Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận năm 2020
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) năm 2020 tăng 9,58% so với năm trước, là mức tăng cao thứ tư trong giai đoạn 2011-2020 (năm 2019 tăng 13,99%; năm 2017 tăng 9,96% và năm 2014 tăng 9,96%), và cũng là mức tăng trưởng cao thứ tư toàn quốc (dưới Bắc Giang 13,02%; Hải Phòng 11,22%; Quảng Ninh 10,05%).

Kinh tế - xã hội năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại.

Trong tỉnh, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bước vào năm 2020 gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là “khó khăn kép” vừa bị hạn hán gay gắt, vừa bị tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trước tình hình đó, quán triệt phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, UBND tỉnh đã bám sát và triển khai quán triệt kịp thời Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và ban hành Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh giai đoạn 2018-2023 đồng thời chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, quyết liệt, kịp thời thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm mục tiêu phòng chống đại dịch Covid-19 và ứng phó hiệu quả hạn hán, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) năm 2020 ước tăng 9,58% so với năm 2019; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,67%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 37,21%, đóng góp 8,73 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 2,08%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 là công nghiệp sản xuất và phân phối điện (tăng 129,93%) và ngành xây dựng (tăng 15,46%).



Về cơ cấu kinh tế (GRDP) năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 30,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31 %; khu vực dịch vụ chiếm 31,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,2%. (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 33,3%; 24,9%; 34,8%; 7%).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán và mưa lũ; dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, lúa Đông xuân và Hè thu tuy diện tích giảm nhưng được mùa, được giá; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi phát triển ổn định; sản xuất giống thủy sản tăng trưởng mạnh.

a) Nông nghiệp

Diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2020 đạt 68.600 ha, giảm 16,6% so năm 2019. Trong đó: Cây lúa đạt 32.508,4 ha, giảm 26,7%; năng suất ước đạt 61,7 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha; sản lượng 200,7 nghìn tấn, giảm 23,6%. Cây ngô và cây lương thực khác 10.601,8 ha, giảm 5,9%; Cây lấy củ có chất bột 5.377,8 ha, tăng 13,3%, tăng mạnh 16% ở diện tích trồng sắn do sắn là cây chịu hạn tốt, được hộ dân trồng chuyển đổi thay thế trên nền những cây trồng chịu hạn; Cây mía 2.346,9 ha, giảm 34,1%, do nguồn đầu ra không ổn định, giá mía một vài năm gần đây bấp bênh, các hộ dân phá gốc và trồng thay thế các cây có giá trị kinh tế hơn; Cây thuốc lá thực hiện 52 ha, tăng 15,6%; Cây có hạt chứa dầu 1.044,2 ha, giảm 4,6%, chủ yếu là cây đậu phộng thực hiện 859,9 ha, tăng 5,1%; Cây rau đậu, hoa cây cảnh 11.939,3 ha, giảm 5,9%; Cây hằng năm khác thực hiện 4.726,6 ha, tăng 4,5%, trong đó, cây ớt ước đạt 648,5 ha, giảm 8,4%; Cây cỏ voi 3.436,3 ha, tăng 2,1%, tăng diện tích cỏ trồng phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc.

Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu năm 2020 tăng so với năm trước: Nho đạt 26,3 nghìn tấn, tăng 3,8%; Táo 36,2 nghìn tấn. tăng 2,7%; Xoài 4,7 nghìn tấn, tăng 22,5%; Chuối 16,6 nghìn tấn, tăng 0,2%; Bưởi 0,88 nghìn tấn, tăng 33,5%; Điều 1,1 nghìn tấn, tăng 6,3%.



Đàn trâu quy mô nhỏ do hiệu quả kinh tế không cao, tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2019. Đàn bò phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt, người chăn nuôi có lãi, tăng nhẹ 1%. Đàn heo trong năm tăng lên do tác động của thị trường tiêu thụ, giá heo hơi tăng mạnh liên tục từ cuối năm 2019 đến hết tháng Sáu năm nay, sau giảm dần đến tháng Mười Một, tần suất xuất chuồng tăng không nhiều; mặt khác còn ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng và sức cung ứng người nuôi. Đàn heo của tỉnh tháng 12/2020 ước tăng 3,1% so cùng thời điểm năm 2019. Đàn dê, cừu phát triển bình thường, ít biến động, mức độ tái lập đàn nhanh, tiêu thụ tốt nên giá ngày càng tăng. Khác với năm trước, giá thịt dê hơi và cừu hơi vào các tháng cuối năm không tăng mà có xu hướng giảm. Xu hướng nuôi dê quy mô nhỏ ở đồng bằng và nuôi cừu quy mô lớn ở vùng núi được người nuôi mở rộng và phát triển mạnh. Ước tính tháng 12/2020, đàn dê, cừu tăng 2,4%. Chăn nuôi gia cầm trong năm nhìn chung ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu và giá tăng cao nên đàn phát triển khá cả số lượng và chất lượng, dần cung ứng thay thế một phần thịt heo. Tổng đàn gia cầm tháng Mười Hai ước tăng 12,4% , sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 6 nghìn tấn, tăng 10,1%; sản lượng trứng gia cầm 73,66 triệu trứng, giảm 9,2%. Tình hình dịch bệnh trong năm 2020 chỉ xuất hiện rải rác một số bệnh truyền nhiễm như Tụ huyết trùng trên trâu bò, bệnh Newcastle, Gumboro trên gà tại một số địa phương, nhưng được phát hiện sớm và khống chế kịp thời. Riêng đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, không có ổ dịch bệnh nào xảy ra.

b) Lâm nghiệp

Năm 2020, diện tích rừng trồng mới tập trung cả tỉnh ước tính đạt 422 ha, tăng 5,1% so với năm 2019 (quý IV đạt 342 ha, giảm 2,7%); sản lượng gỗ khai thác đạt 2,3 nghìn m3, tăng 2,1%; sản lượng củi khai thác đạt hơn 16,2 nghìn ste, tăng 2%.

Diện tích rừng bị thiệt hại năm 2020, diện tích rừng bị thiệt hại là 15,9 ha, giảm 31,7% so với năm 2019 (quý IV/2020 là 9,8 ha, giảm 20,6%), toànbộ là diện tích rừng bị chặt, phá.

c) Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt 128,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với năm 2019 (quý IV đạt 12,9 nghìn tấn, giảm 12,1%), bao gồm cá đạt 114,7 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 6,6 nghìn tấn, giảm 11%; thủy sản khác đạt 7,2 nghìn tấn, tăng 8,8%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2020 đạt 9,7 nghìn tấn, giảm 9,6% so với năm trước (quý IV đạt 2,2 nghìn tấn, giảm 8,2%), bao gồm cá đạt 0,2 nghìn tấn, tăng 18,3%; tôm đạt 1,4 nghìn tấn, giảm 21,3%; thủy sản khác đạt 0,6 nghìn tấn, tăng 39,6%.

Sản lượng thủy sản khai thác năm ước tính đạt 118,7 nghìn tấn, tăng 4,5% so với năm trước (quý IV đạt 10,7 nghìn tấn, giảm 12,8%), bao gồm cá đạt 9,5 nghìn tấn, giảm 15%; tôm đạt 0,2 nghìn tấn, tăng 8%; thủy sản khác đạt 1 nghìn tấn, tăng 11,1%.

3. Ngành công nghiệp năm 2020 duy trì tăng trưởng cao với tốc độ tăng giá trị tăng thêm so với năm trước đạt 58,18%, trong đó công nghiệp sản xuất và phân phối điện giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế (tăng 129,93%); khai khoáng tăng cao 36,88% nhờ khai thác muối biển tăng mạnh, bù đắp cho sự sụt giảm của các sản phẩm khác trong nhóm.

Tăng trưởng của công nghiệp năm 2020 đạt 58,18% so với năm trước (6 tháng đầu năm tăng 94,85%; 6 tháng cuối năm tăng 29,17%). Trong đó, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tiếp tục là điểm sáng của toàn ngành với mức tăng 129,93% (6 tháng đầu năm tăng 237,7%; 6 tháng cuối năm tăng 59,56%), đóng góp đóng góp 6,81 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 36,88%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,83%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo giảm 5,77% (giảm liên tiếp hai năm)[1] do bia đóng lon giảm 34,1% so với năm trước và các sản phẩm khác trong nhóm giảm, đóng góp giảm 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm nay tăng cao so với năm trước: Điện mặt trời tăng 147,8%; Điện gió tăng 58,5%; Muối biển tăng 60,6%; Xi măng Portland đen tăng 29,1%; Tinh bột khác tăng 24,7%; Nước máy thương phẩm tăng 11,2%. Tôm đông lạnh tăng 9,4%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Chỉ số sản xuất giảm 6,67% so với năm 2019; Chỉ số tiêu thụ toàn ngành giảm 8,05%; Chỉ số tồn kho tăng 13,73% so với cùng thời điểm năm trước; và Chỉ số sử dụng lao động giảm 0,31%.

Hoạt động ngành công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500 kV và các dự án hạ tầng truyền tải khác được tập trung đầu tư hoàn thành, đã tạo đột phá trong giải quyết giảm phát các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh; sản lượng điện sản xuất năm 2020 ước đạt 4.589 triệu kWh, tăng 65,5% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm đã hạn chế tốc độ tăng trưởng.



4. Năm 2020, doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với năm 2019, nhưng giảm về số lao động; trong đó đăng ký vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện phát triển mạnh với mức tăng gấp 3,8 lần số DN và gấp 6,7 số vốn so cùng kỳ 2019. Có 164 DN đăng ký bổ sung vốn điều lệ, với số vốn tăng thêm tăng 2,8 lần so cùng kỳ. Số DN tạm ngừng hoạt động còn ở mức cao, số DN quay trở lại hoạt động giảm và số DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm.

Tính đến ngày 15/12/2020, mặc dù bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng khá, đã có 647 DN thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 25,1% số DN và tăng 58,1% vốn đăng ký so cùng kỳ; trong đó ở lĩnh vực sản xuất, phân phối điện phát triển mạnh với 181 DN/ vốn đăng ký 3.512 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần số DN và gấp 6,7 số vốn so cùng kỳ; lĩnh vực xây dựng, tăng 38% so cùng kỳ (127 DN); lĩnh vực khai khoáng tăng 45,5% so cùng kỳ (16 DN). Số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp thành lập mới là 3.980 lao động, bằng 50,4% so cùng kỳ. Tổng số DN đang hoạt động đến ngày 15/12/2020 có 3.664 doanh nghiệp/ vốn đăng ký 67.325 tỷ đồng; bình quân trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp/1.000 dân (cả nước 7,9 DN/1.000 dân).



Nổi bật trong năm 2020, có 164 DN đăng ký bổ sung vốn điều lệ, với số vốn tăng thêm trên 14.589 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so cùng kỳ, nâng tổng số vốn DN đăng ký đưa vào hoạt động trong nền kinh tế trên 21.139 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, trong năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động còn ở mức cao, có 117 doanh nghiệp tạm ngừng, tăng 17% so cùng kỳ; 77 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 8,3% so cùng kỳ; 84 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13,4% so cùng kỳ.

5. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, kém sôi động hơn so với các năm trước bởi tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19. Nhưng do kịp thời khống chế hai đợt dịch, nên hạn chế nhiều về mức độ thiệt hại. Tính cả năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 4,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Hai ước tính đạt 2.186,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 23.878,6 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2019, trong đó quý IV/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 6.443,9 tỷ đồng, tăng 4,5% so với quý trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 đạt 18.893,3 tỷ đồng, chiếm 79,12% tổng mức và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung hàng hóa dồi dào, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 3.127,8 tỷ đồng, chiếm 13,10% và giảm 7,5%; du lịch lữ hành đạt 2,3 tỷ đồng, chiếm 0,01%  và giảm 59,6%; dịch vụ khác đạt 1.855,2 tỷ đồng, chiếm 7,77% và giảm 5,2% so cùng kỳ.

6. Hoạt động vận tải (chỉ có vận tải đường bộ) có nhiều biến động trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hoạt động vận tải tháng Mười Hai có những tín hiệu tích cực hơn với mức tăng 2,6% lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,3% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tính chung năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 28,7% (quý IV giảm 2% so cùng kỳ 2019) và vận chuyển hàng hóa giảm 3,4% (quý IV tăng 10,6% so cùng kỳ 2019) so với năm 2019.

Hoạt động vận tải trong tỉnh tháng Mười Hai tiếp tục xu hướng khôi phục trở lại với mức tăng 2,6% lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,3% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Lũy kế năm 2020, vận tải hành khách đạt 4,9 triệu lượt khách, giảm 28,7% so với năm trước và luân chuyển 379 triệu lượt khách.km, giảm 30,5% (quý IV đạt 1,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 2% và luân chuyển 127,9 triệu lượt khách.km, giảm 3,4%). Vận tải hàng hóa đạt 7,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 3,4% so với năm trước và luân chuyển 549,9 triệu tấn.km, giảm 5,2% (quý IV đạt 2,3 triệu tấn hàng hóa, tăng 10,6% và luân chuyển 169 triệu tấn.km, tăng 8,5%).

7. Dịch vụ viễn thông

Doanh thu hoạt động viễn thông ước tính  năm 2020 đạt 742,67 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 12/2020, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 673 nghìn thuê bao, đạt mật độ 113,3 thuê bao/100 dân, trong đó thuê bao di động đạt 627 nghìn thuê bao; thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định đạt 298,7 nghìn thuê bao.

8. Hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong năm do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tuy nhiên thị trường đang có dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước khi dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả.

Huy động vốn: Ước đến 31/12/2020, huy động vốn đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 1.252 tỷ đồng (+8%) so với cuối năm trước, bằng 96,4% so với kế hoạch đề ra, đáp ứng khoảng 58,3% nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Hoạt động tín dụng: ước đạt 29.900 tỷ đồng, tăng 5.352 tỷ đồng (+21,8%) so với cuối năm 2019, bằng 103,2% kế hoạch năm 2020. Chất lượng tín dụng: Tổng nợ xấu ước đến 31/12/2020 của các TCTD trên địa bàn là 160 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,54% trong tổng dư nợ, giảm 0,12% so với tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019 (số tuyệt đối giảm 2,7 tỷ đồng).

9. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 đạt mức tăng 37,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 59% với tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư lớn nhất 78,7%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 ước đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2019 (quý IV đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2%), trong đó: nguồn vốn ngân sách nhà nước ước đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội và tăng 20,3%; khu vực ngoài nhà nước 24,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,7% và tăng 59%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 2,7 nghìn tỷ đồng chiếm 8,7% và giảm 31,8%. Nguyên nhân tăng chủ yếu do nguồn đầu tư doanh nghiệp vào các dự án năng lượng tái tạo để được hưởng các chính sách vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với giá điện 9,2 cent/kwh; đặc biệt đầu tư của tập đoàn Trung Nam vào đường dây 500 KV và nhà máy điện mặt trời 450 MW giá trị đầu tư 12.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2020, góp phần làm tăng vốn đầu tư của tỉnh trong năm nay so với năm 2019.

10. Thu, chi ngân sách Nhà nước trong năm đạt kết quả tích cực do công tác kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện tốt và có hiệu quả, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường.

Tổng thu ngân sách tỉnh (ước đến ngày 31/12/2020) đạt 3.900 tỷ đồng và đạt 111% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó: Thu nội địa 2.700 tỷ đồng, đạt 100% dự toán được HĐND tỉnh giao, giảm 6,2% so với năm 2019; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.200 tỷ đồng, gấp 1,5 lần dự toán HĐND tỉnh giao. (Theo báo cáo ước năm 2020 của Sở tài chính)

Tổng chi ngân sách tỉnh ước đạt 6.401 tỷ đồng, đạt 99% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó: Chi cân đối ngân sách địa phương 4.158 tỷ đồng, đạt 98% dự toán; Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu 2.243 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

11. Kim ngạch xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Tính chung cả năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 575 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 8,8%. Trong năm, nhập siêu ước tính đạt 395 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 90 triệu USD, giảm 10% so cùng kỳ năm 2019 tăng 12,5% so kế hoạch (80 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu gồm: Thủy sản ước đạt 35 triệu USD, giảm 6,4% so cùng kỳ 2019; nhân điều ước đạt 30 triệu USD, giảm 32%; mặt hàng khác ước đạt 25 triệu USD, tăng 34,4%. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Mỹ, Nhật, Canada, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hong Kong, Hà Lan, Anh, Singapore,.... Nhìn chung, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu giảm do một số thị trường truyền thống bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước đạt 485 triệu USD, giảm 8,8% so cùng kỳ năm 2019 và tăng 29,3% so kế hoạch (375 triệu USD).

12. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2020 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 3,98% so với tháng 12 năm trước, chủ yếu do giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011 và giá các mặt hàng nhiên liệu (gas, xăng dầu) tăng liên tiếp trong những tháng gần đây. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,15% so với năm trước, đây là năm tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.



a) Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,52% so với tháng trước. Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng Mười Hai tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 2,02%. CPI quý IV/2020 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân năm 2020 tăng 5,15% so với bình quân năm trước.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 12/2020 giảm 0,34% so với tháng trước; tăng 29,47% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 tăng 26,62% so với năm 2019; giá vàng 9999 hiện ở mức 5.340.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,04% so với tháng trước và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 tăng 0,17% so với năm 2019; giá Đô la Mỹ hiện ở mức 23.200 đồng/USD.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Do chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đời sống dân cư trong tỉnh nhìn chung gặp khó khăn; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình hạn hán xảy ra đã tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nhiều diện tích gieo trồng phải dừng sản xuất; một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhất là lĩnh vực: du lịch, khách sạn, nhà hàng...; hoạt động giáo dục phải tạm ngừng, sinh viên, học sinh các cấp phải nghỉ học từ tháng 02 đến gần hết tháng 4/2020 làm ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư và khung kế hoạch của ngành giáo dục. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai kịp thời, đúng đối tượng.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Tổ chức cấp phát gạo do Chính phủ hỗ trợ cho hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 với tổng số gạo là 658,155 tấn cho 10.910 hộ/43.877 khẩu. Hỗ trợ quà Tết cho 11.925 hộ nghèo với kinh phí 2,39 tỷ đồng. Tổ chức phân bổ, cấp phát 954,51 tấn gạo cứu đói cho nhân dân vùng hạn hán trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1495/QĐ-TTg ngày 02/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định. Bên cạnh đó, có hơn 259 nghìn thẻ bảo hiểm y tế được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả tỉnhTính đến ngày 10/12/2020, đã hoàn thành việc xét duyệt và chi trả cho 08 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh là 3.976 người/3,98 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách địa phương (50% từ kinh phí ngân sách + 50% từ nguồn kính phí xã hội hóa do UBMTTQVN tỉnh quản lý).

2. Công tác giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên chương trình học và lịch học kỳ II năm học 2019-2020, lịch thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 được điều chỉnh phù hợp với kế hoạch chung.

Năm học 2019-2020, cả tỉnh có 113,8 nghìn học sinh phổ thông, tăng 1,4% so với năm học trước, bao gồm: 58,9 nghìn học sinh tiểu học, tăng 2%; 38,1 nghìn học sinh trung học cơ sở, tăng 0,9% và 16,8 nghìn học sinh trung học phổ thông, tăng 0,3%.

Công tác tổ chức kỳ thi đang được chuẩn bị, đảm bảo trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém, đặc biệt phát hiện xử lý gian lận thi cử và tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho học sinh tham dự kỳ thi.

3. Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tình hình dịch đang được kiểm soát tốt và chuyển sang trạng thái bình thường mới, tiếp tục chuỗi ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng.

Phòng chống dịch Covid-19: Trong năm 2020, toàn tỉnh có 03 trường hợp nhiễm dịch bệnh Covid-19, đó là các bệnh nhân: BN61, BN67 (người Việt, nhập cảnh, nhiễm bệnh 3/2020, được công bố khỏi bệnh tháng 4/2020) và BN1221 (chuyên gia người Đức, nhập cảnh, nhiễm bệnh 11/2020); trong đó, BN1221 sau 21 ngày điều trị có 04 lần xét nghiệm âm tính, sức khỏe ổn định đã được xuất viện, về tiếp tục cách ly điều trị tại nơi làm việc.

Các bệnh truyền nhiễm khác: Trong năm, phát hiện 455 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, giảm 70,6% so với năm 2019; bệnh tay chân miệng phát hiện 248 trường hợp, giảm 32,8%; sốt rét 06 trường hợp, giảm 88,5%. Chưa có trường hợp tử vong do ba bệnh trên. Các bệnh truyền nhiễm khác như Thủy đậu 82 trường hợp, tăng 06 trường hợp; Thương hàn (07 trường hợp), Quai bị 11 trường hợp, giảm 88,8%...

Tính từ 1995 đến nay, toàn tỉnh có 560 trường hợp nhiễm HIV (nam 399, nữ 161), chuyển sang AIDS 430 trường hợp, tử vong do AIDS 215 trường hợp. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng hiện tại là 0,05%.

4. Các hoạt động văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến không tổ chức hoặc lùi ngày tổ chức.

Lĩnh vực Văn hóa: Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch, trưng bày, triển lãm nhân kỷ niệm các ngày lễ Tết và các sự kiện của tỉnh; tiêu biểu là Chương trình Coundown “Ninh Thuận - Chào năm mới 2020”, hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào đón Tết dương lịch, Mừng Đảng – Mừng Xuân và đón Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 phục vụ nhân dân trên toàn tỉnh; các hoạt động văn hóa – văn nghệ chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Lễ phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; lễ hội Katê của dân tộc Chăm.

Lĩnh vực thể thao: Tổ chức đào tạo 13 đội thể thao ở các môn: Taekwondo, Điền kinh, Vovinam, Karatedo, Quần vợt, Cầu lông, Cờ vua; với 16 huấn luyện viên và 50 vận động viên. Tham dự 14 giải thể thao, trong đó có 11 giải quốc gia, 03 giải khu vực mở rộng, đạt 41 huy chương các loại (Quốc gia: 07 HCV, 06 HCB, 14 HCĐ; Khu vực: 09 HCV, 03 HCB, 02 HCĐ). Tổ chức 01 giải thể thao quốc tế, 02 giải thể thao quốc gia, 09 giải thể thao cấp tỉnh; 03 giải thể thao phối hợp liên tịch cấp tỉnh và 15 giải thể thao phối hợp với các Sở, ban ngành.

5. Tình hình tai nạn giao thông trong năm giảm trên 2 tiêu chí do hiệu quả của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và ảnh hưởng của giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19.

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 154 vụ tai nạn giao thông (tính cả va chạm giao thông), làm 62 người chết và 147 người bị thương. So với năm 2019, tai nạn giao thông giảm hai tiêu chí số vụ tai nạn và số người bị thương nhưng tăng tiêu chí số người chết. Số vụ tai nạn giao thông năm 2020 giảm 3,7% (-6 vụ) so với năm trước; số người chết tăng 17% (+9 người); số người bị thương giảm 19,2% (-35 người). Trong tổng số 154 vụ tai nạn giao thông có 152 vụ (chiếm 98,7%) xảy ra trên đường bộ, làm 60 người chết và 147 người bị thương. Bình quân 2,5 ngày xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông.

6. Tình hình cháy, nổ

Trong năm 2020 xảy ra 15 vụ cháy, tăng 03 vụ so cùng kỳ, không có trường hợp thương vong (giảm 01 trường hợp bị thương so với năm trước), thiệt hại tài sản gần 11,7 tỷ đồng, tăng 64,1% so cùng kỳ. Vụ nổ không xảy ra./.

*Đính kèm file: - Phântích kinh tế-xã hội năm 2020
Số liệu KT-XH năm 2020.pdf
Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)


























Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 4804
  • Tất cả: 965928

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn