Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 tỉnh Ninh Thuận

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

   Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chăm sóc và thu hoạch cây trồng vụ Hè thu. Tình hình nước tưới thuận lợi làm tăng diện tích gieo trồng lúa so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia súc chăn thả có chiều hướng giảm do đồng cỏ tự nhiên giảm; chăn nuôi lợn tăng do kiểm soát dịch bệnh tốt; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp chưa phát sinh diện tích rừng trồng mới. Ngành thủy sản gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm.

a/ Nông nghiệp

   * Trồng trọt: Vụ lúa Hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 14.550,6 ha, tăng 3.586,9 ha so với vụ Hè thu năm trước do tình hình nước tưới thuận lợi; trong đó huyện Thuận Bắc tăng cao nhất với 1.871 ha. Lúa Hè thu năm nay năng suất ước tính đạt 62,6 tạ/ha, giảm 1 tạ/ha so với vụ Hè thu năm 2020, do mở rộng diện tích gieo trồng trên những thửa đất kém chất lượng, không khả năng thích ứng, vùng khô hạn... Nhưng vì diện tích gieo trồng tăng cao 32,7% nên sản lượng toàn vụ ước tính đạt 91.112 tấn, tăng 21.383,9 tấn.

            Tính đến ngày 15/8, cả tỉnh gieo trồng được 6.018,6 ha bắp (ngô), tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; 151,9 ha khoai lang, tăng 35%; 532,4 ha đậu phộng (lạc), tăng 3,5%; 8.510,8 ha rau, đậu các loại, tăng 11,7%... Hiện nay có một số diện tích cây trồng vụ Hè thu đã cho thu hoạch, như rau các loại đã thu hoạch 850 ha, bằng 29% diện tích gieo trồng; đậu các loại 101 ha, bằng 6,6%.

* Chăn nuôi: Chăn nuôi gia súc chăn thả tiếp tục có xu hướng giảm do đồng cỏ tự nhiên ngày càng hạn hẹp. Chăn nuôi heo dần được khôi phục nhưng công tác tái đàn còn chậm. Đàn gia cầm tăng ổn định. Trong tháng chỉ xảy ra rải rác bệnh truyền nhiễm thông thường; ngoại trừ bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò được phát hiện từ ngày 29/6/2021, đến ngày 04/8/2021 đã xảy ra với 2.334 con bệnh. Số con đã chết đi tiêu hủy 30 con, với tổng trọng lượng 4 tấn, ước thiệt hại trên 465 triệu đồng. Giá cả gia súc giảm do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, trong khi giá gia cầm ổn định. Ước tính trong tháng Tám, tổng số trâu của cả tỉnh tăng 0,8% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò giảm 0,8%; tổng số heo tăng 3,6%; tổng số dê, cừu giảm 7%; tổng số gia cầm tăng 9%.

b/ Lâm nghiệp

Trong tháng Tám không phát sinh diện tích trồng mới rừng tập trung. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào công tác chăm sóc bảo vệ rừng. Khai thác gỗ trong tháng chủ yếu thuộc hộ cá thể ước đạt 175 m3, tăng 75% so cùng kỳ năm trước; củi khai thác và thu nhặt ước đạt 1.900 ster, tăng 5,6%.

   Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung không phát sinh; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.705 m3, tăng 82,4%; sản lượng củi khai thác đạt 13.400 ste, tăng 7,6%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 24,3 nghìn cây, tăng 16,1%.

   Công tác phòng và chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường, tuy nhiên nạn chặt phá rừng lại gia tăng. Trong tháng Tám có 0,2 ha rừng bị chặt phá; lũy kế 8 tháng đầu năm có 12,3 ha rừng bị thiệt hại, gấp 2,47 lần so với cùng kỳ năm trước, toàn bộ đều là rừng bị chặt, phá. Số vụ phá rừng 8 tháng đầu năm cũng tăng mạnh, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ.

c/ Thuỷ sản

Trong tháng Tám, sản lượng thủy sản cả tỉnh ước đạt 18.140,4 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 17.340,1 tấn, tăng 4%; tôm đạt 389,4 tấn, giảm 29,4%; thủy sản khác đạt 410,9 tấn, giảm 11,3%.

Lũy kế 8 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 97.128,3 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5.009,4 tấn, giảm 11,6%; sản lượng khai thác đạt 92.118,9 tấn, tăng 1,1% (chủ yếu là khai thác biển). Khai thác biển vẫn là ngành thủy sản chủ lực của tỉnh với tỷ trọng 94,8% tổng sản lượng thủy sản. Diện tích thả nuôi tôm thịt giảm 14,4% do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn trong tiêu thụ nên người dân trong tỉnh hạn chế thả nuôi.

Sản l­ượng giống thủy sản sản xuất tháng Tám ước đạt 2.727 triệu con, giảm 45,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, tôm giống ước đạt 2.697 triệu con, giảm 46%. Tính chung 8 tháng đầu năm, lượng giống sản xuất 30.330 triệu con, tăng 6%; trong đó tôm giống ước đạt 30.100 triệu con, tăng 6%.

2. Sản xuất công nghiệp

   Sản xuất công nghiệp tháng Tám tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại Ninh Thuận vào đầu tháng 7/2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 đạt mức giảm 8,52% so với tháng trước và tăng 14,20% so với cùng kỳ năm 2020, đà tăng liên tiếp trong giai đoạn 2017-2021. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 34,11%, giữ đà tăng liên tiếp 5 năm qua.

   Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước giảm 8,52% so với tháng trước và tăng 14,20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất và phân phối điện tăng 31,69%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,53%;  ngành khai khoáng giảm 17,38%; chế biến, chế tạo giảm 18,06%.

   Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 34,11% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 48,58% của cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 59,20%, vẫn là yếu tố chủ yếu làm tăng chỉ số chung toàn ngành; chế biến, chế tạo tăng 5,62%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,14%; riêng ngành khai khoáng giảm 32,38%.

   Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 8 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: khai thác muối giảm 51,6%; quần áo giảm 23,3%; phân vi sinh giảm 19,4%; xi măng Portland đen giảm 17,1%; đá xây dựng giảm 15,7%; hạt điều khô giảm 5,7%; bia đóng lon giảm 2,7%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 2,5%; tinh bột sắn giảm 2,2%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: điện sản xuất tăng 56,6% (trong đó: điện mặt trời tăng 67,5%) tiếp tục là nhân tố chủ lực làm tăng trưởng ngành Công nghiệp; đường RS tăng 69,8%; thạch nha đam tăng 32,5%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

   Tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động doanh nghiệp. Tính đến ngày 21/8/2021, có 251 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 46,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới giảm 34,5%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng 45,6%; số doanh nghiệp giải thể tự nguyện tăng 25,6%; tuy nhiên số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 62,9%, cho thấy tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Từ ngày 01/08/2021 đến ngày 21/8/2021, có 09 doanh nghiệp thành lập mới/146 tỷ đồng, bằng 15,8% số doanh nghiệp (09/57 DN) và số vốn đăng ký bằng 41,1% so cùng kỳ; nâng tổng số đến ngày 21/8/2021, có 251 doanh nghiệp thành lập mới/2.185 tỷ đồng, giảm 46,6% số doanh nghiệp và số vốn đăng ký giảm 34,5% so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 21/8/2021, có 3.730 doanh nghiệp/73.916 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 62,9% so cùng kỳ (101/62 DN). Số doanh nghiệp đăng ký giải thể là 54 doanh nghiệp, tăng 25,6%; và 131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 45,6%. Số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp mới 1.495 lao động, bằng 53,1% so cùng kỳ.

4. Đầu tư

   Do ảnh hưởng của tình hình bùng phát dịch Covid-19 mới, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8/2021 ước tính đạt 190,4 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất trong các năm 2017-2021. Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 55,1% kế hoạch năm và giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất giai đoạn 2017-2021.

      Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Tám ước tính đạt 190,4 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh: 117 tỷ đồng, giảm 35%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện: 73,5 tỷ đồng, tăng 11,8%.

      Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 960,6 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh: 677,4 tỷ đồng, giảm 13,5%; vốn NS Nhà nước cấp huyện: 281,4 tỷ đồng, giảm 3%.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

   Dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Ninh Thuận, nhưng do kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm nên tình hình thu ngân sách Nhà nước 8 tháng của tỉnh tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý Nhà nước.

   Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 31/8/2021 ước tính đạt 3.018,5 tỷ đồng, đạt 77,4% dự toán năm. Trong đó: thu nội địa (không kể thu dầu thô) ước đạt 2.248,5 tỷ đồng, đạt 83,3% dự toán năm, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 770 tỷ đồng, đạt 64,2%.

   Tổng chi ngân sách Nhà nước (không tính chi từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ) ước tính đạt 4.191 tỷ đồng, đạt 75% dự toán năm. Công tác chi ngân sách được đảm bảo kế hoạch và đáp ứng kịp thời việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi hành chính và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác.

6. Ngân hàng

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tiếp tục ổn định và an toàn. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và dư nợ tín dụng tiếp tục có sự tăng trưởng so với tháng trước và cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát (dưới 2%) nhưng có sự gia tăng cả về giá trị và tỷ lệ so với đầu năm, tiềm ẩn rủi ro phát sinh cao.

Ước đến cuối tháng 8/2021:

Nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 17.850 tỷ đồng, tăng 222 tỷ đồng (+1,26%) so với tháng trước, tăng 1.072 tỷ đồng (+6,39%) so với cuối năm 2020, bằng 94,9% kế hoạch năm 2021.

Tổng dư nợ tín dụng ước  đạt 32.500 tỷ đồng, tăng 205 tỷ đồng (+0,63%) so với tháng trước, tăng 2.121 tỷ đồng (+6,98%) so với cuối năm 2020, bằng 93% kế hoạch năm 2021.

Dư nợ xấu trên địa bàn là 420 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,29% so với tổng dư nợ, bằng với tỷ lệ nợ xấu cuối tháng trước (số tuyệt đối tăng 3,9 tỷ đồng) và tăng 0,65% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 (số tuyệt đối tăng 225,2 tỷ đồng).

7. Thương mại, giá cả, dịch vụ

a/ Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng Tám, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp buộc tỉnh phải tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng ước tính tăng 0,2% so với tháng trước và giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất trong các năm 2017-2021. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước tính đạt 1.502,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước và giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.355,7 tỷ đồng, tăng 2,1% và giảm 16,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 94,4 tỷ đồng, giảm 14,4% và giảm 63,8%; doanh thu du lịch lữ hành không phát sinh; doanh thu dịch vụ khác đạt 52,7 tỷ đồng, giảm 13,9% và giảm 67%.

   Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 16.023,5 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

b/ Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2021 tăng 0,47% so với tháng trước – mức cao nhất trong giai đoạn 2018-2021. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám tăng so với tháng Bảy chủ yếu do ảnh hưởng của việc áp dụng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 làm nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm và gas tăng giá do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng. Chỉ số giá tháng 8/2021 so cùng kỳ năm trước tăng 3,56%; so tháng 12 năm trước tăng 1,72%; và bình quân 8 tháng so cùng kỳ tăng 3,16% đều thấp hơn so với số liệu năm 2020 (năm 2020 lần lượt có mức: tăng 5,22%; tăng 2,14%; tăng 5,19%).

   Trong mức tăng 0,47% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 so với tháng trước có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ CPI tăng, trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhiều nhất với 0,99% do nhu cầu tiêu dùng và dự trữ hàng hóa và ăn uống tại nhà nhiều hơn nên nhu cầu thực phẩm thiết yếu, rau tươi ... tăng. Nhóm giao thông tăng 0,37% do ảnh hưởng của đợt tăng giá bán lẻ xăng, dầu (vào ngày 12/7/2021. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08% do một số đồ dùng trong gia đình như thuốc xịt côn trùng, giấy ăn, giấy vệ sinh... tăng do chi phí vận chuyển tăng. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,06% do ảnh hưởng của đợt tăng giá gas ngày 01/8/2021 làm giá gas tăng 3,02%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. 5/11 nhóm có CPI không thay đổi: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giầy dép; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính, viễn thông; giáo dục. Duy nhất 1/11 nhóm có CPI giảm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03% do ảnh hưởng dịch bệnh.

   CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ năm trước; CPI tháng 8/2021 tăng 1,72% so với tháng 12/2020 và tăng 3,56% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng giảm 0,41% so với tháng trước và giảm 3,16% so cùng kỳ năm trước; giá vàng 9999 hiện ở mức 5.070.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,34% so với tháng trước và giảm 0,08% so cùng kỳ năm trước; giá đô la Mỹ hiện ở mức 23.200 đồng/USD.

c/ Vận tải hành khách và hàng hóa

Việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội trên địa bàn đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải của tỉnh. Tính chung 8 tháng năm 2021, vận chuyển hành khách giảm 21,0% và vận chuyển hàng hóa tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

   Vận tải hành khách tháng Tám ước đạt 0,1 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 14,4% so với tháng trước và luân chuyển 10,9 triệu lượt hành khách.km, giảm 15,3%. Tính chung 8 tháng, vận tải hành khách đạt 2,3 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 21,0% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 173,1 triệu lượt hành khách.km, giảm 23,2%. Toàn bộ là hoạt động vận tải đường bộ trong nước.

   Vận tải hàng hóa trong tháng ước đạt 0,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 18% so với tháng trước và luân chuyển 36,3 triệu tấn.km, tăng 16,6%. Lũy kế 8 tháng, vận tải hàng hóa đạt 4,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 327,8 triệu tấn.km, không tăng không giảm. Toàn bộ là hoạt động vận tải  đường bộ trong nước.

8. Một số vấn đề xã hội

a/ Lao động, việc làm

   Trong tháng đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.331 lượt người, nâng tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2021 là 13.107/15.000 lượt người đạt tỷ lệ 87,38%; tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm đến tháng 8/2021 đạt 7,6% (380/5.000 người); kết nối có việc làm 380/1.000 người đạt 38%.

Số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 111 hồ sơ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng 403 hồ sơ với kinh phí chi trả là 5,5 tỷ đồng, nâng tổng số hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp 8 tháng đầu năm lên 2.454 hồ sơ, trong đó có  2.562 hồ sơ có quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi gần 38 tỷ đồng.

b/ Đời sống dân cư, công tác an sinh xã hội

   Trong tháng Tám, triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Thuận; tỉnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo cho các đối tượng là hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở xã hội ngoài công lập có khả năng thiếu đói do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn tỉnh với 9.752 hộ/ 577.200 kg.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh, tổng số đối tượng hiện đang quản lý và nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là: 236/79 nữ. Trong đó: Người cao tuổi 13/10 nữ; trẻ mồ côi 45/25 nữ; người tâm thần 178/44 nữ (tâm thần đặc biệt nặng: 72/18 nữ, tâm thần nặng: 72/19 nữ, tâm thần phục hồi/thuyên giảm: 34/07 nữ).

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: Thực hiện tốt, đảm bảo, đúng quy định công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện Ma túy. Trong tháng tiếp nhận mới 01 học viên, tái hòa nhập cộng đồng 02 học viên. Số học viên hiện đang quản lý và điều trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện Ma túy tỉnh là 72/03 nữ. Trong đó: học viên tự nguyện 29/03 nữ; bắt buộc là: 43/00 nữ.

c/ Giáo dục

Ban hành Khung thời gian năm học 2021-2022 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Ban hành Danh mục mua sắm sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, phục vụ năm học 2021-2022 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới

d/ Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Phòng chống dịch Covid-19: Tính đến 18h00 ngày 24/8/2021, đợt dịch thứ 4 (phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên ngày 03/7/2021) đã phát hiện 672 trường hợp mắc Covid-19. Có 492 bệnh nhân khỏi bệnh; 05 bệnh nhân tử vong do có nhiều bệnh lý nền nhiều năm, tuổi cao. Hiện còn đang điều trị 175 ca. Toàn tỉnh đã tiêm vaccine 66.214 người, trong đó tiêm mũi 1 là 51.378 người, mũi 2 là 14.836 người.

Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay đã phát hiện 681 trường hợp mắc Covid-19. Có 501 bệnh nhân khỏi bệnh; 05 bệnh nhân tử vong.

Lũy kế từ năm 2020 đến nay đã phát hiện 684 trường hợp mắc Covid-19. Có 504 bệnh nhân khỏi bệnh; 05 bệnh nhân tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm lưu hành: Công tác giám sát được duy trì thường xuyên tại các tuyến. Tính đến ngày 20/8/2021 toàn tỉnh có 172 ca mắc Sốt xuất huyết, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2020 (172/129); 54 trường hợp mắc Tay chân miệng, tăng 2,0 lần so với cùng kỳ 2020 (54/27); 42 trường hợp mắc Thủy đậu, giảm 43,2% so với cùng kỳ năm 2020 (42/74); 03 trường hợp mắc Quai bị, giảm 57,1% so với cùng kỳ năm 2020 (3/7); Sốt phát ban nghi sởi có 01 trường hợp mắc, giảm 66,7% so với cùng kỳ năm 2020 (01/03) và bệnh Sởi ghi nhận 01 trường hợp mắc.

đ/ Văn hóa, thể thao

   Lĩnh vực Văn hóa:         Lập kế hoạch tổ chức Lễ công bố quyết định và trao bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy; trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Lễ hội Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai tỉnh Ninh Thuận” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; sưu tầm 50 hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Ninh Thuận. Tổ chức triển lãm 32 tranh cổ động Tuyên truyền kỷ niệm 74  năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021).

   Lĩnh vực thể dục, thể thao: Triển khai tổ chức tập luyện thể thao tại nhà đối với các đội thể thao thành tích cao thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-UBND ngày 16/7/2021; Quyết định ngưng triệu tập đối với 01 vận động viên thuộc Đội tuyển Taekkwondo tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao.

Lĩnh vực du lịch: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 12/5 đến nay, Ninh Thuận đã tạm dừng đón khách tham quan du lịch và chủ yếu phục vụ khách công tác, các chuyên gia. Tính đến 8/2021 trên địa bàn tỉnh có 05 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 04 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 01 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa.

e/ Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ ngày 15/7 đến 14/8/2021), xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, không có người chết, có 06 người bị thương. So với tháng trước, số vụ giảm 02 vụ (-22,2%); số người chết giảm 05 người; số người bị thương giảm 01 người (-14,3%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 06 vụ (-46,2%); số người chết giảm 06 người; số người bị thương giảm 05 người (-45,5%).

Tính chung 8 tháng, tai nạn giao thông giảm đều cả ba phương diện: xảy ra 94 vụ, làm 40 người chết, 86 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 04 vụ (-4,1%); số người chết giảm 01 người (-2,4%); số người bị thương giảm 10 người (-10,4%). Bình quân 2,6 ngày xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

g/ Tình hình cháy, nổ

Trong tháng xảy ra 01 vụ cháy thư viện trường học, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 3 triệu đồng. Lũy kế 8 tháng xảy ra 04 vụ cháy, giảm 06 vụ (-60%) so cùng kỳ năm trước; không có người chết và bị thương, bằng cùng kỳ; thiệt hại tài sản 201,6 triệu đồng, giảm 80,7%.

h/ Thiệt hại do thiên tai

   Trong tháng Tám (tính đến ngày 24/8/2021) xảy ra 02 vụ thiên tai trên địa bàn hai huyện Ninh Sơn và Ninh Phước. Vụ thứ nhất là trận mưa kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh làm tóc mái 100% nhà ở của 3 hộ dân trên địa bàn huyện Ninh Sơn, gây ra thiệt hại ước tính 31 triệu đồng. Vụ thứ hai là do lốc xoáy làm 23 căn nhà bị tốc mái, 195 ha lúa Hè thu bị gãy đổ, 20 ha táo bị hư hại, và một số thiệt hại khác hiện đang được thống kê giá trị thiệt hại./.

 

*Đính kèm file: “Phân tích kinh tế-xã hộitháng 8 năm 2021”

“Sốliệu thống kê KT-XH tháng 8 năm 2021”. 

Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)
 
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 554
  • Trong tuần: 5501
  • Tất cả: 964548

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn