TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2019
Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút. Các điểm nóng địa chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt. Mỹ tăng cường trừng phạt Iran, giá dầu và đồng Đô la Mỹ diễn biến phức tạp cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng xấu tới kinh tế Việt Nam. Trong nước, nền kinh tế 9 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Trong tỉnh ngay từ đầu năm, UBND Tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2019. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì tăng trưởng khá và ổn định, tất cả các ngành, lĩnh vực được chủ động thực hiện và đạt được kết quả tích cực; tổ chức thành công hội thảo khoa học “ Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời.

Trên cơ sở số liệu thống kê kinh tế - xã hội chính thức 8 tháng, ước tháng 9 năm 2019; Tình hình thực hiện kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cụ thể các ngành, lĩnh vực như sau:

I. KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

- Trồng Trọt:

*Cây hàng năm: Tình hình sản xuất trong 9 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong điều kiện thuận lợi và khó khăn đan xen; đầu vụ thuận lợi các hồ tích trữ đủ nước, vào sản xuất vụ hè thu cuối vụ tình hình nắng nóng kéo dài gây không ít khó khăn cho công tác điều tiết nước. Tình hình bệnh rầy nâu, xoắn lá được phát hiện sớm và được phun thuốc kịp thời nên mức độ gây hại không đáng kể. Hiện tại lúa vụ Hè thu đã thu hoạch dứt điểm ở 6 huyện, thành phố; đảm bảo cho vụ Mùa dự kiến gieo cấy kịp thời vụ kết thúc theo kế hoạch hàng năm.

Vụ Đông xuân 2019
: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2019 toàn tỉnh thực hiện đạt 30.075,5 ha, tăng 4,6% so đông xuân 2018. Trong đó: diện tích lúa đạt 17.050,5 ha, tăng 0,4% so đông xuân trước; Ngô và cây lương thực có hạt khác đạt 2.712,5 ha, giảm 6,5% so cùng kỳ. Diện tích cây thuốc lá giảm mạnh chỉ được 45 ha, giảm 10% so cùng kỳ. Cây có hạt chứa dầu đạt 291,1 ha, tăng 2,5% so cùng kỳ; nhóm rau đậu đạt 3.925,1 ha, giảm 5,3%. Diện tích cây gia vị hằng năm đạt 290,7 ha, giảm 8% so cùng kỳ; cây hàng năm khác đạt 1.147,7 ha, tăng 8,9% so cùng kỳ.

Vụ Hè thu 2019: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 28.917,2 ha, tăng 1,9% so cùng kỳ. Trong đó: diện tích lúa đạt 14.755 ha, tăng 2,1% so cùng kỳ; Ngô và cây lương thực khác thực hiện 3.950,3 ha, tăng 6,5% so cùng kỳ, trong đó ngô đạt 3.924 ha, tăng 5,8% so cùng kỳ; Cây lấy củ có chất bột đạt 70 ha, giảm 8,5% so cùng kỳ; Do thuận thời tiết, đủ nước cung cấp nên phần diện tích trồng khoai lang và sắn chuyển sang trồng ngô làm giảm diện tích cây lấy củ có chất bột; Nhóm rau đậu 4.575,9 ha, giảm 1,9% so cùng kỳ, giảm mạnh ở phần diện tích đậu các loại do diện tích trồng đậu chuyển sang trồng lúa và tăng ở phần diện tích rau các loại; nhóm cây dược liệu 41,5 ha, giảm 2,6% so cùng kỳ; cây hàng năm khác đạt 1.218,1 ha, tăng 5,2%. Diện tích mía trong vụ hè thu đạt 3.562 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ.

Nhìn chung vụ đông xuân và hè thu năm nay, nhiều cây trồng tăng diện tích và năng suất, bên cạnh một số cây giảm mạnh về diện tích gieo trồng do công tác chuyển đổi cây trồng phù hợp thời tiết, khí hậu, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả theo hướng phát triển bền vững. Do đó diện tích lúa, ngô và cây lương thực có hạt đều tăng về diện tích và năng suất góp phần làm tăng sản lượng[1]. Một số cây rau đậu, hoa, cây cảnh sản lượng giảm nhẹ so cùng kỳ, chủ yếu giảm trên nhóm rau lấy quả và cây đậu các loại[2]; các cây còn lại tăng nhẹ so với cùng kỳ.

- Thực hiện mô hình cánh đồng lớn:

* Vụ Đông Xuân:

+ Thực hiện sản xuất cánh đồng lớn lúa với 2.481ha

+ Cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh 30 ha, ở 2 xã An Hải và Phước Hải.

+ Cánh đồng lớn ngô quy mô 80 ha ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước.

Quy trình sản xuất cánh đồng lớn được áp dụng đồng bộ các khâu xuống giống, chăm sóc, bón phân, phun thuốc đồng loạt để tạo hiệu quả rõ rệt. Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngày càng chặt chẽ và mở rộng hơn, giúp nông dân an tâm sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế, cụ thể:

- Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa: Thực hiện 16 liên kết với 2.481ha do các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp liên kết trực tiếp sản xuất với các doanh nghiệp.

- Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ngô giống: Thực hiện được 3 liên kết do các HTX dịch vụ nông nghiệp Phước An, Mỹ Sơn hợp đồng trực tiếp liên kết với công ty giống cây trồng Miền Nam, cty giống cây trồng Đông Nam, trung tâm giống cây trồng Nha Hố.

- Mô hình liên kết măng tây xanh: Thực hiện được 3 liên kết do các HTX dịch vụ nông nghiệp (An Xuân, Tuấn Tú) hợp đồng trực tiếp với công ty Linh Đan và trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến.

* Vụ Hè thu:

+ Thực hiện mô hình cánh đồng lớn lúa với qui mô diện tích 2.327ha ở các  huyện Ninh Phước với diện tích 1.559 ha tại 7 xã, thị trấn; huyện Thuận Nam thực hiện với quy mô 244,5 ha trên địa bàn 2 xã; huyện Ninh Hải thực hiện với quy mô 260,4 ha; huyện Thuận Bắc với quy mô 232 ha tại 3 xã; huyện Ninh Sơn thực hiện với quy mô 31,1ha.

+ Thực hiện mô hình cánh đồng lớn măng tây quy mô 11 ha tại xã An Hải.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng:

Vụ Đông Xuân, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 582,6/531,3ha, đạt 109% so kế hoạch. Trong đó cây ngắn ngày 428 ha; cây dài ngày đạt 154,6ha.

Vụ Hè Thu, đã chuyển đổi được 840,6/940,2ha, đạt 89,4% so kế hoạch. Trong đó, diện tích chuyển đổi trên đất lúa 455,5ha và trên đất khác là 385,1ha. Diện tích chuyển đổi luân canh 581,3 ha và chuyển đổi bền vững lâu dài là 259,31 ha. Kết quả đạt được như trên sự quân tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành địa phương thực hiện chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước, hiệu quả theo hướng phát triển bền vững, lâu dài, tăng hiệu quả sản xuất. Cạnh đó, công tác chuyển đổi cây trồng còn gặp những khó khăn như: vốn đầu tư, đầu ra của sản phẩm, việc xác định vùng chuyển đổi cây trồng ở một số địa phương chưa rõ ràng.

* Cây lâu năm: Diện tích cây lâu năm toàn tỉnh 9 tháng đầu năm hiện có 11.946,4 ha, tăng 2,7% so cùng kỳ. Cây ăn quả ước đạt 6.121,3 ha, tăng 3,4% so cùng kỳ, trong đó cây nho và táo chiếm tỷ trọng cao, vì giá ổn định, hiệu quả kinh tế cao và được các ngành quan tâm, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất (mô hình tăng diện tích táo bao lưới, nho giống mới,...). Hiện các mô hình xây dựng trên cây nho và táo được Sở, ngành vận động mở rộng như mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nho, mô hình bao lưới trên cây táo... được liên kết giữa các công ty sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân.

Một số cây như  xoài, thanh long, sầu riêng, bưởi, mãng cầu, ổi... có diện tích tăng so cùng kỳ, trong đó, sầu riêng và bưởi có giá trị kinh tế cao nhưng không thích hợp khí hậu nắng nóng nên bị giới hạn vùng sản xuất, chỉ trồng khu khí hậu mát, ở một số xã thuộc huyện Ninh Sơn và Bác Ái.  Cây điều có diện tích nhiều nhất, hiện có 4.540,9 ha, tăng 6,5% so cùng kỳ, chiếm 38% tổng diện tích cây lâu năm nhưng hiệu quả kinh tế không cao do trồng điều mục đích chính là phủ xanh đất trống đồi trọc, ít chăm sóc nên sản lượng thấp.

- Chăn nuôi: Trong 9 tháng đầu năm 2019, Đàn trâu ước tính đến cuối kỳ có 4.032 con, tăng 4,9% so cùng kỳ; đàn bò 124.547 con tăng 1,3%. Đàn dê, cừu hiện có 283.201 con, tăng 2,2% so cùng kỳ, Xu hướng nuôi dê quy mô nhỏ ở đồng bằng và nuôi cừu ở quy mô lớn ở vùng núi đang được người nuôi mở rộng và phát triển mạnh. Đàn heo có 86.651 con, giảm 4,1% so cùng kỳ, do tác động của thị trường tiêu thụ, giá heo hơi từ sau Tết Nguyên đán bắt đầu có xu hướng giảm xuống từ tháng 1 đến tháng 5 và sau đó biến động giảm mạnh cho đến tháng 9, tần suất xuất chuồng tăng chậm; mặt khác ảnh hưởng dịch tả lợn Châu phi ngay ngày đầu tháng 9 đã làm giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng và sức cung ứng người nuôi.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong kỳ được giám sát chặt chẽ, không phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm Cúm gia cầm, Tai xanh heo, Lỡ mồm long móng gia súc, bệnh đậu…tạo điều kiện cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh ổn định hơn. Riêng đối với dịch tả lợn châu Phi, Ninh Thuận là tỉnh cuối cùng trong 63 tỉnh thành được công bố dịch lần đầu vào ngày 30/8 tại các KP1, KP4, KP6-Thị trấn Tân Sơn, tiếp đến là thôn Trà Giang-xã Lương Sơn, Nha Hố-Nhơn Sơn thuộc khu vực huyện Ninh Sơn; các khu vực khác như Láng Me-Bắc Phong-Thuận Bắc, Ha Lá Hạ-Phước Thắng-Bác Ái cũng xảy ra dịch và đã có 3/7 huyện trong tỉnh công bố dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 11/9 đã tiêu hủy hơn 284 con heo/20,088 tấn/8 hộ trên phạm vi toàn tỉnh, đa phần là lợn trên 28 ngày tuổi và lợn nái sinh sản. Tính đến ngày 10/9/2019, theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, toàn tỉnh đã xuất hiện một số loại bệnh trên vật nuôi như Tụ huyết trùng: trâu bò 124 con và chết 3 con, heo 132 con và chết 39 con; LMLM heo 46 con và chết 1 con; bệnh phó thương hàn heo 46 và chết 7 con; bệnh E.coli heo 119 con và chết 16 con; bệnh Gumboro gà 754 con và chết 256 con;…

b. Lâm nghiệp

Tình hình lâm nghiệp tỉnh Ninh Thuận 9 tháng đầu năm 2019 tập trung chủ yếu vào công tác trồng, chăm sóc, phục hồi, tái sinh và bảo vệ rừng... để cải thiện môi trường nhằm góp phần tạo hệ sinh thái rừng cân bằng, ổn định và bền vững lâu dài. Là tỉnh thuộc vùng khô hạn nhất nước, lượng mưa hàng năm rất ít và thường tập trung vào từ tháng 9 đến hết tháng 10 dương lịch. Đến thời điểm hiện nay, kế hoạch trồng rừng theo các chương trình, dự án đã được phê duyệt, phân bổ và đang thực hiện.

Năm nay có mưa trễ hơn nên việc trồng mới rừng khả năng thực hiện chậm hơn và không đạt cao so với kế hoạch giao. Diện tích rừng trồng mới trong 9 tháng đầu năm tại các khu vực có mưa sớm (BQLR ĐN Hồ sông Sắt và Vườn quốc gia Phước Bình) ước đạt 70 ha cây thông ba lá giảm 45,6% so cùng kỳ, trong đó trồng mới theo chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững là 20 ha.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc là 652,13 ha, giảm 66,5% so cùng kỳ (năm 2 là 276,53 ha, năm 3 trở lên là 375,6 ha) là do diện tích trồng trong năm 2015 và 2016 trồng nhiều đến nay đã thành rừng, trong khi các năm về sau (2017, 2018) diện tích trồng ngày càng bị thu hẹp và một phần do xu hướng trồng rừng từ cây nông nghiệp kết hợp với cây lâm nghiệp đang được tỉnh khuyến khích.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, khai thác từ rừng trồng chủ yếu từ hộ cá thể ước đạt 1.930 m3, giảm  0,2% so cùng kỳ; củi 8.015 ster, giảm 1,6% so cùng kỳ. Xu hướng thu nhặt củi và làm than củi của hộ gia đình ngày càng giảm do nhu cầu sử dụng điện, ga thay thế ở nông thôn tăng cao trong các năm gần đây. Các loại lâm sản ngoài gỗ, do thời tiết trong 9 tháng đầu năm tương đối thuận lợi nên hầu hết các sản phẩm này đều tăng so với cùng kỳ.

Vi phạm lâm luật 9 tháng đầu năm giảm nhiều so cùng kỳ. Tính đến ngày 10/9/2019, số vụ vi phạm phát hiện được có 262 vụ, giảm 119 vụ (giảm 31,2%).

c. Thuỷ sản

Ước sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 đạt 110 nghìn tấn, tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó: thủy sản nuôi trồng đạt 7,76 nghìn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ; thủy sản khai thác đạt 102,33 nghìn tấn, tăng 5% (chủ yếu là khai thác biển 102,29 nghìn tấn, chiếm 99,96% sản lượng thủy sản khai thác); Từ đầu năm đến nay thời tiết tương đối thuận lợi, cá nổi xuất hiện nhiều, nhất là cá cơm, cá nục phù hợp với nghề khai thác pha xúc, lưới vây của tỉnh. Lượng cá xuất hiện nhiều từ tháng 2, đỉnh điểm là cuối tháng 6 đầu tháng 7. Từ tháng 7 – 9 (vụ cá Nam), biển xuất hiện cá nổi dày. Cá xuất hiện liên tục ở ngư trường Mũi Né (Bình Thuận), Côn Đảo (Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)... Các tàu hành nghề vây ánh sáng, lưới vây hoạt động mạnh, đa số đánh bắt ở ngư trường tỉnh bạn.

Diện tích thủy sản nuôi trồng tháng 9 năm 2019 ước đạt 22,5 ha, nâng diện tích nuôi trồng 9 tháng năm 2019 đạt 827,6 ha, giảm 3,7% so cùng kỳ; trong đó diện tích thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt 736,1 ha, giảm 3,4% so cùng kỳ; tính đến nay diện tích thu hoạch tôm đạt 445,9 ha với sản lượng đạt 4.800 tấn, giảm 5,9% so cùng kỳ (chủ yếu là tôm thẻ, tôm sú chưa thu hoạch).

Sản lượng thủy sản giống ước đạt 27.450 triệu con, tăng 9,3% so cùng kỳ (tôm sú giống ước đạt 5.300 triệu con, tăng 10,4%, tôm thẻ giống ước đạt 22.000 triệu con, tăng 8,9%). Thị trường tiêu thụ chủ yếu miền Tây Nam bộ hiện đang thuận lợi trong nuôi trồng, nên nhu cầu giống tăng cao so năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2019 dự tính chỉ tăng 7,04% so cùng kỳ 2018. Tăng trưởng 9 tháng đầu năm chủ yếu nhờ vào các dự án điện năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tập trung từ quý II/2019, một số sản phẩm chủ lực như: muối biển, tôm đông lạnh, đường rs, muối chế biến, bia đóng lon, may mặc,... chiếm tỷ trọng quyền số giá trị cao nhưng chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, các sản phẩm chủ yếu này đều không đạt kỳ vọng đã tác động chỉ số sản xuất chung toàn ngành tăng trưởng đạt thấp hơn kế hoạch.

+ Công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng 15,62% (cơ cấu quyền số sản xuất), chủ yếu hoạt động khai thác đá xây dựng và hoạt động khai thác muối biển. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng 9 tháng đầu năm ước đạt 86,8% so cùng kỳ (tác động giảm 2,06 điểm % chỉ số ngành công nghiệp); trong đó, hoạt động khai thác đá xây dựng tăng 21,5% so cùng kỳ, khai thác muối biển chỉ đạt 68,4% cùng kỳ do hậu quả mưa lũ cuối năm 2018 và số lượng muối tiêu thụ đạt thấp.

+ Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 61,86% (cơ cấu quyền số sản xuất) chỉ số sản xuất ước 9 tháng đầu năm giảm 0,85% so cùng kỳ, tác động giảm 0,53 điểm % chỉ số sản xuất chung. Trong đó: Sản xuất chế biến thực phẩm, dự ước tăng 4,72% , bao gồm các ngành: chế biến thủy sản (tôm đông lạnh) giảm 8,5%; chế biến nhân điều tăng 44,53%; sản xuất tinh bột mì tăng 44,69%; sản xuất đường (rs) giảm 54%; chế biến muối thực phẩm giảm 25,53%. Sản xuất đồ uống (chủ yếu bia đóng lon các loại), giảm 6,37% so cùng kỳ. Sản xuất vật liệu xây dựng ước tăng 1,74% so cùng kỳ, trong đó: sản xuất xi măng tăng 18,89%; sản xuất gạch đất nung giảm 7,27%;  Ngành dệt (SX sợi, khăn bông) ước tính giảm 13,65% . Ngành sản xuất trang phục giảm 14,23% so cùng kỳ.

+ Công nghiệp sản xuất và phân phối điện... chiếm tỷ trọng 16,16% (cơ cấu quyền số sản xuất), chỉ số sản xuất ước tính 9 tháng đầu năm tăng 48,32%, đóng góp tăng 7,81 điểm % chỉ số toàn ngành. Trong đó, điện sản xuất tăng 64,33% và điện thương phẩm tăng 9,82% so cùng kỳ.

+ Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác ... chiếm tỷ trọng 6,37% (cơ cấu chỉ số sản xuất toàn ngành), chỉ số sản xuất dự tính tăng 9,97% so cùng kỳ; trong đó hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,08% cùng kỳ; xử lý thu gom rác thải tăng 12,71% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm chủ yếu so với cùng kỳ

+ Khai thác muối các loại: những tháng đầu năm 2019 tình hình thời tiết  thuận lợi, tuy nhiên do hậu quả mưa lũ cuối năm 2018 gây sạt lở đồng muối, sản lượng quý 1 chỉ đạt 48% cùng kỳ vì phải tập trung sửa chữa hạ tầng. Bên cạnh đó lượng tiêu thụ chậm, muối tồn kho còn nhiều (đến cuối tháng 8 còn tồn 160 ngàn tấn, chiếm 88,6% lượng sản xuất), giá tiêu thụ bình quân 1.000 đ/kg. Sản lượng muối khai thác 9 tháng đầu năm ước đạt 232,3 ngàn tấn, giảm 31,6% so cùng kỳ (làm giảm 2,3 điểm % chỉ số chung).

+ Tôm đông lạnh: là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao (7,74%) trong tổng giá trị toàn ngành, có tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng chung, do sản lượng tiêu thụ đạt thấp và nguyên liệu không đáp ứng đủ nên 9 tháng đầu năm sản xuất ước đạt 4.347,4 tấn, giảm 8,5% so cùng kỳ (làm giảm 0,66 điểm % chỉ số chung).

+ Bia các loại: dự kiến sản xuất trong 9 tháng đầu năm đạt gần 46 triệu lít, giảm 7,1% so cùng kỳ; đây là sản phẩm có giá trị gia tăng đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và toàn ngành công nghiệp (chiếm 11,6% tỷ trọng giá trị tăng thêm toàn ngành), sản lượng làm giảm 0,83 điểm % chỉ số sản xuất chung.

+ Hạt điều khô: vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm vốn phục vụ dự trữ nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2019 sản xuất 3.728,2 tấn, tăng 44,5% so cùng kỳ (tác động tăng 2,53 điểm % chỉ số chung).

+ Sản xuất đường:  sản xuất ước đạt 9.891 tấn, giảm 54% so cùng kỳ, do ảnh hưởng mưa lũ cuối năm 2018, mía nguyên liệu không đáp ứng đủ theo yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp (làm giảm 1,06 điểm % chỉ số chung).

+ Sản xuất tinh bột mỳ: dự kiến 9 tháng đầu năm sản xuất 9.319,2 tấn, tăng 32% so cùng kỳ. Nguyên liệu cung cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, giá tiêu thụ bình quân sản phẩm tăng 10% so cùng kỳ.

+ Xi măng các loại: ước đạt 137,8 ngàn tấn, tăng 18,9% so cùng kỳ. Mặc dù được nhiều công trình xây dựng sử dụng thi công nhưng do sự cạnh tranh về giá sản phẩm cùng loại trong nước, sản phẩm xi măng của địa phương vẫn có mức tiêu thụ chậm.

+ Điện sản xuất 9 tháng đầu năm ước đạt 1.805,7 triệu kwh, so cùng kỳ tăng 64,3% (tác động tăng 7,51 điểm % chỉ số chung). Trong đó, điện năng lượng tái tạo đã cung cấp sản lượng ước đạt 765 triệu kwh, cụ thể: điện gió (3 dự án) 115 triệu kwh; điện mặt trời (15 dự án) 650 triệu kwh, dự kiến điện mặt trời sản xuất trong tháng 9 đạt thấp hơn so với tháng trước do thời tiết nhiều mưa.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đạt mức tăng trưởng còn thấp so cùng kỳ năm trước (chỉ số sản xuất cùng kỳ tăng 10,94%) và chưa đạt kế hoạch chung (14%); trong đó ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng giảm (-0,85%) do năng lực mới tăng thêm hầu như không có; riêng ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù tăng (+48,32%) nhưng chưa bù đắp đủ để đạt mục tiêu đề ra.

3. Thương mại, dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2019 đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 15,1% so tháng cùng kỳ, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2019 đạt 12.888,6 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nhóm hàng Lương thực, thực phẩm đạt 5.485,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,6%, tăng 14,1%; Gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.269,2 tỷ đồng chiếm 9,8% ,tăng 12,9%; Xăng dầu các loại đạt 1.776,1 tỷ đồng chiếm 13,8%, tăng 16%.

Nhìn chung hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2019 phát triển tương đối mạnh .Nguồn cung hàng hóa dồi dào, do đó tình hình giá cả tương đối ổn định, hàng hoá được lưu thông thông suốt, mặc dù một số mặt hàng rau củ, trái cây, bia, thủy hải sản… tăng trong dịp Tết Nguyên đán, song mức tăng tương đương với cùng Tết năm trước, không có sự tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2019 nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại tiếp tục tổ chức bán hàng khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng, hoạt động xây dựng trong dân cư vẫn tăng khá qua đó góp phần làm tăng doanh thu hoạt động thương nghiệp. Nhìn chung, giá cả hàng hoá đến thời điểm này tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng sốt giá, khan hiếm.

b. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 9 năm 2019 đạt đạt 277 tỷ đồng, tăng 11,3% so cùng kỳ, nâng tổng số 9 tháng đầu năm ước đạt 2.530,6 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức và tăng 14,2% so với cùng kỳ 2018. Trong đó: Dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 2.525,9 tỷ đồng, tăng 14,2%; Du lịch lữ hành đạt 4,7 tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2018.

Hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm 2019 của tỉnh khá sôi động và có sự đổi mới so với các năm, nhiều cơ sở lưu trú du lịch tăng cường đầu tư, chất lượng dịch vụ và các chương trình ngày càng mang tính chuyên nghiệp, đẳng cấp; cùng với khuynh hướng du khách ưa chuộng khám phá du lịch sinh thái và biển, đồng thời sự kiện Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2019 cũng là một trong những điểm nhấn trọng tâm của du lịch tỉnh nhà trong 9 tháng qua;  thu hút lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng mạnh, công suất sự dụng phòng trên 100% (tính cả nhà nghỉ, homestay).

c. Dịch vụ tiêu dùng khác

Ước doanh thu dịch vụ khác tháng 9 năm 2019 đạt đạt 161,5 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ, nâng tổng số doanh thu dịch vụ khác 9 tháng đầu năm đạt 1.438,3 tỷ đồng, chiếm 8,53% tổng  mức và tăng 14,1% so với cùng kỳ 2018, trong đó doanh thu ở loại hình kinh tế tư nhân hoạt động ngành giáo dục đào tạo, cụ thể là Doanh nghiệp tư nhân trường mầm non Hoa Sen và Công ty TNHH giáo dục Hoa Mặt trời số lượng học sinh nhập học đầu năm học 2019-2020 cao đã làm cho doanh thu nhóm này cao (19,95%) so với cùng kỳ năm trước; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ  trong 9 tháng đầu năm do nhu cầu tăng, mà đặc biệt là dịch vụ bảo vệ tăng cao (21,64%) góp phần làm cho nhóm dịch vụ tăng cao so với 9 tháng đầu năm 2018.

d. Vận tải hành khách và hàng hóa

Doanh thu vận tải tháng 9 năm 2019 ước đạt 114,2 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2018; Tính chung 9 tháng năm 2019 ước đạt 959,3 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa đạt 611,6 tỷ đồng, tăng 12% và doanh thu vận tải hành khách đạt 292,1 tỷ đồng, tăng 12,1%.

Vận chuyển hành khách 9 tháng năm 2019 ước đạt 5,24 triệu lượt hành khách, tăng 11,4%; luân chuyển hành khách đạt 412,2 triệu hk.km, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển hàng hóa đạt 5,68 triệu tấn hàng hóa, tăng 11,2%; luân chuyển hàng hóa đạt 428,3 triệu tấn.km, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Các ngành chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát các phương tiện vi phạm đón trả khách sai quy định để đảm bảo việc đi lại trong nhân dân được thuận lợi, an toàn.

e. Dịch vụ bưu chính, viễn thông

Phát triển 4.352 thuê bao điện thoại (1.036 thuê bao di động trả sau và 3.379 thuê bao di động trả trước). Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh là 663.655 thuê bao, đạt mật độ 111,4 thuê bao/100 dân. Phát triển 2.721 thuê bao internet băng rộng; tổng số thuê bao internet băng rộng trên toàn tỉnh là 277.331 thuê bao. Mật độ internet trên toàn tỉnh là 87,5 thuê bao/100 dân. (mật độ thuê bao internet tăng cao là do quy đổi 81.083 thuê bao internet hộ gia đình thành 324.332 thuê bao internet cá nhân).

Toàn tỉnh có 02 doanh nghiệp và 09 Văn phòng đại diện hoạt động bưu chính, chuyển phát. Có 101 điểm phục vụ bưu chính tăng 30 điểm so với thời điểm cuối năm 2018. Bán kính phục vụ là 3,25 km/1 điểm, bình quân 5.950 người/1 điểm phục vụ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 09 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình cáp: Có 182 điểm chuyển mạch, tăng 109 điểm so với thời điểm cuối năm 2018; 284 tuyến viba, tăng 115 tuyến so với thời điểm cuối năm 2018; 84 tuyến cáp đồng dài 2.303 km; 784 tuyến cáp quang, tăng 215 tuyến với tổng chiều dài 7.018 km, tăng 1.019 km so với thời điểm cuối năm 2018, 1.485 trạm BTS (502 trạm 2G, 670 trạm 3G, 313 trạm 4G), tăng 30 trạm BTS 3G so với thời điểm cuối năm 2018; 652 vị trí trạm BTS (216 vị trí cột ăngten sử dụng chung), 09 trạm điều khiển thông tin di động BSC.

Phối hợp với Chi nhánh FPT triển khai lắp đặt 05 hệ thống Wifi công cộng miễn phí tại 5 khu vực. Tổng số khu vực có phủ sóng Wifi công cộng miễn phí trên địa bàn tỉnh là 11 khu vực.

4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

a. Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2019 ước đạt 68,6 triệu USD, tăng 16,55% so cùng kỳ và bằng 68,6% so kế hoạch. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hạt điều nhân ước đạt 38,5 triệu USD, tăng 24,61%; thủy sản ước đạt 22 triệu USD, giảm 15,7%; hàng TCMN ước đạt 0,2 triệu USD, tăng 150%; hàng dệt may ước đạt 7,5 triệu USD, tăng 329% so cùng kỳ 2018. Thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, Anh, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc (hạt điều nhân); Đức, Nhật, Mỹ, Pháp (tôm); Nhật và Đài Loan (khăn bông, hàng TCMN).

Nhìn chung 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng khá, các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh (ngoại từ mặt hàng tôm) đều tăng trưởng dương, nhiều tín hiệu khả quan trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh nhà khi mà các mặt hàng xuất khẩu đều nắm bắt và phát huy các lợi thế xuất khẩu, cụ thể:

- Nhân điều đẩy mạnh xuất sang Trung Quốc nhằm tận dụng tình hình Căng thẳng thuế quan giữa Mỹ-Trung Quốc nhằm bù đáp cho các loại hạt khác nhập từ Mỹ;

- Dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ 4,8% xuống 0% từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);

- Nha đam tiếp tục phát huy các đơn hàng sang Trung Quốc  thị trường với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới  nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.

Mặt hàng Tôm đông lạnh đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm với đà tăng từ tháng 7 vì tồn kho của các nhà nhập khẩu của Mỹ đã giảm; nguồn cung tôm tại Ấn Độ giảm mạnh do thời tiết xấu và dịch bệnh; cạnh tranh từ Ấn  Độ, Trung Quốc giảm do Mỹ giảm nhập khẩu từ Ấn  Độ và Trung Quốc, đặc biệt thuận lợi với đơn hàng ổn định từ thị trường truyền thống Nhật Bản.

b. Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 489,93 triệu USD, tăng 468,5% so cùng kỳ 2018, vượt 63,3% so với kế hoạch đề ra. Chủ yếu nhập khẩu mặt hàng tấm pin quang điện, hệ thống khung, giá đỡ, các thiết bị, linh kiện đi kèm,.. của các dự án điện mặt trời, điện gió.

II. ỒN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

1. Vốn đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2019 đạt 21.923,7 tỷ đồng tăng 176% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước đạt 893,3 tỷ đồng, chiếm 4,07% tổng vốn và giảm 0,9% so cùng kỳ; Vốn trái phiếu chính phủ đạt 827,9 tỷ đồng, chiếm 3,78% và giảm 44,9% so cùng kỳ; Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 15.357,3 tỷ đồng, chiếm 70,05% và tăng 289,2% so với cùng kỳ và khu vực đầu tư nước ngoài đạt 4.843,6 tỷ đồng, chiếm 22,1% và tăng 300% so với cùng kỳ.

Phân theo khoản mục: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 21.429,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 97,7 % và tăng 188,9% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua XDCB đạt 291,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,3% và giảm 13,5 % so cùng kỳ; Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản cố định đạt 86,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,4% và giảm 33,9% so cùng kỳ; Vốn đầu tư khác đạt 116,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,6%, tăng 22,7 lần so với cùng kỳ.

Nguồn vốn đầu tư 9 tháng đầu năm 2019 tăng chủ yếu do nguồn đầu tư doanh nghiệp ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời; tăng cường đầu tư kịp thời đưa nguồn điện hòa lưới trong tháng 6 để hưởng chế độ ưa đãi về giá mua điện theo chủ trương của chính phủ.

4. Tài chính, Ngân hàng

a. Tài chính

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3.328 /2.700 tỷ đồng, đạt 123% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao; trong đó; thu xuất nhập khẩu đạt 1.160 /300 tỷ đổng, đạt 387% dự toán; thu nội địa 2.168/2.400 tỷ đồng, đạt 90,3% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

- Có 12/16 khoản thu ước đạt và vượt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao (trên 75%), gồm: Thu từ khu vực DNNN trung ương; thu từ DN có vốn ĐTNN; thu từ khu vực CTN và dịch vụ NQD; thu thuế TNCN; thu thuế SDĐ phi nông nghiệp; thu tiền cho thuê đất; thu thuế Bảo vệ môi trường; thu lệ phí trước bạ; thu khác ngân sách;thu từ quỷ đất công ích và hoa lợi công sản khác; thu cấp quyền khai thác khoáng sản và thu xổ số kiến thiết.

- Còn 04/16 khoản thu dự kiến không đạt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao, gồm:, thu từ khu vực DNNN địa phương; thu tiền sử dụng đất; thu phí, lệ phí và các khoản thu quản lý qua ngân sách.

Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước địa phương ước tính 9 tháng năm 2019 đạt: 3.451/5.352 tỷ đồng (không tính chi từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ), đạt 64% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi hành chính và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác. Trong mua sắm tuân thủ đúng quy định của nhà nước, quy định của cơ quan bảo đảm thiết thực - tiết kiệm - hiệu quả.

b. Ngân hàng

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 9/2019, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 14.900 tỷ đồng, tăng 17,26% so với cùng kỳ, tăng 12,62% so với cuối năm 2018, đạt 78,8% kế hoạch năm 2019. Trong đó:  Tiền gửi tiết kiệm từ dân cư: ước đạt 10.610 tỷ đồng, chiếm 71,21% trong tổng nguồn huy động, tăng 20,51% so với cùng kỳ, tăng 16,94% so với cuối năm 2018; Tiền gửi thanh toán: ước đạt 3.970 tỷ đồng, chiếm 26,64%, tăng 11,24% so với cùng kỳ, tăng 0,97% so với cuối năm 2018; Phát hành giấy tờ có giá: ước đạt 320 tỷ đồng, chiếm 2,15%, giảm 4,19% so với cùng kỳ, tăng 42,22% so với cuối năm 2018.

Tổng dư nợ tín dụng ước  đến 30/9/2019, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 23.550 tỷ đồng, tăng 16,57% so với cùng kỳ và tăng 13,25% so với cuối năm 2018, đạt 58,9% kế hoạch năm 2019. Trong đó: Ngắn hạn 11.550 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,04% trong tổng dư nợ, tăng 19,18%  so với cùng kỳ, tăng 17,89% so với cuối năm 2018; Trung, dài hạn: 12.000 tỷ đồng, chiếm 50,96%, tăng 14,16% so với cùng kỳ, tăng 9,12% so với cuối năm 2018.

Ước đến cuối tháng 9/2019, dư nợ xấu trên địa bàn là 168 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,71% so với tổng dư nợ, giảm 0,24% so với tỷ lệ 0,95%  của cùng kỳ năm 2018 (số tuyệt đối giảm 24,1 tỷ đồng), tăng 0,11% so với tỷ lệ 0,60% tại thời điểm cuối năm 2018 (số tuyệt đối tăng 43,3 tỷ đồng).

Hoạt động Ngân hàng trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Các TCTD trên địa bàn tiếp tục quan tâm dành nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên và tích cực triển khai chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của Ngành và của tỉnh. Tín dụng chính sách được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Các TCTD  chấp hành nghiêm các quy định về tỷ giá và hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng; tăng cường thực hiện các biện pháp mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ; công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng hoạt động ngân hàng và nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương trên địa bàn của NHNN tỉnh được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót, sự cố.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động Ngân hàng Ninh Thuận vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: về chất lượng tín dụng, nợ xấu tuy trong tầm kiểm soát nhưng tiềm ẩn rủi ro phát sinh cao và nợ nhóm 4, nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn (trên 80%) do hoạt động một số DN có dư nợ lớn tiếp tục gặp khó khăn, chậm khôi phục, phá sản; công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chậm; cho vay phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao kết quả còn thấp.

5. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 09 năm 2019 tăng 0,32% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,33%, khu vực nông thôn tăng 0,30%); trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa tăng 0,09% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 0,48%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,36%), chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,70% so với tháng trước; So với cùng kỳ năm 2018 (CPI) tăng 1,77%; tăng 1,75% so với tháng 12 năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 07 có nhóm chỉ số giá  tăng với mức tăng như sau: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,39%; đồ uống thuốc lá tăng 0,03%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,26%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,12%; giáo dục tăng 4,53%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,47%. 03 Nhóm có chỉ số giảm là nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,64%; giao thông giảm 1,00%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,01%. Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông tương đối ổn định.

Tháng 9 năm 2019 (CPI) tăng 0,32% so với tháng trước. (CPI) tháng này tăng chủ yếu giá học phí các trường ngoài công lập tăng 5,16%; giá đồ dùng học tập và văn phòng phẩm tăng 0,46%; Các dịch vụ về hiếu, hỉ tăng 3,39%; các mặt hàng may mặc, giầy dép tăng 0,26%; một số thiết bị và đồ dùng trong nhà bằng điện tăng 0,21% do nhu cầu tăng; giá rau, củ các loại tăng 4,10% do ảnh hưởng thời tiết và một số đã hết mùa vụ, sản lượng giảm nên giá nhiều mặt hàng tăng cao. Tuy nhiên, giá gas điều chỉnh giảm 3.000 đồng/bình 12kg  từ ngày 01/09/2019 do giá gas thế giới giảm; giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp vào ngày 31/08/2019 và ngày 16/09/2019 làm nhóm nhiên liệu giảm 2,20%; thời tiết giao mùa, nhu cầu sử dụng điện, nước giảm; cũng chưa làm chỉ số nhóm này tăng cao so với tháng trước.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Chỉ số nhóm này tăng 0,39%; trong đó nhóm lương thực tăng 0,60% chủ yếu giá ngô, sắn, khoai lang tươi tăng cao do nguồn cung giảm trong khi chưa đến vụ thu hoạch, cụ thể: giá ngô tăng 14,87%; giá khoai tăng 3,77%; giá sắn tăng 16,14%; chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,58%  ở một số mặt hàng: giá rau củ quả tăng 4,10% do một số loại rau, củ đã hết vụ thu hoạch; thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng nên giá nhiều mặt hàng tăng cao. Mặc dù địa phương công bố xuất hiện dịch tả lợn tại địa bàn huyện Ninh Sơn, nhưng giá thịt heo trên địa bàn không giảm do nguồn cung ít; giá trứng gia cầm các loại tăng 8,33% do trứng được thu mua nhiều để chế biến bánh; nhóm quả tươi chế biến tăng 0,87% so với tháng trước, tăng ở mặt hàng chuối, dưa hấu, nhãn, dứa, đu đủ,… do nhu cầu tiêu dùng tăng trong khi sản lượng giảm.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03% do mặt hàng rượu các loại tăng.

- Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng: giảm 0,64% so với tháng trước. Nhóm này giảm do giá gas, giá dầu hỏa trong tháng được điều chỉnh giảm 0,75%; nhu cầu sử dụng điện nước giảm do thời tiết dịu mát, mưa nhiều; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,06% chủ yếu thép xây dựng giảm do nguyên liệu đầu vào giảm.

- Nhóm giao thông: Nhóm này giảm 1% so với tháng trước, do giá xăng điều chỉnh giảm vào các ngày 31/8/2019 và 16/9/2019 với mức giảm xăng A95 giảm 90 đồng/lít; xăng Ron E5 giảm 110 đồng/lít; dầu diezen giảm 130 đồng/lít; giá xe mô tô giảm 0,1%; giá vé tàu hỏa giảm 3,28% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam áp dụng chương trình giảm giá vé khi sắp qua mùa cao điểm của du lịch hè.

- Nhóm giáo dục: đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính, nhóm này tăng 4,53% chủ yếu giá học phí mẫu giáo tăng: mẫu giáo trường tư và nhà tẻ tư thục tăng 9,02%; phổ thông trung học dân lập tăng 3,16%; cao đẳng tăng 7,69%; một số đồ dùng học tập và văn phòng phẩm tăng 0,46%, góp phần làm tăng chỉ số giá tháng này so với tháng trước.

Chỉ số giá vàng tăng 5,38%% so với tháng trước; tăng 21,96% so cùng kỳ năm trước; giá vàng 9999 hiện ở mức 4.140.000đ/chỉ. Giá Đô la giảm 0,04% so với tháng trước và giảm 1,30% so với cùng kỳ năm trước; giá đô la Mỹ hiện ở mức 23.180đ/USD.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Chính sách xã hội – Lao động việc làm

Trong 9 tháng đầu năm ngành đã tập trung tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách lao động, người có công và xã hội. Tập trung chăm lo tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho các đối tượng chính sách Người có công với cách mạng; người nghèo; bảo trợ xã hội và trẻ em trên địa bàn tỉnh vui Xuân đón Tết được ấm áp, vui tươi và tiết kiệm đã được dư luận đánh giá cao, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Công tác tác chăm sóc người có công đã ngày càng đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả nhất định; công tác tuyên truyền chính sách người có công với cách mạng đã được quan tâm, chú trọng, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống của người có công. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” tiếp tục được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Trong 9 tháng đầu năm 2019 Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm triển khai và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Giải quyết việc làm mới 14.049/15.500 lao động đạt 90,6% kế hoạch năm, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu lao động: 172/150 lao động, đạt 114,7% so với chỉ tiêu.

Hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, công tác tuyên truyền được mở rộng, hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường. Tiếp tục tổ chức đào tạo các lớp nghề đã tuyển sinh đảm bảo đạt kế hoạch giao, Đã tuyển mới đào tạo nghề cho 6.138/8.500 người, đạt 72,2% kế hoạch năm, trong đó: Đào tạo dài hạn: 235/1.250 người, đạt 18,8% kế hoạch năm (bắt đầu tuyển sinh từ tháng 9/2019): Cao đẳng 131 người, trung cấp 104 người, tuyển mới trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 5.903 người.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói riêng cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình... góp phần giảm số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của mọi tầng lớp, trong toàn xã hội. Tổ chức 4 lớp tập huấn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về nhận diện và ứng phó với xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống đuối nước cho trẻ em năm 2019 (với 415 đại biểu); tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ năng về nhận diện và ứng phó với xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước cho 636 trẻ em, học sinh.

Trong 9 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra xảy ra 67 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích làm tử vong 11 em, trong đó tử vong do đuối nước 09 em (so cới cùng kỳ 2018 giảm 01 vụ/01 người chết), 02 trẻ tử vong do sét đánh; xảy ra 05 trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy; hướng dẫn địa phương đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của của tệ nạn ma túy, mại dâm trong đời sống xã hội. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho tiếp nhận 126 học viên. Trong đó học viên cai nguyện tự nguyện 120, học viên cai nghiện bắt buộc 06. Tổng số học viên hiện đang quản lý tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: 91(07 nữ), trong đó: Học viên tự nguyện: 84/07 nữ.

Toàn tỉnh có 548 người liên quan đến hoạt động mại dâm; có 463 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm và  911 người liên quan đến ma túy tại 48/65 xã, phường, thị trấn.

Thực hiện tốt chính sách y tế cho người nghèo: Cấp 170.166 thẻ BHYT góp phần vào thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế giảm 30,32% so với cùng kỳ năm 2018.

2. Giáo dục - Đào tạo

Tỷ lệ huy động trẻ, học sinh ra lớp: Trẻ em Nhà trẻ từ 03 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi đạt tỷ lệ 17,38%, giảm 0,32% so với năm học 2017-2018; Mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi đạt tỷ lệ 74,76%, tăng 4,66% so với năm học trước; Trẻ MG học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 98,86%, tăng 1,06% so với năm học trước, trong đó trẻ MG được ăn bán trú đạt 81% so với năm học trước tăng 0,96%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường, lớp có 11.438 trẻ, đạt tỷ lệ 95,92% giảm 3,68% so với năm học trước. 100% trẻ học 2 buổi/ngày, trong đó trẻ được ăn bán trú tại trường đạt 80,9% so với năm học 2017-2018 tăng 7,2%; Tỷ lệ học sinh lớp 1, lớp 6 tuyển mới đúng độ tuổi đạt 99,9%.

Học sinh cấp Tiểu học cuối học năm học 2018-2019, xếp loại Năng lực và Phẩm chất đánh giá là Đạt trở lên có tỉ lệ duy trì trên 99,8%; cấp THCS xếp loại Học lực từ Trung bình trở lên đạt 94,5%, tăng 0,8%, cấp THPT đạt 92,21%, giảm 1,7 % so với năm học 2017-2018; tỷ lệ xếp loại Hạnh kiểm từ Trung bình trở lên đối với cấp THCS đạt 99,8%, tăng 0,1%, cấp THPT đạt 99,5%, giảm 0,1% so với năm học 2017-2018.

Tỷ lệ học sinh Tiểu học hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt  91,77% ; tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS toàn tỉnh đạt 99,79%, tăng 0,26% so với năm học 2017-2018; tỷ lệ học sinh THPT tốt nghiệp toàn tỉnh  đạt 86,75%, giảm 7,31 % so với năm học 2017-2018.

Số học sinh bỏ học cuối năm học 2018-2019 của ba cấp học có 1.093 hs/112.330 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,97%, giảm 0,08% so với cùng kỳ; cụ thể: cấp Tiểu học 66 hs/57.734 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,01% so với cùng kỳ, giảm 0,14%; cấp THCS 531 hs/37.816 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,14%, so với cùng kỳ, giảm 1,54%; cấp THPT 496 hs/16.780 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 2,96%, so với cùng kỳ tăng 0,26%.

Tính đến tháng 8/2019, tổng số trường đạt chuẩn là 118 trường, trong đó: trường phổ thông là 100/234 trường (Tiểu học 68 trường,THCS 29 trường, THPT 03 trường) đạt tỷ lệ 42,73% tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước; trường mầm non 18/88 trường đạt tỷ lệ 20,5%, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm cuối năm học 2018-2019 (tháng 6/2019), số học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày có 36.522 học sinh, đạt tỷ lệ 63,3%, giảm 0,16% so với cùng kỳ năm học trước.

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 319 cơ sở giáo dục, đào tạo (trong đó có 25 trường ngoài công lập); bao gồm 87 trường cấp mầm non (trong đó có 23 trường ngoài công lập), 144 trường tiểu học, 55 trường THCS, 15 trường THPT, 04 trường liên cấp TH-THCS , 03 trường liên cấp THCS-THPT , 02 trường liên cấp TH-THCS-THPT (ngoài công lập ), 05 trường Dân tộc nội trú, 01 trường chuyên, 02 Trung tâm, 01 Trường Cao đẳng sư phạm. So với năm học 2018-2019, thành lập mới 01 trường liên cấp THCS và THPT công lập Đặng Chí Thanh; giảm 08 trường, trung tâm công lập: trong đó có 01 trường cấp mầm non , 04 trường cấp Tiểu học , 02 trường cấp THCS , 01 Trung tâm  do sáp nhập theo đề án, kế hoạch rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp của cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

Số học sinh toàn tỉnh đến ngày 6/9/2019 có 140.657 học sinh, tăng 1.665 học sinh so với năm học trước; trong đó cấp mầm non có 26.821 cháu/1.045 lớp, cấp Tiểu học có 58.719 hs/2.147 lớp, cấp THCS có 37.964 hs/1049 lớp, cấp THPT có 17.154 hs/444 lớp;

Công tác tuyển sinh đầu cấp

- Lớp 1: Công tác huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đúng độ tuổi trong toàn tỉnh là 13.000 học sinh (trong đó hệ ngoài công lập là 126 hs), tăng 1.556 học sinh so cùng kỳ với năm học trước.

- Lớp 6 THCS hệ công lập có 10.542 học sinh/10.556 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 99,87%, giảm 0,10% so với năm học trước, trong đó học sinh Dân tộc nội trú có 279 hs /280 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 99,64%, tăng 4,72% so với năm học trước.

- Lớp 10 THPT hệ công lập có 6.189 học sinh/6.226 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 99,41%, tăng 0,51% so với năm học trước); trong đó lớp 10 THPT chuyên có 217/215 hs đạt 100,93%, THPT Dân tộc nội trú 175 hs/175 chỉ tiêu đạt tỷ lệ 100%, lớp 10 THPT có 5.797 hs/5.898 chỉ tiêu đạt tỷ lệ 98,29%.

- Đối với hệ ngoài công lập: Có 76 học sinh cấp THPT và 56 học sinh cấp THCS.

Triển khai hướng dẫn công tác tổ chức lễ khai giảng, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020 của các cấp học, tuần lễ sinh hoạt công dân cho học sinh, sinh viên theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các khoản thu đầu năm theo quy định, không để xảy ra tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục.
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 836
  • Trong tuần: 5208
  • Tất cả: 969202

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn