Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 9 tháng năm 2021

Tình hình kinh tế thế giới khá khởi sắc trong 9 tháng năm 2021 khi triển khai tiêm phòng vắc-xin nhanh chóng đã giúp giảm nhanh số ca lây nhiễm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng của các nền kinh tế cho thấy sự khác biệt do tốc độ triển khai vắc-xin và hỗ trợ chính sách khác nhau ở các quốc gia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng 6,0% năm 2021. Tuy nhiên, một số tổ chức điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 đạt 5,7%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 5/2021. Fitch Ratings dự báo GDP thế giới sẽ tăng 6,0% vào năm 2021, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo của tổ chức này trong tháng 6/2021.

            Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng đợt thứ tư từ tháng 4/2021 đến nay. Việc phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực (giảm trên 30% so cùng kỳ năm trước). World Bank trong báo cáo điểm lại tháng 8/2021 cho rằng nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 từ mức 6,7% xuống 3,8%.

            Trong tỉnh, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ tư từ đầu tháng 7 với nhiều ca lây nhiễm cộng đồng đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong tỉnh; nguồn lực đầu tư công giảm mạnh, chính sách giá điện mặt trời chậm ban hành, ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Cùng với phương châm hành động của Chính phủ, tỉnh đã đề ra phương châm hành động “Đoàn kết – Sáng tạo – Kỷ cương – Phát triển – Tăng tốc – Hiệu quả”, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành theo Nghị quyết của Chính phủ và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; đồng thời tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chủ động triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; thực hiện các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

            I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

   Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021 nhìn chung phát triển thuận lợi. Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng hạn hán, dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò và dịch bệnh Covid-19, nhưng tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả nên diện tích gieo trồng vụ đông xuân, hè thu tăng so với cùng kỳ, cây lúa được mùa được giá; sản lượng các loại cây lâu năm tăng khá; lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng ổn định; khai thác biển khả quan. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

            a/ Nông nghiệp

            Do chủ động nguồn nước tưới nên vụ đông xuân 2021 đã xuống giống 30.556 ha, bằng 99,1% kế hoạch, tăng 20,8% so đông xuân 2020; trong đó, cây lúa 17.388 ha, tăng 2,7% kế hoạch, tăng 45,2% so cùng kỳ. Năng suất cây lúa đạt 68,1 tạ/ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu được 118.503 tấn, tăng 48,4%.

            Việc điều tiết hợp lý nguồn nước và lượng mưa lớn trong vụ góp phần làm diện tích gieo trồng vụ hè thu đạt 26.780 ha, tăng 21,2% so cùng kỳ, vượt 8% so kế hoạch. Trong đó: diện tích cây lúa 14.550 ha, tăng 32,7% so cùng kỳ, vượt 5% so kế hoạch. Sơ bộ, năng suất lúa hè thu đạt khoảng 62,8 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2020, nhưng do diện tích gieo trồng tăng cao nên sản lượng chung toàn vụ hè thu 2021 ước tính đạt 91.423 tấn, tăng 21.695 tấn.

   Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa đạt 6.950 ha, bằng 87,3% cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo cấy lúa mùa năm nay đạt thấp chủ yếu do lúa hè thu thu hoạch trễ, một số vùng không sản xuất lúa mùa, chờ gieo đông xuân sớm.

   Ngoài cây lúa, tính đến giữa tháng Chín, cả tỉnh đã gieo trồng được 6.018,6 ha ngô, tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước; 151,9 ha khoai lang, tăng 62,5%; 532,4 ha lạc, tăng 3,5%; 8.510,9 rau, đậu các loại, tăng 11,6%.

   Tổng diện tích cây lâu năm 9 tháng ước tính đạt 12.694,3 ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 4.920,3 ha, tăng 4,5%; nhóm cây ăn quả đạt 6.765,4 ha, tăng 3,8%; nhóm cây lấy quả chứa dầu đạt 377,2 ha, tăng 0,2%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 13,9 ha, tăng 25,2%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: sản lượng điều ước tính đạt 1.250,9 tấn, tăng 18%; hồ tiêu đạt 21,5 tấn, tăng 48,3%; cao su đạt 14,1 tấn, tăng 161,1%; cà phê đạt 96 tấn, tăng 6,8%; dừa đạt 3.062,8 tấn, tăng 21,1%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả chủ yếu 9 tháng năm nay hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Nho đạt 25.215,2 tấn, tăng 7,1%; táo đạt 30.337,7 tấn, tăng 2,7%; xoài đạt 5.346,3 tấn, tăng 16,8%; chuối đạt 14.314,3 tấn, tăng 4%; bưởi đạt 1.260 tấn, tăng 30,5%; ổi đạt 1.019,6 tấn, tăng 39,1%; chôm chôm đạt 614,9 tấn, tăng 3,6%.

   Ước tính trong tháng Chín, tổng số trâu giảm nhẹ 0,8% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò giảm 2%; tổng số dê, cừu giảm 5,5%. Ước tính 9 tháng, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 96,1 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020 (quý III đạt 17,2 tấn, tăng 14,1%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 4.137,7 tấn, tăng 8,6% (quý III đạt 1.042,5 tấn, tăng 21%).

   Ước tính tổng số lợn tháng 9/2021 giảm 3,3% so với cùng thời điểm năm 2020. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 13.665 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020 (quý III đạt 4.886,8 tấn, tăng 7,9%).

   Ước tính tổng số gia cầm tháng 9/2021 tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 2.048 tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2020 (quý III đạt 568,6 tấn, giảm 3%); sản lượng trứng gia cầm 9 tháng ước đạt gần 33 triệu quả, giảm 10,1% (quý III đạt 10,8 triệu quả, giảm 22,7%).

   Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong kỳ được kiểm soát giám sát chặt chẽ, không có gia súc, gia cầm mắc các bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Tai xanh heo. Trong kỳ, ngày 29/6 phát hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò, tính đến ngày 30/8/2021 trên địa bàn tỉnh có 3.989 con nhiễm bệnh. Số con chết tiêu hủy 140 con/ 17.843 kg trọng lượng, ước thiệt hại trên 2,31 tỷ đồng.

            b/ Lâm nghiệp

            Trong quý III/2021, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 47,4 nghìn cây, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 0,5 nghìn m3, tăng 85,3%; sản lượng củi khai thác đạt 5,6 nghìn ste, tăng 7,3%. Tính chung 9 tháng, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 71,7 cây, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,9 nghìn m3, tăng 85,5% do có một phần lớn diện tích gỗ rừng trồng được khai thác trắng từ Trường Đại học Nông Lâm TPHCM Phân hiệu Ninh Thuận và một phần từ hộ cá thể; sản lượng củi khai thác đạt 15,1 nghìn ste, tăng 7,7%.

            Diện tích rừng bị thiệt hại quý III/2021 là 17,1 ha, tăng 13,8 lần so với cùng kỳ năm trước, hầu hết là rừng bị chặt phá. Tính chung 9 tháng, diện tích bị thiệt hại là 26,8 ha, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước, hầu hết là rừng bị chặt phá.

            c/ Thuỷ sản

            Sản lượng thủy sản quý III/2021 ước tính đạt 60,5 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 56,2 nghìn tấn, tăng 6,6%; tôm đạt 1,8 nghìn tấn, giảm 16,5%; thủy sản khác đạt 2,5 nghìn tấn, tăng 1,9%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý III ước tính đạt 2,8 nghìn tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 0,3 nghìn tấn, giảm 5,8%; tôm đạt 1,7 nghìn tấn, giảm 17,6%. Sản lượng thủy sản khai thác quý III ước tính đạt 57,7 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 55,9 nghìn tấn, tăng 6,7%; tôm đạt 0,1 nghìn tấn, giảm 0,9%.

            Tính chung 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 119,0 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 109,1 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 4,3 nghìn tấn, giảm 10,6%; thủy sản khác đạt 5,6 nghìn tấn, giảm 0,3%.

            Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước tính đạt 6,6 nghìn tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 0,6 nghìn tấn, giảm 1,7%; tôm đạt 3,9 nghìn tấn, giảm 9,4%. Nuôi tôm nước lợ gặp khó khăn do dịch Covid-19 giảm lượng tiêu thụ, giá bán thấp nên diện tích thả nuôi giảm. Tôm sú 9 tháng chưa cho thu hoạch; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 3,9 nghìn tấn, giảm 9,4% (quý III đạt 1,8 nghìn tấn, giảm 13,5%).

            Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng ước tính đạt 112,4 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 108,4 nghìn tấn, tăng 4%; tôm đạt 0,4 nghìn tấn, giảm 21,1%. Trong kỳ, ngư trường thời tiết thuận lợi, xuất hiện nhiều đàn cá nổi từ tháng 2, đỉnh điểm là giữa tháng 7 đến tháng 8 lượng cá nổi xuất hiện dày hoạt động khái thác đạt hiệu quả cao. Thị trường hải sản tiêu thụ tốt, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh Covid làm giá bán thủy sản giảm mạnh. Sản lượng thủy sản khai thác biển 9 tháng đạt 112,3 nghìn tấn, tăng 4%, trong đó cá đạt 108,4 nghìn tấn, tăng 4%; tôm đạt 0,4 nghìn tấn, giảm 21,1%.

            Sản l­ượng giống thủy sản 9 tháng ước đạt 33,25 tỷ con, tăng 4,2% so cùng kỳ; trong đó tôm sú giống ư­ớc đạt 7 tỷ con, tăng 12,9%; tôm thẻ giống ước đạt 26 tỷ con, tăng 2,3%. Tôm giống sản xuất 9 tháng năm nay tuy tăng nhưng là mức tăng thấp so các kỳ năm trước do nhu cầu tôm giống giảm nhiều trong quý III vì dịch Covid 19 bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.

            2. Sản xuất công nghiệp

   Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng chỉ số sản xuất Công nghiệp (IIP) quý III/2021 đạt 19,37%, thấp nhất trong ba quý (quý I đạt 50,63%; quý II đạt 29,77%). Tính chung 9 tháng, chỉ số IIP tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất và phân phối điện tăng 58,46%, tiếp tục làm đầu tàu tăng trưởng toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,67% .

   Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tiếp tục là đầu tàu của toàn ngành với mức tăng 58,46%, đóng góp tăng 33 điểm phần trăm vào chỉ số chung toàn ngành; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,67% so cùng kỳ, do tác động chủ yếu từ công tác phòng chống dịch Covid-19 của địa phương và của doanh nghiệp tập trung nhiều lao động; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%; ngành khai khoáng giảm 29,02%, chủ yếu do muối của năm trước còn nhiều (tồn kho đến cuối tháng 08/2021 còn gần 250 ngàn tấn các loại), trong khi muối năm nay số lượng tiêu thụ rất thấp với giá bán giảm 25% so cùng kỳ năm trước.

   Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: ngành khai thác muối biển giảm 44,13%; sản xuất đồ uống (chủ yếu bia đóng lon các loại) giảm 15,81%; sản xuất trang phục giảm 14,82%; sản xuất vật liệu xây dựng ước giảm 13,15%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,56%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,42%; dệt (sản xuất sợi, khăn bông) ước tính tăng 5,98%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ: Khai thác muối các loại: mặc dù tình hình thời tiết thuận lợi, nhưng lượng tiêu thụ chậm và giá tiêu thụ giảm nhiều so với cùng kỳ, nên sản lượng khai thác ước chỉ đạt 259 nghìn tấn, giảm 44,13% so cùng kỳ (lượng muối sản xuất, tồn kho tương đương). Bia các loại: dự kiến sản xuất trong 9 tháng đạt hơn 23,8 triệu lít, giảm 19,5% so cùng kỳ (do dịch vụ ăn uống, du lịch ngưng trệ bởi đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 4); đây là sản phẩm đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và toàn ngành công nghiệp của địa phương. Hạt điều khô: do tác động bởi tình hình dịch bệnh tại các thị trường tiêu thụ chính, dự kiến sản xuất trong 9 tháng ước chỉ đạt 2833 tấn, giảm 13,73% so cùng kỳ. Sản xuất tinh bột mỳ: đã sản xuất 6983 tấn, giảm 2,23% so cùng kỳ, do nguồn nguyên liệu thiếu so với nhu cầu sản xuất, sản phẩm hết vụ sản xuất (từ tháng 5). Xi măng các loại: ước đạt 150 ngàn tấn, giảm 16,64% so cùng kỳ; các công trình xây dựng tạm ngừng thi công do giãn cách đã ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm nay tăng cao so với năm trước: Tôm đông lạnh: là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong giá trị ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tình hình tiêu thụ thuận lợi giúp cho sản xuất 9 tháng ước đạt 6.510 tấn, tăng 30,15% so cùng kỳ. Sản xuất đ­ường: ­sản xuất đạt 7326 tấn, tăng 68,7% so cùng kỳ, nguồn mía nguyên liệu đáp ứng đủ theo nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp (6 tháng đầu năm). Điện sản xuất các loại trong 9 tháng đầu năm ước đạt 4,786 t kwh, so cùng kỳ tăng 53,45%; trong đó, điện năng lượng tái tạo đã cung cấp sản lượng ước đạt 3,8 t kwh, tăng 65,9% cùng kỳ; cụ thể: điện gió 347 triệu kwh; điện mặt trời 3.453 triệu kwh, trong đó điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 358,6 MW; sản lượng điện phát lên lưới 9 tháng ước đạt 415 triệu kwh. 

            3. Hoạt động của doanh nghiệp

   Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2021 do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Trong 9 tháng đầu năm, cả tỉnh có 272 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký mới cũng giảm 39,3%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 44,6%. Điểm sáng là có 107 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 50,7% so cùng kỳ.

            Tính đến ngày 15/9/2021, toàn tỉnh có 272 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 2.313 tỷ đồng, giảm 47,8% số doanh nghiệp (272/521 DN) và số vốn đăng ký giảm 39,3% so cùng kỳ; trong đó một số lĩnh vực giảm, như: sản xuất điện, giảm 96,7% (5/143 DN); dịch vụ tư vấn, thiết kế, giảm 56,1% (18/41 DN); xây dựng, giảm 42,9% (56/98 DN); dịch vụ lưu trú và ăn uống, giảm 31,8% (15/22 DN); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, giảm 26,2% (45/6 DN). Tuy nhiên một số lĩnh vực tăng, như: Kinh doanh bất động sản, tăng 28,6% (18/14 DN); công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 4,8% (22/21 DN); dịch vụ khác, tăng 25% (10/8 DN), … Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 15/9/2021, có 3.749 doanh nghiệp/74.326 tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng chiếm 43,1%. Số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp mới 1.637 lao động, bằng 50,9% so cùng kỳ.

            Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 50,7% so cùng kỳ (107/71 DN). Số doanh nghiệp đăng ký giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng, đến ngày 15/9/2021, có 56 doanh nghiệp giải thể (không tăng không giảm so cùng kỳ) và 133 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 44,6% so cùng kỳ.

            4. Hoạt động dịch vụ

            a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

            Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng Chín tiếp tục khó khăn do đợt  bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Nguy cơ nhiễm bệnh cao làm cho nhu cầu tiêu dùng, du lịch, vui chơi giải trí của người dân giảm, cùng với nhiều văn bản chỉ đạo tạm dừng một số dịch vụ không thực sự cần thiết đã ảnh hướng đến mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 tăng 5,3% so với tháng trước và giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm đầu tiên sau bốn năm tăng liên tiếp và là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,3%, đây cũng là mức giảm đầu tiên sau bốn năm tăng liên tiếp và là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021.


   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín ước tính đạt 1.465,9 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng trước và giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý III/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 4.358,2 tỷ đồng, giảm 33,3% so với quý trước và giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.922,8 tỷ đồng, giảm 27,1% và giảm 18,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 270,8 tỷ đồng, giảm 63,1% và giảm 67,6%; doanh thu du lịch lữ hành không phát sinh; doanh thu dịch vụ khác đạt 164,6 tỷ đồng, giảm 60,4% và giảm 66,9%.

   Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 17.379,2 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm đầu tiên sau bốn năm tăng liên tiếp và là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021.

   Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm nay ước đạt 14.473,1 tỷ đồng, chiếm 83,3% tổng mức và tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (9 tháng đầu năm  2017, 2018, 2019, 2020 có mức tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 13,3%, 13,6%, 14,2%, 7,9%). Trong đó: ngành hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 9,3%; lương thực, thực phẩm tăng 4,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 8,2%; may mặc giảm 11%; phương tiện đi lại giảm 20,9%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.815,4 tỷ đồng, chiếm 10,4% và giảm 19%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 tỷ đồng, chiếm 0,01% và giảm 23,2%, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới diễn biến phức tạp làm nhu cầu du lịch của người dân giảm do lo ngại dịch bệnh lây lan. Doanh thu dịch vụ khác đạt 1.089,4 tỷ đồng, chiếm 6,3% và giảm 17,6%.

            b. Vận tải hành khách và hàng hóa

   Hoạt động vận tải đường bộ tiếp tục không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là vận tải hành khách. Trong tháng Chín, lượng hành khách vận chuyển giảm 72% và lượng hàng hóa vận chuyển tăng 3,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, vận chuyển hành khách giảm 32,4% và vận chuyển hàng hóa giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển quý III đều giảm mạnh so với quý II và so với cùng kỳ năm trước (do tỉnh hứng chịu đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư kế từ đầu quý III).

            Vận tải hành khách tháng Chín ước đạt 0,04 triệu lượt khách vận chuyển, giảm mạnh 72% so với tháng trước và luân chuyển 2,5 triệu lượt khách.km, giảm 72,6%; quý III năm nay ước tính đạt 0,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 77,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 24,5 triệu lượt khách.km, giảm 78,9%. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách đạt 2,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 37,3%) và luân chuyển 173,9 triệu lượt khách.km, giảm 34,4% (cùng kỳ năm trước giảm 39,2%). Toàn bộ là vận tải đường bộ.

   Vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 0,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,1% so với tháng trước và luân chuyển 34,1 triệu tấn.km, tăng 5,5%; quý III năm nay ước tính đạt 1,4 triệu tấn hàng hóa, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 97,6 triệu tấn.km, giảm 35%. Tính chung 9 tháng, vận tải hàng hóa đạt 4,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 37,3%)luân chuyển 358,1 triệu tấn.km, giảm 5,9% (cùng kỳ năm trước giảm 39,2%).

             c. Dịch vụ Bưu chính, Viễn thông

            Hoạt động bưu chính, viễn thông 9 tháng năm 2021 vẫn giữ mức tăng ổn định về doanh thu mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

            Sản lượng dịch vụ bưu chính ước thực hiện trong 9 tháng là 2.290.640 bưu gửi tăng 15% so với cùng kỳ và 2.564.000 bưu phát tăng 20% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 147,5 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ước thực hiện là 85.900 bưu gửi tăng 5% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 1,7 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ.

       Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh là 678 nghìn thuê bao, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước; đạt mật độ 114,3 thuê bao/100 dân (trong đó mật độ điện thoại cố định và di động trả sau đạt 15 thuê bao/100 dân). Tổng số thuê bao internet băng rộng trên toàn tỉnh là 322.730 thuê bao, tăng 9,3%; đạt mật độ 94,1 thuê bao/100 dân. (mật độ thuê bao internet tăng cao là do quy đổi 83.284 thuê bao internet hộ gia đình thành 313.610 người sử dụng). Tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh dịch vụ viễn thông trong toàn ngành 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 557,5 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

            5. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

   Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đợt thứ tư trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 7/2021 đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu. Trong tháng Chín, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 9,6 triệu USD, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 518,2 triệu USD, giảm 4,4%, trong đó xuất khẩu đạt 89,2 triệu USD, tăng 21,2%; nhập khẩu đạt 429 triệu USD, giảm 8,4%. Cán cân thương mại 9 tháng của tỉnh tiếp tục nhập siêu, đạt mức 339,8 triệu USD.

a. Xuất khẩu hàng hóa

   Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 8/2021 đạt 10,5 triệu USD, trong đó thủy sản 6,9 triệu USD; nhân hạt điều 2,6 triệu USD; hàng dệt và may mặc 1 triệu USD.

   Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2021 ước đạt 7,9 triệu USD, giảm 24,6% so với tháng trước và giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng quý III/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ 2,4%.

            Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 89,2 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 89,2% so kế hoạch (100 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: thủy sản ước đạt 46,8 triệu USD, tăng 52,9%; hạt điều nhân ước đạt 21,9 triệu USD, giảm 7%; hàng dệt và may mặc ước đạt 19,7 triệu USD, tăng 6,5%. Thị trường xuất khẩu chủ lực là: Mỹ, Trung Quốc (hạt điều nhân); Nhật, Mỹ (tôm) trong đó Mỹ chiếm 59%; Mỹ và Nhật (khăn bông, may mặc).

b. Nhập khẩu hàng hóa

   Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 8/2021 đạt 52 triệu USD, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 43,5 triệu USD; thủy sản 5,4 triệu USD; hạt điều 3 triệu USD.

   Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2021 ước đạt 1,7 triệu USD, giảm mạnh 96,8% so với tháng trước và giảm 90,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 429 triệu USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 124% so với kế hoạch (345 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu máy móc thiết bị, phụ tùng phục vụ thi công các công trình, dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh (chiếm 92,7% kim ngạch nhập khẩu).

            II.  KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Chỉ số giá :

   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2021 giảm 0,66% so với tháng trước và tăng 1,04% so với tháng 12 năm trước - đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021, chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm (gạo, bắp, thịt heo, gia cầm, hải sản tươi, rau, trứng) giảm vì nguồn cung dồi dào. Bình quân 9 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm trước.

   a) Chỉ số giá tiêu dùng

   Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,66% so với tháng trước. Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng Sáu giảm so với tháng trước, trong đó nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm nhiều nhất với 1,32% do giá điện, nước giảm do mức tiêu dùng giảm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,29% (trong đó: lương thực giảm 2% do giá gạo giảm 2,43%; thực phẩm giảm 1,79%). do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào. Nhóm giao thông giảm 0,47%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,03%. 6/11 nhóm có chỉ số giá tăng: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,34% do vận chuyển khó khăn và chi phí sản xuất tăng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,05%; nhóm Giáo dục và Hàng hóa và dịch vụ khác cùng tăng 0,03%. 1 nhóm còn lại không thay đổi.

   Tính chung quý III/2021, CPI tăng 2,93% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó giao thông tăng 12,59% so với cùng kỳ năm trước; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,07%; đồ uống và thuốc lá tăng 5,13%; giáo dục tăng 4,28%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,88%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,65%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,68%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,36%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,21%. Có 1 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 0,46%.

   CPI tháng 9/2021 tăng 1,04% so với tháng 12/2020 và tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 3,03% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

   b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

   Do ảnh hưởng chung của giá vàng, đô la Mỹ trong nước và thế giới; So với bình quân cùng kỳ năm 2020, chỉ số giá vàng 9 tháng đầu năm 2021 tăng 10,98%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,44%. Giá vàng 9999 hiện ở mức 5.150.000 đồng/chỉ giá đô la Mỹ ở mức 22.900 đồng/USD.

            2. Đầu tư và xây dựng

            a. Đầu tư

   Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2021 giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2021 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Chín và 9 tháng so với cùng kỳ đều cũng đạt mức thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021. 

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 6.213,5 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước giảm 41,3%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 19,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 220,4%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 21.991,2 tỷ đồng, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 1.587,6 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng vốn và giảm 34,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 18.097,6 tỷ đồng, bằng 82,3% và giảm 14,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.306 tỷ đồng, bằng 10,5% và tăng 21,1%.

   Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 9 tháng ước đạt 1.061,7 tỷ đồng, bằng 60,9% kế hoạch năm và giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 47,5% và tăng 38,9%), trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 758,4 tỷ đồng, bằng 63,3% giảm 14,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 301,3 tỷ đồng, bằng 55,4% và giảm 14,2%.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2021

 

Tổng số

(tỷ đồng)

Cơ cấu     (%)

So với cùng kỳ năm trước (%)

 

TỔNG SỐ

21.991,2

   100,0

 -14,1

Khu vực Nhà nước

  1.587,6

  7,2

-34,9

Khu vực ngoài Nhà nước

18.097,6

82,3

  -14,9

KV có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài                                                     

  2.306,0

   10,5

   +21,1

  

   b. Xây dựng

            Tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp từ quý II năm 2021 trên cả nước đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngành xây dựng nói riêng. Giá trị sản xuất ngành xây dựng ước tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích sàn nhà ở xã hội tăng thêm 12.500 m2 , đạt 95,2% chỉ tiêu năm.

            Các dự án năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió đang tiếp tục triển khai để hoàn thiện đưa vào hoạt động, Các dự án đầu tư công đang đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh, góp phần làm tăng giá trị sản xuất trong 9 tháng.

            Theo Nghị Quyết 100/NQ-HĐND tỉnh Ninh Thuận về kế hoạch đầu tư phát triển năm 2021, phải đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: đường đôi vào đầu thành phố (đoạn phía nam); Môi trường Bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; Hồ chứa nước Sông Than; Kênh chuyển nước Tân Giang- Sông Biêu. Các dự án năng lượng điện gió như nhà máy điện gió Bim, nhà máy điện gió 7A, nhà máy điện gió Hanbaram …; các dự án điện mặt trời như nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2, nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3,…. vẫn tiếp tục thi công để đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời điểm vào giữa tháng 7/2021 đến nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tỉnh áp dụng Chỉ thị 15, chỉ thị 16 đối với một số huyện/ thành phố nên tiến độ thi công các công trình gặp nhiều khó khăn. Giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt giá thép tăng cao vào đầu năm đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng.

   2. Tài chính, tín dụng

a. Tài chính     

   Thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2021 đạt tiến độ dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, chi ngân sách được đảm bảo kế hoạch và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc cân đối thu chi ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

            Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2021 ước đạt 3.319/3.900 tỷ đồng, đạt 85,1% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó; thu nội địa 2.448,5/2.700 tỷ đồng, đạt 90,7% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 16,9%; thu xuất nhập khẩu đạt 870,5/1.200 tỷ đổng, đạt 72,5% dự toán, giảm 13,4%.

Có 09/16 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao (75%), gồm: thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực CTN và dịch vụ ngoài quốc doanh; thu thuế TNCN; thu thuế SDĐ phi nông nghiệp; thu tiền cho thuê đất; thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu khác ngân sách; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác; thu hồi vốn, lợi nhuận sau thuế. Còn 07/16 khoản thu dự kiến chưa đạt tiến độ dự toán: thu từ khu vực DNNN trung ương; thu từ khu vực DNNN địa phương; thu tiền sử dụng đất; thu thuế Bảo vệ môi trường; thu lệ phí trước bạ; thu phí-lệ phí và thu xổ số kiến thiết.

            Tổng chi ngân sách địa phương 4.624,6 /5.606 tỷ đồng (không tính chi từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ), đạt 82,5% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

           b. Tín dụng

            Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2021 nhìn chung ổn định và an toàn. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tỷ lệ nợ xấu tăng.

            Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 9/2021, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 1.322 tỷ đồng (+7,88%) so với cuối năm 2020, bằng 96,3% kế hoạch năm 2021. Trong đó: Tiền gửi tiết kiệm từ dân cư 12.130 tỷ đồng, chiếm 67,02% trong tổng nguồn huy động, tăng 707 tỷ đồng (+6,19%) so với cuối năm 2020; Tiền gửi thanh toán 5.740 tỷ đồng, chiếm 31,71%, tăng 623 tỷ đồng (+12,18%); Phát hành giấy tờ có giá 230 tỷ đồng, chiếm 1,27%, giảm 8 tỷ đồng (-3,36%).

Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 32.500 tỷ đồng, tăng 2.121 tỷ đồng (+6,98%) so với cuối năm 2020, bằng 93% kế hoạch. Trong đó: Ngắn hạn 16.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,46% trong tổng dư nợ, tăng 1.357 tỷ đồng (+9,02%) so với cuối năm 2020; Trung, dài hạn 16.100 tỷ đồng, chiếm 49,54%, tăng 764 tỷ đồng (+4,98%).

            Ước đến cuối tháng 9/2021, dư nợ xấu trên địa bàn là 430 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,32% so với tổng dư nợ, tăng 0,68% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 (số tuyệt đối tăng 235,2 tỷ đồng).

III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC KHÁC

            1. Lao động, việc làm

   Công tác tư vấn giới thiệu việc làm tiếp tục được đổi mới, mở rộng hướng tiếp cận của người lao động. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 9/2021 là 14.553/15.000 lượt người đạt tỷ lệ 97,02%. Tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm đến tháng 9/2021 là 398/1.000 người đạt 39,8%. Đến tháng 9/2021 có 2.688 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN; trong đó có 2.641 người có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi: 39.480.035.074 đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, đã giải quyết việc làm mới 6.680 lao động/16.000 lao động đạt 41,75% kế hoạch giao, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2020 (9.711). Trong đó: Lao động trong tỉnh: 2.563 lao động; lao động ngoài tỉnh: 4.089 lao động; xuất khẩu lao động: 28 lao động/150 lao động đạt 18,66% kế hoạch giao. Đã cho vay vốn tạo việc làm 1.053 lao động với số tiền giải ngân là 41,449 tỷ đồng.

   2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Tình hình đại dịch Covid-19 trong 9 tháng đầu năm 2021 trên cả nước phức tạp với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, khó lường và nguy hiểm. Trên địa bàn tỉnh, đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 03/7/2021 đến nay làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP ban hành ngày 09/5/2019 của Chính Phủ là 1,49 triệu đồng/tháng. Đời sống người lao động hưởng lương cũng đang gặp khó khăn, do mức lương tối thiểu không tăng nhưng giá cả tiêu dùng, sinh hoạt tăng khá nhiều. Bên cạnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động không thuận lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm giảm việc làm, giảm thu nhập của người lao động hưởng lương. Đời sống nông dân tương tự cũng ảnh hưởng dịch bệnh nên giá cả các loại nông sản bị giảm, hàng hóa khó lưu thông, khó tiêu thụ.

Trong 9 tháng đầu năm, tập trung chăm lo tổ chức các hoạt động thăm hỏi và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 cho các đối tượng chính sách Người có công với cách mạng; người nghèo; bảo trợ xã hội và trẻ em... trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ định mức, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, khiếu nại; công tác cấp phát gạo được thực hiện kịp thời, công khai, đúng đối tượng. Tỉnh triển khai thực hiện tốt việc cấp phát gạo hỗ trợ của Chính phủ nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 530,205 tấn gạo cho 8.913 hộ/35.347 khẩu; cho người dân có khả năng thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh là 577,2 tấn gạo cho 9.752 hộ/38.480 khẩu. Tỉnh đã hỗ trợ cho công dân Ninh Thuận đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội đợt 01 và đợt 02; hiện nay qua rà soát còn khoảng gần 12.000 đối tượng cần được hỗ trợ.

Tuy vậy, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã làm ảnh hưởng một số công tác như tạm hoãn công tác điều dưỡng Người có công với cách mạng, tạm dừng công tác tiếp nhận đối tượng để phòng, chống dịch; các chỉ tiêu về giải quyết việc làm; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN theo Nghị quyết 102/NQ-CP, ngày 03/8/2018 của Chính phủ gặp khó khăn nhất định. Công tác giải quyết việc làm ngoài tỉnh gặp khó khăn; đào tạo nghề mới đạt 44,2% so với kế hoạch, giảm 24,47% so với cùng kỳ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới chỉ đạt 6,42% (167/2.600). Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BH thất nghiệp tuy có giảm so với cùng kỳ 2020 (2.688 /4.269) nhưng vẫn còn cao.

            3. Giáo dục, đào tạo

            Về chất lượng giáo dục năm học 2020-2021: Toàn tỉnh, số lượng trẻ huy động được: 27.577/52.994 trẻ ra lớp, đạt tỷ lệ: 52,07%; trong đó Nhà trẻ đạt tỷ lệ 21,7% tăng 0,5% so với năm học 2019-2020; Mẫu giáo đạt tỷ lệ 69,6% (không tăng so với năm học 2019-2020), số trẻ Mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 100,6%. Tỷ lệ học sinh lớp 1, lớp 6 tuyển mới đúng độ tuổi đạt 99,9%.

Học sinh cấp Tiểu học: Cuối học kỳ II năm học 2020-2021, xếp loại Năng lực và Phẩm chất đánh giá là Đạt trở lên có tỉ lệ duy trì trên 99,8%; Tỷ lệ học sinh Tiểu học hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học cuối năm đạt  99,93%;

Học sinh cấp THCS, THPT: Tỷ lệ xếp loại Học lực từ Trung bình trở lên cấp THCS đạt 95,2%, cấp THPT đạt 92,55%; tỷ lệ xếp loại Hạnh kiểm từ Trung bình trở lên đối với cấp THCS đạt 99,88%, cấp THPT đạt 99,21%; tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS toàn tỉnh đạt 99,88%; tỷ lệ học sinh THPT tốt nghiệp toàn tỉnh 95,31%

   4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

            Phòng chống dịch Covid-19: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, liên tục có các ca bệnh trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm đến 18h00 ngày 23/9/2021, Ninh Thuận có 868 người mắc Covid-19. Trong đó, đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 03/7/2021, phát hiện 859 người mắc bệnh; có 718 người được điều trị khỏi xuất viện; 08 người tử vong do tuổi cao, mắc bệnh nền.

            Đã triển khai 04 đợt tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo quy định. Tính đến ngày 23/9/2021, tổng số người đã được tiêm là 131.808 người, trong đó số người đã tiêm đủ 2 mũi là 44.513 người đạt 11,08% so với số tổng số đối tượng cần tiêm (44.513 /401.680); số người đã tiêm được 1 mũi là 87.295 người đạt 21,73% so với tổng số đối tượng cần tiêm (87.295 /401.680).

            Các bệnh truyền nhiễm khác: Trong 9 tháng đầu năm 2021, phát hiện 193 trường hợp mắc bệnh Số xuất huyết, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; 61 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng, tăng 32,6%. Chưa có trường hợp tử vong do các bệnh trên. Các bệnh truyền nhiễm khác mắc tản phát như bệnh lỵ (trực tràng, Amibe) 127 trường hợp, tiêu chảy 943 trường hợp, thủy đậu 47 trường hợp, thương hàn 03 trường hợp, quai bị 06 trường hợp, cúm 3.992 trường hợp, tất cả đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Không ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu, tả, viêm não, các loại cúm A, bệnh do virus Zika.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Tổng số người nhiễm HIV của cả tỉnh hiện còn sống tính đến thời điểm 14/9/2021 là 358 người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 439 người và số người tử vong do HIV/AIDS tính đến thời điểm trên là 224 người.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

   Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp từ đầu năm đến nay ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Trong 9 tháng, ngành văn hóa đã thực hiện một số công tác sau: lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030; hoàn chỉnh lý lịch hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh Miếu Thuận Khánh, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước; hoàn thành hồ sơ “Lễ hội Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai tỉnh Ninh Thuận”, trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trình Hội đồng cấp Bộ đề nghị Bộ Công thương xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ Ba, năm 2021 cho 06 hồ sơ trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

   Tổ chức thành công Giải bóng bàn và Giải bóng rổ không chuyên mở rộng “Mừng Đảng – Mừng Xuân”; giám sát các xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tỉnh Ninh Thuận lần thứ VIII, năm 2021-2022; ban hành các Quyết định công nhận Ban vận động thành lập Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền, Liên đoàn Muay và Kick Boxing Ninh Thuận. Tham dự 03 giải Quốc gia và 03 giải khu vực mở rộng, đạt 17 huy chương (HC) các loại; trong đó, giải quốc gia 01 HCV, 02 HCB, 02 HCĐ; Giải khu vực và mở rộng: 01 HCV, 05 HCB, 06 HCĐ.

6. Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/8/2021 đến 14/9/2021), xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông (toàn bộ thuộc đường bộ), làm 02 người chết, 07 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 03 vụ (+42,9%); số người chết tăng 02 người (tháng trước 0 người chết) và số người bị thương tăng 01 người (+16,7%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 03 vụ (-23,1%); số người chết giảm 05 người (-71,4%) và số người bị thương giảm 01 người (-12,5%). Lỗi vi phạm chủ yếu do người tham gia giao thông tránh xe sai quy định và không làm chủ tốc độ.

 

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn cả tỉnh xảy ra 104 vụ tai nạn giao thông (toàn bộ thuộc đường bộ), bao gồm 43 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 61 vụ va chạm giao thông, làm 42 người chết, 93 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 07 vụ (-6,3%); số người chết giảm 06 người (-12,5%) và số người bị thương giảm 11 người (-10,6%). Bình quân 2,6 ngày trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

7. Tình hình cháy, nổ

Trong tháng (từ ngày 15/8 đến ngày 14/9) xảy ra 02 vụ cháy, không có thiệt hại về người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 56 triệu đồng. Tính chung 9 tháng (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/9/2021) xảy ra 06 vụ cháy, giảm 05 vụ (-45,5%) so cùng kỳ năm trước; không có người chết và bị thương, bằng cùng kỳ; thiệt hại tài sản 257,6 triệu đồng, giảm 96,8%.

8. Thiệt hại thiên tai

Thiệt hại do thiên tai trong tháng Chín xảy ra 01 vụ do sét đánh làm 01 người chết.

   Khái quát lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nên bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 nói chung cũng như tỉnh Ninh Thuận nói riêng duy trì được ổn định. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá tốt do có lượng nước tưới đầy đủ. Công nghiệp sản xuất điện tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cung cầu hàng hóa trong tỉnh được bảo đảm, xuất khẩu tăng khá trong khi nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh cũng làm Ninh Thuận đối mặt với nhiều thách thức, đó là nông sản khó tiêu thụ, giá giảm; nguồn lực đầu tư công giảm mạnh so kế hoạch; doanh nghiệp đăng ký mới đạt thấp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Ninh Thuận trong thời gian tới sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Trước mắt, cần thực hiện nghiêm các giải pháp, phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy với tinh thần “đổi mới, kỷ cương, hành động, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cả tỉnh là “vùng xanh”, sớm trở về trạng thái “bình thường mới”, có điều kiện phục hồi phát triển kinh tế. Khẩn trương tiêm Vắc-xin bao phủ diện rộng bảo đảm tiến độ, an toàn, đúng đối tượng. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

   Một là, xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa bão sắp tới, chỉ đạo sản xuất có hiệu quả vụ Mùa, dự báo sát tình hình. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành từ 1-2 vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi hoàn thành, nhất là hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Hỗ trợ đẩy mạnh chế biến, bảo quản nông sản, sản phẩm OCOP, đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển xa đạt hiệu quả.

   Hai là, hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng đang triển khai, các dự án động lực phía Nam, hoàn thành cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1; hoàn tất thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án KCN Cà Ná và thủ tục đấu thầu dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 để đóng góp tăng trưởng những tháng cuối năm 2021. Tập trung xử lý đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các KCN Du long và Phước Nam. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đô thị, tập trung phát triển các đô thị ven biển, các khu đô thị mới và nâng cao chất lượng các đô thị hiện hữu và triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

   Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; triển khai có hiệu quả các chính sách về kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Triển khai các giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ổn định thị trường, giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm vấn nạn hàng giả, hàng lậu. Hoàn thành lập quy hoạch và trình phê duyệt khu du lịch quốc gia Ninh Chữ và bổ sung Khu du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh vào các khu du lịch Quốc gia.

   Bốn là, quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, phấn đấu giải ngân đạt 100% vào cuối năm 2021 góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, cấp bách; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương sớm khởi công dự án Đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua tỉnh). Triển khai có hiệu quả quy định các trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư các thành phần kinh tế nhất là thu hút vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế như công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị mới; tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ kéo dài do nhà đầu tư thiếu năng lực, thiếu quyết tâm đầu tư.

   Năm là, quản lý chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách; kiên quyết cắt giảm chi thường xuyên, thu hồi các khoản chi chưa thật sự cần thiết để ưu tiên cho công tác phòng chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Rà soát việc sắp xếp cơ sở nhà đất theo Nghị định 167/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn tất thủ tục bán đấu giá các cơ sở nhà đất tạo nguồn thu ngân sách; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

   Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng thu ngân sách từ đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách. Hoàn thành công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp Tỉnh.

   Bảy là, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn; linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương, bảo đảm chương trình học và nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân. Tăng cường năng lực chủ động phòng chống dịch bệnh nhất là dịch bệnh Covid-19. Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các cơ sở y tế. Triển khai đầy đủ, kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng các chính sách an sinh xã hội, người có công, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; xây dựng Kế hoạch triển khai điều tra rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025./.

*Đính kèm file: “Phântích kinh tế-xã hội tháng 9 và  9 thángnăm 2021

và “Số liệu thống kê KT-XH tháng 9 và 9 thángnăm 2021”.

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)


Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 67
  • Trong tuần: 4459
  • Tất cả: 966721

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn