Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận tháng 10 năm 2020
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào thu hoạch dứt điểm lúa Hè thu gieo muộn. Chăn nuôi phát triển tốt do mưa nhiều, thức ăn xanh dồi dào. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng mùa mưa. Thủy sản ổn định.

a/ Nông nghiệp

* Trồng trọt: Trong tháng 10 liên tục nhiều cơn áp thấp nhiệt đới hình thành bão liên tiếp gây mưa lớn kéo dài trên toàn tỉnh, lượng nước trên các hồ, đập, lưu vực sông dâng cao, một số hồ chứa phải xả nước gây ngập úng vùng hạ lưu (huyện Ninh Phước), ảnh hưởng số diện tích Hè thu chưa thu hoạch.



Ước tính vụ mùa 2020 diện tích gieo trồng đạt 20.706 ha, giảm 11% so cùng kỳ. Trong đó: Cây lúa 10.361 ha, giảm 17,4% so cùng kỳ. Hầu hết diện tích các nhóm cây đều giảm so cùng kỳ do những vùng gieo cấy vụ Hè thu trễ không kịp sản xuất vụ mùa và chuyển sang gieo trồng vụ Đông xuân sớm, làm giảm mạnh diện tích gieo trồng vụ mùa 2020.

* Chăn nuôi: Đàn bò có 122,4 nghìn con, tăng 1,1% so cùng kỳ, giá cả ổn định và lượng xuất chuồng tăng khá so cùng kỳ. Đàn heo hiện có 101,4 nghìn con, giá thịt heo hơi tăng cao so cùng kỳ, xuất chuồng tiếp tục tăng làm cho tổng đàn giảm 2,3% so cùng kỳ. Đàn dê, cừu có 267,8 nghìn con (dê 138,4 nghìn con; cừu 129,4 nghìn con), tăng 2,3% so cùng kỳ, giá cả có xu hướng tăng, nhu cầu và thị trường tiêu thụ thịt dê, cừu ổn định. Tổng đàn gia cầm hiện có 1.866,8 nghìn con, tăng 6,1% so cùng kỳ; trong đó: đàn gà 1.246,6 nghìn con, tăng 6,8%; đàn vịt 583,7 nghìn con, tăng 5,1%.

b/ Lâm nghiệp: Tình hình lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng. Dự kiến tháng này sẽ trồng hết các diện tích khoảng 342 ha (110 ha trồng rừng theo chương trình mục tiêu và 232 ha trồng rừng thay thế) nâng tổng diện tích rừng trồng lên 422 ha, đạt 100% kế hoạch và tăng 5,1% so cùng kỳ. Diện tích rừng trồng được chăm sóc 908,84 ha, giảm 50,9% so cùng kỳ (năm 2 là 401,5 ha, năm 3 trở lên là 507,34 ha).

c/ Thủy sản: Trong tháng, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới hình thành bão liên tục, nghề khai thác chủ lực vây ánh sáng không tham gia đánh bắt. Một số tàu công suất lớn số ít vẫn bám biển, khai thác tại ngư trường các tỉnh Nam bộ, tốc độ đánh bắt sản lượng không bằng cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 10/2020 ước đạt 6.087,4 tấn, giảm 21,3% so cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng năm 2020 đạt 121,6 nghìn tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó: thủy sản khai thác đạt 113,4 nghìn tấn, tăng 4,9%.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2020 tiếp tục tăng trưởng cao với điểm sáng sản xuất điện năng lượng tái tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tăng 5,38% so với tháng trước và tăng 25,58% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 44,30%, là mức cao nhất trong nhiều năm qua.



Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2020 dự ước tăng 25,58% so tháng cùng kỳ 2019; trong đó: chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng giảm 39,38%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm 3,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 52,93%. Tính chung 10 tháng, ước chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 44,3% so cùng kỳ; trong đó: ngành khai khoáng tăng 32,22%; ngành chế biến, chế tạo giảm 4,80%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao 105,46%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu thực hiện trong tháng

- Sản xuất muối biển: thời tiết mưa nhiều, vì vậy sản lư­ợng muối khai thác trong tháng ­ước đạt 8,2 ngàn tấn, giảm 56,6% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng ước đạt 471,9 ngàn tấn, tăng 90,8%.

- Bia đóng lon: ước đạt 5,5 triệu lít, giảm 1,5%. Tính chung 10 tháng bia đóng lon ước đạt 35,2 triệu lít, giảm 25,3%.

- Tôm đông lạnh: ước đạt 650 tấn các loại, tăng 18,2%. Tính chung sản xuất 10 tháng ước đạt 5.652,5 tấn, tăng 13%.

- Hạt điều nhân: dự kiến trong tháng sản xuất 375,8 tấn, giảm 10,6%. Thực hiện 10 tháng ước đạt 3.659,7 tấn, giảm 10,4%.

- Khăn bông các loại: ước đạt 227 tấn, giảm 60,3%. Tính chung 10 tháng sản xuất ước đạt 3.826 tấn, tăng 0,8%.

- Xi măng các loại: ước đạt 15,5 nghìn tấn, giảm 0,4%. Tính chung 10 tháng sản xuất xi măng ước đạt 195,5 ngàn tấn, tăng 32,2%.

- Gạch nung các loại: ước đạt 5,3 triệu viên, giảm 34%. Tính chung 10 tháng sản xuất ước đạt 57 triệu viên, giảm 26,5% cùng kỳ.

- Điện sản xuất: ước đạt 456,1 triệu kwh, tăng 42,2%; trong đó: điện năng lượng tái tạo đóng góp 319,3 triệu kwh. Tính chung 10 tháng ước đạt 3.575,9 triệu kwh, tăng 63% so cùng kỳ; trong đó: điện năng lượng tái tạo sản xuất ước đạt 2.610,9 triệu kwh, là sản phẩm chủ yếu làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành.

3. Vốn đầu tư phát triển

Với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế, Nhà nước đã tăng cường đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trên địa bàn tỉnh tăng mạnh.

Ước vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trên địa bàn tỉnh trong tháng 10 năm 2020 đạt 164,2 tỷ đồng, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2020 đạt 1.407,5 tỷ đồng, tăng 42,1%.

4. Thu, chi ngân sách

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương khác trên cả nước gây cản trở sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến thu ngân sách nội địa. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước, và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh.



Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 31/10/2020 ước đạt 3.193 tỷ đồng/ 3.500 tỷ đồng, đạt 91,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó: thu nội địa ước đạt 2.143 tỷ đồng/ 2.700 tỷ đồng, đạt 79,4% dự toán HĐND tỉnh giao; thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.050 tỷ đồng/ 800 tỷ đồng, đạt 131,3% dự toán HĐND tỉnh giao.

Tổng chi ngân sách địa phương đạt 4.859 tỷ đồng/ 6.495 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Nhìn chung, công tác chi ngân sách được đảm bảo kế hoạch và đáp ứng kịp thời việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi hành chính và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác.

5. Thương mại, giá cả, vận tải

a/ Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 10/2020 có xu hướng tăng so với tháng trước do kiềm chế được đợt bùng phát Covid-19 lần hai. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 10/2020 ước đạt 2.113,4 tỷ đồng,  tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó: doanh thu bán lẻ đạt 1.660,5 tỷ đồng, tăng 2% và tăng 9,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 283,9 tỷ đồng, tăng 3,4% và tăng 2,6%; doanh thu dịch vụ khác 168,8 tỷ đồng, tăng 4,4% và giảm 1,4%.

Lũy kế 10 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 19.546,4 tỷ đồng, tăng 4%  so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu bán lẻ đạt 15.527,1 tỷ đồng, tăng 8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.526,2 tỷ đồng, giảm 9,8%; doanh thu dịch vụ khác 1.491,1 tỷ đồng, giảm 7,4%.

b) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 3,14% so với tháng 12/2019. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng so với tháng 9 chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt bão và mưa trên diện rộng làm nguồn cung thực phẩm giảm; giá gas tăng;..

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước; tăng 5,40% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,27%.

CPI tháng 10/2020 tăng so với tháng trước là do: Giá gas bán lẻ trong nước đồng loạt tăng thêm 6.000 đồng/bình 12kg. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp giá gas tiếp tục đà tăng giá và lần tăng giá thứ 6 tính từ đầu năm với tổng mức tăng gần 95.500 đồng bình/12kg. Nhóm thực phẩm tăng chủ yếu giá trứng thịt gia cầm, thủy hải sản và rau quả do thời gian mưa nhiều nên lượng cung ứng hàng hóa giảm đã đẩy giá những mặt hàng này tăng so với tháng trước. Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,30% do lượng sử dụng điện trong tháng của người tiêu dùng tăng so với tháng trước. Giá một số mặt hàng văn hóa, giải trí và du lịch tăng do trong tháng có ngày lễ kỷ niệm 20-10, ngày phụ nữ Việt Nam nên nhu cầu về một số hàng hóa như hoa hồng, du lịch, vui chơi giải trí tăng.

c) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải tháng 10/2020 tương đối ổn định. Tuy gặp mưa bão, nhưng doanh thu vẫn tăng 2,2% so tháng trước và tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2019 do hoạt động vận tải đang dần khôi phục sau dịch Covid-19.

Doanh thu vận tải và bốc xếp tháng 10 năm 2020 ước đạt 116,9 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 31,0 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019; vận tải hàng hóa đạt 80,4 tỷ đồng, tăng 7,9%.

Lũy kế 10 tháng năm 2020 ước đạt 936,2 tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 230,2 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019; vận tải hàng hóa đạt 661,5 tỷ đồng, giảm 2,9%.

6. Một số tình hình xã hội

a/ Công tác lao động-việc làm và bình đẳng giới: Trong tháng, số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 532 hồ sơ, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng 541 hồ sơ với kinh phí chi trả là 8 tỷ đồng; nâng tổng số hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm lên 4.801 hồ sơ, trong đó có 4.495 hồ sơ có quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi là 62 tỷ đồng.

Công tác tư vấn giới thiệu việc làm tiếp tục được triển khai, trong 10 tháng đầu năm, đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 17.949/15.000 lượt người, đạt tỷ lệ 119,66% kế hoạch năm. Số lao động kết nối có việc làm 862/1.000 người đạt 86,2%.

b/ Tình hình Dịch bệnh- Y tế- An toàn thực phẩm

Tình hình mắc
một số bệnh dịch lưu hành tại địa phương từ ngày 01/01/2020 đến 15/10/2020 như sau: Sốt xuất huyết 250 ca, giảm 959 ca (-79,7%) so cùng kỳ năm 2019; Tay chân miệng 132 ca, giảm 121 ca (-47,8%); Sốt rét 06 ca, giảm 36 ca (-85,7%); Thủy đậu 80 ca, tăng 24 ca (+42,9%); Quai bị 10 ca, giảm 60 ca (-85,7%);...

* Phòng chống dịch bệnh Covid-19 (tính đến ngày 18/10/2020): Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không phát hiện trường hợp nhiễm mới ngoài 02 trường hợp BN61 và BN67.

c/ Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 10 xảy ra 02 vụ cháy, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại khoảng 2,58 tỷ đồng, đều chưa rõ nguyên nhân gây cháy. Trong đó, 01 vụ cháy tại trạm Inverter trên cánh đồng pin thuộc công ty Điện mặt trời Trung Nam tại huyện Thuận Nam, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng; 01 vụ cháy nhà dân tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại khoảng 80 triệu đồng.

d/ Tai nạn giao thông (Số liệu tính từ ngày 15 tháng 9 năm 2020 đến ngày 14 tháng 10 năm 2020)

Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 03 vụ tai nạn nghiêm trọng và 12 vụ va chạm giao thông, làm chết 03 người và bị thương nhẹ 13 người. So với tháng 9/2020, số vụ tai nạn giao thông tăng 02 vụ (+15,4%); số người chết giảm 04 người (-57,1%); số người bị thương tăng 07 người (+88%). So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tai nạn giao thông không tăng không giảm; số người chết giảm 02 người (-40%); số người bị thương giảm 01 người (-6,3%).


Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, tai nạn giao thông xảy ra 126 vụ, giảm 10,6% (- 15 vụ) so cùng kỳ năm 2019; làm chết 51 người (tăng 01 người); bị thương 119 người, giảm 27,4% (- 45 người). Như vậy tai nạn giao thông qua 10 tháng đầu năm 2019 giảm 2 tiêu chí là số vụ và số người bị thương./.

*Đính kèm file: Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 năm 2020
       Số liệu KT-XH tháng 10 năm 2020


Nguyễn Hồng Thiện
(Phòng thống kê Tổng hợp)























































Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 304
  • Trong tuần: 4696
  • Tất cả: 966958

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn