CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG (CPI) THÁNG 01 NĂM 2022
Tháng 01/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,16% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng Một tăng 2,87%.

So với tháng trước, CPI tháng 01/2022 tăng 0,16% (khu vực thành thị tăng 0,42%; khu vực nông thôn giảm 0,07%). trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa giảm 0,31% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm giảm 1,08%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,54%), chỉ số nhóm dịch vụ tăng 1,05% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính trong tháng 01/2022 thì chỉ có 3 nhóm chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng và nhóm hàng hóa và dịch vụ khá; có tới 7 nhóm mặt hàng có chỉ số giá tăng đã tác động làm CPI chung của tỉnh trong tháng 01/2022 tăng so với tháng trước.



Cũng như mọi năm, nhu cầu mua sắm Tết của người dân chỉ thật sự nhộn nhịp, sôi động vào những ngày giáp Tết. Nhằm góp phần cân đối nguồn cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch 6012/KH-UBND ngày 03/11/2021 về việc bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc. Tạm ứng 20 tỷ đồng, với lãi suất 0% để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị vay dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.

CPI tháng 01/2022  tăng so với tháng trước do hai nguyên nhân chính sau:

(1) Giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm 1.060 đến 1.090 đồng/lít đối với xăng và tăng thêm 1.300 đến 1.350 đồng/lít đối với dầu (tùy loại) vào ngày 11/01/2022 và 21/01/2022 đã làm cho chỉ số giá nhiên liệu tăng 2,49%, làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm;

(2) Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy từ giữa năm 2021; chi phí hoạt động phát sinh cao (vận chuyển, xét nghiệm Covid-19, giá nguyên liệu đầu vào…) đã tác động làm tăng giá thành hàng hóa là những nguyên nhân làm cho nhiều mặt hàng trong tháng 01/2022 tiếp tục tăng so với tháng trước;

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân  kiềm chế mức tăng CPI trong tháng: giá gạo thường giảm do lúa giảm; giá thực phẩm giảm mà chủ yếu là giá rau tươi các loại giảm mạnh sau thời gian tăng cao ở những tháng trước, thời tiết thuận lợi, sản lượng cung ứng ra thị trường nhiều đã làm cho giá nhiều mặt hàng này giảm mạnh so với tháng trước; giá gas giảm theo giá gas thế giới, đây là tháng thứ 2 liên tiếp giá gas giảm, giúp hạ nhiệt giá gas sau quãng thời gian tăng giá liên tục khiến người tiêu dùng gặp khó khăn.

Nguyễn Thị Hà







Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 308
  • Trong tuần: 5151
  • Tất cả: 970549

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn