Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022 tỉnh Ninh Thuận

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1 Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/9/2022, diện tích gieo trồng lúa cả tỉnh đạt 44.201,3 ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vụ đông xuân 2022 gieo 17.875,6 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ; vụ hè thu gieo 15.735,7 ha, tăng 8,1% so cùng kỳ; vụ mùa đã gieo 10.590 ha, bằng 104,9% cùng kỳ năm trước.

Ngoài cây lúa, tính đến giữa tháng Chín, cả tỉnh đã gieo trồng được 9.840,8 ha ngô, giảm 4,9% so cùng kỳ năm trước; 230,8 ha khoai lang, tăng 7,2%; 606,6 ha lạc (đậu phộng), giảm 21,6%; 10.579,6 ha rau, đậu các loại, giảm 5,5%.

Tổng diện tích cây lâu năm 9 tháng ước tính đạt 12.528,9 ha, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 4.958,2 ha, tăng 0,8%; nhóm cây ăn quả đạt 6.441,5 ha, giảm 2,3%; nhóm cây lấy quả chứa dầu đạt 428 ha, tăng 13,5%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 15,2 ha, giảm 35,9%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh 9 tháng năm 2022 nhìn chung ổn định. Ước tính trong tháng Chín, tổng số trâu giảm nhẹ 0,8% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số bò tăng 0,5%; tổng số heo tăng 21,7%; tổng số dê, cừu tăng 0,8%; tổng số gia cầm tăng 10,1%. Ước tính 9 tháng, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 93,8 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021 (quý III đạt 15,6 tấn, tăng 7,5%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 4.212,8 tấn, tăng 10,6% (quý III đạt 1.091,7 tấn, tăng 52,7%); sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 16.006,9 tấn, tăng 23,3% (quý III đạt 4.761,1 tấn, tăng 13,2%); sản lượng thịt dê, cừu hơi xuất chuồng đạt 3.314,3 tấn, tăng 2,1% (quý III đạt 1.266,3 tấn, tăng 4,2%); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 5.543,1 tấn, tăng 13,2% (quý III đạt 1.910,6 tấn, tăng 13,2%); sản lượng trứng gia cầm 9 tháng ước đạt gần 50,4 triệu quả, tăng 4,2% (quý III đạt 16,7 triệu quả, tăng 0,2%).

1.2 Lâm nghiệp

Trong quý III/2022, diện tích rừng trồng mới tập trung cả tỉnh ước tính đạt 304,3 ha (cùng kỳ năm trước là 0 ha); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 35 nghìn cây, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 0,7 nghìn m3, tăng 13,7%; sản lượng củi khai thác đạt 6 nghìn ste, tăng 6,7%. Tính chung 9 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 304,3 ha (cùng kỳ năm trước là 0 ha); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 61,6 cây, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,6 nghìn m3, giảm 19,8%; sản lượng củi khai thác đạt 15,7 nghìn ste, tăng 3,8%.

1.3 Thuỷ sản

Sản lượng thủy sản quý III/2022 ước tính đạt 65,5 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 61,4 nghìn tấn, tăng 10%; tôm đạt 1,8 nghìn tấn, giảm 10%; thủy sản khác đạt 2,3 nghìn tấn, tăng 27,8%.

Tính chung 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 122,1 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 110,9 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 4,4 nghìn tấn, giảm 8,3%; thủy sản khác đạt 6,8 nghìn tấn, tăng 30,8%.

Sản l­ượng giống thủy sản 9 tháng ước đạt 31,55 tỷ con, tăng 2,6% so cùng kỳ; trong đó tôm giống ư­ớc đạt 30,92 tỷ con, tăng nhẹ 0,7%.

            2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 8,06% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 32,6%). Trong đó, chỉ số ngành sản xuất điện có mức tăng ước chỉ đạt 6,02%, tốc độ tăng thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay là yếu tố ảnh hưởng quyết định chỉ số tăng trưởng sản xuất chung toàn ngành tăng thấp so với cùng kỳ 2021; ngành chế biến, chế tạo vươn lên, đạt mức tăng 17,99%, cao nhất trong các năm 2017-2022; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%; ngành khai khoáng giảm 12,94%, do thời tiết nhiều mưa làm giảm muối biển khai thác và các công trình xây dựng sử dụng vật liệu đá xây dựng giảm.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ: tinh bột mì giảm 31,8%; muối biển giảm 26,6%; đường RS giảm 17,2%; một số sản phẩm xây dựng giảm (đá xây dựng giảm 26,7%, xi măng giảm 27,3%, đá granite giảm 35,7%); hạt điều khô tăng 8,5%; điện sản xuất tăng 6,7%, (trong đó, điện gió tăng 59,7%; điện mặt trời giảm 1,53% cùng kỳ). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm nay tăng cao so với năm trước: Tôm đông lạnh tăng 39,7% so cùng kỳ; Bia các loại tăng 17,34%.

            3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính đến ngày 15/9/2022, có 374 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 12.820,7 tỷ đồng, tăng 37% số doanh nghiệp và số vốn đăng ký tăng 5,54 lần so cùng kỳ. Số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp thành lập mới 5.388 lao động, tăng 3,3 lần so cùng kỳ.

Có 109 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 43,4% so cùng kỳ; 60 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, tăng 5,3%; và 177 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 33,1% so cùng kỳ.

            4. Đầu tư

Tính chung 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 14.401,4 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 9 tháng ước đạt 1.311,8 tỷ đồng, bằng 52,8% kế hoạch năm và tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 57,6% và giảm 12,8%).

            5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 ước đạt 3.036,15 tỷ đồng, đạt 87% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó; thu nội địa 2.940,2 tỷ đồng, đạt 98,3% dự toán, tăng 18,7%; thu xuất nhập khẩu đạt 95,95 tỷ đổng, đạt 19,2% dự toán, giảm 88,6%.

Tổng chi ngân sách địa phương 4.504,1 tỷ đồng (không tính chi từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ), đạt 70% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

            6. Ngân hàng

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 9/2022: Nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 20.700 tỷ đồng, tăng 11,1% (tăng 2.063 tỷ đồng) so với cuối năm 2021; đạt 99,2% kế hoạch năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 8,9% (tăng 2.964 tỷ đồng) so với cuối năm 2021; đạt 94,7% kế hoạch năm 2022. Dư nợ xấu trên địa bàn là 171 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng dư nợ, giảm 18,3% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 (số tuyệt đối giảm 38,4 tỷ đồng).

            7. Thương mại, giá cả, dịch vụ

7.1 Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín ước tính đạt 2.746 tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý III/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 8.287,8 tỷ đồng, tăng 0,6% so với quý trước và tăng 84,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 23.905,9 tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm nay ước đạt 19.188,3 tỷ đồng, chiếm 80,3% tổng mức và tăng 31,5% so cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây (9 tháng đầu năm  2018-2022 có mức tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 13,7%; 13,9%; 7,9%; 5,2% và 31,5%). Trong đó: ngành hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 19,7%; lương thực, thực phẩm tăng 18,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 44,6%; may mặc tăng 24,1%; phương tiện đi lại tăng 33,4%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.996,9 tỷ đồng, chiếm 12,5% và tăng 63%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,2 tỷ đồng, chiếm 0,02% và tăng 213,5%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 1.716,4 tỷ đồng, chiếm 7,2% và tăng 54,4%.

7.2 Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,32% so với tháng trước. Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng Sáu tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,91% do giá đồ dùng học tập và giá học phí trường tư thục tăng cao, góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,64% góp phần làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm, nhóm này tăng chủ yếu giá tiền công xây dựng tăng 8,29%, giá công điện, nước tăng từ 1,66% đến 3,81%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,54% do chi phí sản xuất và lượng tiêu thụ tăng; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,84%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,32%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%. 3/11 nhóm có chỉ số giá giảm: nhóm giao thông giảm 1,49% do giá xăng được điều chỉnh giảm 4,69% vào các ngày 05/9, 12/9 và 21/9; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,18%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,03%. Nhóm còn lại không thay đổi là nhóm đồ uống và thuốc lá.

   CPI tháng 9/2022 tăng 3,99% so với tháng 12/2021, mức tăng cao nhất các năm 2017-2022, và tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2021. CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 3,33% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng chung của giá vàng, đô la Mỹ trong nước và thế giới. So với bình quân cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá vàng 9 tháng đầu năm 2022 tăng 2,02%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,57%.

7.3 Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách tháng Chín ước đạt 1,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 4,8% so với tháng trước và luân chuyển 86,1 triệu lượt khách.km, tăng 4,9%; quý III năm nay ước tính đạt 3,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 7,4 lần so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 247,2 triệu lượt khách.km, tăng 7,3 lần. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách đạt 6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng mạnh 133,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 24,9%) và luân chuyển 478,9 triệu lượt khách.km, tăng mạnh 133,7% (cùng kỳ năm trước giảm 22,7%). Toàn bộ là vận tải đường bộ.

Vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 1,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,2% so với tháng trước và luân chuyển 83,4 triệu tấn.km, tăng 2,3%; quý III năm nay ước tính đạt 3,3 triệu tấn hàng hóa, tăng 140,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 250,8 triệu tấn.km, tăng 139,7%. Tính chung 9 tháng, vận tải hàng hóa đạt 7,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng mạnh 49,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 2,3%)luân chuyển 574,1 triệu tấn.km, tăng 49,7% (cùng kỳ năm trước tăng 0,8%).

7.4 Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 98,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82,4% so kế hoạch (120 triệu USD); kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 56,1 triệu USD, giảm mạnh 86,9%. Cán cân thương mại 9 tháng của tỉnh đạt xuất siêu 42,8 triệu USD (cùng kỳ 2021 nhập siêu 336,8 triệu USD).

            8. Một số vấn đề xã hội

8.1 Lao động, việc làm

Tính chung 9 tháng đầu năm, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 15.419 lao động, đạt 96,4% kế hoạch giao, tăng 130,8% so với cùng kỳ năm 2021; giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho 13.893 lượt người, đạt tỷ lệ 92,6%; tổ chức đào tạo nghề cho 7.728 người đạt 85,9% so với kế hoạch, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021.

8.2 Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

Tình hình đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm cơ bản ổn định, sản xuất ở hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có đạt kết quả tích cực. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, không có doanh nghiệp nợ lương của người lao động. Công tác Người có công và người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được đảm bảo.

8.3 Giáo dục

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 301 cơ sở giáo dục, đào tạo (trong đó: có 28 trường ngoài công lập); bao gồm 89 trường cấp mầm non (trong đó có 26 trường ngoài công lập), 128 trường tiểu học, 43 trường THCS, 13 trường THPT, 14 trường liên cấp TH-THCS, 04 trường liên cấp THCS-THPT, 02 trường liên cấp TH-THCS-THPT (ngoài công lập), 05 trường Dân tộc nội trú, 01 trường THPT chuyên, 02 Trung tâm. So với năm học 2021-2022, giảm 06 cơ sở giáo dục, đào tạo (trong đó: 01 trường Mầm non; 05 trường Tiểu học theo đề án, kế hoạch rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp của các huyện, thành phố). Năm học 2022-2023, toàn ngành Giáo dục và đào tạo có 9.493 cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy cho 148.707 học sinh. Số học sinh đầu năm học tăng 3.498 học sinh so với cùng kỳ năm trước.

8.4 Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Tập trung chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, đồng bộ và thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid -19.

Công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, trong 9 tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm; các bệnh theo mùa được kiểm soát chặt chẽ, không để bùng phát thành dịch; công tác phòng chống HIV/AIDS và dân số, kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh; tiếp tục triển khai ứng dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh, hướng đến Bệnh viện thông minh.

8.5 Văn hóa, thể thao

Trong 9 tháng đầu năm 2022, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm.

Tham dự 22 giải thể thao (01 giải vô địch Đông Nam Á; 16 giải thể thao quốc gia và 05 giải thể thao khu vực mở rộng), đạt 89 huy chương các loại. Ngoài ra, tổ chức 09 giải thể thao cấp tỉnh, tổ chức 12 môn thể thao trong Chương trình Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Ninh Thuận lần thứ VII năm 2021-2022 và phối hợp đón, đưa 01 giải đua Xe đạp nữ quốc tế.

8.6 Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/8/2022 đến 14/9/2022), xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 02 người chết, 16 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 08 vụ (-44,4%); số người chết giảm 04 người (-66,7%) và số người bị thương giảm 03 người (-15,8%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông và số người chết không tăng không giảm; số người bị thương tăng 09 người (+128,6%).

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả tỉnh xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông, làm 38 người chết, 108 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 03 vụ (+2,9%); số người chết giảm 04 người (-9,5%) và số người bị thương tăng 15 người (+16,1%). Bình quân 2,5 ngày trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

8.7 Tình hình cháy, nổ

Trong tháng Chín, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 07 vụ cháy; làm chết 03 người, bị thương 01 người; tài sản thiệt hại hơn 702 triệu đồng (01 vụ cháy tháng 8 chưa thống kê thiệt hại tài sản). So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy tăng 01 vụ; thiệt hại về người tăng 03 người chết, 01 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng hơn 444,4 triệu đồng.

8.8 Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ mưa lớn kèm theo dông lốc, không thiệt hại về người, gây thiệt hại về nhà ở (tốc mái) cho 46 hộ dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số và 01 nhà cộng đồng thôn, tổng thiệt hại khoảng 148,8 triệu đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ thiên tai, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại 213,8 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ thiên tai giảm 02 vụ, số người chết giảm 01 người, thiệt hại về tài sản giảm 179,8 triệu đồng./.

*Đính kèm file: “BC tình hình KT-XH T9 và 9T năm 2022

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)
 
 
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 101
  • Trong tuần: 4493
  • Tất cả: 966755

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn