng việc xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội và ban hành một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Về cải cách thủ tục hành chính, đây được xác định là một khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của Nhân dân. Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Đối với công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các Bộ, ngành Trung ương về cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước, bổ khuyết những thiếu sót thể chế về tổ chức và bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ.

Đối với công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Trong giai đoạn 2011-2020, các quy định về cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí. Việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; việc tuyển dụng công chức, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, ứng dụng công nghệ thông tin; việc thu hút những người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước... bước đầu đạt kết quả tích cực.

Đối với công tác cải cách tài chính công: Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với công tác hiện đại hóa nền hành chính: thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Cơ chế, thể chế, chính sách về khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo lập nền tảng Chính phủ điện tử từng bước được hoàn thiện.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kết quả CCHC trong 10 năm qua đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước và nêu rõ một số nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới là: Thứ nhất, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn. Tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để công tác cải cách hành chính sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn, “làm sao tiếng kêu của người dân, của doanh nghiệp ít đi”. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, trong đó chủ yếu là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức hoạt động của nền kinh tế nhà nước. Thứ ba, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, “làm sao việc giải quyết thủ tục của cơ quan Nhà nước ít tiếp xúc với người được giải quyết công việc để chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, công khai, minh bạch”. Thứ tư, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Thứ năm, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và cần được làm tốt hơn. Thứ sáu, tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Thứ bảy, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế./.

Huỳnh Thế Nhiệm
(Nguồn: Ninhthuan.gov.vn)











Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 139
  • Trong tuần: 4531
  • Tất cả: 966793

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn