Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021 tỉnh Ninh Thuận

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

   Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào chăm sóc cây trồng vụ mùa. Tình hình nước tưới thuận lợi làm tăng diện tích gieo trồng lúa so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia súc chăn thả có chiều hướng giảm do đồng cỏ tự nhiên giảm; chăn nuôi lợn tăng do kiểm soát dịch bệnh tốt; chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định. Sản xuất lâm nghiệp bắt đầu công tác trồng rừng tập trung của năm. Sản lượng thủy sản giảm do ảnh hưởng của mùa mưa bão và dịch Covid-19 làm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm.

a/ Nông nghiệp

   * Trồng trọt: Vụ mùa năm nay, diện tích trồng lúa tăng mạnh do nguồn nước tưới thuận lợi, những cánh đồng hai vụ quay lại sản xuất vụ ba cuối năm; nhiều diện tích rau, đậu được chuyển sang trồng lúa trở lại. Tính đến 15/10/2021, cả tỉnh gieo cấy được 14.461,6 ha lúa mùa, tăng 51,1% so cùng kỳ năm 2020, trong đó huyện Ninh Phước gieo diện tích cao nhất với 4.811 ha, tăng 196,6% (tăng 3.188,8 ha); huyện Thuận Nam gieo DT thấp nhất 530 ha, giảm 14% (giảm 86,6 ha).

   Tiến độ gieo trồng hoa màu vụ đông đạt thấp do chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ rau màu sang lúa. Tính đến trung tuần tháng 10, cả tỉnh gieo trồng được 10.251,4 ha ngô, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; 214,7 ha khoai lang, tăng 1,4%; 855,5 ha lạc, tăng 10,7%; 12.559,4 ha rau, đậu các loại, tăng 8,9%. Nhìn chung, rau màu các loại lại giảm do một phần quay lại canh tác lúa ba vụ/ năm do thuận nguồn nước, phần khác số sâu bệnh gây hại đối với rau ăn lá, ruồi vàng đục quả xuất hiện nhiều hơn; phân bón và thuốc trừ sâu tăng giá mạnh cũng là nguyên nhân gây trở ngại cho hộ trồng rau.

   * Chăn nuôi: Ước tính trong tháng Mười, tổng số trâu của cả tỉnh giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số bò giảm 2%; tổng số heo tăng nhẹ 0,6%; tổng số dê, cừu giảm 5,8%; tổng số gia cầm tăng 1,8%. Trong tháng, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Tai xanh heo, bệnh Dại trên động vật cơ bản được kiểm soát tốt không xảy ra, chỉ xảy ra rải rác bệnh truyền nhiễm thông thường như Ecoli trên heo, Niu-cát-xơn trên gà ở một số địa phương, bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời không lây lan. Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lũy kế đến đầu tháng đã có 4.649 con bệnh; trong đó chết tiêu hủy 311 con, khỏi bệnh 3.392 con.

b/ Lâm nghiệp

Tình hình lâm nghiệp của tỉnh trong tháng Mười tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng tập trung. Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước tính đạt 209 ha cây lâm nghiệp, đạt 70% kế hoạch năm, bằng 50,5% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 129,7 nghìn cây, giảm 70,1%; sản lượng củi khai thác đạt 1,3 nghìn ste, tăng 4,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 90 m3, tăng 80% chủ yếu khai thác từ rừng trồng của hộ cá thể, rừng đến tuổi thu hoạch.

   Tính chung 10 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 209 ha cây lâm nghiệp, bằng 50,5% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 201,4 nghìn cây, giảm 63,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.960 m3, tăng 85,3%; sản lượng củi khai thác đạt 16,4 nghìn ste, tăng 7,5%.

   Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng Mười là 1,3 ha, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ là diện tích rừng bị chặt, phá. Tính chung 10 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 28 ha, tăng 2,77 lần so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ là diện tích rừng bị chặt, phá.

c/ Thuỷ sản

   Trong tháng Mười, bão, áp thấp nhiệt đới, và tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất thủy sản. Sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt 6.094,9 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 4.649,7 tấn, giảm 4,2%; tôm đạt 544,7 tấn, giảm 21,2%; thủy sản khác đạt 900,5 tấn, tăng 3,1%.

Lũy kế 10 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 125.886,7 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất và có xu hướng tăng chậm dần trong các năm 2017-2021 (năm 2017 tăng 23,6%; năm 2018 tăng 9,3%; năm 2019 tăng 4,4%; năm 2020 tăng 3,7%; năm 2021 tăng 3,3%); trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 7.737 tấn, giảm 7,1%; sản lượng khai thác đạt 118.149,7 tấn, tăng 4,1%. Khai thác biển vẫn là ngành thủy sản chủ lực của tỉnh với tỷ trọng 93,8% tổng sản lượng thủy sản.

            Sản l­ượng giống thủy sản trong tháng Mười ước đạt 2,72 tỷ con, giảm 5,4% so cùng kỳ năm 2020, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid làm thị trường miền Tây Nam Bộ nhu cầu tôm giống giảm. Lũy kế 10 tháng năm 2021 số lượng giống thủy sản sản xuất ước đạt 34,3 tỷ con, giảm 2,7% so với cùng kỳ 2020.

2. Sản xuất công nghiệp

   Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng đang từng bước được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành sản xuất và phân phối điện với mức tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 29,74%.

   Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tăng 2,31% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, đà tăng trưởng giảm dần trong 3 năm gần đây (năm 2019 tăng 19,45%; năm 2020 tăng 15,42%; năm 2021 tăng 13,50%), trong đó sản xuất và phân phối điện tăng 24%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,31%; chế biến, chế tạo giảm 1,64%; ngành khai khoáng giảm 30,15%.

   Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 29,74% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 44,3% của cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 53,36%, là yếu tố chủ yếu làm tăng chỉ số chung toàn ngành; chế biến, chế tạo tăng 1,41%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,93%; riêng ngành khai khoáng giảm 30,6%.

   Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 10 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: khai thác muối biển giảm 46,4%; phân vi sinh giảm 22,5%; bia đóng lon giảm 16,7%; xi măng Portland đen giảm 13,1%; hạt điều khô giảm 10,9%; tinh bột sắn giảm 3,5%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: điện sản xuất tăng 47,1% (trong đó: điện mặt trời tăng 61,2%) tiếp tục là nhân tố chủ lực làm tăng trưởng ngành Công nghiệp; đường RS tăng 68,7%; tôm đông lạnh tăng 28,5%; thạch nha đam tăng 18,8%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

   Tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động doanh nghiệp. Tính đến ngày 16/10/2021, có 302 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới giảm 44,2%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 56,7%. Tuy nhiên số doanh nghiệp giải thể giảm 4,7% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 31,7%, cho thấy tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 16/10/2021, có 12 doanh nghiệp thành lập mới/83,5 tỷ đồng, bằng 42,9% số doanh nghiệp (12/28 DN) và số vốn đăng ký bằng 38,2% so cùng kỳ; nâng lũy kế đến ngày 16/10/2021, có 302 doanh nghiệp thành lập mới/2.453 tỷ đồng, giảm 47% số doanh nghiệp (302/570DN) và số vốn đăng ký giảm 44,2% so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 15/10/2021, có 3.774 doanh nghiệp/74.483 tỷ đồng. Tuy số doanh nghiệp giảm, nhưng vốn đăng ký bổ sung vốn tăng cao, trên 4.041 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ (109/132 DN).

Từ ngày 01/08/2021 đến ngày 21/8/2021, có 09 doanh nghiệp thành lập mới/146 tỷ đồng, bằng 15,8% số doanh nghiệp (09/57 DN) và số vốn đăng ký bằng 41,1% so cùng kỳ; nâng tổng số đến ngày 21/8/2021, có 251 doanh nghiệp thành lập mới/2.185 tỷ đồng, giảm 46,6% số doanh nghiệp và số vốn đăng ký giảm 34,5% so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 21/8/2021, có 3.730 doanh nghiệp/73.916 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 31,7% so cùng kỳ (83/63 DN); có 61 doanh nghiệp giải thể, giảm 4,7% so cùng kỳ (61/64 DN); có 152 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 56,7% so cùng kỳ (152/97 DN).

4. Đầu tư

   Gần hết năm, các Sở, ban, ngành đang nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công làm vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười ước tính tăng 39,4% so với tháng trước, mức tăng trưởng cao nhất trong các năm 2016-2021; nhưng vẫn giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất trong các năm 2017-2021. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 69% kế hoạch năm và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất giai đoạn 2017-2021.

      Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười ước đạt 214,5 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 129,8 tỷ đồng, giảm 32,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 84,7 tỷ đồng, tăng 129,4%.

      Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 1.299,1 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh: 902 tỷ đồng, giảm 16,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện: 395,2 tỷ đồng, tăng 1,8%.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

   Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhưng đang dần được kiểm soát chủ động, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, và việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm làm tình hình thu ngân sách Nhà nước 10 tháng của tỉnh nhìn chung khả quan. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý Nhà nước.

   Thu ngân sách Nhà nước tháng Mười ước đạt 257,1 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa 200 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 57,1 tỷ đồng. Nâng tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2021 đạt 3.549,5 tỷ đồng, bằng 91% dự toán năm, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa (không kể thu dầu thô) đạt 2.648,5 tỷ đồng, bằng 98,1% dự toán năm và tăng 10,6%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 901 tỷ đồng, bằng 75,1% và giảm 14,1%.

   Tổng chi ngân sách Nhà nước (không tính chi từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ) đạt 5.492,5 tỷ đồng, đạt 98% dự toán năm.

6. Ngân hàng

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trong tháng Mười trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và an toàn. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và dư nợ tín dụng tiếp tục có sự tăng trưởng so với tháng trước và cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát (dưới 2%) nhưng có sự gia tăng cả về giá trị và tỷ lệ so với đầu năm, tiềm ẩn rủi ro phát sinh cao.

Ước đến cuối tháng 10/2021:

Nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 204 tỷ đồng (+1,11%) so với tháng trước, tăng 1.822 tỷ đồng (+10,86%) so với cuối năm 2020, bằng 98,9% kế hoạch năm 2021.

Tổng dư nợ tín dụng ước  đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 373 tỷ đồng (+1,14%) so với tháng trước, tăng 2.621 tỷ đồng (+8,63%) so với cuối năm 2020, bằng 94,4% kế hoạch năm 2021.

Dư nợ xấu trên địa bàn là 560 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng dư nợ, giảm 0,01% so với tỷ lệ nợ xấu cuối tháng trước (số tuyệt đối tăng 2 tỷ đồng) và tăng 1,06% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 (số tuyệt đối tăng 365,2 tỷ đồng).

7. Thương mại, giá cả, dịch vụ

a/ Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

   Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Mười tiếp tục xu hướng tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 tăng 18,6% so với tháng trước, mức tăng trưởng cao nhất trong các năm 2016-2021; nhưng giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất trong các năm 2017-2021. Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,4%, mức tăng trưởng thấp nhất trong các năm 2017-2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước đạt 1.930,8 tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.646,7 tỷ đồng, tăng 14% và giảm 0,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 164,5 tỷ đồng, tăng 54,1% và giảm 43,4%; doanh thu du lịch lữ hành không phát sinh; doanh thu dịch vụ khác đạt 119,6 tỷ đồng, tăng 58,1% và giảm 31,3%.

   Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 19.471,6 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

b/ Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 giảm 0,25% so với tháng trước, tăng 1,63% so cùng kỳ năm trước và tăng 0,79% so tháng 12 năm trước – đều là các mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021, chủ yếu do ảnh hưởng của việc áp dụng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 làm giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 2,89% so cùng kỳ năm trước.

   Trong mức giảm 0,25% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 so với tháng trước có 2/11 nhóm có CPI giảm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,28% do giá gạo tẻ thường tiếp tục giảm mạnh (giảm 5,03% so với tháng trước), làm cho CPI chung giảm 0,20 điểm phần trăm và giá thịt  heo giảm 5,55%, giá nội tạng động vật giảm 6,47% do nguồn cung đã được đảm bảo, giá heo hơi giảm đã góp phần làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ CPI tăng, trong đó: nhóm giao thông tăng 1,97% do ảnh hưởng của đợt tăng giá bán lẻ xăng, dầu (vào ngày 11/10/2021); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,61% do ảnh hưởng của đợt tăng giá gas ngày 01/10/2021 làm giá gas tăng 10,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,18%. 4/11 nhóm có CPI không thay đổi: đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính, viễn thông; giáo dục.

   CPI tháng 10/2021 tăng 0,79% so với tháng 12/2020 và tăng 1,63% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 2,89% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tăng nhẹ 0,04% so với tháng trước và giảm 3,32% so cùng kỳ năm trước; giá vàng 9999 hiện ở mức 5.130.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,92% so với tháng trước và giảm 0,17% so cùng kỳ năm trước; giá đô la mỹ hiện ở mức 23.260 đồng/USD.

c/ Vận tải hành khách và hàng hóa

Việc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường bộ của tỉnh, nhất là vận tải hành khách. Tính chung 10 tháng năm 2021, vận chuyển hành khách giảm 21,0% và vận chuyển hàng hóa giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

   Vận tải hành khách trong tháng Mười ước đạt 0,03 triệu lượt hành khách vận chuyển, tăng 6,3% so với tháng trước và luân chuyển 2,5 triệu lượt hành khách.km tăng 4,3%. Tính chung 10 tháng, vận tải hành khách đạt 2,35 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 40,9% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 176,26 triệu lượt hành khách.km, giảm 42,5%. Toàn bộ là hoạt động vận tải đường bộ trong nước.

   Vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 0,55 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 16,8% so với tháng trước và luân chuyển 39,66 triệu tấn.km, tăng 16,5%. Lũy kế 10 tháng, vận tải hàng hóa đạt 5,44 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 397,65 triệu tấn.km, giảm 8,4%. Toàn bộ là hoạt động vận tải  đường bộ trong nước.

8. Một số vấn đề xã hội

a/ Lao động, việc làm

   Công tác tư vấn giới thiệu việc làm tiếp tục được triển khai đầy đủ và kịp thời. Trong tháng Mười, đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.049 lượt người, nâng tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong 10 tháng năm 2021 là 15.664/15.000 lượt người, đạt tỷ lệ 104,4%. Trong tháng kết nối việc làm được 17 người, nâng tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm đến tháng 10/2021 đạt 41,5% (415/1.000 người). Số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 156 hồ sơ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng 206 hồ sơ với kinh phí chi trả là 3,39 tỷ đồng, nâng tổng số hồ sơ có Quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm lên 2.847 người với số tiền chi: 42,87 tỷ đồng.

b/ Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

   Trong tháng Mười, tỉnh đã kịp thời tham mưu giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng Người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội thực hiện được đầy đủ, đúng đối tượng:

            Công tác Người có công: Thực hiện tốt các hồ sơ giải quyết chính sách đối với lĩnh vực Người có công, bao gồm 38 hồ sơ. 

            Công tác Giảm nghèo, Bảo trợ xã hội: Tổ chức đón 194 công dân là phụ nữ mang thai sắp sinh, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 03 tuổi và người đi khám, điều trị bệnh bị kẹt tại thành phố Hồ Chí Minh trở về tỉnh (đợt 1). Thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh, tổng số đối tượng hiện đang quản lý và nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là: 237/79 nữ. Trong đó: Người cao tuổi 13/10 nữ; trẻ mồ côi 45/25 nữ; người tâm thần 179/44 nữ (tâm thần đặc biệt nặng: 71/18 nữ, tâm thần nặng: 72/19 nữ, tâm thần phục hồi/thuyên giảm: 34/07 nữ, 02 đối tượng bảo vệ khẩn cấp) .

c/ Giáo dục

Tình hình năm học 2021-2022: Toàn tỉnh có 310 cơ sở giáo dục, đào tạo (trong đó có 28 trường ngoài công lập); bao gồm 90 trường cấp mầm non (trong đó có 26 trường ngoài công lập), 133 trường tiểu học, 47 trường THCS, 15 trường THPT, 11 trường liên cấp TH-THCS, 04 trường liên cấp THCS-THPT, 02 trường liên cấp TH-THCS-THPT (ngoài công lập), 05 trường Dân tộc nội trú, 01 trường chuyên, 02 Trung tâm. So với năm học 2020-2021, giảm 02 cơ sở giáo dục, đào tạo theo đề án, kế hoạch rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp của UBND tỉnh. Tổng số học sinh toàn tỉnh đầu năm học 2021-2022 là 146.817 học sinh (Trong đó: cấp Mầm non: 27.951 trẻ; Tiểu học: 62.151 học sinh; Trung học cơ sở: 38.826 học sinh; Trung học phổ thông: 17.889 học sinh.

d/ Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

            Phòng chống dịch Covid-19: Tính từ đầu năm đến 18h00 ngày 23/10/2021, Ninh Thuận có 1.183 người mắc Covid-19. Trong đó, đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 03/7/2021, phát hiện 1.174 người mắc bệnh; có 1.008 người được điều trị khỏi xuất viện; 29 người tử vong do tuổi cao, mắc bệnh nền. Tổng số người đã được tiêm vaccine là 418.275 người, trong đó số người đã tiêm đủ 2 mũi là 49.794 người; số người đã tiêm được 1 mũi là 368.481 người. (Nguồn: Báo Ninh Thuận)

Các bệnh truyền nhiễm lưu hành: Phát hiện 235 trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết, giảm 51,4% so với năm 2020 (484 trường hợp); phát hiện 85 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng, giảm 67,7% so với năm 2020 (263 trường hợp). Chưa có trường hợp tử vong. Các bệnh truyền nhiễm khác mắc tản phát như bệnh lỵ (trực tràng, Amibe) 140 trường hợp, tiêu chảy 1.118 trường hợp, thủy đậu 50 trường hợp, thương hàn 05 trường hợp, quai bị 08 trường hợp, cúm 4.776 trường hợp, tất cả đều giảm so với năm 2020. Không ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu, tả, viêm não, các loại Cúm A, bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh .

đ/ Văn hóa, thể thao

   Lĩnh vực Văn hóa:         Hoàn thành nội dung lý lịch di tích, gửi lấy ý kiến góp ý về công tác lập hồ sơ trình UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh Miếu Thuận Khánh, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lễ hội Katê năm 2021 diễn ra từ ngày 04/10 - 07/10/2021 không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ đồng bào. Sưu tầm 10 hình ảnh Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và nông cụ, đồ dùng sinh hoạt Chăm; thực hiện trưng bày “Nghệ thuật điêu khắc đá của người Chăm tỉnh Ninh Thuận”.

   Lĩnh vực thể dục, thể thao: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiếp tục dừng tổ chức các hoạt động thể thao và tham gia các giải thi đấu theo kế hoạch. Các Đội thể thao thành tích cao tiếp tục tập luyện tại nhà, chuẩn bị chuyên môn tham dự các giải thể thao toàn quốc, khu vực mở rộng khi có thông báo mới.

Lĩnh vực du lịch: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 12/5 đến nay, Ninh Thuận đã tạm dừng đón khách tham quan du lịch và chủ yếu phục vụ khách công tác, các chuyên gia và người dân đến cách ly tại các cơ sở lưu trú do tiếp xúc bệnh nhân Covid-19.

e/ Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/9 đến 14/10/2021), xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, làm 04 người chết, có 10 người bị thương. So với tháng trước, số vụ không tăng không giảm; số người chết tăng 02 người (+100%); số người bị thương tăng 03 người (+42,9%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 05 vụ (-33,3%); số người chết tăng 01 người (+33,3%); số người bị thương giảm 07 người (-41,2%).

            Tính chung 10 tháng, tai nạn giao thông giảm đều cả ba phương diện: xảy ra 114 vụ, làm 46 người chết, 103 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 12 vụ (-9,5%); số người chết giảm 04 người (-8%); số người bị thương giảm 19 người (-15,6%). Bình quân 2,6 ngày xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

g/ Tình hình cháy, nổ

Trong tháng xảy ra 01 vụ cháy, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng. Lũy kế 10 tháng xảy ra 05 vụ cháy, giảm 08 vụ (-61,5%) so cùng kỳ năm trước; không thiệt hại về người, bằng cùng kỳ; thiệt hại tài sản 401,6 triệu đồng, giảm 96,2%.

h/ Thiệt hại do thiên tai

   Trong tháng Mười không xảy ra thiên tai./.

 *Đính kèm file: “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hộitháng 10 và 10 tháng năm 2021” 

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 989
  • Trong tuần: 5832
  • Tất cả: 971230

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn