BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI QÚÍ I NĂM 2019
Năm 2019 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Do đó mục tiêu chung của tỉnh ta đề ra trong năm 2019 đó là: Tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm cơ cấu lại nền nông nghiệp, công nghiệp và đầu tư. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực trọng điểm về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; phát huy tiềm lực khoa học - công nghệ, tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gắn với phương châm hành động năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, ổn định sản xuất, ngay từ đầu năm UBND Tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2019. Trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương đã triển khai thực hiện trong quý I/2019; Qua số liệu thống kê chính thức kinh tế-xã hội 2 tháng và dự  ước tháng 3. Tình hình kinh tế-xã hội quí I năm 2019 trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả cụ thể như sau:

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Kết thúc gieo trồng vụ đông xuân 2019, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 30.075,5 ha, vượt 3,7% kế hoạch, tăng 4,6% so đông xuân 2018. Trong đó: Diện tích lúa 17.050,5 ha, vượt 3,4% so kế hoạch, tăng 0,4% so đông xuân trước; Nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác 2.712,5 ha, giảm 9,6% so kế hoạch và giảm 6,5% so cùng kỳ, trong đó diện tích ngô 2.685,4 ha, giảm 9% và giảm 6,3% so cùng kỳ; cây lấy củ 4.572,9 ha, tăng 53,2% so cùng kỳ; mía trồng mới 23,5 ha, tăng 11,9% so cùng kỳ. Diện tích thuốc lá các năm gần đầy liên tục giảm, vụ đông xuân năm nay chỉ thực hiện 45 ha, giảm 10% so cùng kỳ. Cây có hạt chứa dầu 291 ha, giảm 22,8% so kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ; nhóm rau đậu 3.925 ha, giảm 5,3%, đạt 83,7% kế hoạch; trong đó, rau các loại 3.114,5 ha, giảm 5,1% so cùng kỳ; đậu các loại 789,8 ha, giảm 4,6% so cùng kỳ. Diện tích cây gia vị hằng năm đạt 290,7 ha, giảm 8% so cùng kỳ; cây hàng năm khác đạt 1.147,7 ha, tăng 8,9% so cùng kỳ, vượt 6,4% kế hoạch, trong đó chủ yếu là cỏ trồng 1.119,7 ha, tăng 6,7% so cùng kỳ .

Cây lúa, có 5/7 huyện gieo cấy vượt so kế hoạch là: Bác Ái 624,5/ 600 ha, vượt 4%, Ninh Sơn 3.474,5/ 3.150 ha, vượt 10%; Ninh Hải 2.186 ha/ 2.100 ha, vượt 4%; Ninh Phước 5.348/ 5.240 ha và Thuận Bắc 2.753/ 2.700 ha, cùng vượt kế hoạch 2%. Diện tích lúa tăng thêm do lượng nước đầy đủ nên một số diện tích trồng màu vụ trước nay chuyển lại trồng lúa như ở huyện Ninh Hải. Có 2/7 huyện, thành phố diện tích lúa giảm nhẹ so kế hoạch: TP.Phan Rang-TC thực hiện 971/ 1.100 ha, giảm 3%; huyện Thuận Nam 1.693/ 1.700 ha, giảm 1%

- Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông Xuân 2019: Diện tích thực hiện chuyển đổi trên đất lúa 112,3 ha, diện tích trên cây hàng năm khác là 84 ha.

- Mô hình cánh đồng lớn vụ Đông Xuân 2019: Thực hiện sản xuất cánh đồng lớn lúa với 2.481 ha. Cụ thể:

Huyện Ninh Phước 1.624 ha lúa, tại 7 xã, thị trấn (xã Phước Hữu 200ha; Phước Thái 222ha; Phước Hậu 617ha; Phước Thuận: 340ha; Phước Hải 45ha; Phước Sơn: 100ha; thị trấn Phước Dân: 100ha ); huyện Thuận Nam 295 ha ở 3 xã (Phước Nam; Phước Ninh; Phước Hà); Huyện Ninh Hải 262 ha ở xã Xuân Hải; huyện Ninh Sơn 69 ha ở xã Lương Sơn; huyện Thuận Bắc 231 ha ở 3 xã (Công Hải 70ha; Lợi Hải 59ha; Bắc Phong 102ha).

+ Cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh quy mô 30 ha, ở 2 xã An Hải và Phước Hải.

+ Cánh đồng lớn ngô với quy mô 80 ha ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước.

Quy trình sản xuất cánh đồng lớn được áp dụng đồng bộ các khâu: xuống giống, chăm sóc, bón phân, phun thuốc đồng loạt để tạo hiệu quả rõ rệt cùng với việc thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ tạo sự an tâm cho nông dân.

Do ảnh hưởng không khí lạnh và gió nên một phần diện tích lúa chậm phát triển, một số diện tích luá bị bọ trĩ, vàng lá sinh lý, sâu cuốn lá xuất hiện vài nơi nhưng mật độ không cao, sâu bệnh hại không đáng kể. Hiện nay đa phần cây sinh trưởng tốt, chăm sóc bón phân và tưới nước đầy đủ.

- Năng suất, sản lượng cây trồng chủ yếu: Dự ước năng suất lúa đông xuân 2019 đạt 64,6tạ/ha, tăng 0,1tạ/ ha so cùng kỳ, ước sản lượng lúa gần 110,2 nghìn tấn, tăng 0,6%; năng suất ngô ước đạt 59,8 tạ/ha, giảm 0,4tạ/ ha, sản lượng ngô đạt hơn 16 nghìn tấn, giảm 7% do diện tích giảm 181ha. Năng suất rau các loại ước đạt 169tạ/ha, giảm 7,6 tạ/ha so cùng kỳ; sản lượng rau các loại ước đạt 52,7 nghìn tấn, giảm 9,2% so cùng kỳ do diện tích giảm 1.031ha; sản lượng đậu các loại ước đạt 827,7 tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ; năng suất cỏ trồng 633,7 tạ/ha, tăng 0,1% so cùng kỳ.

Ước tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có đạt 11.860 ha, tăng 0,7% so cùng kỳ, trong đó: Cây nho hiện có 1.265 ha, tăng  2,1% so cùng kỳ, trồng mới 22ha, gấp đôi so cùng kỳ, thời tiết và nguồn nước đang thuận lợi, giá nho ổn định nên diện tích trồng mới tăng trở lại. Diện tích cho sản phẩm đạt 1.151ha, tăng 2,4% so cùng kỳ. Cây xoài hiện có 422 ha, tăng  2,4% so cùng kỳ; chuối 1.368 ha, tăng 1,2% so cùng kỳ, được trồng nhiều dọc triền núi Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc;  Cây táo hiện có 1.017 ha, tăng  0,9% so cùng kỳ, trong kỳ diện tích táo phá gốc do già cỗi ít hơn (do được phá gốc nhiều ở năm trước). Diện tích táo trồng mới vài năm gần đây vào cho sản phẩm nhiều, nâng diện tích táo đang cho sản phẩm lên 982 ha, chiếm 96% diện tích hiện có. Diện tích điều có 4.529 ha, tăng 6,1%, diện tích cho sản phẩm 3.073ha, tăng 5,2% so cùng kỳ. Cây điều được trồng nhiều ở các vùng núi bởi đặc tính dễ thích nghi kể cả vùng khô hạn, sỏi đá... được hộ dân và các Ban quản lý rừng trồng theo dự án với hình thức trồng thả, ít được chăm sóc, được trồng bổ sung hàng năm theo các chương trình trồng rừng ở những tháng cuối năm khi vào mùa mưa.

Trong các cây lâu năm của tỉnh, cây nho vẫn là cây chính đem lại hiệu quả kinh tế cao giá cả ổn định. Các ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn trồng mới thêm các giống nho mới, nhưng do nhiều điều kiện như chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh cao, các giống nho lai tạo mới chưa có điều kiện thử nghiệm nhiều, giống nho xanh NH01-48 diện tích chưa mở rộng nhiều diện tích nho phát triển còn hạn chế.

Nhìn chung, trong quý I năm nay, diện tích các cây lâu năm đang cho sản phẩm giảm nhiều, năng suất còn thấp. Một số cây lâu năm cho thu hoạch trong quý như: Nho, xoài, chuối, đu đủ, ổi, vú sữa... Một số cây sản lượng thu trong quý giảm do diện tích thu hoạch giảm như sản lượng xoài thu trong Quí 1 bằng 64% so cùng kỳ; chuối giảm 5,2%, đu đủ giảm 17,2%, ổi giảm 0,5%; vú sữa giảm 43,2%.... Bên cạnh đó, vẫn có các cây cho sản lượng cao hơn Quí I năm trước do thời tiết thuận  lợi và diện tích cho thu hoạch tăng như sản lượng nho đạt 8.747 tấn tăng 3,7%,; táo đạt 8.720 tấn, tăng 10,2%, bưởi tăng 9,3%,.... Các loại cây lâu năm khác như sầu riêng, măng cụt, hồng,... chưa vào vụ thu hoạch.

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không có các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra như cúm gia cầm, lở mồm long móng,.. ,.. (tính đến ngày 14/3/2019 dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 17 tỉnh, không có ở Ninh Thuận); công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật qua tỉnh, kiểm soát giết mổ gia súc và tuyên truyền phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm luôn được chú trọng quan tâm. Tính đến ngày 8/3/2019, toàn tỉnh có xuất hiện một số loại bệnh như Tụ huyết trùng như trâu bò 49 con; heo 16 con và chết 6 con; E.coli heo 59 con và chết 6 con; bệnh Gumboro gà 473 con và chết 169 con; LMLM heo 46 con và chết 1 con; Phó thương hàn heo 39 con và chết 4 con…Đã tổ chức tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin: Tụ huyết trùng trâu, bò: 12.733 con; Tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, LMLM, tai xanh heo tương ứng: 8.185con,16.230 con, 5.245 con, 27.212 con, 4.200 con; Tụ huyết trùng dê, cừu: 16.793 con; cúm gia cầm: gà 60.500, vịt 42.800 con; Newcate gà: 62.700 con; dịch tả vịt: 107.900 con.

Thuận lợi về thời tiết và kiểm soát tốt dịch bệnh, tổng đàn vật nuôi kỳ này đều cao hơn cùng kỳ năm trước (ngoại trừ đàn heo): Đàn trâu hiện có 3.891 con, tăng 0,7% so cùng kỳ. Đàn bò 120,4 nghìn con, tăng 5,7% so cùng kỳ do ổn định đàn, giá hơi tăng khá, quy mô nuôi hộ gia đình phát triển trở lại, lượng thịt hơi tiêu thụ tăng nhiều trong tháng 3 do ảnh hưởng dịch lợn châu Phi. Đàn heo hiện có 88,9 nghìn con, giảm 4,3% so cùng kỳ. Đàn dê, cừu hiện có 308,2 nghìn con, tăng 3,4% so cùng kỳ (đàn dê 147,8 nghìn con, tăng 4,7%; đàn cừu đạt 160,5 nghìn con, tăng 2,1%). Tổng đàn gia cầm hiện có 1.655,7 nghìn con, tăng 4,4% so cùng kỳ (chủ yếu tăng ở đàn vịt), trong đó: đàn gà 983,4 nghìn con, tăng 1,1%.

b. Lâm nghiệp

Tình hình lâm nghiệp quý I/2019 chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc rừng trồng cây lâm nghiệp 394 ha (năm 2 là 276,5 ha, năm 3 trở lên 117,5 ha) bằng 20,2% so cùng kỳ. Kế hoạch trồng rừng và khai thác lâm sản khu vực nhà nước chưa có. Khai thác gỗ trong quý I/2019 toàn bộ thuộc hộ cá thể ước đạt 160m3 giảm 4,8% so cùng kỳ; củi khai thác đạt 2.555 ster, tăng 0,8% so cùng kỳ, chủ yếu thu nhặt và khai thác từ cây chết rừng tự nhiên. Trong quí I phát hiện bắt giữ 91 vụ vi phạm, giảm 18 vụ (giảm 16,5%) so cùng kỳ; trong đó: phá rừng trái phép 18 vụ, tăng 9 vụ, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép 25 vụ, giảm 21 vụ; tịch thu 16 xe máy, 18,83m3 gỗ các loại gồm 12,48m3 gỗ tròn và 6,35m3 gỗ xẻ các loại với tổng số tiền phạt hơn 104 triệu đồng.

Hoạt động “Tết trồng cây” đã trồng và chăm sóc trên 3.000 cây xanh vào cuối tháng 2 (gồm xà cừ, bàng, me tây, móng bò, tùng, keo, sao, dầu...) trong khuôn viên UBND các cấp, dọc các tuyến đường, cơ quan, bệnh viện, trường học, khu dân cư... góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan tại khu dân cư, xây dựng tỉnh Ninh Thuận ngày càng xanh-sạch-đẹp.

c. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản quý I/2019 ước đạt 26,33 nghìn tấn, tăng 9,9% so quý I/2018. Trong đó: Sản lượng khai thác 25,37 nghìn tấn, tăng 10,3%;. Trong quí I thời tiết tốt, ngư trường nhiều cá nổi, cá cơm, cá nục xuất hiện nhiều đợt, các tàu thuyền nghề pha xúc, lưới vây vẫn là chủ lực, hải sản đánh bắt số lượng lớn vẫn là cá cơm, cá nục.

Sản lượng nuôi trồng đạt 965 tấn, tăng 2,3%, trong đó cá các loại 65 tấn, tăng 6,2%; tôm các loại 658 tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác 242 tấn, giảm 3,5%. Nuôi tôm thẻ thương phẩm trong 3 tháng đầu năm khá ổn định, tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, Diện tích tôm nuôi thẻ ước quý I/2019 đạt 110 ha, tăng 5% so cùng kỳ, diện tích thu hoạch khoảng 54,7 ha đạt 650 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ

Sản xuất giống thủy sản 9.438 triệu con, tăng 10,5% so cùng kỳ; trong đó tôm sú giống 2.320 triệu con, tăng 0,9%; tôm thẻ giống 7.078 triệu con, tăng 14%; ốc hương giống 40 triệu con, bằng cùng kỳ. Hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống trong quý I năm nay khá thuận lợi, sản lượng tôm giống tăng cao so cùng kỳ. Nguyên nhân là tình hình thời tiết thuận lợi, quá trình ương nuôi ấu trùng đạt hiệu quả, kết hợp nhu cầu tôm giống tăng nhẹ (nhất là giai đoạn trước đến sau Tết).

3. Sản xuất Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý 1/2019 ước tăng 2,7% so cùng kỳ 2018 (chỉ số quý cùng kỳ năm trước tăng 15,6%). Một số sản phẩm chủ yếu như: muối biển, tôm đông lạnh, tinh bột mỳ, đường rs, bia đóng lon, ... có giá trị tăng thêm chiếm tỷ trọng cao nhưng chỉ số sản xuất đều giảm hơn so với cùng kỳ, các sản phẩm chủ yếu này không đạt kỳ vọng đã tác động chỉ số sản xuất chung toàn ngành tăng trưởng đạt thấp so với cùng kỳ 2018.

Công nghiệp khai khoáng : chiếm tỷ trọng 15,62% (cơ cấu chỉ số sản xuất toàn ngành), tập trung vào hoạt động khai thác đá xây dựng và hoạt động khai thác muối biển. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 2,56% so cùng kỳ; trong đó, chủ yếu do khai thác đá xây dựng tăng 40,2% so cùng kỳ tác động tăng chỉ số sản xuất của ngành, khai thác muối biển chỉ đạt 87,3% cùng kỳ do diện tích khai thác giảm (hậu quả mưa lũ cuối năm 2018 gây sạt lở) đồng thời sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho còn nhiều.

Công nghiệp chế biến, chế tạo: chiếm tỷ trọng 61,86% (cơ cấu chỉ số sản xuất toàn ngành), chỉ số sản xuất ước quý 1 giảm 0,8% so cùng kỳ. Trong đó: Sản xuất chế biến thực phẩm, dự ước tăng 1,17% , bao gồm các ngành: chế biến thủy sản (tôm đông lạnh) giảm 3,4%; chế biến nhân điều tăng 27,6%; sản xuất tinh bột mì giảm 8,5%; sản xuất đường (rs) giảm 48%; chế biến thực phẩm khác (muối chế biến) giảm 1,2%. Sản xuất đồ uống (chủ yếu bia đóng lon các loại), tăng 1,45% so cùng kỳ. Sản xuất vật liệu xây dựng ước giảm 4,2% so cùng kỳ, trong đó: sản xuất xi măng giảm 2%; sản xuất gạch đất nung tăng 18%; sản xuất gạch không nung giảm 52,7%. Ngành dệt (SX khăn bông) ước tính giảm 14,4% . Ngành sản xuất trang phục giảm 17,7% so cùng kỳ..

Công nghiệp sản xuất và phân phối điện... : chiếm tỷ trọng 16,16% (cơ cấu chỉ số sản xuất toàn ngành), chỉ số sản xuất dự tính quý 1 tăng 10,35%. Trong đó, sản xuất điện tăng 12,56% và phân phối điện tăng 8,2% so cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm mới điện gió ước đạt 65 triệu kwh, chiếm 16% sản lượng sản xuất quý 1/2019.

Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác ...: chỉ chiếm tỷ trọng 6,37% (cơ cấu chỉ số sản xuất toàn ngành), chỉ số sản xuất dự tính tăng 15,1% so cùng kỳ; trong đó hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 15% cùng kỳ; xử lý thu gom rác thải tăng 15,3% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm chủ yếu so với cùng kỳ

+ Khai thác muối các loại: những tháng đầu năm 2019 tình hình thời tiết  thuận lợi, tuy nhiên do hậu quả mưa lũ cuối năm 2018 gây sạt lở đồng muối, sản lượng tháng 1 chỉ đạt 14% cùng kỳ vì phải tập trung sửa chữa hạ tầng, sản lượng tháng 2 được nâng lên nhưng mới đạt 50% cùng kỳ, dự kiến sản lượng tháng 3 tăng hơn 15%. Bên cạnh đó lượng tiêu thụ chậm, muối tồn kho còn nhiều (tồn kho đến đầu tháng 3 hơn 85 ngàn tấn), giá tiêu thụ bình quân 1.000 đ/kg , vì vậy sản lư­ợng muối khai thác 3 tháng đầu năm ­ước chỉ đạt 66,7 ngàn tấn, giảm 12,7% so cùng kỳ (làm giảm 0,92 điểm % chỉ số chung).

+ Tôm đông lạnh: là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao (7,74%) trong tổng giá trị toàn ngành, có tác động nhiều đến tốc độ tăng tr­ưởng chung, do sản lượng tiêu thụ đạt thấp và nguyên liệu không đáp ứng đủ nên 3 tháng đầu năm sản xuất ước đạt 1.434,1 tấn, giảm 3,4% so cùng kỳ (làm giảm 0,26 điểm % chỉ số chung).

+ Bia các loại: dự kiến sản xuất trong 3 tháng đầu năm đạt 17,2 triệu lít, tăng 1,6% so cùng kỳ; đây là sản phẩm có giá trị gia tăng đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và toàn ngành công nghiệp (chiếm 11,6% tỷ trọng giá trị tăng thêm toàn ngành), sản lượng đóng góp tăng 0,18 điểm% chỉ số sản xuất chung toàn ngành.

+ Hạt điều khô: vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm vốn phục vụ dự trữ nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, dự kiến trong quý 1/2019 sản xuất 862,3 tấn, tăng 27,6% so cùng kỳ (tác động tăng 1,57 điểm % chỉ số chung).

+ Sản xuất đ­ường ước đạt 6.259 tấn, giảm 48% so cùng kỳ, do ảnh hưởng mưa lũ cuối năm 2018, sản lượng mía nguyên liệu không đáp ứng đủ theo yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp (làm giảm 0,94 điểm % chỉ số chung).

+ Sản xuất tinh bột mỳ: dự kiến trong quý I sản xuất 6.207 tấn, giảm 8,5% so cùng kỳ. Sản lượng nguyên liệu không đủ theo nhu cầu sản xuất do ảnh hưởng mưa lũ cuối năm 2018, giá tiêu thụ bình quân sản phẩm tăng 10% so cùng kỳ.

+ Điện sản xuất ước đạt 405,4 triệu kwh, so cùng kỳ điện sản xuất tăng 12,6% (tác động tăng 1,46 điểm % chỉ số chung). Trong đó sản lượng điện gió, điện mặt trời đóng góp ước đạt 65 triệu kwh, chiếm 16% sản lượng chung, thấp hơn 100 triệu kwh so với kế hoạch sản xuất do tiến độ của các dự án năng lượng tái tạo thực hiện còn chậm.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý đạt mức tăng trưởng thấp so cùng kỳ năm trước, chưa đạt kế hoạch đề ra; trong đó ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng giảm (-0,8%) do năng lực mới tăng thêm hầu như không có; riêng ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù tăng (+11,35%) nhưng chưa đạt dự kiến đề ra.

4. Xây dựng, đầu tư phát triển

Vốn đầu tư phát triển ước thực hiện quý I năm 2019 đạt 7.640,4 tỷ đồng, tăng  3,4 lần  so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vốn đầu tư nhà nước đạt 695,4   tỷ đồng, tăng 5% và chiếm 9 % trong tổng số vốn; Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 5.495 tỷ đồng, tăng  5,2 lần  so cùng kỳ và chiếm 72%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.450 tỷ đồng chiếm 19% , tăng  6,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư  trong quý 1 năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ chủ yếu là do nguồn vốn các doanh nghiệp FDI và tư nhân hoạt động thuộc lĩnh vực điện gió và điện mặt trời đầu tư vào tỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ (do tỉnh có chủ trương ưu đãi kêu gọi các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng xanh và sạch).

5. Thương mại, giá cả và dịch vụ

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2019 đạt 5.434,1 tỷ đồng, tăng 13,21% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2019 so với cùng kỳ năm trước thì, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 287,6 tỷ đồng, tăng 12,44%; kinh tế Tập thể đạt 5,9 tỷ đồng, tăng 10,59%; kinh tế tư nhân đạt 1.941,4 tỷ đồng, tăng 12,29%; kinh tế cá thể đạt 3.145,6 tỷ đồng, tăng 13,78%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 53,6 tỷ đồng, tăng 17,82%. Xét theo ngành kinh tế thì thương nghiệp đạt 4.202,7 tỷ đồng, chiếm 77,34% và tăng 13,06% so với cùng kỳ 2018, khách sạn-nhà hàng và du lịch lữ hành đạt 754,5 tỷ đồng, chiếm 13,88% và tăng 13,13% so với cùng kỳ 2018, dịch vụ đạt 476,9 tỷ đồng, chiếm 8,78% và tăng 14,63% so với cùng kỳ 2018.

a. Bán lẻ hàng hóa

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 03 năm 2019 đạt 1.394,9 tỷ đồng, tăng 13,6% so tháng cùng kỳ, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I năm 2019 đạt 4.202,76 tỷ đồng, tăng 13,06% so với cùng kỳ năm trước: Kinh tế Nhà nước đạt 215,33 tỷ đồng, tăng 112% so cùng kỳ; Kinh tế ngoài Nhà nước đạt 3.987,43 tỷ đồng, tăng 13,1% so cùng kỳ. Trong tổng mức bán lẻ thì nhóm ngành Lương thực, thực phẩm đạt 1.805,82 tỷ đồng, chiếm 42,97% và tăng 12,87% so cùng kỳ năm trước; nhóm ngành xăng, dầu các loại đạt 569,4 tỷ đồng, chiếm 13,55% và tăng 16,53%; nhóm ngành gỗ và vật liệu xây dựng đạt 401,15 tỷ đồng chiếm 9,55%, tăng 12,22%

b. Dịch vụ lưu trú, ăn uốngvà du lịch lữ hành

Doanh thu lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành tháng 3/2019 ước đạt 244,28 tỷ đồng, tăng 15,8% so tháng cùng kỳ. Nâng tổng số quí I năm 2019 đạt 753,1 tỷ đồng, tăng 13,1% so cùng kỳ. Trong đó: Kinh tế ngoài Nhà nước đạt 712,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,4% và tăng 12,9% so cùng kỳ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,6% và tăng 17,4%.

Nhìn chung hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong quý I/2019 phát triển tương đối mạnh, trong đó khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá, nhu cầu vui chơi, tham quan, giải trí, mua sắm và dịch vụ tiêu dùng của nhân dân và khách du lịch tăng lên trong những ngày có tết dương lịch, tết Nguyên Đán, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, do đó tình hình giá cả tương đối ổn định, hàng hoá được lưu thông thông suốt, mặc dù một số mặt hàng rau củ, trái cây, bia, thủy hải sản… tăng trong dịp Tết Nguyên đán, song mức tăng tương đương với cùng Tết năm trước, không có sự tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường.

Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong quý I/2019 khá sôi động và có sự đổi mới so với các năm, nhiều cơ sở lưu trú du lịch tăng cường đầu tư, chất lượng dịch vụ và các chương trình ngày càng mang tính chuyên nghiệp, đẳng cấp; năm nay khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc đổ về Ninh Thuận khá đông; các điểm du lịch trong tỉnh đều thu hút đông du khách, đặc biệt công suất phòng của một số cơ sở kinh doanh du lịch những ngày Tết Nguyên đán đạt 100% , và sở thích là khám phá các điểm mới của Ninh Thuận, như tham quan Vườn rau Oganic của Vĩnh Hy, trải nghiệm Mũi Dinh, đồi cát Nam Cương và khám phá Vườn quốc gia Phước Bình, phim trường Du Long...

c. Vận tải hành khách và hàng hóa

Doanh thu vận tải ước đạt 314,9 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa đạt 194,3 tỷ đồng, tăng 18,2% và doanh thu vận tải hành khách đạt 101 tỷ đồng, tăng 19,9%.

Vận chuyển hành khách đạt 1.848,1 ngàn lượt hành khách, tăng 18,9%; luân chuyển hành khách đạt 145,9 triệu hk.km, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển hàng hóa đạt 1.849,3 ngàn tấn hàng hóa, tăng 16,4%; luân chuyển hàng hóa đạt 141,7 triệu tấn.km, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Tình hình hoạt động vận tải quý 1 năm 2019 ổn định nhờ trước và sau dịp tết Nguyên đán, lượng hành khách lưu thông tăng. Đặc biệt ngành vận tải hành khách liên tỉnh doanh thu vận tải tăng cao hơn do dịp trước tết và sau tết Nguyên đán nên lượng khách lưu thông tăng nhiều, đồng thời giá cước vận chuyển hành khách trước tết Nguyên đán tăng từ 20% đến 60% đối với tuyến đường TP.HCM về Ninh Thuận, thời gian trong và sau dịp tết Nguyên đán giá cước vận chuyển hành khách tăng từ 40 đến 60%  đối với tuyến đường  từ Ninh Thuận vào TP. HCM, bên cạnh đối với hoạt động vận tải hàng hóa do lượng hàng hóa lưu thông phục vụ sản xuất kinh doanh sau dịp tết Nguyên đán cũng tăng nên góp phần doanh thu vận tải quý  1 năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm 2018.

d. Bưu chính -Viễn thông

Toàn tỉnh có 02 doanh nghiệp và 07 Văn phòng đại diện hoạt động bưu chính, chuyển phát. Có 99 điểm phục vụ bưu chính tăng 28 điểm so với thời điểm cuối năm 2018 (trong đó: 31 bưu cục; 39 bưu điện văn hóa xã; 29 điểm phục vụ thuộc loại hình khác). Bán kính phục vụ là 3,29 km/1 điểm giảm 0.61 km/1 điểm so với thời điểm cuối năm 2018 và bình quân 6.060 người/1 điểm phục vụ giảm 2.510 người/1 điểm phục vụ so với thời điểm cuối năm 2018. Trên địa bàn tỉnh hiện có 09 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình cáp; Có 182 điểm chuyển mạch tăng 109 điểm so với thời điểm cuối năm 2018; 284 tuyến viba tăng 115 tuyến so với thời điểm cuối năm 2018; 84 tuyến cáp đồng dài 2.303 km; 775 tuyến cáp quang tăng 205 tuyến với tổng chiều dài 6.691km tăng 872 km so với thời điểm cuối năm 2018, 1.455 trạm BTS (502 trạm 2G, 640 trạm 3G, 313 trạm 4G), 652 vị trí trạm BTS (216 vị trí cột ăngten sử dụng chung), 09 trạm điều khiển thông tin di động BSC. Phát triển 1.370 thuê bao điện thoại (370 thuê bao di động trả sau và 1.063 thuê bao di động trả trước). Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh là 635.520 thuê bao (trong đó điện thoại cố định 21.277 thuê bao; di động trả sau 29.110 thuê bao và di động trả trước 585.133 thuê bao), đạt mật độ 107 thuê bao/100 dân (trong đó mật độ điện thoại cố định và di động trả sau đạt 8,46 thuê bao/100 dân). Phát triển 875 thuê bao internet băng rộng (185 thuê bao internet cố định, 690 thuê bao internet di động); tổng số thuê bao internet băng rộng trên toàn tỉnh là 275.485 thuê bao (trong đó internet cố định băng rộng là 80.585 thuê bao, internet băng rộng di động là 194.900 thuê bao). Mật độ internet trên toàn tỉnh là 46,3 thuê bao/100 dân.

e. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1 năm 2019 ước đạt 12,922 triệu USD, giảm 6,24% so cùng kỳ và đạt 12,92% kế hoạch. Các mặt hàng xuất khẩu gồm: Thủy sản ước đạt 4,0 triệu USD, giảm 49,42% so cùng kỳ; nhân điều ước đạt 7,1 triệu USD, tăng 32,47% so cùng kỳ; sản phẩm mây tre ước đạt 0,02 triệu USD, giảm 22% so cùng kỳ; hàng dệt may ước đạt 1,8 triệu USD, tăng 270% so cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Mỹ, Hà Lan, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong quý I/2019, xuất khẩu có một vài tín hiệu khả quan, hàng dệt và may mặc (Khăn bông) bứt phá với sự gia tăng về trị giá xuất tăng gần gấp 3 lần so 2018, khẳng định lợi thế từ CPTPP; sản phẩm nha đam (Cánh Đồng Việt) đã xuất sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản; nhân điều với sự tham gia của thêm 01 doanh nghiệp (Long Sơn LBL) góp phần tăng kim ngạch so cùng kỳ 2018. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu chưa cao, giảm so cùng kỳ 2018 (6,24%). Nguyên nhân là do mặt hàng tôm đông lạnh đã đẩy mạnh hoạt động xuất những tháng cuối năm 2018 nên tạm giảm trong quý I/2019.

Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 94,93 triệu USD, tăng hơn 2.700% so cùng kỳ 2018 từ mặt hàng tấm pin quang điện, hệ thống khung, giá đỡ, các thiết bị, linh kiện đi kèm,.. của các dự án điện mặt trời, điện gió.

II. KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03 năm 2019 giảm 0,41% so với tháng trước (khu vực thành thị giảm  0,57%, khu vực nông thôn giảm 0,24%); trong đó chỉ số nhóm hàng hóa giảm 0,42% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm giảm 1,44%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,77%), chỉ số nhóm dịch vụ giảm 0,41% so với tháng trước. So với bình quân cùng kỳ năm 2018, CPI tăng 2,61%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 03 có nhóm chỉ số giá  tăng với mức tăng: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,84%; giao thông tăng 1,80%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%. 06 nhóm có chỉ số giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,24%; đồ uống thuốc lá giảm 0,36%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01%; thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,05%; văn hóa, giả trí và du lịch giảm 2,18%. Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông, nhóm giáo dục tương đối ổn định.

Giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh trong tháng 03/2019 giảm ở một số mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, may mặc, giải trí và du lịch do sức mua đầu năm vẫn còn yếu nên giá cả các mặt hàng rau củ giảm mạnh, nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân giảm Sau Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, góp phần làm CPI tháng này giảm so với tháng trước.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Chỉ số nhóm này giảm 1,24%, trong đó:

+ Lương thực: tăng 0,32% do thị trường thiêu thụ trong tháng khá thuận lợi, sức mua vào của doanh nghiệp khá mạnh, năng suất thu hoạch vụ mùa năm nay giảm nên giá lúa, gạo tăng nhẹ so với tháng trước, cụ thể: gạo tẻ thường giá từ 10.000 – 11.500 đồng/kg, gạo tẻ ngon giá 16.000-18.000 đồng/kg, gạo nếp ngon từ 24.000-26.000 đồng/kg; giá ngô còn nguyên bắp tăng 7,05% do nguồn cung ít.

+ Thực phẩm: giảm 2,12% so với tháng trước, nhóm này giảm do:

* Giá heo hơi bắt đầu giảm trong tháng 3/2019 do dịch tả châu phi lan sang các tỉnh phía bắc làm cho người dân lo ngại sử dụng mặt hàng này đã đẩy giá heo thịt và nội tạng giảm 2,07%; kéo theo giá các mặt hàng thịt chế biến giảm 5,11% so với tháng trước.

* Giá trứng các loại giảm mạnh, giảm 9,32% do sau tết nhu cầu chế biến thực phẩm (bánh kẹo, các sản phẩm khác,…) giảm, cộng với đàn gia cầm của các hộ dân tăng cao là yếu tố chính khiến giá trứng giảm mạnh .

* Ngư trường khai thác thuận lợi, sản lượng đánh bắt đa dạng, phong phú nên giá nhiều mặt hàng thủy sản giảm, làm chỉ số giá nhóm thủy sản tươi sống giảm 1,63%; thủy sản chế biến giảm 0,55%.

* Mặt hàng rau tươi khô và chế biến giảm 5,80% do thời tiết nắng ấm sau Tết tạo điều kiện cho các loại rau phát triển nhanh, nguồn cung rau, củ dồi dào trong khi đó sức mua giảm nên giá một số mặt hàng giảm, cụ thể: giá su hào giảm 13,29%; giá cà chua giảm 32,77%; rau muống giảm 6,71%;…

* Mặt hàng quả tươi chế biến giảm 2,99% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng nên một số mặt hàng trong nhóm giá giảm so với tháng trước.

+ Ăn uống ngoài gia đình: giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình giảm 0,37% do sau tết một số mặt hàng trở lại giá ngày thường và một số vẫn giữ giá tăng, trong đó: ăn ở quán bình dân giảm 1,16%; mặt hàng uống ngoài gia đình tăng 4,75%.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá: giảm 0,36% so với tháng trước, nhóm này giảm chủ yếu giá bia lon các loại giảm do giá giảm so với giá Tết.

- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép: so với tháng trước nhóm này giảm 0,43%; sau tết nhu cầu về các mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm, làm chỉ số giá nhóm này giảm so với tháng trước.

- Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng: tăng 0,84% so với tháng trước. Nhóm này tăng chủ yếu giá gas tăng 17.000 đồng/bình 12kg các loại từ ngày 01/03/2019, làm chỉ số giá gas tăng 5,13%; giá dầu hỏa tăng 4,59%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,82% do giá xi măng, giá sắt thép tăng; lượng nước sinh hoạt tiêu thụ tăng 1,02%; điện sinh hoạt tăng 0,27%, góp phần làm chỉ số nhóm này tăng so với tháng trước.

- Nhóm giao thông: đây là  nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính. Nhóm này tăng 1,80% do giá nhiên liệu tăng 5,49%, cụ thể: xăng A95, xăng Ron E5 tăng 960 đồng/lít; dầu Diezen tăng 980 đồng/lít; giá dịch vụ sữa chữa xe đạp tăng 2,34% do ảnh hưởng tăng từ tháng trước. Tuy nhiên, giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 11,63% do giá vé ô tô khách giảm 13,86%, giá vé tàu hỏa giảm 14,40%, cũng chưa làm chỉ số nhóm này tăng cao so với tháng trước.

Nhóm văn hóa giải trí và du lịch: giảm 2,18%, nhóm này giảm chủ yếu giá hoa tươi giảm 8,92% do số lượng hoa sau tết nhiều và sau ngày 14/2 (ngày lễ tình nhân) giá hoa giảm mạnh; sau tết giá nhà khách, khách sạn trở lại giá cũ nên chỉ số giá nhóm này giảm 5,36% so với tháng trước.

2. Tài chính, ngân hàng

a. Tài chính

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh quý I năm 2019 ước đạt 1.272 tỷ đồng, đạt 47,1% kế hoạch, trong đó: thu nội địa đạt 733 tỷ đồng, đạt 30,5% kế hoạch, tăng 6,8% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 539 tỷ đồng, đạt 179,7% kế hoạch. Trong 15 khoản thu cân đối ngân sách, chỉ có 03 nguồn thu thu thấp và giảm so cùng kỳ: thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 550 triệu đồng, giảm 18,5%; thu tiền cho thuê đất đạt 6,4 tỷ đồng, giảm 18,3%; thu Xổ số kiến thiết đạt 175,7 tỷ đồng, giảm 54,1%. Còn lại 12 khoản thu đều đạt và vượt so cùng kỳ; Một số khoản thu tăng cao như: Thu từ khu vực DN có vốn ĐTNN đạt 166,6 tỷ đồng tăng 108,5% so cùng kỳ; Thu tiền sử dụng đất đạt 46 tỷ đồng tăng 133,6%; Thu từ DNNN địa phương 12,1 tỷ đồng tăng 28,4%; Thuế BVMT tăng 72,7%,...

Tổng chi ngân sách ước đạt 1.400 tỷ đồng/ 5.352 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch. Nhìn chung, công tác chi ngân sách của tỉnh đảm bảo kế hoạch đề ra và cơ bản đáp ứng việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

b. Ngân hàng

Theo báo cáo của Chi nhánh ngân hàng nhà nước tỉnh ước đến 31/03/2019, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 13.800 tỷ đồng, tăng 2.259 tỷ đồng (+19,57%) so với cùng kỳ; tăng 570 tỷ đồng (+4,31%) so với cuối năm 2018, bằng 26,9% kế hoạch năm 2019. Trong đó: Tiền gửi tiết kiệm từ dân cư: Ước đạt 9.580 tỷ đồng, chiếm 69,42% trong tổng nguồn huy động, tăng 1.242 tỷ đồng (+14,90%) so với cùng kỳ, tăng 507 tỷ đồng (+5,59%) so với cuối năm 2018; Tiền gửi thanh toán: Ước đạt 3.980 tỷ đồng, chiếm 28,84%, tăng 1.149 tỷ đồng (+40,59%) so với cùng kỳ, tăng 48 tỷ đồng (+1,22%) so với cuối năm; Phát hành giấy tờ có giá: Ước đạt 240 tỷ đồng, chiếm 1,74%, giảm 132 tỷ đồng (-35,48%) so với cùng kỳ, tăng 15 tỷ đồng  (+6,67%) so với cuối năm.

Ước đến 31/3/2019, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 21.350 tỷ đồng, tăng 3.226 tỷ đồng (+17,80%) so với cùng kỳ, tăng 556 tỷ đồng (+2,67%) so với cuối năm 2018, bằng 11,9% kế hoạch; trong đó vay ngắn hạn: 9.898 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,35% trong tổng dư nợ, tăng 1.248 tỷ đồng (+14,43%) so với cùng kỳ, tăng 98 tỷ đồng (+1,00%) so với cuối năm 2018; vay trung, dài hạn: 11.455 tỷ đồng, chiếm 53,65%, tăng 1.978 tỷ đồng (+20,87%) so với cùng kỳ, tăng 458 tỷ đồng (+4,16%) so với cuối năm 2018.

Ước đến 31/3/2019, dư nợ xấu trên địa bàn là 128 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,60% so với tổng dư nợ, giảm 0,54% so với tỉ lệ 1,14% cùng kỳ năm 2018 (số tuyệt đối tăng 3,3 tỷ đồng) (bằng về số tuyệt đối tại thời điểm cuối năm 2018).

Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong tháng 03/2019 ổn định, an toàn và phát triển, đầu tư tín dụng tăng trưởng khá, tập trung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh và các chương trình tín dụng trọng điểm gắn với kiểm soát chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, góp phần vào sự ổn định và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu tuy trong tầm kiểm soát nhưng tiềm ẩn rủi ro phát sinh cao và nợ nhóm 4, nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn (trên 80%), do hoạt động một số doanh nghiệp có dư nợ lớn gặp khó khăn, chậm phục hồi, thậm chí phá sản; công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chậm. Một số cơ chế, quy định của các Bộ, ngành Trung Ương hướng dẫn thực hiện Nghị Quyết 42 chưa kịp thời; về phía các Sở, ngành địa phương chưa tích cực phối hợp thực hiện theo sự phân công nhiệm vụ tại Quyết định 313/QĐ-UBND ngày 21/9/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Đời sống, chính sách xã hội và việc làm

Trong quý I năm 2019 các ngành tập trung chăm lo tổ chức các hoạt động thăm hỏi và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 cho các đối tượng chính sách Người có công với cách mạng; người nghèo; bảo trợ xã hội và trẻ em... trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ định mức, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, khiếu nại, qua đó tạo niềm tin, phấn khởi cho Nhân dân và dư luận đánh giá cao; công tác cấp phát gạo được thực hiện kịp thời, công khai, đúng đối tượng. Thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, Người có công với cách mạng cho Tổ chức thăm tặng quà tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 cho các đối tượng người có công với cách mạng, các đơn vị với tổng số: 20.700 định suất/5.584 triệu đồng; trong đó: Quà Chủ tịch nước: 6.620 định suất/1.270,8 triệu đồng; Quà tỉnh:10.007 định suất /3.122,9 triệu đồng; Quà huyện, xã: 704 định suất /159,5 triệu đồng; Quà của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp: 08 định suất/12 triệu đồng. Doanh nghiệp, Cá nhân: 3.361 định suất/1.030,788 triệu đồng. Cho các đối tượng bảo trợ xã hội và Hộ nghèo 33.355 người với kinh phí 6.671triệu đồng, Trong đó: Đối tượng tại cộng đồng: 18.606 người, với kinh phí: 3.721,2 triệu đồng. Đối tượng nuôi tại tập trung cơ sở bảo trợ xã hội: 283 người, với kinh phí: 56,6 triệu đồng. Đối tượng Học viên tại Cơ sở cai nghiện Ma túy: 75 người, với kinh phí: 15 triệu đồng. Quà mức 200.000 đồng hỗ trợ Tết cho hộ nghèo: 14.391hộ/ 2.878,2 triệu đồng và Quà Chủ tịch nước thăm 26 Người Cao tuổi với kinh phí 32,5 triệu đồng. Tổ chức cấp phát hỗ trợ gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho 13.247 hộ/53.152 khẩu với số gạo: 797.280 kg cho các huyện. Vận động hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Mỹ Sơn dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 với 225 suất quà, trị giá mỗi suất 200.000đ với kinh phí 55 triệu đồng.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh; trong quý I/2019, đã giải quyết việc làm mới 4.745 lao động/15.500 lao động đạt 30,61% kế hoạch giao. Trong đó: (lao động trong tỉnh: 1.489 lao động; lao động ngoài tỉnh: 3.200 lao động; xuất khẩu lao động: 56 lao động/150 lao động đạt 37,3% kế hoạch giao). 4.369 người được tư vấn việc làm, 266 người được giới thiệu việc làm, 121 người được tuyển dụng.Tổ chức tuyển mới đào tạo nghề cho 1.621/8.500 người đạt 19% so với kế hoạch, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2018 (Trong đó dạy nghề sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 1.621 người; trình độ Trung cấp, Cao đẳng tháng 09/2019 mới tuyển sinh).

Phối hợp cùng Đoàn Resurge International (Hoa Kỳ) tổ chức khám, sàn lọc và phẩu thuật cho 270 người khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch, sụp mi, sẹo bổng co rút,…. Kết quả có 147 bệnh nhân là trẻ em và có 81 bệnh nhân được phẩu thuật ( tăng 64 trường hợp là trẻ em).

2. Giáo dục và đào tạo

Tổ chức sơ kết học kỳ I năm học 2018-2019 và xếp loại học lực Học sinh cấp trung học cơ sở đạt trung bình trở lên 86,9%, tăng 10,5% và Trung học phổ thông đạt trung bình trở lên 82%, tăng 1% so năm học trước.

Tình hình học sinh bỏ học của ba cấp học trong học kỳ I năm học 2018-2019 có 460 hs/112.330 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,41%, giảm 0,09% so với cùng kỳ; trong đó: Cấp Tiểu học 35 hs/57.734 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,06 %, giảm 0,02% so với cùng kỳ; Cấp THCS 222 hs/37.816 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,59% so với cùng kỳ giảm 0,2%; Cấp THPT 203 hs/16.780 hs có mặt đầu năm, chiếm tỷ lệ 1,2% so với cùng kỳ giảm 0,24%.

Tính đến tháng 03/2019, tổng số trường đạt chuẩn là 118 trường, trong đó: trường phổ thông là 100/234 trường (Tiểu học 68 trường,THCS 29 trường, THPT 03 trường) đạt tỷ lệ 42,73%, tăng 5,43% so với cùng kỳ năm trước; trường mầm non 18/88 trường đạt tỷ lệ 20,5%, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Số trường Tiểu học triển khai học 2 buổi/ngày có 146/150 trường; số học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày có 33.723 hs/57.734 hs, đạt tỷ lệ 58,41%, giảm 5,05% so với cùng kỳ năm trước

Tổ chức kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập, xóa mù chữ năm 2018 đối với các huyện, thành phố; kết quả 7/7 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập XMC năm 2018 và đề nghị Bộ GDĐT kiểm tra công nhận tỉnh Ninh Thuận đạt chuẩn phổ cập GD,XMC năm 2018.

Tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi THPT tham dự cấp quốc gia năm 2019 đảm bảo an toàn, đúng quy chế (gồm 51 học sinh dự thi, kết quả 02 giải Ba và 06 giải Khuyến khích); kỳ thi Khoa học kỹ thuật học sinh THPT cấp tỉnh năm học 2018-2019 (gồm 36 dự án, đề tài/10 lĩnh vực dự thi, trong đó: cấp THPT 31 dự án/49 học sinh dự thi, cấp THCS 05 dự án/05 học sinh dự thi. Kết quả: Cấp THPT có 02 giải Nhì, 04 giải Ba, 12 giải Tư; cấp THCS có 03 giải Tư; trong đó có 06 dự án được chọn tham dự thi cấp quốc gia tại TP Hồ Chí Minh); Tổ chức Hội thảo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019; phối hợp Báo Thanh niên, chỉ đạo các trường tham gia  Chương trình tư vấn mùa thi cho học sinh lớp 12 toàn tỉnh.

3. Hoạt động văn hóa

Tổ chức tốt tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trưng bày triển lãm, tuyên truyền cổ động đón chào Xuân mới 2109. Hướng dẫn công tác tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2019; tuyên truyền và tổ chức các chuỗi hoạt động phong phú và đa dạng Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2019) và Mừng Đảng - Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 phục vụ trên 55.000 lượt quần chúng nhân dân trong tỉnh và du khách tham dự. Tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền chào mừng Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 29 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12); kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Viêt Nam (03/02) và những thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 2018 gắn với 60 năm Ngày quân và dân ta nổi dậy phá khu tập trung Bà Râu (07/02/1959-07/02/2019) và các nhiệm vụ chính trị, chương trình, sự kiện của tỉnh. tuyên truyền điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; Luật Nghĩa vụ quân sự; Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện thắng lợi Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tránh lợi dụng lễ hội để tổ chức mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, bạo lực.

Tổ chức thành công giải Bóng rổ phong trào Mừng Đảng – Mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Giải Quần vợt truyền thống.  Tiến hành triển khai xây dựng Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Hướng dẫn tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Ninh Thuận năm 2019. Các đội quần vợt, điền kinh tăng cường tập luyện chuyên môn chuẩn bị tham gia thi đấu các giải toàn quốc trong tháng 3/2019. Hoàn thành tốt công tác phối hợp đón và đưa đoàn Giải đua xe đạp Nữ Quốc tế Bình Dương mở rộng lần thứ IX năm 2019 – Cúp Biwase. Tham dự 01 giải thể thao quốc gia và 01 giải khu vực mở rộng;  đạt 01 HCV, 01 HCB, 02 HCĐ. Tham dự Giải Vô địch Điền kinh Trẻ Đông Nam Á lần thứ 14 – năm 2019 tại Philippines; đạt 01 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ.

4. Tình hình dịch, ngộ độc thực phẩm

Ước quý I/2019, có 518 trường hợp mắc bênḥ Sốt xuất huyết, tăng 7,7 lần so với cùng kỳ ( tăng 67 trường hợp); có 38 trường hợp mắc bệnḥ Tay chân miêng̣, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ (tăng 16 trường hợp). Chưa phát hiện trường hợp mắc các loại Cúm A, bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh.

Phòng chống Sốt rét: Ước quý I/2019, số bệnh nhân sốt rét là 12 trường hợp, tăng 03 trường hợp; ký sinh trùng sốt rét (+) 11 trường hợp, tăng 02 trường hợp so với cùng kỳ.

Phòng chống Lao: Ước quý I/2019, bệnh nhân lao thu dung là 159 trường hợp, giảm 6,5%; tổng số bệnh nhân quản lý điều trị là 573 trường hợp, tăng 6,3%; số bệnh nhân M(+) mới trị lành 85 trường hợp, giảm 3,4%.

Phòng chống Phong: tổng số bệnh nhân Phong đang quản lý là 194 trường hợp, giảm 02 trường hợp; số bệnh nhân đa hóa trị liệu 03, giảm 25%; số bệnh nhân được chăm sóc tàn tật 34, tăng 9,7%.

Ước quý I/2019 có 1.101 trẻ được tiêm chủng, đạt 9,5% kế hoạch (Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi giảm là do tình hình thiếu vắc xin trong Dự án Tiêm chủng mở rộng, trong tháng 01/2019 tỉnh Ninh Thuận chỉ được cấp  6.200 liều vắc xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five), số liều vắc xin còn thiếu so với nhu cầu là 14.300 liều); tiêm UV2 cho 884 phụ nữ có thai, đạt 9,1%.

Tính từ 1995 đến nay, toàn tỉnh có 500 trường hợp nhiễm HIV (nam 347, nữ 153), chuyển sang AIDS 366 trường hợp, tử vong do HIV/AIDS 197 trường hợp. Số người nhiễm HIV hiện còn sống là 303 người (trong đó có 169 trường hợp chuyển sang AIDS). Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS cộng đồng là 0,05%.

Tổ chức 74 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán (01 đoàn do Sở Y tế chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, 08 đoàn của tuyến huyện, thành phố, 65 đoàn của tuyến xã, phường, thị trấn). Kết quả thanh tra 2.199 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có 1.967cơ sở đạt vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm 89,4% và 232 cơ sở không đạt chiếm 10,6%. Test nhanh 552  mẫu thực phẩm, kết quả có 549/552 mẫu âm tính (99,5%); 03 mẫu dương tính (01 hàn the trong tàu hủ ki và 02 độ ôi khét trong dầu). Nhắc nhở 232 cơ sở (tỉnh: 02 cơ sở, huyện, thành phố: 49 cơ sở; xã, phường, thị trấn: 181 cơ sở) do vệ sinh cơ sở chưa sạch sẽ, trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo ATTP, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, dương tính hàn the và độ ôi khét dầu ăn với số lượng ít.

5. Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 3 năm 2019 không xảy ra cháy, nổ. Tính chung quí I năm 2019 xảy ra 03 vụ cháy, giảm 02 vụ so cùng kỳ, không thiệt hại về người, tài sản thiệt hại 2.136 triệu đồng.

Phát hiện kịp thời 04 vụ và xử lý 07 đối tượng đốt pháo nổ (tại các phường Tấn Tài, Thanh Sơn, Mỹ Bình thuộc thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) vào đêm 30 Tết. Cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý theo quy định.

6. An toàn giao thông  (Số liệu tính từ ngày 16 tháng 02 năm 2019 đến ngày 15 tháng 3 năm 2019)

- TNGT đường bộ: Xảy ra 02 vụ ( nghiêm trọng 02 vụ); làm chết 02 người; bị thương 01 người; thiệt hại tài sản khoảng 07 triệu đồng. So với tháng 02/2019: Số vụ giảm 06 vụ; số người chết giảm 05 người (-71,43%); số người bị thương giảm 06 người (-85,71%); thiệt hại tài sản giảm 73 triệu đồng (-91,25%). So với tháng 3/2018: Số vụ giảm 07 vụ (-77,78%); số người chết giảm 06 người (-75%); số người bị thương giảm 02 người (-66,67%); thiệt hại tài sản giảm 26 triệu đồng (+900%).

- VCGT đường bộ: Xảy ra 04 vụ; làm bị thương nhẹ 04 người; thiệt hại tài sản 2,5 triệu đồng. So với tháng 02/2019: Số vụ tăng 01 vụ (+33,33%); Số người bị thương giảm 01 người (-20%); thiệt hại tài sản giảm 1,5 triệu (-37,5%). So với tháng 3/2018: Số vụ giảm 03 vụ (-42,86%); số người bị thương giảm 06 người (-60%); thiệt hại tài sản giảm 13,2 triệu đồng (-84,07%).

- TNGT và VCGT đường sắt, đường thủy: Không xảy ra. So với tháng 02/2019 và tháng 3/2018: Không tăng, không giảm.

Tính chung 03 tháng năm 2019 (từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/3/2019) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 13 người, bị thương 36 người. So với cùng kỳ năm trước, giảm 3 tiêu chí, số vụ giảm 35 vụ, số người chết giảm 07 người, số người bị thương giảm 41 người.

Tóm lại:  Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội quí I năm 2019 trên địa bàn tỉnh mặc dù trong bối cảnh có không ít khó khăn, sản xuất công nghiệp không được thuận lợi, một số sản phẩm chủ yếu đạt thấp so với cùng kỳ,..nhưng nhiều lĩnh vực vẫn đạt được một số kết quả nhất định. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong điều kiện thời tiết có nhiều thuận lợi, xây dựng, dịch vụ tăng trưởng khá so cùng kỳ; Các chủ trương, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ về ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đạt một số kết quả bước đầu.Trong lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng, công tác chăm lo cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong dịp tết Nguyên đán được quan tâm thực hiện tốt hơn, qui mô giáo dục được duy trì và chất lượng giáo dục được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; an ninh, chính trị được giữ vững./.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 993
  • Trong tuần: 5836
  • Tất cả: 971234

Copyright © 2016 CỤC THỐNG KÊ TỈNH NINH THUẬN

ĐƯỜNG 16 THÁNG 4, PHƯỜNG MỸ HẢI,  TP. PHAN RANG - THÁP CHÀM, NINH THUẬN

Điện thoại: 0259 3 830318  * Email: ninhthuan@gso.gov.vn