BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019
Kinh tế - xã hội nước ta năm 2019 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến không thuận lợi, phức tạp, khó lường, nhất là căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Mặc dù vậy, nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…  thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản không thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Trong tỉnh ngay từ đầu năm, UBND Tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2019.Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì tăng trưởng khá và ổn định, tất cả các ngành, lĩnh vực được chủ động thực hiện và đạt được kết quả tích cực; Tổ chức thành công hội thảo khoa học “ Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời.

Trên cơ sở số liệu thống kê chính thức 11 tháng và dự ước tháng còn lại, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh ( số liệu ước tính theo tính toán của Tổng cục Thống kê công bố ngày 30/11/2019)

Tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) năm 2019 ước tăng 13,18% so với năm 2018; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 39,7%, đóng góp 7,29 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,87%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 14,95%, đóng góp 1,08 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; ngành nông nghiệp tăng 6,22% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp giảm 19,26%, đóng góp giảm 0,06 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 6,2%, đóng góp 1,14 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng; ngành công nghiệp tăng 34,92% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 0,5%, đóng góp giảm 0,01 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,7%, đóng góp giảm 0,04 điểm phần trăm; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện,khí đốt… tăng 217,6%, đóng góp 3,2 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 44,61%, đóng góp 4,04 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,47% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; vận tải kho bãi tăng 9,38%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,56%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; hoạt động thông tin và truyền thông tăng 7,73%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,36%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; hoạt động giáo dục và đào tạo, đạt mức tăng 5,01%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm…

Về cơ cấu kinh tế (VA) năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 36,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,7%; khu vực dịch vụ chiếm 38,34%; (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 39,72%; 19,37% và 40,91%).

+ Kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD, tăng 17,65% so cùng kỳ 2018.

+ Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2018.

+ Dân số trung bình là 591nghìn ngư­­­ời, tăng 0,37% so với năm 2018.

+ Tỉ lệ tăng tự nhiên 11,25%o, giảm 0,05%0 so cùng kỳ năm 2018.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Đánh giá sơ bộ tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2019

a. Trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2019 thực hiện đạt 82.268,6 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ. Cụ thể: Cây lúa ước đạt 44.346,5 ha, tăng 3,3% so cùng kỳ; Cây ngô và cây lương thực khác 12.264,9 ha, giảm 6,5% so cùng kỳ, do vụ Mùa diện tích trồng ngô giảm mạnh (giảm 15,2% so cùng kỳ), làm giảm chung diện tích trồng ngô và cây lương thực có hạt cả năm. Cây lấy củ có chất bột 4.747,3 ha, tăng 49,4%, tăng mạnh ở diện tích trồng sắn; Cây mía 3.562ha, tăng 0,8%; Cây có hạt chứa dầu 1.094,9ha, giảm 3,6% so cùng kỳ; Cây rau đậu, hoa cây cảnh đạt 12.683,9 ha, giảm 1,1%; Cây gia vị hằng năm đạt 740,2ha, giảm 16,6% so cùng kỳ, trong đó, cây ớt đạt 707,8ha, giảm 20,3%, trong những tháng đầu năm có những thời điểm giá ớt rất thấp, người nông dân phá hẳn diện tích ớt để trồng cây khác dẫn đến diện tích giảm, sau một thời gian do nguồn cung ít hơn cầu đã đẩy giá ớt tăng cao đột biến; Cây hàng năm khác còn lại 3.666,7 ha, tăng 11,7%, trong đó vẫn là tăng diện tích cỏ trồng phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc.

Dự ước năng suất lúa cả năm 2019 đạt 59,5tạ/ha, tăng 2,8tạ/ha so năm 2018. Ước tính sản lượng lúa cả năm đạt 263,9 nghìn tấn, tăng 8,5% so năm 2018 do thuận về nguồn nước và kỹ thuật sản xuất được nâng cao, công tác phòng chống sâu bệnh trên cây lúa thực hiện tốt, diện tích cây nhiễm các loài sinh vật gây hại trong vụ giảm đáng kể. Sản lượng ngô ước đạt 49,6 nghìn tấn, tăng 0,3%; sản lượng rau các loại đạt 149,9 nghìn tấn, tăng 7,2%; sản lượng đậu các loại ước đạt 3,3 nghìn tấn, tăng 23,9% so cùng kỳ...Đặc biệt, Sản lượng sắn 88,9 nghìn tấn, tăng 48%, chủ yếu do tăng diện tích gieo trồng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành,…

* Chuyển đổi cơ cấu cây trồng:

Trong vụ Đông Xuân, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 582,6/531,3ha, đạt 109% so với kế hoạch. Vụ Hè Thu, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 840,6/940,2ha, đạt 89,4% so với kế hoạch. Vụ Mùa, chuyển đổi được 234,25 ha/140 ha, vượt 67,32% KH.

*Mô hình cánh đồng lớn:

-Vụ Đông Xuân: Thực hiện sản xuất cánh đồng lớn lúa với 2.481ha. Cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh quy mô 30 ha. Cánh đồng lớn ngô với qui mô 80 ha.

-Vụ Hè Thu:Thực hiện mô hình cánh đồng lớn lúa với qui mô diện tích 2.327ha. Thực hiện mô hình cánh đồng lớn măng tây với qui mô 11 ha tại xã An Hải

-Vụ Mùa: Tiếp tục duy trì cánh đồng lớn thực hiện ở một số vùng của 3 huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Ninh Sơn, các vùng còn lại do không đáp ứng được lượng nước đã ngưng thực hiện trong vụ Mùa.(Thực hiện mô hình cánh đồng lớn lúa với qui mô diện tích 1.407,1ha; Thực hiện mô hình cánh đồng lớn măng tây với qui mô 35 ha tại xã An Hải).

Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh năm 2019 ước đạt 12.136,3 ha, tăng  2,6% so cùng kỳ. Hầu hết cây ăn quả đều tăng so với cùng kỳ do có trồng mới thêm diện tích trong năm như: diện tích nho hiện có ước đạt 1.220,1ha  đạt 97,7% so cùng kỳ; xoài hiện có ước đạt 489,9, tăng 16,4%; thanh long  diện tích hiện có ước đạt 41,2ha, tăng 2,5%; sầu riêng diện tích hiện có ước đạt 94,4ha, tăng 2,9%,... Trong những cây ăn quả trên, nho là cây giá trị tạo ra cao nhất, chiếm 19,9% diện tích cây ăn quả ( diện tích cho sản phẩm đạt 1.214ha, tăng 5,5% so cùng kỳ). Ngoài giống nho xanh và nho đỏ, hiện tại giống nho NH01-152 được viện nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố tỉnh cho lai tạo thành công, kỳ vọng sẽ giúp người dân Ninh Thuận nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như tăng khả năng cạnh tranh với các giống nho ăn tươi nhập khẩu hiện nay. Bên cạnh đó, cây táo cũng là cây góp phần nâng cao giá trị kinh tế với diện tích hiện có ước đạt 1.033,9, tăng 1,7% so cùng kỳ.

Cây điều có diện tích cao nhất 4.402,8ha, giảm 2,8% so cùng kỳ (giảm 126,8ha), do điều được trồng hầu hết vũng đồi trọc, khô cằn, hằng năm thời tiết hạn hán kéo dài, cây thiếu nước không phát triển mạnh đồng thời cây trồng quá lâu, cằn cỗi không cho năng suất nên một số hộ dân chặt phá đi để trồng các loại cây khác. Trong năm có trồng mới, một số thuộc dự án che phủ rừng, diện tích trồng mới đạt 159ha.

Năng suất và sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu

- Cây Nho: Diện tích cho sản phẩm đạt 1.214ha, tăng 5,5% so cùng kỳ; năng suất ước đạt 230,6tạ/ha, tăng 18,2 tạ/ha so cùng kỳ do trong năm thời tiết thuận lợi ngay thời điểm ra hoa và đậu trái, mặt khác nhiều giống nho cho năng suất cao được nhân rộng, các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm mở rộng, sản lượng ước đạt 28.000,4 tấn, tăng 14,5% so cùng kỳ do diện tích thu hoạch tăng.

- Cây Xoài: Diện tích đang cho sản phẩm 395,8ha, tăng 16,3% so cùng kỳ, năng suất đạt 96tạ/ha, giảm 34,1 tạ/ha so cùng kỳ, do đến thời điểm cây ra hoa xuất hiện bệnh rầy bông xoài làm giảm quá trình kết trái, một số diện tích đến kỳ thu hoạch xuất hiện nhiều ruồi vàng đục trái làm hư hại, một phần diện tích cây già cỗi cho năng suất thấp làm giảm năng suất chung trên cây xoài. Sản lượng xoài thu hoạch năm nay ước đạt 3.800,9 tấn, giảm 14,2% so cùng kỳ.

- Cây Táo: Diện tích đang cho sản phẩm  990,2 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ, năng suất 364,6tạ/ha, tăng 10,4 tạ/ha, hiện nay mô hình bao lưới trên cây táo được các hộ dân áp dụng phổ biến tình trạng rụng trái do ruồi vàng đục giảm đáng kể nâng tổng  sản lượng táo thu hoạch năm 2019 đạt 36.102,7 tấn, tăng 3,7% so cùng kỳ.

- Cây Điều: Diện tích điều cho sản phẩm 3.382,9ha, tăng 25% so cùng kỳ, năng suất ước đạt 2,9tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so cùng kỳ, do phần lớn diện tích điều già cỗi, trồng lâu trên đất khô cằn, ít chăm sóc, thời điểm cho sản phẩm gặp nắng nóng nên khả năng đậu trái thấp. Năng suất cây điều thuộc cây có năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, được trồng nhằm che phủ rừng là chủ yếu. Sản lượng thu hoạch ước đạt 995,7 tấn, tăng 5,1% do diện tích cho sản phẩm tăng.

Nhìn chung sản xuất năm 2019, tình hình thời tiết trong tỉnh thuận lợi cho cây trồng phát triển, nước tưới đầy đủ, không xảy ra hạn hán như các năm trước. Dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không xảy ra dịch hại trên cây trồng, các dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng. Một số mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT mới bước đầu có hiệu quả đang được triển khai nhân rộng như: Mô hình san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser; mô hình bao lưới trên giàn táo,... đã giúp nông dân có điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục đó là: Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, tính chủ động trong điều hành sản xuất một số địa phương không kịp thời đã ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi chung.Việc xác định một số vùng chuyển đổi và cơ cấu cây trồng của một số địa phương chưa thật sự phù hợp, hiệu quả, bền vững.

b. Chăn nuôi

Dịch bệnh gia súc, gia cầm trong năm được giám sát chặt chẽ, không phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm Cúm gia cầm, Tai xanh heo, Lỡ mồm long móng gia súc, bệnh đậu… Riêng đối với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), Ninh Thuận là tỉnh cuối cùng trong 63 tỉnh thành được công bố dịch lần đầu vào ngày 30/8. Lũy kế từ ngày 28/8/2019 đến ngày 12/11/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 36 hộ chăn nuôi của 19 thôn/khu phố thuộc 09 xã, thị trấn của 03 huyện (Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái), với số lượng lợn bệnh, chết buộc phải tiêu hủy là 987 con .

Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật qua tỉnh, kiểm soát giết mổ gia súc và tuyên truyền phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm được chú trọng quan tâm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. So với năm trước, giá cả sản phẩm thịt hơi và không qua giết thịt các loại vật nuôi ổn định và tăng khá đối với đàn trâu, đàn dê, đàn cừu, đàn heo, gà ta; tăng nhẹ đối với đàn bò và giảm nhẹ đối với gà CN, vịt ta, trứng gà ta. Hiện nay vịt chạy đồng của hộ đang nuôi để ăn đồng thu hoạch lúa Mùa nên nguy cơ bệnh cúm gia cầm vẫn tiềm ẩn. Ngành chức năng đã chỉ đạo các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Tình hình chăn nuôi:

- Đàn gia súc: trong năm, đàn gia súc phát triển bình thường, số hộ nuôi và quy mô đàn có xu hướng giảm dần do mức độ đô thị hóa và điện năng hóa ngày càng tăng, đất đai hoang hóa và đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp nên số lượng gia súc có sừng phát triển đã đến mức bảo hòa, bên cạnh đó mức độ tiêu thụ thịt hơi gia súc có sừng trong và ngoài tỉnh  ngày càng nhiều và giá cả ngày càng tăng mạnh ở các tháng cuối năm nên số lượng xuất chuồng hầu hết đều tăng khá (trừ đàn trâu).

+ Đàn trâu ước tính đến cuối kỳ có 4.032 con, tăng 4,9% so cùng kỳ. Trong năm đàn trâu ít biến động do đồng cỏ nuôi ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu tiêu thụ thịt trâu trong tỉnh không bằng thịt bò, số người cúng tế trâu ở đồng bào chăm ngày càng giảm nên nên lượng xuất duy trì  120,5 tấn và giảm nhẹ 0,8% so cùng kỳ. Giá trâu hơi ổn định và tăng dần từ  đầu năm.

+ Đàn bò ước tính đến cuối kỳ có 121.000 con, tăng nhẹ 0,8%% so cùng kỳ. Trong năm, do nhu cầu thịt bò tăng mạnh trong quí 2 và quý 3, thị trường ổn định, giá cả tăng làm cho lượng xuất đạt 4.780 tấn, tăng 13% so cùng kỳ. Giá bò hơi cũng như trâu ổn định và tăng dần từ đầu năm. Với tổng đàn hiện tại thì nguồn thức ăn bắt đầu khó khăn, đồng cỏ tự nhiên không đủ đáp ứng, xu hướng chung các hộ hiện nay là không tăng đàn nhiều, loại thải con kém, giữ đàn con khỏe mạnh để tăng chất lượng đàn.

+ Đàn dê, cừu: Đàn dê, cừu hiện có 268.000 con, giảm 3,2% so cùng kỳ. Trong năm, đàn dê, cừu phát triển bình thường và ít biến động; tổng đàn ít phát triển; thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả tiêu thụ ngày càng tăng nên lượng xuất chuồng tăng, do đó làm giảm tổng đàn. Giá dê hơi và cừu hơi duy trì và tăng mạnh ở các tháng cuối năm. Xu hướng nuôi dê quy mô nhỏ ở đồng bằng và nuôi cừu ở quy mô lớn ở vùng núi đang được người nuôi mở rộng và phát triển mạnh.

+ Đàn heo có 87.650 con, giảm 3% so cùng kỳ. Phần lớn các trang trại nuôi heo trong tỉnh được nuôi gia công cho Công ty chăn nuôi CP Việt Nam nằm trong quy mô từ 300 con trở lên.

-  Đàn gia cầm: Đàn gà hiện có 1.100 nghìn con, tăng 17,3% so cùng kỳ, Đàn vịt hiện có 579,9 nghìn con, giảm nhẹ 1,2% so cùng kỳ. Do xu hướng nuôi lấy thịt nhiều hơn lấy trứng nên sản lượng trứng vịt đạt 41.703,9 nghìn trứng, tăng 0,2% so cùng kỳ. Số lượng ngan, ngỗng trong tỉnh nuôi tại gia đình chủ yếu tận dụng thức ăn thừa, rơi vãi, chưa phải sản xuất hàng hóa. Số lượng đàn ngan hiện có 26,8 nghìn con, tăng 25,7% so cùng kỳ.

b. Lâm nghiệp

Trong năm 2019, khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng của tỉnh chủ yếu từ hộ cá thể ước đạt 2.240 m3, tăng nhẹ 1,2% so cùng kỳ; củi 8.950 ster, giảm 1% so cùng kỳ. Xu hướng thu nhặt củi và làm than củi của hộ gia đình ngày càng giảm do nhu cầu sử dụng điện, ga thay thế ở nông thôn tăng cao trong các năm gần đây.

Đối với các loại lâm sản ngoài gỗ, do thời tiết trong năm tương đối thuận lợi nên hầu hết các sản phẩm này đều tăng so với cùng kỳ:

Tình hình vi phạm lâm luật trong năm giảm nhiều so cùng kỳ. Tính đến ngày15/12/2019 (theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh), tổng số vụ vi phạm phát hiện được 399 vụ, giảm 45 vụ (-10,1%).

c. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản năm nay tăng cả về sản lượng khai thác và nuôi trồng. Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 ước đạt 124,25 nghìn tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2018. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 10,72 nghìn tấn, tăng 5,2%; Sản lượng khai thác ước đạt 113,53 nghìn tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2018. Sản xuất giống thủy sản sản xuất ước năm 2019 đạt 34.220 triệu con, tăng 10,1% so năm 2018; trong đó sản xuất tôm Post giống 33.900 triệu con, tăng 9,6%; sản xuất giống ốc hương 320 triệu con, tăng 106% so năm 2018.

Thời tiết biển trong năm nhìn chung thuận lợi, lượng cá xuất hiện nhiều, nhất là cá cơm, cá nục phù hợp với nghề khai thác truyền thống pha xúc, lưới vây của tỉnh. Đàn cá cơm xuất hiện nhiều từ tháng 2 đến tháng 9, sau đó giảm dần trong quý IV, đỉnh điểm cá xuất hiện nhiều nhất từ cuối tháng 6 đến hết tháng 9 và giảm dần trong quý IV. Sản lượng khai thác biển ước đạt 113,47 nghìn tấn, tăng 5,3% so năm 2018. Sản lượng thủy sản biển khai thác của tỉnh chủ yếu là cá cơm, cá nục. Năm 2019, ước sản lượng cá cơm và cá nục đạt 88,37 nghìn tấn, tăng 3,7% so cùng kỳ, chiếm 77,9% cơ cấu sản lượng khai thác biển.

Sản xuất giống thủy sản của tỉnh năm 2019 được thuận lợi, các cơ sở sản xuất giống hoạt động liên tục, do điều kiện thời tiết khá ổn định, quá trình ương nuôi khá hiệu quả, kết hợp việc ký kết biên bản hợp tác tăng cường công tác công tác quản lý chất lượng giống thủy sản với các tỉnh miền Tây nên hạn chế được tình trạng xuất tôm theo dạng “hàng chợ”.

3. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự tính cả năm 2019 có mức tăng 41,67% so cùng kỳ 2018 (chỉ số sản xuất công nghiệp 2018 tăng 11,12%). Trong đó, sản phẩm điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, với chỉ số sản xuất tăng hơn 3 lần so cùng kỳ đã mang lại tăng trưởng đột phá cho ngành công nghiệp của địa phương, là nhân tố chính tác động tăng chung toàn ngành công nghiệp năm 2019.

Đánh giá chỉ số sản xuất công nghiệp phân theo ngành kinh tế:

+ Công nghiệp khai khoáng : chiếm tỷ trọng 14,98% (cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành), chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng cả năm ước giảm 9,36% so cùng kỳ; trong đó, chủ yếu do ngành khai thác muối biển giảm 25,84% so cùng kỳ năm trước, do hậu quả mưa lũ cuối năm 2018 và số lượng muối tiêu thụ đạt thấp. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng làm giảm 1,4 điểm % chỉ số ngành công nghiệp.

+ Công nghiệp chế biến, chế tạo: chiếm tỷ trọng 59,32% (cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành), chỉ số sản xuất ước cả năm bằng 99,93% so cùng kỳ. Trong đó:

- Sản xuất chế biến thực phẩm, dự ước tăng 9,1% , bao gồm các ngành: chế biến thủy sản (tôm đông lạnh) giảm 4,02%; chế biến rau quả (nhân điều) tăng 48,67%; sản xuất tinh bột (tinh bột sắn) tăng 46,7%; sản xuất đường (rs) giảm 54%; chế biến muối thực phẩm giảm 23,53%.

- Sản xuất đồ uống (chủ yếu bia đóng lon các loại), giảm 10,41% so cùng kỳ.

- Sản xuất vật liệu xây dựng ước bằng 100% so cùng kỳ, trong đó: sản xuất xi măng tăng 16,79%; sản xuất gạch đất nung giảm 4,84%;

- Ngành dệt (SX sợi, khăn bông) ước tính tăng 3,45% .

- Ngành sản xuất trang phục giảm 15% so cùng kỳ.

+ Công nghiệp sản xuất và phân phối điện... : chiếm tỷ trọng 19,6% (cơ cấu quyền số sản xuất), chỉ số sản xuất ước tính cả năm tăng 217,7%, đóng góp tăng 42,65 điểm % vào chỉ số chung toàn ngành. Trong đó, sản lượng điện sản xuất các loại tăng 76%, điện thương phẩm tăng 9,71% so cùng kỳ.

+ Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác ...: chiếm tỷ trọng 6,1% (cơ cấu chỉ số sản xuất toàn ngành), chỉ số sản xuất dự tính tăng 7,49% so cùng kỳ; trong đó hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 8,65% cùng kỳ; xử lý thu gom rác thải tăng 3,89% so cùng kỳ.

b. Đánh giá sản xuất sản phẩm chủ yếu so với cùng kỳ:

+ Khai thác muối các loại: những tháng đầu năm 2019 tình hình thời tiết thuận lợi, tuy nhiên do hậu quả mưa lũ cuối năm 2018 gây sạt lở đồng muối, sản lượng quý 1 chỉ đạt 48% cùng kỳ vì phải tập trung sửa chữa hạ tầng. Bên cạnh đó lượng tiêu thụ chậm, muối tồn kho còn nhiều (đến cuối tháng 8 còn tồn 160 ngàn tấn, chiếm 88,6% lượng sản xuất), giá tiêu thụ bình quân 1.000 đ/kg. Sản lượng muối khai thác cả năm ước đạt 270,8 ngàn tấn, giảm 25,8% so cùng kỳ (làm giảm 2,3 điểm% chỉ số chung).

+ Tôm đông lạnh: là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao (7,74%) trong tổng giá trị toàn ngành, có tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng chung, do sản lượng tiêu thụ đạt thấp và nguyên liệu không đáp ứng đủ nên cả năm sản xuất ước đạt 6.091,3 tấn, giảm 4% so cùng kỳ (làm giảm 0,66 điểm % chỉ số chung).

+ Bia các loại: dự kiến sản xuất trong năm đạt gần 59,5 triệu lít, giảm 11% so cùng kỳ; đây là sản phẩm có giá trị gia tăng đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và toàn ngành công nghiệp (chiếm 11,6% tỷ trọng giá trị tăng thêm toàn ngành), sản lượng làm giảm 0,83 điểm % chỉ số sản xuất chung.

+ Hạt điều khô: vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm vốn phục vụ dự trữ nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, dự kiến năm 2019 sản xuất 5.010,5 tấn, tăng 48,7% so cùng kỳ (tác động tăng 2,53 điểm % chỉ số chung).

+ Sản xuất đường: sản xuất ước đạt 9,9 nghìn tấn, giảm 54% so cùng kỳ, do ảnh hưởng mưa lũ cuối năm 2018, mía nguyên liệu không đáp ứng đủ theo yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp (làm giảm 1,06 điểm % chỉ số chung).

+ Sản xuất tinh bột mỳ: dự kiến cả năm sản xuất 13,7 nghìn tấn, tăng 42% so cùng kỳ. Nguyên liệu cung cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, giá tiêu thụ bình quân sản phẩm tăng 10% so cùng kỳ.

+ Xi măng các loại: ước đạt 176,9 ngàn tấn, tăng 16,8% so cùng kỳ. Mặc dù được nhiều công trình xây dựng sử dụng thi công nhưng do sự cạnh tranh về giá sản phẩm cùng loại trong nước, sản phẩm xi măng của địa phương vẫn có mức tiêu thụ chậm.

+ Điện sản xuất trong năm ước đạt 2.629,1 triệu kwh, so cùng kỳ, tăng 76%. Trong đó, điện năng lượng tái tạo đã cung cấp sản lượng ước đạt 1.254 triệu kwh, cụ thể: điện gió (3 dự án) 206 triệu kwh; điện mặt trời (15 dự án) 1.048 triệu kwh; đồng thời đến nay đã có 572 cơ sở lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất 40,8 MW, sản lượng điện phát lên lưới ước đạt 21 triệu kwh.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp cả năm đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước, tuy nhiên ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng quyền số cao nhưng có tốc độ tăng trưởng đạt thấp (-0,07%) do năng lực mới tăng thêm hầu như không có; riêng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện đã tác động tích cực, mang lại tăng trưởng cao cho toàn ngành công nghiệp năm 2019 và các năm tiếp theo.

4. Hoạt động dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 ước đạt 20,80 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2018.

a.1.Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2019 ước đạt 17.470,4 tỷ đồng, chiếm 76,6% tổng mức và tăng 14,1% so với năm 2018 do hàng hóa trên thị trường đa dạng về mẫu mã, giá cả một số mặt hàng tăng cũng tác động làm doanh thu tăng lên, giá thịt heo tăng cao trong quý 4/2019 (tăng 20.000-30.000 đ/kg tùy loại) do dịch tả lợn châu phi trong thời gian vừa qua đã làm giảm lượng cung hàng hóa ra thị trường đã tác động làm doanh thu tăng lên.

a.2.Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành năm 2019 ước đạt 3.385,7 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng mức và tăng 14,1% so với năm 2018 do trong năm 2019, nhu cầu ăn uống, du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng, bên cạnh đó, Ninh Thuận có diễn ra Lễ hội Vang và Nho cũng đã thu hút được một lượng khách đến du lịch đáng kể.

Trong năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng  trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối mạnh, trong đó khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá, nhu cầu vui chơi, tham quan, giải trí, mua sắm và dịch vụ tiêu dùng của nhân dân và khách du lịch tăng lên trong những ngày có tết dương lịch, tết Nguyên Đán, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3... Nguồn cung hàng hóa dồi dào, do đó tình hình giá cả tương đối ổn định, hàng hoá được lưu thông thông suốt, mặc dù một số mặt hàng rau củ, trái cây, bia, thủy hải sản… tăng trong dịp Tết Nguyên đán, song mức tăng tương đương với cùng Tết năm trước, không có sự tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường.

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh diễn ra 3 đợt Lễ hội lớn gồm: Hội chợ mua sắm Tết 2019 từ ngày 04/01/2019 - 11/01/2019 với quy mô gần 100 gian hàng của các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với nhiều hoạt động phong phú nhằm quảng bá, giới thiệu và bán hàng trên nhiều lĩnh vực; Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019 diễn ra từ ngày 26/4/2019 đến hết ngày 02/5/2019 với nhiều hoạt động như Hội chợ thương mại Ninh Thuận 2019, tổ chức các hoạt động thể thao biển, tổ chức đua xe trên cát tại Mũi Dinh, trãi nghiệm làng nho, táo Ninh Thuận; Hội chợ Công Thương Ninh Thuận 2019 gắn liền vơi Lễ Hội Katê năm 2019 của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận; Hội chợ Công Thương Ninh Thuận năm 2019, diễn ra từ ngày 27/9/2019 đến 04/10/2019 tại khu vực Quần thể Quảng trường 16/4, đây là cơ hội để doanh thu thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 tăng lên so với năm 2018.

b. Vận tải hành khách và hàng hóa

Doanh thu vận tải ước đạt 1.299 tỷ đồng, tăng 13,5%  so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa đạt 836,2 tỷ đồng, tăng 12% và doanh thu vận tải hành khách đạt 388,6 tỷ đồng, tăng 12,1%.

Vận chuyển hành khách đạt 6.917 ngàn lượt hành khách, tăng 10,1%; luân chuyển hành khách đạt 545,5 triệu hk.km, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển hàng hóa đạt 7.729,3 ngàn tấn hàng hóa, tăng 11,2%; luân chuyển hàng hóa đạt 580 triệu tấn.km, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018

Tình hình hoạt động vận tải năm 2019 đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan của nhân dân cũng như vận chuyển hàng hóa trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đối với hoạt động vận tải hành khách tăng nhờ dịp tết Nguyên đán, dịp lễ ngày kỷ niệm và nhu cầu tham quan, du lịch…

Đối với hoạt động vận tải hành khách các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ về kinh doanh vận tải, trật tự bến bãi luôn được duy trì ổn định; việc kê khai giá cước được các Doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm túc, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cũng được các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng thực hiện duy trì thường xuyên, không để hiện tượng chở quá tải, chở các hàng hóa, chất dễ cháy nổ trên xe.

c. Dịch vụ Bưu chính, Viễn thông

Toàn tỉnh có 02 doanh nghiệp và 10 Văn phòng đại diện hoạt động bưu chính, chuyển phát. Có 102 điểm phục vụ bưu chính tăng 31 điểm so với thời điểm cuối năm 2018. Sản lượng dịch vụ bưu chính ước thực hiện trong năm 2019 là 2.366.728 bưu gửi tăng 11% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 60,87 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ

Trên địa bàn tỉnh hiện có 06 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình cáp. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G được phủ đến 100% số thôn có dân cư trên địa bàn toàn tỉnh; dịch vụ truy nhập internet 4G được phủ đến 90% số thôn có dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh trong toàn ngành năm 2019 ước đạt 698 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Phát triển 6.330 thuê bao điện thoại (1.406 thuê bao di động trả sau và 4.924 thuê bao di động trả trước). Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh là 665.633 thuê bao, đạt mật độ 112,62 thuê bao/100 dân (trong đó mật độ điện thoại cố định và di động trả sau đạt 12,89 thuê bao/100 dân). Phát triển 3.693 thuê bao internet băng rộng (926 thuê bao internet cố định, 2.767 thuê bao internet di động); tổng số thuê bao internet băng rộng trên toàn tỉnh là 282.455 thuê bao (trong đó internet cố định băng rộng là 82.009 thuê bao, internet băng rộng di động là 200.446 thuê bao). Mật độ internet trên toàn tỉnh là 89,17 thuê bao/100 dân.

5. Xuất nhập, khẩu hàng hóa

  a. Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 100 triệu USD, tăng 17,65% so cùng kỳ và đạt 100% so kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hạt điều nhân ước đạt 44 triệu USD, tăng 7,32%; thủy sản ước đạt 37,4 triệu USD, tăng 1,08%; các mặt hàng khác (TCMN, dệt may, nông sản…) ước đạt 18,6 triệu USD, tăng hơn 2,6 lần so cùng kỳ 2018;…. Thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, Anh, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc (hạt điều nhân); Đức, Nhật, Mỹ, Pháp (tôm); Nhật và Đài Loan (khăn bông, hàng TCMN).

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu của tỉnh năm 2019 tăng trưởng khá, nhiều tín hiệu khả quan trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh nhà khi mà các mặt hàng xuất khẩu đều nắm bắt và phát huy các lợi thế xuất khẩu, cụ thể:  Nhân điều đẩy mạnh xuất sang Trung Quốc nhằm tận dụng tình hình Căng thẳng thuế quan giữa Mỹ-Trung Quốc nhằm bù đáp cho các loại hạt khác nhập từ Mỹ; Dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ 4,8% xuống 0% từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Nha đam tiếp tục phát huy các đơn hàng sang Trung Quốc, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Mặt hàng Tôm đông lạnh tiếp tục được duy trì.

b. Nhập khẩu hàng hóa

Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 520 triệu USD, tăng 2,2 lần so cùng kỳ, vượt xa kế hoạch đề ra (tăng 73,3% so kế hoạch). Chủ yếu nhập khẩu mặt hàng tấm pin quang điện, hệ thống khung, giá đỡ, các thiết bị, linh kiện đi kèm... của các dự án điện mặt trời, điện gió.

II.  KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ


1. Chỉ số giá :

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12  năm 2019 tiếp tục tăng cao sau 5 tháng tăng liên tiếp, tăng 1,59% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 1,69%, khu vực nông thôn tăng 1,49%); trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa tăng 1,80% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 2,66%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,82%), chỉ số nhóm dịch vụ tăng 1,26% so với tháng trước; so bình quân cùng kỳ năm 2018 CPI tăng 2,66% và tăng 4,49% so với tháng 12 năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng chủ yếu giá một số mặt hàng may mặc tăng 2,59% như quần áo may sẵn, giầy dép, mũ nón và dịch vụ may mặc tăng do thời điểm cuối năm nhu cầu về loại hình này tăng; giá gas tiếp tục tăng 3.500 đồng/bình 12kg vào đầu tháng 12/2019 và giá dầu hỏa, dầu diezen được điều chỉnh tăng vào ngày 16/12/2019, theo đó giá dầu hỏa tăng 60 đồng/lít, dầu diezen tăng 90 đồng/lít so với tháng trước. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng cao do giá thịt heo tăng mạnh vì nguồn cung giảm sâu do ảnh hưởng của Dịch tả Lợn Châu Phi, trong khi nhu cầu mặt hàng này lại tăng cao vào dịp cuối năm nên đã đẩy giá thịt heo tăng cao, tăng  21,42% so với tháng trước; giá thịt heo tăng cao kéo theo giá các mặt hàng khác cũng tăng theo, diễn biến một số nhóm mặt hàng trong tháng 12 năm 2019 như sau:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: so với tháng trước, chỉ số nhóm này tăng 3,09%; trong đó, nhóm lương thực tăng 1,16% do giá mặt hàng gạo, nếp tăng; nhóm hàng thực phẩm tăng 3,72% do nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 25,44% chủ yếu giá thịt heo tăng cao do nguồn cung giảm mạnh vì ảnh hưởng Dịch tả lợn châu phi và nhu cầu mặt hàng này tăng cao vào cuối năm; giá thịt heo tăng kéo theo giá thịt chế biến tăng 19,91%, người dân chuyển sang dùng các mặt hàng khác như thịt gia cầm, trứng, hải sản ,… làm cho giá các mặt hàng này tăng theo, cụ thể nhóm thịt gia cầm tươi sống tăng 3,22%; trứng các loại tăng 1,96%; thủy sản tươi sống tăng 1,07%. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng giảm giá như mặt hàng rau, củ quả các loại giảm 7,32% do thời tiết thuận lợi, sản lượng cung các nhóm mặt hàng này phong phú nên giá giảm, cũng chưa làm cho chỉ số nhóm thực phẩm tăng cao so với tháng trước.

- May mặc, mũ nón, giày dép: so với tháng trước tăng 2,59%. Nhóm này tăng do một số mặt hàng quần áo may sẵn tăng 2,19%; may mặc khác và mũ nón tăng 1,58%, do gần dịp Noen và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhu cầu mua sắm hàng may mặc tăng, nhiều mẫu mã, kiểu dáng mới nên giá nhiều mặt hàng đã tăng. Bên cạnh đó, dịch vụ may mặc tăng 7,73% do công may mặc, giặt, là quần áo tăng, góp phần làm chỉ số giá nhóm này tăng cao so với tháng trước.

- Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng: giảm 0,77% so với tháng trước. Nhóm này giảm chủ yếu giá thép giảm do giá nguyên liệu phôi thép nhập khẩu giảm và nhu cầu xây dựng vào cuối năm thấp đã làm cho giá thép giảm 0,23% so với tháng trước. giá dầu hỏa giảm 0,39%; giá nhà ở thuê giảm 1,64% do một số phòng cho thuê đã cũ, xuống cấp. Tuy nhiên, giá gas được điều chỉnh tăng 3.500 đồng/12 kg tùy loại (tăng 1,06%) do giá gas thế giới tăng 10 USD/tấn so với tháng 11 năm 2019; trong tháng giá điện nước tăng nhẹ so với tháng trước cũng chưa làm  cho chỉ số nhóm này giảm nhiều.

- Nhóm giao thông: tăng 0,68% so với tháng trước; giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 31/8/2019 và giảm vào ngày 16/12/2019 với mức giảm xăng A95 giảm 200 đồng/lít, xăng Ron E5 giảm 90 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 90 đồng/lít, tính bình quân trong tháng chỉ số giá nhóm xăng, dầu diezen tăng 1,29%. Giá một số mặt hàng xe máy tăng 0,22% do nhu cầu mua, đổi xe vào cuối năm của người dân tăng.

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch: chỉ số giá nhóm này tăng 3,93% chủ yếu do giá dịch vụ cho thuê nhà khách, khách sạn tăng 10,35% do cơ sở cải tạo, nâng cấp phòng và các thiết bị trong phòng nên giá thuê phòng tăng. Để phục vụ cho việc mua sắm cuối năm, nhiều mặt hàng được trưng bày với mẫu mã, kiểu dáng phong phú đa dạng nên giá có phần tăng so với tháng trước như thiết bị dụng cụ thể thao tăng 7,66%; hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 2,31%.

Chỉ số giá vàng giảm nhẹ 0,98% so với tháng trước; tăng 18,35% so cùng kỳ năm trước; giá vàng 99,99 hiện ở mức 4.150.000đ/chỉ. Giá Đô la trong tháng tăng nhẹ 0,14% so với tháng trước, giảm 0,86% so với cùng kỳ năm trước; giá đô la Mỹ hiện ở mức 23.200/USD.

2. Đầu tư, xây dựng

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2019 ước đạt 24.945,9 tỷ đồng, tăng 80,2% so cùng kỳ, trong đó nguồn vốn nhà nước ước đạt 2.712 tỷ đồng, chiếm 10,9% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội và giảm 30,8%; khu vực ngoài nhà nước 17.190,4 tỷ đồng, chiếm 68,9% và tăng 118,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 5.043,5 tỷ đồng chiếm 20,2% và tăng 164%.

Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nuớc phân bổ kịp thời các nguồn vốn Trung ương giao; trong bố trí kế hoạch vốn có trọng tâm, trọng điểm hơn, bước đầu hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải, ưu tiên vốn thanh toán các công trình hoàn thành, đồng thời tập trung rà soát và xây dựng phương án giải quyết dứt điểm tình hình nợ đọng XDCB, qua đó đã giải quyết một phần khó khăn về vốn cho DN.

2. Tài chính, tín dụng

a. Tài chính

Tổng thu ước đạt 4.050 tỷ đồng và đạt 150% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Thu nội địa đạt 2.700 tỷ đồng và đạt 113% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 9,1% so với năm 2018; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.350 tỷ đồng và đạt 4,5 lần dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Có 15/16 khoản thu ước đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao, gồm: Thu từ DNNN Trung ương; Thu từ DNNN địa phương; thu từ khu vực CTN và dịch vụ NQD; Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thu tiền sử dụng đất; thu thuế SDĐ phi nông nghiệp; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; thuế bảo vệ tài nguyên môi trường; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thu lệ phí trước bạ; thu phí, lệ phí; thu khác ngân sách;thu từ quỷ đất công ích và hoa lợi công sản khác; thu xổ số kiến thiết.

Có 01/16 khoản thu không đạt dự toán HĐND tỉnh giao là các khoản thu quản lý qua ngân sách đạt 6 tỷ đồng đạt 7,2% dự toán năm 2018.

Tổng chi ngân sách tỉnh đạt 5.778 tỷ đồng đạt 108% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 38,4% so cùng kỳ năm 2018, trong đó: Chi cân đối ngân sách địa phương : 4.151,2 tỷ đồng đạt 110%  so dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; Chi  từ nguồn bổ sung có mục tiêu ước đạt 1.626,8 tỷ đồng, đạt 109% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

b. Tín dụng

Ước đến 31/12/2019, huy động vốn đạt 15.400 tỷ đồng, tăng 2.170 tỷ đồng (+16,4%) so với cuối năm trước, đạt 100,3% so với kế hoạch đề ra, đáp ứng khoảng 60,39% nguồn vốn cho vay của các TCTD trên địa bàn.

Tổng doanh số cho vay ước đạt 46.600 tỷ đồng, tăng 4.562 tỷ đồng (+10,85%) so với năm 2018.

Tổng doanh số thu nợ  ước đạt 42.456 tỷ đồng, tăng 3.445 tỷ đồng (+8,83%) so với năm 2018.

Dư nợ cho vay ước đến 31/12/2019 đạt 25.500 tỷ đồng, tăng 4.706 tỷ đồng (+22,63%) so với cuối năm 2018, đạt 100,1%  so với kế hoạch đề ra.

Tổng nợ xấu ước đến 31/12/2019 của các TCTD trên địa bàn là 180 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,71% trong tổng dư nợ (số tuyệt đối tăng 55,3 tỷ đồng so với cuối năm 2018).

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn ổn định, an toàn và phát triển, góp phần vào sự ổn định và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà: huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư vượt kế hoạch đề ra; đầu tư tín dụng tăng trưởng khá, tập trung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng trọng điểm gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng và tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu; đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động Ngân hàng Ninh Thuận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:

  -Về công tác xử lý nợ xấu: việc xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều điều bất cập; công tác đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ TSĐB; công tác bảo lãnh tín dụng của quỹ bảo lãnh tín đụng(QBLTD) chưa hiệu quả; công tác thu hồi nợ xấu tại QTDND rất khó khăn vì thành viên vay vốn chưa có ý thức trả nợ; khách hàng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách như (cho vay nông nghiệp, nông thôn; cho vay đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Về thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu: mặc dù các QTDND trên địa bàn đang hoạt động ổn định, có tăng trưởng nhưng chưa thật sự bền vững, chất lượng nhân sự chưa cao. Việc tiếp cận và mở rộng quan hệ tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế. Các DN chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng do chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

3. Phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể:

- Công tác phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp được tập trung chỉ đạo với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, nổi lên là số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay; số doanh nghiệp ngừng hoạt động có tăng, nhưng số doanh nghiệp quay trở lại thị trường tăng khá; thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo dịch vụ công mức độ 4 vượt mục tiêu Chính phủ đề ra.

- Kinh tế tập thể được quan tâm chỉ đạo củng cố, hỗ trợ gắn với phát triển cánh đồng lớn và thực hiện các chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện tốt hơn; tổ chức thành công hội nghị tổng kết 15 năm về kinh tế tập thể

III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC KHÁC

1. Dân số, lao động, việc làm và đời sống dân cư

  Ước tính dân số trung bình năm 2019 đạt 591 nghìn người, tăng 0,37% so với năm 2018; tỉ lệ tăng tự nhiên 11,25%o; tỷ suất sinh thô 15,09%o; tỉ suất chết thô 3,84%o; về cơ cấu nữ: 294,7 nghìn người, chiếm 49,86% và dân số theo khu vực thành thị đạt 211,3 nghìn người, chiếm 35,75%.

Theo báo cáo của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, năm 2019, đã giải quyết việc làm mới 17.174/15.500 lao động đạt 110,8% kế hoạch năm, tăng 3,04% so với năm 2018.

Đã tuyển mới đào tạo nghề cho 9.326/8.500 người, đạt 109,72% kế hoạch năm,(Trong đó: Lao động nông thôn 2.872/2.600 người, đạt 110,46% kế hoạch năm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,85%, trong đó: Lao động qua đào tạo nghề đạt 42,88%, lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 23,47%.

Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 còn 6,74% (giảm 1,6 % so với cuối năm 2018, đạt 114,2 % kế hoạch).

Công tác tác chăm sóc người có công đã ngày càng đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả nhất định; đã giải quyết 689 hồ sơ người có công, nâng tổng số hồ sơ đang quản lý hơn 34.000 hồ sơ, trợ cấp hàng tháng có 3.544 hồ sơ. Tổ chức thăm tặng quà tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 và nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ cho các đối tượng người có công với cách mạng; các hoạt  động đền ơn đáp nghĩa được các địa phương quan tâm tổ chức sâu rộng, thiết thực.

Thực hiện tốt chính sách y tế cho người nghèo: Cấp 202.742 thẻ BHYT  góp phần vào thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế giảm gần 42,79% so với năm 2018. Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/NĐ-CP cho trên 20 ngàn đối tượng. Tổng số đối tượng hiện đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 367 đối tượng. Trong đó có 226 đối tượng đang quản lý và nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; có 141 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH tư nhân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thăm, chúc thọ, mừng thọ cho 316 cụ tròn 90 tuổi nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam (06/6) với tổng kinh phí là 218,6 triệu đồng và các đối tượng khác kịp thời. Phối hợp tổ chức thực hiện việc chăm lo Tết Nguyên đán năm 2019 cho các đối tượng là người nghèo, bảo trợ xã hội và Người cao tuổi được chu đáo, kịp thời cho 33.355 người với kinh phí trên 6,67 tỷ đồng. Hỗ trợ gạo cứu đói cho hộ nghèo, cận nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho 13.247 hộ/53.152 khẩu với số gạo: 797.280 kg.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói riêng cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình... Trong năm 2019, toàn tỉnh  xảy ra 68 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích làm tử vong 12 em (so với năm 2018 giảm 82 vụ/03 người chết), trong đó tử vong do đuối nước 10 em, 02 trẻ tử vong do sét đánh; xảy ra 05 trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Công tác tiếp nhận điều trị - cai nghiện chăm sóc phục hồi sức khỏe được quan tâm, thực hiện tốt, trong năm 2019 tiếp nhận 151 học viên (09 nữ). Trong đó, người trong tỉnh 100 học viên (7 nữ), người ngoài tỉnh: 51 học viên (02 nữ). Tổng số học viên hiện đang quản lý tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: 92 học viên (04 nữ), Trong đó: Người trong tỉnh: 57/03 nữ, Người ngoài tỉnh: 35/01 nữ.

2. Giáo dục, đào tạo

Cuối năm học 2018-2019, tỷ lệ xếp loại học lực từ trung bình trở lên cấp THCS đạt 94,5% tăng 0,8%, cấp THPT đạt 92,2%  giảm 1,7% so với năm học 2017-2018; tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên đối với cấp THCS đạt 99,8% tăng 0,1%, cấp THPT đạt 99,5% giảm 0,1% so với năm học 2017-2018.

Tỷ lệ học sinh Tiểu học hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt  91,77%; tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS toàn tỉnh đạt 99,79% tăng 0,26% so với năm học 2017-2018; tỷ lệ học sinh THPT tốt nghiệp toàn tỉnh 86,75%, giảm 7,31 % so với năm học 2017-2018. 100% huyện, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và XMC.

Số học sinh bỏ học cuối năm học 2018-2019 của ba cấp học có 1.093 hs/112.330 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,97% giảm 0,08% so với cùng kỳ.

Tính đến thời điểm cuối năm học 2018-2019 (tháng 6/2019), số học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày có 36.522 học sinh, đạt tỷ lệ 63,3%, giảm 0,16% so với cùng kỳ năm học trước.

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 319 cơ sở giáo dục, đào tạo (trong đó có 25 trường ngoài công lập). Tổng số học sinh toàn tỉnh có mặt đầu năm học 2019-2020 (tháng 09/2019) gồm 141.659 học sinh, học viên; GDTX có 946 học viên/24 lớp. Đội ngũ giáo viên toàn ngành có 7.652 người; số cán bộ quản lý gồm 592 người.

Tính đến tháng 08/2019, tổng số trường đạt chuẩn là 118 trường, trong đó: trường phổ thông là 100/233 trường  đạt tỷ lệ 42,9% tăng 5,20% so với cùng kỳ năm trước; trường mầm non 18/88 trường đạt tỷ lệ 20,5%, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

3. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trong năm 2019, phát hiện 1.550 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, gấp 2,2 lần so với năm 2018; bệnh tay chân miệng phát hiện 356 trường hợp, giảm 70% so với năm 2018; Số mắc các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác như Tiêu chảy 1.640 trường hợp, giảm 10,7%; bệnh Lỵ 189 trường hợp, giảm 5,9%, Quai bị 92 trường hợp, giảm 44,6%; Thủy đậu 71 trường hợp, giảm 11,3%. Không phát hiện trường hợp mắc các loại Cúm A, bênh do virut Zika trên địa bàn tỉnh. Không có trường hợp tử vong do các bệnh trên.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng: Phát hiện mới 25 bệnh nhân Tâm thần phân liệt (TTPL), tăng 07 trường hợp; số bệnh nhân TTPL đang quản lý 670 trường hợp, trong đó điều trị ổn định 655 trường hợp, đạt 97,8%. Số bệnh nhân động kinh mới phát hiện là 30 trường hợp, giảm 49 trường hợp; số bệnh nhân động kinh đang quản lý 810 trường hợp, trong đó điều trị ổn định 795 trường hợp, đạt 98,2%.

Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS

Xét nghiệm HIV 11.346 mẫu, phát hiện 36 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 32 trường hợp là người địa phương, tăng 04 trường hợp và 31 trường hợp chuyển sang AIDS; 08 trường hợp tử vong, tăng 03 trường hợp; 180 trường hợp được điều trị ARV, tăng 19 trường hợp; 54 trường hợp đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Tính từ 1995 đến nay, toàn tỉnh có 528 người nhiễm HIV (nam 373, nữ 155), chuyển sang AIDS 393 trường hợp, tử vong do HIV/AIDS 204 trường hợp. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng hiện tại là 0,048%.

Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh An toàn thực phẩm (VSATTP)

Triển khai các hoạt động tuyên truyền về bảo đảm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng trong dịp Tết Nguyên Đán và “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn” với tần suất 3 lần/tuần. Toàn tỉnh tổ chức 230 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tại 6.034 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

4. Hoạt động văn hóa, thể thao

Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch, trưng bày, triển lãm nhân kỷ niệm các ngày lễ Tết và các sự kiện của tỉnh; tiêu biểu là hoạt động Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02) và Mừng Đảng - Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019; kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Ninh Thuận năm 2019;... và nổi bật hơn là tổ chức thành công Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019 với chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch sôi động, hoành tráng, tạo được nhiều ấn tượng cho đại biểu, nhân dân và du khách; Chương trình “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận” tại Hà Nội và giao lưu, biểu diễn nghệ thuật tại tỉnh Bắc Ninh, với sự thành công này sẽ là cơ hội để Ninh Thuận quảng bá hiệu quả các sản phẩm, tiềm năng thế mạnh về du lịch cũng như hình ảnh về văn hóa, con người Ninh Thuận đến với nhân dân Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh cũng như du khách và bạn bè trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ bỏ mả của người Raglai Ninh Thuận và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh Khu tập trung Bà Râu. Phối hợp đăng cai tổ chức và tham gia “Hội thi Múa không chuyên” toàn quốc năm 2019 tại Ninh Thuận. Tổ chức tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ V/2019 tại Phú Yên.

Tập trung đào tạo 15 đội thể thao ở các môn, với 17 huấn luyện viên và 48 vận động viên. Tham dự 18 giải quốc gia, 03 giải khu vực mở rộng, 06 giải cụm thi đua và 01 giải quốc tế mở rộng; đạt 89 huy chương các loại. Ngoài ra, Đội tuyển Điền kinh tham dự Giải vô địch Điền kinh Trẻ Đông Nam Á lần thứ 14-2019 tại Philippines, đạt 01 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ. Tham gia “Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm tại Phú Yên, đạt: 07 HCV, 05 HCB, 11 HCĐ, xếp hạng 2/8 đoàn tham dự; Hội thi các Dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2019, đạt 03 HCĐ và Giải Bóng bàn, Cầu lông Gia đình toàn quốc năm 2019, đạt 01 HCV; Giải bơi cứu đuối nước học sinh, thanh thiếu nhi toàn quốc “Đường đua xanh” 2019 (kinh phí xã hội hóa). Đội Điền kinh chuẩn bị tham dự Giải Vô địch Điền kinh quốc gia năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh; Đội Taekwondo tham dự Giải Vô địch Taekwondo quốc gia năm 2019 tại thành phố Đà Nẵng. Năm 2019, thực hiện phối hợp tổ chức 01 giải quốc tế; 02 giải quốc gia, khu vực; tổ chức thành công 09 giải cấp tỉnh, 05 giải phối hợp Liên tịch cấp tỉnh và 20 giải thể thao phối hợp với các Sở, ban, ngành trong tỉnh.

5. Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 12 năm 2019 trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy. Lũy kế 12 tháng năm 2019 xảy ra 12 vụ cháy, giảm 03 vụ so cùng kỳ, bị thương 01 người, (năm trước không có thương vong), thiệt hại tài sản 7,1 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so cùng kỳ. Vụ nổ không xảy ra.

6. Tai nạn giao thông ( Số liệu tính từ ngày 15 tháng 11 năm 2019 đến ngày 14 tháng 12 năm 2019)

TNGT đường bộ: Xảy ra 01 vụ (nghiêm trọng 01 vụ); làm chết 01 người; thiệt hại tài sản khoảng 0,2 triệu đồng.

- VCGT đường bộ: Xảy ra 08 vụ; làm bị thương nhẹ 12 người; thiệt hại tài sản 10,7 triệu đồng.

- TNGT đường sắt: Không xảy ra.

Tính chung 12 tháng năm 2019 tai nạn giao thông xảy ra 160 vụ, giảm 16,7%    (-32 vụ) so củng kỳ năm 2018; làm chết 53 người (giảm 10 người); làm bị thương 183 người, giảm 19% (-43 người); trong đó: tai nạn giao thông đường bộ (tính cả va chạm) 157 vụ, giảm 16,5% (-31 vụ); làm chết 51 người, (giảm 11 người); làm bị thương 183 người, giảm 17,6%(-39 người); tai nạn giao thông đường sắt 03 vụ, giảm 01 vụ; làm chết 2 người, ( tăng 1 người); không có người bị thương ( giảm 4 người). Như vậy tai nạn giao thông qua 12 tháng năm 2019 giảm 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương .

Tóm lại: Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh mặc dù trong bối cảnh có không ít khó khăn, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao (+13,18%). Sản xuất Nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng khá; Công nghiệp-Xây dựng tăng cao; nhất là ngành sản xuất và phân phối điện,… tăng (+217,6%), xây dựng tăng (+44,61%); thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá nhanh, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo. Năm 2019 hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều có tăng trưởng cao hơn năm 2018 và đạt kế hoạch năm 2019. Hoạt động kinh doanh thương mại, lưu thông hàng hóa được tổ chức thông suốt, nguồn cung hàng hóa dồi dào, cân đối cung cầu trên thị trường được giữ vững, giá cả hợp lý. Các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Vị thế của Tỉnh được nâng lên, tạo được diện mạo mới, sức bật mới nhất là các khâu đột phá về năng lượng tái tạo...Trong lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng, công tác chăm lo cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong dịp tết Nguyên đán được quan tâm thực hiện tốt hơn; Qui mô giáo dục được duy trì và chất lượng giáo dục được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; an ninh, chính trị được giữ vững.

Nguyên nhân đạt được: Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ của các Bộ ngành trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của UBND Tỉnh quyết liệt, chủ động nắm bắt thời cơ, tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương; công tác phối hợp tham mưu của các cấp, các ngành và các địa phương được chủ động, có trách nhiệm hơn, bám sát và triển khai kịp thời các chương trình trọng tâm, nhiệm vụ đột phá; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân được tốt hơn.

Khó khăn hạn chế: Kết quả thực hiện các khâu đột phá, trọng điểm tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số dự án mang tính động lực xúc tiến triển khai còn chậm; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng cạn, tiết kiệm nước tính ổn định chưa cao; một số xã nông thôn mới chất lượng tiêu chí còn thấp; triển khai xây dựng thôn kiểu mẫu còn chậm; một số ngành hàng công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn; một số dự án năng lượng tái tạo phải thực hiện giảm phát; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số trường hợp còn khó khăn, nhất là liên quan đến đất đô thị, đất rừng, đất titan; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai còn hạn chế, còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép đất đai; nguồn thu ngân sách từ đất cấp Tỉnh đạt thấp; triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 02/QĐ-UBND của UBND tỉnh một số nhiệm vụ còn chậm chuyển đổi đất rừng một số dự án còn khó khăn; giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp so cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu đó là: Một số thể chế có vướng mắc nhưng hướng dẫn giải quyết chưa kịp thời, nhất là Luật Quy hoạch; một số ngành hàng khó khăn chậm được tháo gỡ hoặc tháo gỡ hiệu quả thấp; Đề án thu ngân sách từ đất đai chậm ban hành, bán đấu giá một số khu đất chậm trễ, kéo dài; tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức viên chức có mặt còn hạn chế, chưa chủ động, tích cực trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát có trường hợp chưa kịp thời, thiếu thường xuyên.

VI. KIẾN NGHỊ

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở những giai đoạn tiếp theo, đảm bảo tốc độ tăng trư­­ởng, thu ngắn dần sự cách biệt với các Tỉnh trong khu vực chúng tôi khuyến nghị các giải pháp sau:

1. Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kịp thời các chủ trương, quyết sách lớn, các kế hoạch triển khai của Trung ương, của Tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, nhằm tạo đồng thuận cao và huy động sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh góp phần hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Đồng thời giao các Sở ngành, địa phương xây dựng chương trình trọng tâm, nhiệm vụ đột phá của ngành, địa phương trong năm 2020 để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.

2. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Tích cực triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ và đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử.

4. Thực hiện tốt các Chương trình, đề án đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đối với các nhóm ngành trụ cột, đột phá của Tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới và hành động mạnh mẽ, kịp thời công tác quản lý, khai thác nguồn lực đầu tư từ đất đai.

5. Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đã giao cho các Sở ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 416/TB-VPCP; đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thuộc nhiệm vụ của các Bộ ngành theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, các dự án động lực. Tăng cường phối hợp giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các hội nghị gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

6. Tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp, gắn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước, thanh tra trách nhiệm về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 763
  • Trong tuần: 5606
  • Tất cả: 971004

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn