BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5 NĂM 2020

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Trồng trọt: tính đến ngày 15/5/2020, toàn tỉnh lúa đông xuân cơ bản đã thu hoạch xong, một số diện tích gieo cấy chậm dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm trong tuần đầu tháng 6, ước năng suất lúa của toàn tỉnh đạt 66,7 tạ/ha, tăng 1,5tạ/ha so cùng kỳ, sản lượng lúa ước đạt 79,8 nghìn tấn, giảm 28,2% so cùng kỳ do diện tích gieo trồng giảm. Ước năng suất ngô đạt 61,6 tạ/ha, tăng 2,4tạ/ha, sản lượng ngô khoảng 14,6 nghìn tấn, giảm 8,2% so cùng kỳ do diện tích giảm. Năng suất rau các loại ước đạt 179,3 tạ/ha, giảm 10,6% so cùng kỳ; sản lượng rau các loại ước được 54,2 nghìn tấn, giảm 13,1%; Năng suất đậu các loại ước đạt 8,5 tạ/ha, giảm 2,5tạ/ha, sản lượng đậu các loại ước đạt 680,9 tấn, giảm 22,5% so cùng kỳ; năng suất cỏ làm thức ăn gia súc đạt 596,7 tạ/ha, tăng 24,6 tạ/ha, sản lượng tăng 5% so cùng kỳ.

Nhìn chung, năng suất trên các loại cây giảm (trừ năng suất lúa và ngô tăng)  do tình hình hạn hán, thiếu nước sản xuất trên diện rộng, một số bệnh rầy nâu, vàng lá; hiện tượng ruồi vàng tấn công không những trên diện tích cây lâu năm mà cây hằng năm cũng bị ảnh hưởng nặng ngay thời điểm ra hoa và quả non, gây thiệt hại đáng kể đến năng suất và sản lượng trên nhiều diện tích cây trồng.

  Trước tình hình nắng nóng gay gắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, ứng phó với nắng hạn theo hướng là không mở rộng diện tích lúa, chú trọng chuyển đổi cây trồng cạn để tiết kiệm nước..

Chăn nuôi: Đàn trâu hiện có 3.990 con, tăng nhẹ 0,3% so cùng kỳ do số lượng gầy đàn tăng chậm; Đàn bò hiện có 117.852 con, tăng 0,4% so cùng kỳ, xu hướng nuôi vỗ béo và nuôi kết hợp với trồng măng tây ở hộ gia đình ngày càng gia tăng (khu vực đất cát xã Phước Hải và An Hải), giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định và tăng mạnh trong các tháng gần đây; Đàn heo hiện có 95.962 con, giảm 10,7% so cùng kỳ; Tổng đàn dê, cừu hiện có 270.440 con, tăng 10% so cùng kỳ (đàn dê 138.198 con, giảm 2,8%; đàn cừu đạt 132.242 con, tăng 14,9%); Do nắng hạn kéo dài, đồng cỏ tự nhiên không đủ đáp ứng nên đàn dê có phần giảm mạnh. Tổng đàn gia cầm hiện có 1.735,3 nghìn con, tăng 4,5% so cùng kỳ, trong đó: gà 1.187,4 nghìn con, tăng 5,3%, vịt 517,8 nghìn con, tăng 2,5%. Đàn gia cầm tăng lên là do người nuôi ngày càng nhiều, dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu trong những ngày lễ, tết, thờ cúng của đồng bào chăm tăng cao; mặt khác do cung thịt heo thiếu nên nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng lên (nhất là thịt gà và vịt) để thay thế thịt heo đang giảm sút.

Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt; thị trường và giá tiêu thụ đối với gia súc có sừng và con heo (nhất là bò và cừu) đang hút mạnh từ thị trường trong và ngoài tỉnh sẽ xuất mạnh trong các tháng tới.Riêng đối với trâu, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nội bộ tỉnh, giết thịt phục vụ cho cúng tế của đồng bào chăm, sản lượng không nhiều.

             b. Lâm nghiệp

Tình hình sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trong tháng 5 năm 2020 chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc bảo vệ rừng trên diện tích 675,28 ha (năm 2 là 401,5 ha, năm 3 trở lên 273,78 ha) bằng 36,5% so cùng kỳ là do diện tích chăm sóc năm 3 trở lên chuyển thành rừng (chưa loại trừ diện tích chăm sóc năm thứ 3 để lại chăm sóc năm thứ 4). Các BQL rừng của tỉnh đang thiết kế, làm đất và ươm giống cây cho kế hoạch trồng rừng năm 2020.

Khai thác gỗ khu vực nhà nước không thực hiện. Khai thác gỗ trong  tháng chủ yếu thuộc hộ cá thể ước đạt 180,5 m3 tăng nhẹ 0,3% so cùng kỳ, nâng tổng số gỗ khai thác 5 tháng lên 1.197,5 m3; củi khai thác và thu nhặt ước đạt 875 ster, tăng 1,7% so cùng kỳ, chủ yếu từ rừng tự nhiên và một phần cành ngọn từ gỗ rừng trồng.

Tình hình thời tiết nắng nóng còn tiếp tục kéo dài nên công tác phòng chống cháy rừng vẫn luôn được các Ban quản lý rừng và các Công ty Lâm nghiệp đặc biệt quan tâm và cảnh báo. Vi phạm lâm luật trong tháng 5 năm 2020 là 30 vụ, giảm 8 vụ so cùng kỳ.   

          c. Thủy sản

Sản lượng thuỷ sản tháng 5 năm 2020 ước đạt 11,87 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2020 đạt 43,66 nghìn tấn, giảm 1,2% so cùng kỳ, trong đó, sản lượng khai thác đạt 40,78 nghìn tấn, giảm 0,2% so cùng kỳ.

Trong tháng tình hình thời tiết trong tháng 5/2020 khá thuận lợi trong vụ cá Nam, hầu hết các tàu thuyền khai thác trên các vùng biển, tàu thuyền ra khơi đánh bắt nhiều hơn tháng cùng kỳ năm trước. Ngư trường chủ yếu từ Ninh Thuận đến đảo Phú Quốc-Kiên Giang xuất hiện cá nổi (cá cơm, cá nục), với mật độ dày, nên trong khoảng thời gian này đa số tàu cá hành nghề pha xúc, lưới vây, mành,… đồng loạt ra khơi khai thác và đạt hiệu quả cao.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2,88 nghìn tấn, giảm 13,8% so cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm đạt 1,6 nghìn tấn, giảm 3,9%, thủy sản khác đạt 1,04 nghìn tấn, giảm 8,7%.

Hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống trong tháng có nhiều dấu hiệu tích cực, do bắt đầu vào vụ nuôi tôm thương phẩm chính tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên nhu cầu tôm giống cao, giá bán ổn định. Sản xuất giống thủy sản ước đạt 2.396 triệu con, tăng 14,3% so cùng kỳ; nâng sản lượng giống thủy sản qua 5 tháng đầu năm 2020 đạt 18.651 triệu con, tăng 8,7% so cùng kỳ.

             2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 5/2020 dự tính  tăng 40,66% so cùng kỳ 2019 (chỉ số sản xuất tháng 4 tăng 55,47%). Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 5 tháng đầu năm ước tăng 61,53% so cùng kỳ 2019.

Chỉ số sản xuất công nghiệp phân theo ngành kinh tế chủ yếu:

+ Công nghiệp khai khoáng: chỉ số ngành công nghiệp khai khoáng tháng 5 ước giảm 2,78% cùng kỳ; trong đó, chủ yếu do hoạt động khai thác đá xây dựng giảm 22,7%; hoạt động khai thác muối biển tăng 1,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp khai khoáng lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 33,76% so cùng kỳ năm trước.

+ Công nghiệp chế biến, chế tạo: chiếm tỷ trọng 59,32% (quyền số sản xuất toàn ngành), chỉ số sản xuất ước tháng 5 giảm 5,1% so tháng cùng kỳ, chỉ số sản xuất cộng dồn 5 tháng đầu năm giảm 14% cùng kỳ. Trong đó:

- Sản xuất chế biến thực phẩm, dự ước đạt 92,09% so tháng cùng kỳ, bao gồm các ngành: chế biến thủy sản (tôm đông lạnh) giảm 12,32%; chế biến rau quả (nhân điều) giảm 3,31%; sản xuất tinh bột (tinh bột sắn) giảm 51,3%; sản xuất đường (rs) ngừng hoạt động; chế biến muối thực phẩm tăng 13,34%.

- Sản xuất đồ uống (chủ yếu bia đóng lon các loại), giảm 5,82% so cùng kỳ.

- Ngành dệt (SX sợi, khăn bông), ước tính tăng 35,38% .

- Ngành sản xuất trang phục giảm 12,11% so cùng kỳ.

- Sản xuất vật liệu xây dựng tăng 2,7% so cùng kỳ, trong đó: sản xuất gạch đất nung giảm 1%; sản xuất xi măng tăng 8,26%.

+ Công nghiệp sản xuất và phân phối điện... : Chỉ số sản xuất ước tính tháng 5 tăng 115,64%, đóng góp tăng chủ yếu vào chỉ số chung toàn ngành. Sản lượng điện sản xuất trong tháng 5 ước tăng 45,3%; trong đó: điện mặt trời tăng 191%, điện gió tăng 6,57 lần, thủy điện giảm 41,8% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất cộng dồn 5 tháng ước tăng 240,6% so cộng dồn cùng kỳ 2019.

            3. Đầu tư

Dự kiến vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trên địa bàn tỉnh trong tháng 5 năm 2020 đạt 84,2 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2020 đạt 374,1 tỷ đồng, giảm 23%, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt  261tỷ đồng, giảm 22,3%, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 113,2 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư tháng 5 năm 2020 thuộc nguồn ngân sách tỉnh chủ yếu thực hiện các dự án: Đường tỉnh lộ 702 đến đèo Khánh Nhơn, hệ thống kênh cấp 2,3 và nâng cấp tuyến đường quản lý Sông Biêu huyện Thuận Nam, khu neo đậu tránh bão cửa sông cái (cảng cá Đông Hải), các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã huyện Thuận Bắc, đập dâng hạ lưu Sông Dinh (Chi cục Thủy Lợi), dự án đầu tư xây dựng vườn quốc gia Núi Chúa giai đoạn 2016-2020, khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai-Ninh Thuận WB,  trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn (cơ sở 2), hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Quảng Sơn huyện Ninh Sơn, cơ sở hạ tầng khu du lịch Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, hệ thống thủy lâm kết hợp để phòng chống sa mạc hóa, mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (WB3) .  

 4. Tài chính, ngân hàng

 a. Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.100 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng, đạt 25% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao; trong đó: thu nội địa đạt 850 tỷ đồng/2.700 tỷ đồng đạt 31% dự toán; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 250 tỷ đồng /800 tỷ đồng đạt 31,2% dự toán.

Chi ngân sách tỉnh 2.174 tỷ đồng/6.495 tỷ đồng, đạt 33% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên theo kế hoạch được giao, giải quyết các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm kinh phí chi phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng của địa phương. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi hành chính và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác. Trong mua sắm tuân thủ đúng quy định của nhà nước, quy định của cơ quan bảo đảm thiết thực - tiết kiệm - hiệu quả.

b. Ngân hàng

Theo báo cáo của Chi nhánh ngân hàng nhà nước tỉnh, ước tính đến cuối tháng 5 năm 2020 tổng nguồn vốn huy động đạt 15.400 tỷ đồng, tăng 0,65% so với tháng trước, giảm 1,58% so với cuối năm 2019, bằng 87,8% kế hoạch năm 2020.

Ước đến cuối tháng 5/2020 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 25.500 tỷ đồng, giảm 0,95% so với tháng trước, tăng 3,88% so với cuối năm 2019, bằng 88% kế hoạch.

Ước đến cuối tháng 4/2020, dư nợ xấu trên địa bàn là 180 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,7% so với tổng dư nợ, tăng 0,03% so với tỷ lệ nợ xấu cuối tháng trước, tăng 0,04% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019.  

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong tháng 5/2020 ổn định và an toàn. Các chủ trương, chính sách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Ngành và của tỉnh liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng được quán triệt đầy đủ, triển khai kịp thời và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân và dân cư có sự sụt giảm so với cuối năm 2019, một phần do tác động bởi dịch covid -19 đã ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận người dân và doanh nghiệp. Ngược lại, dư nợ tín dụng tiếp tục có sự tăng trưởng so với cuối năm 2019 (tăng 3,88%), cho thấy nỗ lực của ngành ngân hàng trong cung ứng vốn tín dụng giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh,... tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch covid -19 vẫn còn tiếp diễn. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của Ngành và của Tỉnh. Tín dụng chính sách được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các TCTD chấp hành nghiêm các quy định về tỷ giá và hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng; tăng cường thực hiện các biện pháp mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ; công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng hoạt động ngân hàng và nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương trên địa bàn của NHNN tỉnh được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót, sự cố. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động ngân hàng Ninh Thuận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: về chất lượng tín dụng, nợ xấu tuy trong tầm kiểm soát nhưng tiềm ẩn rủi ro phát sinh cao, nhất là trong tình hình sản xuất kinh doanh của một bộ phận khách hàng còn tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Nợ nhóm 4, nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn (trên 75%) do hoạt động một số doanh nghiệp có dư nợ lớn gặp khó khăn, chậm phục hồi, thậm chí phá sản; công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chậm,...

5. Thương mại, giá cả và dịch vụ

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 năm 2020 đạt 1.972,6 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.149,3 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019.

a. Bán lẻ hàng hóa

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5 năm 2020 đạt 1.553,2 tỷ đồng, tăng 21,5% so với tháng trước và tăng 9,4% so tháng cùng kỳ. Lũy kế tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2020 đạt 7.415,6 tỷ đồng, tăng 5,3%  so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 05 năm 2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Chỉ thị 13/CT-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2020 về việc tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới; theo đó thực hiện nới lỏng các hạn chế: đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ; tình hình tổng mức bán ra của tất cả các thành phần kinh tế đều có xu hướng tăng lên tăng ở đa số các nhóm mặt hàng, trong đó nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trong cao, tăng cao 13,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo nhóm nhóm gỗ, vật liệu xây dựng tăng 14,9% do nhu cầu xây dựng tăng cao trong mùa xây dựng; nhóm xăng dầu tăng 7,1% do nhu cầu đi lại tăng làm cho doanh thu nhóm này tăng, tuy nhiên mức độ tăng chưa cao do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước; nhóm nhiên liệu khác, nhóm đồ dùng gia đình, phương tiện đi lại, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, hàng hóa khác tăng đã làm cho doanh thu ngành thương mại tăng so với cùng kỳ năm 2019.

b. Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Doanh thu lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành tháng 5/2020 ước đạt 259,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với tháng trước, nhưng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1.088,1 tỷ đồng, giảm 22,3% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu lưu trú đạt 69,5 tỷ đồng, giảm 46,7% so cùng kỳ; Doanh thu ăn uống đạt 1.018 tỷ đồng, giảm 19,6%; Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 0,6 tỷ đồng, giảm 77,7%.

Sau thời gian tạm ngưng để phòng chống dịch Covid-19, ngày 27/4/2020 một số loại hình kinh doanh (trong đó có hoạt động tham quan) được phép hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng dịch, khai báo y tế; trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 01/HD-SVHTTDL ngày 12/5/2020 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Với tâm lý vẫn còn e ngại bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động lữ hành dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay rất trầm lắng, tại một số điểm du lịch trọng tâm của tỉnh lượng khách tham quan cũng rất ít. Ước lượng khách tháng 5/2020 đạt 72.300 lượt (giảm 80% so CK, đạt 2,89% KH); trong đó, khách quốc tế khoảng 211 lượt (giảm 96,1% so CK, đạt 0,11% KH); khách nội địa đạt 72.089 lượt (giảm 79,75% so CK, đạt 3,13% KH).

c. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 05 năm 2020 tăng 0,16% so với tháng trước; tăng 0,45% so với tháng 12 năm trước; tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,14%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 06 nhóm có chỉ số giá tăng với mức tăng như sau: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,02%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,58%. Nhóm giao thông giảm 2,09%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%. 02 nhóm có chỉ số giá tương đối ổn định là nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế. 

CPI tháng 05 năm 2020 tăng chủ yếu:

 - Giá xăng trong tháng 5 năm 2020 được điều chỉnh tăng sau 3 tháng giảm liên tiếp (từ tháng 2 đến tháng 4); cụ thể, ngày 13/05/2020 giá xăng A95 điều chỉnh tăng 610 đồng/lít; giá xăng Ron E5 tăng 600 đồng/lít;

- Giá gas tháng 5 năm 2020 tăng 12,66% so với tháng trước do giá gas trong nước điều chỉnh tăng 34.000 đồng/bình 12kg tùy loại, tăng theo giá gas thế giới;

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng do giá cát xây dựng tăng vì hạn chế khai thác cát;

- Nguồn cung ít là một trong những lý do khiến giá heo hơi trên thị trường tự do tăng mạnh, làm chỉ số giá thịt heo tăng 5,61% so với tháng trước;

DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 05 NĂM 2020 CỦA MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH SO VỚI THÁNG TRƯỚC.

* Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,41%)  

- Lương thực (-0,55%): Giá các mặt hàng lương thực giảm 0,55% so với tháng trước, chủ yếu giá mặt hàng gạo tẻ các loại giảm 0,85% do vụ đông xuân đang thu hoạch sản lượng gạo địa phương nhiều nên giá gạo tẻ thường các loại giảm so với tháng trước; giá gạo tẻ thường ở mức 10.500-13.000 đồng/kg; gạo tẻ ngon giá từ 13.500-18.000 đồng/kg.

- Thực phẩm (+0,88%) Nhóm thực phẩm tăng chủ yếu:

+ Giá thịt lợn tháng 5 năm 2020 biến động tăng hàng ngày, chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 5,61% so với tháng trước. Do ảnh hưởng thói quen tiêu dùng thịt lợn tươi tại địa phương nên người tiêu dùng vẫn thờ ơ với thịt lợn nhập khẩu. Nguồn cung thịt lợn ngày càng hạn chế, giá bán trên thị trường ngày càng tăng. Giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ địa phương tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg (tùy loại) so với mức giá tháng trước, so với cùng kỳ năm trước chỉ số giá thịt lợn tăng 72,89%.

+ Giá thịt lợn tăng  kéo theo giá nội tạng động vật tăng 1,97%; giá thịt chế biến tăng 5,23%; mỡ ăn tăng 7,05%.

+ Tuy nhiên, giá một số mặt hàng thủy hải sản tươi sống giảm 0,51% do thời tiết thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt, nguồn cung nhiều nên giá một số mặt hàng giảm so với tháng trước; một số mặt hàng rau củ giảm 0,11% do nguồn cung nhiều nên giá nhiều loại rau củ giảm; cũng chưa làm chỉ số nhóm thực phẩm tăng nhiều so với tháng trước.

- May mặc, mũ nón, giầy dép (+0,11%)

Mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,11% so với tháng trước; sau thời gian giãn cách xã hội nhu cầu về các mặt hàng này tăng; hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng như vải, quần áo và các mặt hàng may mặc khác tăng: vải các loại tăng 1,37%;  bít tất các loại tăng 0,54%;

- Nhà ở, điện nước chất đốt và vật liệu xây dựng (+2,02%)

Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở các mặt hàng như: giá thuê nhà ở tăng 0,61%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng do giá cát xây dựng tăng; giá gas tháng 5 năm 2020 tăng 12,66% so với tháng trước do giá gas trong nước điều chỉnh tăng 34.000 đồng/bình 12 kg, tăng theo giá gas thế giới làm CPI chung tăng 0,09%; giá nước sinh hoạt tăng 1,52%; giá điện sinh hoạt tăng 3,27% do thời tiết oi bức nhu cầu sử dụng điện nước tăng. Tuy nhiên, giá dầu hỏa giảm 10,65% do giá dầu điều chỉnh giảm 80 đồng/lít vào ngày 13/05/2020, cũng chưa làm cho chỉ số nhóm này tăng nhiều so với tháng trước.

- Giao Thông (-2,09%)

Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,09% so với tháng trước do giá dầu diezen được điều chỉnh giảm 90 đồng/lít vào ngày 13/05/2020; giá xăng Ron E5 và giá xăng A95 mặc dù được điều chỉnh tăng từ 600-610 đồng/lít, nhưng tính bình quân trong tháng thì chỉ số nhóm nhiên liệu vẫn giảm 4,83% so với tháng trước.

- Văn hóa giải trí và du lịch (-0,05%)

Do ảnh hưởng của dịch covid-19 nhu cầu du lịch của người dân giảm, giá các tour du lịch giảm; giá phòng khách sạn, nhà nghỉ giảm 0,06%; giá hoa tươi các loại giảm 2,52%; 

- Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,58%)

Sau thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu một số mặt hàng cá nhân tăng làm cho giá một số mặt hàng tăng: giá một số hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,24%; giá đồ trang sức tăng 0,68% do giá vàng tăng; giá các dịch vụ như cắt tóc, gội đầu tăng 3,01%; giá vật dụng hỉ tăng 1,62% do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tăng 2,66% so với tháng trước, tăng 27,75% so cùng kỳ năm trước và tăng 12,20% so tháng 12 năm 2019; giá vàng 9999 hiện ở mức 4.750.000 đồng/chỉ. Giá Đô la Mỹ giảm 0,98% so với tháng trước, tăng 0,92% so với tháng 12 năm trước; giá Đô la mỹ hiện ở mức 23.300 đồng/USD.

d. Vận tải hành khách và hàng hóa

          Doanh thu vận tải và bốc xếp tháng 5 năm 2020 ước đạt 95,8 tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2019; Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 376,8 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa đạt 284,3 tỷ đồng, giảm 10,9% và doanh thu vận tải hành khách đạt 76,3 tỷ đồng, giảm 51,2%  so với cùng kỳ năm 2019.

Vận chuyển hành khách tháng 5 ước đạt 480,6 nghìn hành khách, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2019, Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1.280,2 nghìn hành khách, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2019; Luân chuyển hành khách tháng 5 đạt 34.965 nghìn hk.km, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2019, Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 đạt 96.799 nghìn hk.km, giảm 56,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Vận chuyển hàng hóa tháng 5 đạt 0,5 triệu tấn hàng hóa, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2019, lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 đạt 2,5 triệu tấn hàng hóa, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2019; Luân chuyển hàng hóa tháng 5 đạt 39,8 triệu tấn.km, giảm 18,7%, nâng tồng số 5 tháng đầu năm 2020 đạt 188,6 triệu tấn.km, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2019.

 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Chỉ thị 13/CT-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2020 về việc tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới; theo đó thực hiện nới lỏng các hạn chế: Dỡ bỏ giãn cách và giới hạn số chỗ phương tiện giao thông công cộng (xe khách, xe buýt,… ) Giao cho Sở Giao Thông vận tải hướng dẫn việc kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Giao Thông vận tải tại  Công văn số 4393/BGTVT-VT ngày 07/05/2020, đồng thời dừng hoạt động chốt kiểm soát dịch COVID - 19 tại Ga Tháp Chàm.  Các đơn vị hoạt động vận tải hoạt động trở lại bình thường, công tác tuần tra, thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông , công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cũng được các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng thực hiện duy trì thường xuyên, không để hiện tượng chở quá tải, chở các hàng hóa, chất dễ cháy nổ trên xe.

6. Một số vấn đề xã hội

a. Đời sống, chính sách xã hội

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách lao động, người có công và xã hội; giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần đảm bảo cho chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm trong tháng: 1.524 lượt người (thông qua hệ thống BHTN 1.461 lượt người). Qua đó Kết nối việc làm cho 34 người (Trong nước: 22 người, xuất khẩu lao động: 04 người và lao động hưởng BHTN tự kết nối việc làm: 08 người). Rà soát, lập danh sách các cụ tròn 90 tuổi năm 2020 để chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam (ngày 06/6) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

 Đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh sách các đối tượng được hỗ trợ trong đại dịch Covid-19: 7/7 huyện thành phố.  Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc chi trả cho 4 nhóm đối tượng; chưa có tình trạng khiếu kiện, khiếu nại phức tạp xảy ra.

 b. Hoạt động văn hóa

          Tổ chức tuyên truyền các ngày lễ lớn; Thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan, triển lãm hình ảnh và triển khai các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020); xây dựng kế hoạch tuyên truyền Chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ; tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19, phòng chống hạn hán.

Tập trung các đội tuyển thể thao hoạt động trở lại tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao từ ngày 23/4/2020 sau thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh Covid-19. Triển khai Kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và thi đấu năm 2020 theo Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Ninh Thuận. Làm việc với Ban tổ chức  trong công tác phối hợp, đón đoàn đua xe đạp Giải đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương đồng ý chọn tỉnh Ninh Thuận là địa điểm đăng cai tổ chức vòng loại Giải Bóng đá Thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2020.

 Tiếp tục phối hợp với đơn vị y tế kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh karaoke và hoạt động kinh doanh thể thao trên địa bàn toàn tỉnh.

c. Giáo dục

Đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch trong trường học vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo theo đúng kế hoạch của ngành. Sửa đổi, bổ sung Khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường học đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện an toàn khi học sinh đi học trở lại. Số lượng học sinh trở lại trường đối với cấp học Mầm non trên 93% (riêng TP Phan Rang-TC gần 90%), cấp Tiểu học trên 98,5% (riêng huyện Bác Ái đạt 96,3%), cấp THCS trên 97,5%, (riêng huyện Bác Ái đạt 87,2%), cấp THPT trên 98,5%, còn 3 trường trên địa bàn huyện Thuận Nam, Bác Ái, Trung tâm GDTX-HN tỉnh chưa đạt 97%. Một số học sinh chưa đến trường nguyên nhân do kinh tế gia đình khó khăn do dịch bệnh, học sinh phải tham gia lao động cho gia đình hoặc lao động làm thuê xa nhà (tập trung ở huyện Bác Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc), do nghỉ học thời gian dài nên một số ít học sinh lười học, học lực yếu bỏ học, trong đó có 10 học sinh THPT và 5 học sinh THCS lập gia đình (tảo hôn) ở huyện Bác Ái hoặc do học sinh bị bệnh thông thường trong mùa nắng nóng nên gia đình chưa đưa con em đến lớp; thực hiện đánh giá tác động của dịch Covid-19 trong ngành giáo dục theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo .Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2019-2020 (từ ngày 22-24/5/2020 tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn);

d.Tình hình dịch bệnh

Tính đến 15 giờ ngày 10/5/2020 chưa phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh (ngoài 02 trường hợp BN61, BN67).

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hiện nay tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát và cơ bản ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường. Học sinh các cấp học trên điạ bàn tỉnh đều đã đi học trở lại. Tính đến 15 giờ ngày 10-5, toàn tỉnh có hơn 614.500 người thực hiện khai báo y tế. Về tình hình triển khai hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, đến ngày 9/5 các địa phương đã chi trả cho 118.055 đối tượng, với kinh phí 104,5 tỷ đồng, đạt 99,23% danh sách được phê duyệt.

Trong 5 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 14/5/2020) bệnh tay chân miệng 18 trường hợp, giảm 72% so với cùng kỳ; Sốt xuất huyết 105 trường hợp, giảm 82% so với cùng kỳ. Một số bệnh thường mắc tản phát như Bệnh sốt rét 04 ca, giảm 17 ca; Thủy đậu 70 ca, tăng 41 ca; Quai bị 04 ca, giảm 35 ca so với cùng kỳ 2019. Không có tử vong do bệnh dịch.Thực hiện giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc mới, khống chế kịp thời. Phối hợp tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe thông qua các phương tiện và truyền thông trực tiếp.

  e. Tình hình cháy, nổ

   Trong tháng 05/2020 xảy ra 02 vụ cháy: 01vụ cháy xe cần cẩu tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, không thiệt hại về người, hiện chưa xác định giá trị thiệt hại về tài sản, chưa rõ nguyên nhân gây cháy; 01vụ cháy kho phế liệu tại phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại khoảng 9 triệu đồng, chưa rõ nguyên nhân gây cháy. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 xảy ra 07 vụ cháy nhà dân, tăng 02 vụ so cùng kỳ; không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại khoảng 967 triệu đồng, giảm 1.833 triệu đồng so cùng kỳ.

  g. An toàn giao thông  (Số liệu tính từ ngày 15 tháng 4 năm 2020 đến ngày 14 tháng 5 năm 2020)

-TNGT đường bộ: Xảy ra 07 vụ (nghiêm trọng 07 vụ); làm chết 07 người; bị thương 02 người; thiệt hại tài sản khoảng 12,5 triệu đồng.

- TNGT đường sắt: Không xảy ra.

- VCGT đường bộ: Xảy ra 06 vụ; làm bị thương nhẹ 09 người; thiệt hại tài sản 13,6 triệu đồng.  

 Tính chung 5 tháng năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/5/2020) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, bị thương 62 người. So với cùng kỳ năm trước, tăng 2 tiêu chí, số vụ tăng 03 vụ, số người chết tăng 06 người, giảm 1 tiêu chí số người bị thương giảm 01 người../.
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 681
  • Trong tuần: 5246
  • Tất cả: 969885

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn