Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 tỉnh Ninh Thuận

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy và chăm sóc cây trồng vụ Đông xuân, nguồn nước tưới thuận lợi nên diện tích gieo trồng tăng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi heo tiếp tục đà tăng trưởng, dê cừu vẫn xu hướng giảm, và đàn gia cầm phát triển tốt. Lâm nghiệp chủ yếu chăm sóc và bảo vệ rừng. Sản lượng thủy sản giảm mạnh do khai thác biển giảm.

a/ Nông nghiệp

Tính đến thời điểm 15/01/2022, cả tỉnh gieo cấy được 17.554 ha lúa Đông xuân, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước. Vụ Đông xuân năm nay thuận lợi về nguồn nước tưới do mưa nhiều ở cuối năm trước, lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương dồi dào.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, đến trung tuần tháng Một, các địa phương trên cả tỉnh gieo trồng được 2.695 ha ngô, giảm 1,4% so cùng kỳ năm trước; 54,5 ha khoai lang, giảm 11,5%; 268,4 ha lạc, tăng 3,2%; 4.367 ha rau, đậu, tăng 7,9%.

Ước tính tháng Một, đàn bò giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước; đàn trâu giảm 0,7%; đàn heo tăng 13,1%; đàn dê, cừu giảm 3% so cùng kỳ (dê giảm 1,5%, cừu giảm 4,7%); đàn gia cầm tăng 11,2%. So cùng kỳ, giá cả sản phẩm thịt hơi giảm mạnh. Dự kiến giá lợn từ nay đến tết sẽ tăng rất chậm (không đột biến) vì cung thừa nhưng cầu thấp, mức độ cạnh tranh sản phẩm gia súc, gia cầm của tỉnh là rất kém so với sản phẩm giá rẻ cùng loại chuyển từ ngoài vào. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi có 19 con mắc bệnh, nhưng được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, dịch đã qua 20 ngày không phát sinh con bệnh mới.

b/ Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng Một chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Khai thác lâm sản khu vực nhà nước không thực hiện, chủ yếu khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ khu vực cá thể và thu gom các sản phẩm phụ từ rừng trồng ở các Ban Quản lý rừng và các Doanh nghiệp nhà nước được giao chỉ tiêu. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 160 m3, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 2.050 ste, giảm 2,4%. 

Trong tháng Một không xảy ra cháy rừng do thời tiết lạnh; diện tích rừng bị thiệt hại là 1 ha do bị chặt, phá, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2021.

c/ Thuỷ sản

Trong tháng Một, sản lượng thủy sản cả tỉnh ước đạt 6.931,0 tấn, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 6.376,3 tấn, giảm 34,8%; tôm đạt 215,9 tấn, giảm 6,8%; thủy sản khác đạt 338,8 tấn, tăng 4,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 439 tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 55 tấn, giảm 8,3%; tôm đạt 195 tấn, giảm 7,1%; thủy sản khác đạt 189 tấn, tăng 11,2%.

Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 6.492 tấn, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 6.321,3 tấn, giảm 35%; tôm đạt 20,9 tấn, giảm 3,3%; thủy sản khác đạt 149,8 tấn, giảm 3,1%.

Sản l­ượng giống thủy sản sản xuất tháng này ước đạt 3.720 triệu con, giảm 11,7% so cùng kỳ năm 2021, trong đó tôm giống ước đạt 3.700 triệu con, giảm 11,9%. Tình hình sản xuất và kinh doanh giống thủy sản của tỉnh trong tháng vẫn tiếp tục xu hướng giảm từ các tháng cuối năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp có bước chững lại do số ngày làm việc giảm và trời ít nắng điện mặt trời giảm sản lượng, nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một ước giảm 3,87% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện ước giảm 0,36%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 ước tính giảm 0,46% so với tháng trước và giảm 3,87% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,36% so cùng kỳ năm trước (hiện đóng góp chủ yếu chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp) vì sản xuất điện giảm 4,9% do bức xạ mặt trời giảm (ít nắng); ngành chế biến, chế tạo ước giảm 14,83% do thời gian hoạt động trong tháng ít hơn so tháng cùng kỳ 2021, một số doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, may mặc cho lao động nghỉ trước Tết (07 ngày); ngành khai khoáng ước giảm 26,82%. Riêng ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,82%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 01/2022 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: muối biển tăng 8,3%; tôm đông lạnh không tăng không giảm; nước yến và nước bổ dưỡng khác giảm 7,4%; điện mặt trời giảm 7,9%; bia đóng lon giảm 12,1%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ giảm 12,8%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 14,1%; khăn mặt, khăn tắm giảm 14,9%; hạt điều khô giảm 15,3%; xi măng Portland đen giảm 20,5%; thủy điện giảm 29,1%; đường RS giảm 36,3%; đá xây dựng khác giảm 38,4%; tinh bột sắn giảm 83,6% do sản phẩm không xuất sang thị trường Trung Quốc được, trong tháng Một công ty chỉ hoạt động 07 ngày trước khi nghỉ tết. Một vài sản phẩm tăng cao: thạch nha đam tăng 88,1%; phân vi sinh tăng 40%; sợi xe tăng 33,3%; điện gió tăng 27%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát là nguyên nhân làm cho số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 78,3%; số vốn đăng ký mới tăng 9,1% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 90,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng Một có chiều hướng tích cực, khả quan hơn những tháng trước. Nguyên nhân tăng là do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát, đời sống người dân vào trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 20/01/2022, cả tỉnh có 41 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký mới là 678,8 tỷ đồng, tăng 9,1%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 16,6 tỷ đồng, giảm 38,5%.

Có 59 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 90,3%; 09 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 25% và có 53 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 25,4% so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 20/01/2022 là 3.814 doanh nghiệp/78.123,9 tỷ đồng.

4. Đầu tư

Hoạt động đầu tư trong tháng Một tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2021.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Một ước tính đạt 74,3 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 49,8 tỷ đồng, giảm 28,7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 24,5 tỷ đồng, tăng 7,5 lần.

            Nguyên nhân vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ là do các dự án trọng điểm của tỉnh đang trong giai đoạn triển khai nước rút, vì các nhà thầu cam kết thực hiện đúng theo tiến độ đã ký cam kết trong hợp đồng.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Trong tháng 01/2021, các khoản thu đạt thấp do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19; chi ngân sách đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 31/01/2022 ước tính đạt 262,7 tỷ đồng, đạt 7,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 262 tỷ đồng, đạt 8,8%, giảm 80,6% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 0,7 tỷ đồng, đạt 0,14%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng Một đạt 47 tỷ đồng, đạt 0,7% dự toán năm.

6. Thương mại, giá cả, dịch vụ

a/ Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong tháng Một tương đối ổn định và tăng trưởng khá so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, đặc biệt là doanh thu bán lẻ hàng hóa. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, hàng hoá được lưu thông thông suốt nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2022 ước tính đạt 2.532,6 tỷ đồng, tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Xét theo ngành hoạt động tháng Một: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 2.070,9 tỷ đồng, chiếm 81,8% tổng mức, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 13,6% và tăng 18,3%; may mặc tăng 12,4% và giảm 6,9%; phương tiện đi lại tăng 17,6% và giảm 28,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 4,7% và tăng 23,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,2% và tăng 19,3%. Năm nay, Tết Nguyên đán trùng vào đầu tháng 02/2022, nên việc mua sắm hàng hóa phục vụ Tết tập trung toàn bộ vào tháng 01/2022. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 285,1 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trướcgiảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước do trong tháng tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, các nhà hàng, quán ăn hoạt động tương đối nhiều đã góp phần kiềm chế mức giảm doanh thu ngành này so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 0,02 tỷ đồng, tăng 2 lần so với tháng trướcgiảm 89,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 176,6 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trướcgiảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

b/ Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Tháng 01/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Giá xăng, dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm chi phí hoạt động phát sinh tăng trong giá thành sản phẩm là những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2022 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,16% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 so với tháng 12/2021 có 07/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: nhóm Văn hoá, giải trí và du lịch tăng cao nhất với 3,93% do tỉnh cho phép “mở cửa” đón khách du lịch nội địa với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để lấy lại đà tăng trưởng, từng bước phục hồi, đưa hoạt động du lịch trong tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng xanh (cấp độ 1), nhu cầu du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng tăng lên đáng kể so với tháng trước, chi phí tăng như giá xăng dầu, test COVID-19… đã làm cho giá du lịch trọn gói tháng này tăng cao 22,3% so với tháng trước. Nhóm May mặc, giày dép và mũ nón tăng 1,26% do nhu cầu mua sắm vào dịp Tết Nguyên đán tăng, cộng với chi phí vận chuyển tăng đã làm cho nhiều nhóm mặt hàng này tăng, cụ thể: quần áo may sẵn tăng 1,60%, may mặc khác và mũ nón tăng 1,08%, giày dép các loại tăng 0,28%. Nhóm Giao thông tăng 1,15% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 11/01/2022 và 21/01/2022 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 2,49% (tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm). Nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,52% do giá một số loại nước ép trái cây và thuốc hút tăng vì nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và chi phí sản xuất tăng. Nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm Giáo dục tăng 0,02%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Có 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,41% do giá lúa gạo giảm và các mặt hàng thực phẩm giảm vì nguồn cung tăng. Nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,05%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Còn lại nhóm Bưu chính viễn thông ổn định.

Chỉ số giá vàng tăng 1,06% so với tháng trước nhưng giảm 4,17% so cùng kỳ năm trước; giá vàng 9999 hiện ở mức 5.280.000 đồng/chỉ. Giá đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng trước nhưng tăng 1,03% so cùng kỳ năm trước; giá đô la Mỹ hiện ở mức 23.500 đồng/USD.

c/ Vận tải hành khách và hàng hóa

Tình hình dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát giúp cho lượng hành khách vận chuyển tăng cao 88,7% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 làm vận chuyển hàng hóa tăng tương ứng 14,4% và 12,1%.

Vận tải hành khách tháng Một ước tính đạt 0,57 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 88,7% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021, là tháng đầu tiên có mức tăng dương về tháng báo cáo so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 6/2021, thể hiện tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trong tháng. Luân chuyển 44,5 triệu lượt khách.km, tăng cao 92,2% so với tháng trước và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn bộ là ngành đường bộ.

Vận tải hàng hóa tháng Một ước tính đạt 0,8 triệu tấn hàng hóa, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa luân chuyển đạt 56,9 triệu tấn.km, tăng 13,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn bộ là ngành đường bộ.

7. Một số vấn đề xã hội

a/ Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh kịp thời, đầy đủ đến tận tay đối tượng. Tổng 12 chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động có đến ngày 15/01/2022 là 75.283 lượt lao động với kinh phí 113.908,79 triệu đồng. Trong đó: Nhóm chính sách về bảo hiểm: 1.176 đơn vị/ 20.153 lao động/ 13.189,37 triệu đồng; Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động: 19.879 hồ sơ/ 34.060,11 triệu đồng; Nhóm chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: 07 đơn vị/ 1.816 lượt lao động/ 16.506,81 triệu đồng; Nhóm hỗ trợ cho lao động tự do 100% từ ngân sách địa phương: 33.435 lao động/ 50.152,5 triệu đồng.

c/ Giáo dục

   Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục chủ động, linh hoạt, kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh chương trình dạy và học. Căn cứ tình hình và cấp độ dịch bệnh tại từng địa phương (cấp độ 1- vùng xanh) trong phòng, chống dịch Covid-19 để linh hoạt các phương án dạy và học cho phù hợp. Hiện nay, tại thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, các trường THPT trên địa bàn thí điểm cho học sinh khối lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10/1/2022. Trong đợt thí điểm này, UBND thành phố hướng dẫn các trường tổ chức dạy và học theo phương án chia đôi sĩ số học sinh/ lớp (50% học sinh học trực tiếp, 50% học sinh học trực tuyến), đảm bảo không quá 24 học sinh/ phòng học. Các khối lớp 10,11, các trường vẫn duy trì hình thức học trực tuyến cho đến khi có hướng dẫn mới. Tại các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh, các trường cũng linh hoạt đón học sinh trở lại trường học tập trực tiếp, chủ yếu là các khối lớp THCS và THPT. Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, mọi công tác phòng dịch đều được chuẩn bị tốt như: lấy ý kiến của phụ huynh, công tác tiêm phòng, khử khuẩn vệ sinh lớp học, thực hiện nghiêm túc 5K, xây dựng các phương án học tập phù hợp,…

d/ Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Dịch bệnh COVID-19 có cơ bản được kiểm soát, ca bệnh có xu hướng giảm so với tháng trước. Trong tháng (từ ngày 21/12/2021 đến 20/01/2022) có  1.380 người mắc, giảm 26,8% (giảm 505 người) so với tháng trước; số người được điều trị khỏi xuất viện 1.849 người, giảm 16,9%. Tính chung trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), phát hiện 6.584 người mắc bệnh; có 6.409 người được điều trị khỏi xuất viện; 57 người tử vong.

Tính đến ngày 20/01/2022, toàn tỉnh đã tiêm 1.083.045 mũi vắc xin; trong đó số người đã tiêm mũi 1 là 445.769 người; số người đã tiêm mũi 2 là 415.021 người; số người đã tiêm mũi 3 là 136.117 người. Số người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 141.338 người; 130.841 người tiêm mũi 2 và 40.029 người tiêm mũi 3. Số người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 42.256 người; 38.944 người tiêm mũi 2 và 5.044 người tiêm mũi 3. Số người từ 12-17 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 58.124 người và 49.013 người tiêm mũi 2.

đ/ Văn hóa, thể thao

Trong tháng Một, hoạt động quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là công tác chuẩn bị mở cửa trở lại cho hoạt động du lịch và công tác tuyên truyền, trang trí, tổ chức các hoạt động mừng Đảng – mừng Xuân Nhâm Dần năm 2022 được triển khai kịp thời, đúng tiến độ. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên một số hoạt động như: biểu diễn nghệ thuật, thư viện lưu động, chiếu phim phục vụ thiếu nhi, miền núi, nông thôn gặp nhiều khó khăn.

 Thành lập Ban tổ chức và Điều lệ Giải Bóng rổ mừng Đảng - mừng Xuân tỉnh Ninh Thuận năm 2022; điều chỉnh thời gian tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh Ninh Thuận lần thứ VII năm 2021 - 2022.

e/ Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14 tháng 01 năm 2022), xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông (toàn bộ thuộc đường bộ), bao gồm 06 vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên và 10 vụ va chạm giao thông, làm 07 người chết, 17 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 05 vụ (+45,4%); số người chết tăng 06 người (+600%) và số người bị thương tăng 05 người (+41,7%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Một tăng 01 vụ (+6,7%); số người chết tăng 03 người (+75%) và số người bị thương tăng 02 người (+13,3%). Bình quân 2 ngày trong tháng xảy ra 1,06 vụ tai nạn giao thông.

g/ Tình hình cháy, nổ

   Trong tháng Một không xảy ra cháy, nổ trên địa bàn tỉnh, giảm 01 vụ so với tháng trước; không tăng không giảm so cùng kỳ năm trước.

h/ Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng 01/2022 (từ ngày 19/12/2021 đến ngày 18/01/2022), xảy ra 01 vụ thiên tai (ảnh hưởng bão RAI từ ngày 17/12 đến ngày 20/12/2021) trên địa bàn huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận; không tăng/giảm so với tháng trước; tăng 01 vụ so cùng kỳ năm trước. Không thiệt hại về người, không tăng/giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước; ước tổng giá trị thiệt hại tài sản khoảng 65 triệu đồng, giảm 47.407 triệu so với tháng trước./.

Đính kèm file: “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 01 năm 2022

infographic Kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022

Nguyễn Hồng Thiện
Phòng thống kê Tổng hợp



Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 743
  • Trong tuần: 5041
  • Tất cả: 949433

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn